Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 25/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

NGƯỜI VIỆT CHỊU ÁP LỰC HỌC HÀNH ĐẾN TỪ NHIỀU PHÍA

Đó là nhìn nhận của giáo viên, nhà tâm lý học người nước ngoài về câu chuyện nhiều học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần từ áp lực học hành.

Người Việt chịu áp lực học hành đến từ nhiều phía - Ảnh 1.

Học sinh ra về sau khi học thêm vào buổi tối tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TPHCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đối với học sinh, học phải là niềm vui. Những con điểm chỉ có ý nghĩa với một bài kiểm tra, không có ý nghĩa với cuộc đời và niềm vui sống của bạn

Anh ANDREW

* Cô Jacqueline Langton (Phòng tham vấn tâm lý và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, Đại học quốc tế RMIT VN):

Áp lực từ phụ huynh và nhà trường

jacqui langton  ngay 22-4 3(read-only)

Cô Jacqueline Langton (Phòng tham vấn tâm lý và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, Đại học quốc tế RMIT VN)

Tôi là nhà tâm lý học đã làm việc tại Việt Nam gần tám năm. Trong thời gian đó, tôi chủ yếu tiếp xúc với các sinh viên đại học, sinh viên trường quốc tế và một số học sinh năm cuối cấp III. 

Dù khác nhau về văn hóa và tuổi tác, nhưng hầu hết các bạn trẻ đều có chung các nguyên nhân khiến họ bị áp lực và căng thẳng.

 

Chúng ta hẳn đều nhớ được cảm giác bị điểm thấp ở trường và thấy như thể tương lai mình mờ mịt rồi. Sau đó ta rời trường, nhìn lại và hiểu rằng mọi thứ không tồi tệ đến thế. 

Có rất nhiều người khởi nghiệp thành công mà không học hết trường trung học, nhiều người không học đại học nhưng vẫn biết mình muốn gì và thành công. 

Mỗi chặng đường ta đi không nhất thiết phải giống như những người khác, nhưng thực tế là hầu hết mọi người đều cảm thấy áp lực như nhau khi học trung học hoặc đại học.

Khi làm công việc tư vấn tâm lý, các vấn đề mà học sinh hoặc sinh viên gặp phải đều xoay quanh các kỳ vọng mà gia đình mong đợi, áp lực mà nhà trường đặt lên vai học sinh, đặc biệt là ở các ngôi trường nổi tiếng. 

Ngoài ra, nhiều học sinh cũng tự đặt áp lực lên bản thân mình. Có những bạn trẻ đủ sức để vượt qua các áp lực này, nhưng cũng có người bị căng thẳng đến mức không thể chia sẻ cho ai và không biết cách nào để tự giải thoát.

Số liệu thống kê trên toàn thế giới đều cho thấy số lượng người trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng hoặc trầm cảm đang tăng lên. Ngoài ra, con số các vụ tự tử hoặc tự làm tổn thương cũng tăng lên so với trước kia. 

Mạng xã hội cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các bạn trẻ có xu hướng so sánh bản thân với người khác xem ai hạnh phúc hơn, may mắn hơn, nổi tiếng hơn, giỏi giang hơn... 

Tuy nhiên, hầu hết các so sánh này đều không đúng vì nhiều người chỉ khoe khoang những điều tích cực trên mạng xã hội và vô tình khiến các bạn trẻ cảm thấy áp lực.

* Ông Stivi Cooke (người Úc, giáo viên tiếng Anh):

stivi cooke  22-4 3(read-only)

Ông Stivi Cooke (người Úc, giáo viên tiếng Anh)

Tôi từng chứng kiến nhiều học sinh, sinh viên thất bại, phải nghỉ học và chịu tổn thương vì áp lực, có người còn tìm đến cả ma túy và rượu. 

Nhiều du học sinh sống xa nhà lần đầu, luôn cảm giác rằng họ phải làm thật tốt, đặc biệt là với học sinh, sinh viên châu Á. 

Họ cảm thấy mình phải học giỏi hơn vì cha mẹ hoặc vì sự nghiệp tương lai của mình.

Khi tôi bắt đầu ra nước ngoài dạy học, tôi mới thấy được khối lượng bài vở "điên rồ" của nhiều học sinh ngay từ năm 10 tuổi. 

Sau một thời gian dạy tiếng Anh ở Việt Nam, tôi thấy nguyên nhân dẫn đến áp lực mà các em phải chịu đến từ cha mẹ, chương trình học, từ giáo viên, các lớp học thêm buổi tối và cuối tuần, thiếu thời gian thư giãn và sự cạnh tranh cũng như nhu cầu được điểm cao.

Tôi nghĩ một số giải pháp có thể giúp các em giảm được áp lực từ việc học. 

Đầu tiên là bằng luật pháp. Cần quy định tất cả các lớp học tư không được dạy quá 8h tối và không được phép có bất kỳ lớp học thêm nào vào chủ nhật. 

Thứ hai, chỉ nên có duy nhất một kỳ thi chính để chuyển từ tiểu học lên trung học. Thứ ba, đừng để học sinh phải phản ảnh các vấn đề trong nhà trường. Hãy thanh lọc đội ngũ giáo viên, tuyển dụng những người giỏi và đào thải những người chưa xứng đáng.

Tiếp theo nữa là đừng kỳ vọng học sinh trở thành thiên tài khi các em đang trong độ tuổi 6-16. Điểm số nên được chấm dựa vào khả năng học của các em chứ không phải khả năng học thuộc lòng.

Môi trường học tập phải được tạo dựng theo hướng trẻ em có thể lên tiếng về những vấn đề của mình, về những điều các em lo sợ và có thể được tư vấn cách giải quyết rắc rối trong cuộc sống gia đình cũng như sức khỏe.

Phần Lan là một đất nước đáng để học hỏi trong chuyện này. Những vụ học sinh, sinh viên tự tử xảy ra ở nhiều nơi, cả ở những nước có nền giáo dục tốt trên thế giới như Singapore, các nước Tây Âu, Úc và cả Phần Lan.

Tuy nhiên, tỉ lệ tự tử trong học sinh, sinh viên ở Phần Lan đã và đang giảm rất nhanh. Vậy họ đã làm gì? Họ có ít bài tập về nhà và có những kỳ nghỉ dài hơn các nước khác. 

Ở Phần Lan, các lớp học có quy mô nhỏ hơn, có rất nhiều hoạt động ngoài học thuật và họ nhấn mạnh sự hỗ trợ đối với học sinh chứ không để học sinh tự "vật lộn" một mình. Một giáo viên người Phần Lan từng nói rằng: "Chúng tôi nghĩ trường học là để chuẩn bị cho cuộc sống chứ không phải là sống để học".

Nên có các phương pháp hỗ trợ phù hợp

Tôi cho rằng các phương pháp hỗ trợ phù hợp dành cho học sinh, sinh viên là yếu tố rất quan trọng. Các nhà tư vấn tâm lý ở trường học sẽ giúp các bạn trẻ trải lòng và chia sẻ những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Ngoài ra, nhà trường nên có các chương trình chăm sóc sức khỏe cho học sinh, ví dụ như dạy các bạn trẻ thiền, kỹ năng sống, kỹ năng thư giãn hay cách giao tiếp với thái độ tự tin. Một cách khác là tập huấn cho các bậc phụ huynh về các vấn đề sức khỏe tâm thần và cách hỗ trợ con cái họ nếu chúng gặp phải tình trạng này. Jacqueline Langton

Anh Andrew (thợ mộc, nghỉ học năm lớp 11):

Đi con đường riêng, miễn thấy hạnh phúc

andrew 22-4 3(read-only)

Anh Andrew cùng đồng nghiệp Việt Nam trong xưởng mộc tại Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: HỒNG VÂN

Trên thực tế, có rất nhiều kỹ năng và kiến thức có thể học mà không cần đến trường lớp. Hãy hình dung một cậu bé sinh ra trong một gia đình bán quán cà phê. Từ nhỏ cậu đã biết pha cà phê, bảo quản nguyên vật liệu, nói chuyện với khách hàng, làm việc với nhà cung cấp, đào tạo nhân viên thế nào...

Tất cả những điều đó hoàn toàn có thể tự học và cậu chàng chắc chắn có thể quản lý được quán cà phê, quán ăn mà không gặp khó khăn khi trưởng thành.

Đây không phải là ví dụ, đây là câu chuyện thực từ con trai nuôi của tôi. Tuổi thơ của cháu được trải nghiệm rất nhiều nghề khác nhau như nghề mộc của tôi, rồi cháu phụ làm với nhiều cửa hàng trong vùng và phát hiện mình thích giao tiếp với khách.

Sau này khi học xong trung học, cháu làm việc cho một nhà hàng và khi mới 22 tuổi, cháu được chọn là nhân viên phục vụ xuất sắc của nhà hàng.

Tôi bỏ học khi đang học lớp 11. Ba tôi chỉ nói: "Đến xưởng mà làm việc". Ngày thứ năm tôi nghỉ học thì ngày thứ hai tuần kế tiếp tôi đến xưởng và làm như công nhân cho ba tôi. Tôi làm tất cả mọi việc thành thạo vì đã theo ông học nghề suốt nhiều năm.

Khi bạn làm nghề mộc, bạn học về kích thước, đo đạc liên quan đến toán, bạn phải áp dụng các quy luật vật lý để lấy ánh sáng và gió khi làm nhà cho khách hàng. Bạn cũng học về thiết kế, kiến trúc, bạn biết về điện, nước, thiết kế đường ống dẫn và xả nước.

Rồi bạn học về lịch sử, nhìn một ngôi nhà sẽ biết nhà mang đặc điểm thiết kế gì, của thời nào... Nói chung tôi đã học toàn bộ về nghề mộc và những thứ liên quan đến nghề qua công việc thực tế và qua đài radio để trở thành một thợ mộc lành nghề.

Tôi đã sống ở Việt Nam 11 năm, nhiều bạn trẻ thường nói với tôi họ quá mệt mỏi với việc học hành, điểm số hay nhìn lại những gì đã học ở trường, họ thấy đa số là không áp dụng gì vào cuộc sống của mình sau này. Họ nói muốn bỏ học và làm điều mình thích... giống như tôi hay nhiều người khác nhưng không dám.

Ai cũng có một con đường, một ước mơ. Với tôi, làm điều gì mình hạnh phúc là điều quan trọng và tôi ủng hộ những người lựa chọn con đường riêng của mình dẫu đó không phải là trường lớp.

HỒNG VÂN ghi 

BÌNH MINH - NGỌC ĐÔNG ghi

Nguồn: tuoitre.vn

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển