Học sinh tại các thành phố lớn đã “ngập” trong quảng bá về các chương trình dạy kỹ năng sống, hoạt động hè. Trong khi phụ huynh ở nông thôn lại nhấp nhổm lo thiếu sân chơi.
“Ngập” trong trại hè
Còn 1 tháng nữa mới nghỉ hè nhưng chị Nguyễn Thị Mai (Từ Liêm, Hà Nội) đã liên tiếp nhận được tờ rơi giới thiệu chương trình ngoại khoá hè do 2 con gái đang học tại Trường THCS Xuân Đỉnh mang về.
Chị Mai cho biết: “Các cháu đều đang trong thời gian ôn tập để thi hết năm nhưng nghe đến trại hè thì rất háo hức. Không cho con đi thì sợ thua kém bạn bè mà đi thì không biết chương trình thế nào, trong khi giá cả đắt đỏ”.
|
Hiện nay, trẻ em nông thôn rất thiếu sân chơi an toàn. |
Không chỉ phát tờ rơi, các trung tâm còn liên kết với các trường để đưa chương trình trại hè thành chương trình ngoại khoá chính thức trong trường học. Bà Nguyễn Thanh Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết: “Cứ đến hè là trường nhận được rất nhiều lời mời chào của các trung tâm về các chương trình ngoại khoá hè. Trường không thể kiểm định chất lượng của các chương trình này nên phải cân nhắc rất nhiều”.
Giữa tháng 4.2012, Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống – Công ty cổ phần Quốc tế Vietsea cũng tung ra 2 chương trình trại hè “Chúng em là chiến sĩ” với 7 đợt, bắt đầu từ 28.5 đến hết 14.7, chi phí lên tới 3.980.000 đồng/học sinh/tuần.
“Chỗ chơi không có, tôi phải quản con bằng cách bắt con học, làm việc nhà, tham gia phụ giúp công việc đồng áng. Nhưng chỉ một tháng hè ở nhà cháu đã mệt mỏi, uể oải nên đành phải thả cho đi chơi. Năm nay chắc cũng thế”.
Chị Nguyễn Thị Minh (Phú Xuyên, Hà Nội)
Tương tự, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục Thanh thiếu niên (Trung tâm 4T) cũng quảng bá rầm rộ chuỗi hoạt động “Trại hè sôi động 2012” với 6 chủ đề: Trại hè quân đội, thể thao, về quê, kỹ năng, hướng nghiệp và trại hè quốc tế. Lệ phí cho mỗi tuần ngoại khoá ở đây cũng từ 2.000.000 - 4.200.000 đồng/học sinh.
Không chỉ trại hè trong nước mà trẻ thành phố còn “bội thực” chương trình trại hè ở nước ngoài, như gói trại hè Singapore 2012 của Văn phòng tư vấn du học Thiên Hùng với giá lên tới 28.000.000 đồng/tuần và 47.400.000 đồng cho 2 tuần tại Singapore và Malaysia.
Nói về giá cả khoá học, ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm 4T giải thích: “Lệ phí 40% dành cho việc đi lại, ăn ở của học sinh, 20% chi cho đồng phục và đạo cụ, 40% còn lại là các chi phí dịch vụ khác cho các em, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho các em một cách tuyệt đối suốt 1 tuần hoạt động”. Cũng theo ông Lâm, trẻ sẽ được trông nom kỹ, ngay cả trong các sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, vệ sinh, ăn uống…
Trẻ nông thôn “đói” sân chơi hè
Trái với sự thừa thãi của học sinh thành phố, học sinh ở các vùng nông thôn hầu như đều thiếu thốn những sân chơi bổ ích trong dịp hè.
Làm công tác Đoàn nhiều năm, mặc dù rất nỗ lực trong việc tạo sân chơi cho thanh thiếu niên nhi đồng dịp hè nhưng anh Tạ Hữu Quang – Bí thư Huyện đoàn Hoằng Hoá, Thanh Hoá phải thừa nhận: “Hiện nay, sân chơi cho thiếu niên, nhi đồng khu vực nông thôn còn yếu và thiếu rất nhiều. Đoàn thanh niên là tổ chức duy nhất có những hoạt động hè bổ ích cho các em tại địa phương, nhưng cán bộ Đoàn làm công tác tại cơ sở hầu như không có và không được hỗ trợ kinh phí. Việc tạo sân chơi cho trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào lòng “hảo tâm” của từng địa phương”.
Ông Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam cho rằng: “Nhu cầu tìm chương trình học ngoại khoá hè cho con những năm gần đây đã trở thành trào lưu ở các thành phố lớn đi kèm với sự bùng nổ của các chương trình trại hè, dạy kỹ năng sống, du lịch… Cho trẻ tham gia những khoá học này rất tốt cho sự phát triển về kỹ năng và tư duy, tuy nhiên nếu không có sự lựa chọn thích hợp thì sẽ phản tác dụng. Với trẻ nông thôn, cần hướng các em tới các sinh hoạt cộng đồng như đọc sách, chơi các trò chơi dân gian (tốt nhất có sự giám sát của người lớn)”.
Cũng theo anh Quang, ngoài một số hoạt động có tính chất định kỳ như tuyên dương học sinh giỏi, thăm hỏi tặng quà cho học sinh khó khăn, học sinh khuyết tật thì Huyện đoàn cũng chưa có chương trình ngoại khoá nào “dài hơi”.
Tương tự, sinh hoạt hè đối với các em thiếu niên trong độ tuổi từ 10 – 15 ở xã An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chỉ được bắt đầu từ giữa tháng 8, khi mà năm học mới đã cận kề.
Cán bộ đoàn của xã này cho biết, ngoài chương trình trại hè trung thu diễn ra trong 3 ngày gần rằm tháng 8 thì học sinh không có hoạt động vui chơi nào khác. Chi phí sinh hoạt của các em cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của các tổ chức xã hội trong xã và vận động từng hộ dân.
Tuy nhiên, trại hè trung thu cũng chỉ huy động được sự tham gia của học sinh trong độ tuổi thiếu niên, còn các em nhi đồng thì vẫn “trắng” sân chơi.
Chính vì thiếu sân chơi, không ít trẻ ở nông thôn chọn mương, máng, sông hồ làm chỗ chơi và kết quả là cứ đến hè, tai nạn dẫn tới chết người ở trẻ em tăng đột biến, trong đó nhiều nhất là đuối nước. Vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay là cần có nơi sinh hoạt hè cho trẻ nông thôn, đặc biệt là phải coi dạy bơi như một môn học ngoại khoá cần thiết trong hè.
theo danviet.vn