Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 2, 23/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

NGHỀ CÁ THẾ GIỚI CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

           Đánh bắt nuôi trồng chế biến thủy hải sản giữ vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh lương thực và thực phẩm toàn cầu đồng thời có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của mỗi    quốc gia…

            Nghề cá đã góp phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng triệu triệu người trên hành tinh. Năm 2015 cung cấp khoảng 160 triệu tấn thủy hải sản các loại (trong đó có 38% sản lượng dành cho xuất khẩu, giá trị đạt 136 tỷ USD) chiếm trên 16% lượng protein động vật cho con người, tỷ lệ này cao hơn ở các nước thiếu lương thực và thu nhập thấp: ở Tây Phi là 50%, ở Châu Á là 23%. Có hơn 30 nước trên thế giới, thủy hải sản đã đóng góp 1/3 nguồn protein từ động vật. Tiêu thụ cá trên toàn cầu đạt mức kỷ lục, bình quân 17 kg/người/năm. Mặt khác, trong cuộc đấu tranh chống bệnh béo phì, cao huyết áp, xơ vữa động mạch,… đã làm cho các nước giàu chuyển hướng từ giảm dần các loại động vật thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn) sang sử dụng thịt trắng (gia cầm) và ngày càng chuyển mạnh sang sử dụng thịt cá và các thủy hải sản. Vì  vậy thương mại hóa thủy hải sản trên toàn cầu trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn, tăng từ 8 triệu tấn năm 1976 với giá trị 8 tỷ USD lên 57 triệu tấn năm 2013, giá trị 102 t ỷ USD. Hơn 40% sản lượng thủy sản được giao dịch trên thế giới cao hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác như gạo (5%), lúa mì (20%).

 Những bức hình ám ảnh cho thấy thế giới đang trở nên tồi tệ hơn bạn nghĩ

          Chiếc tàu kéo theo đoạn lưới dài 120m để đánh bắt cá ngoài khơi Mauritania. Hình ảnh này xuất hiện ngày một nhiều nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ cá ngày một gia tăng trên thế giới / (soha.vn)

         Song song với việc cung ứng nguồn protein động vật, ngành thủy hải sản đã tạo ra việc làm cho khoảng 54,8 triệu người khai thác và nuôi trồng trên thế giới, ước tính có khoảng 150 triệu người tham gia và có thu nhập từ các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đầu vào và đầu ra cho ngành khai thác biển và nuôi trồng thủy hải sản. Ở các nước đang phát triển, đa số nghề khai thác có quy mô nhỏ, phụ nữ có vai trò lớn, nhất là trước và sau khi thu hoạch. Nghề cá quy mô nhỏ là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động có hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Song tầm quan trọng của nó được đánh giá thấp, thường chỉ được xem như một nghề mưu sinh cho cộng đồng ngư dân ven biển khi thiếu việc làm. Vì vậy cho đến nay người ta chưa thống kê và cũng chưa có báo cáo nào đáng tin cậy về sản lượng khai thác của nghề cá quy mô nhỏ trên phạm vi toàn cầu.

          Ngày nay, trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, nhu cầu về protein và công ăn việc làm trở nên cấp bách dẫn đến những thách thức lớn trong ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản đó là năng lực đội tàu đánh cá toàn cầu đến nay đã cao gấp đôi mức cần thiết để khai thác. Việc cải tiến kỹ thuật ngư lưới cụ đánh bắt và sự phát triển xuất khẩu cũng góp phần làm cạn kiệt nguồn lợi trên các đại dương. Đặc biệt nghề khai thác bằng giã cào (quét lưới từ trên mặt nước xuống tới tận đáy) là phương pháp khai thác phá hoại và lãng phí. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy trữ lượng 10 loại cá kinh tế hàng đầu chiếm gần 1/3 sản lượng đánh bắt cá biển toàn cầu đã cạn kiệt, trong số 23 quần đàn cá ngừ tỷ lệ khai thác với cường độ cao chiếm đến 60%, tỷ lệ khai thác quá mức hoặc cạn kiệt chiếm đến 32%. Trữ lượng cá ngừ đang giảm sút nghiêm trọng nếu không có biện pháp thực thi trong quản lý nguồn lợi. Một mối đe dọa khác đối với tính bền vững lâu dài của trữ lượng cá là tình trạng khai thác bất hợp pháp, khai thác mà không được báo cáo hoặc không được kiểm soát (IUU). Hàng năm theo thống kê của FAO, các loại khai thác này chiếm tới 23,5 tỷ USD. Báo cáo của FAO cũng nhấn mạnh một vấn đề mà nghề cá thế giới đối mặt là: Tỷ lệ khai thác cao đối với các loại cá không mong muốn và các loại cá tạp, vụn bị vứt bỏ trong đó có nhiều loài đóng vai trò quan trọng về mặt sinh thái. Ước tính mới nhất cho thấy cá khai thác bị loại bỏ trên toàn cầu chiếm tới 7 triệu tấn/năm. FAO đang tiến hành biên soạn: hướng dẫn quốc tế về quản lý sản phẩm khai thác phụ và giảm số lượng cá vứt bỏ.

 Vì sao người Nhật Bản cứ đi đánh bắt cá voi về ăn? - 2

         Công nhân cắt xẻ thịt cá voi tại chỗ / (24h.com.vn)

           Để đảm bảo an ninh lương thực, xu hướng thế giới đang chuyển sang nuôi trồng thủy hải sản và ngày nay đã trở thành ngành sản xuất thực phẩm quan trọng, đã phát triển nhanh chóng trong mấy thập kỷ vừa qua. Từ năm 1980 đến năm 2012, sản lượng nuôi trồng thủy hải sản trên toàn thế giới đã tăng 12 lần, hiện đáp ứng đến 45% nhu cầu tiêu dùng thủy hải sản cho con người. Khu vực Châu Á luôn luôn vượt trội về nuôi trồng thủy sản, chiếm 89% về sản lượng và 79% về giá trị toàn cầu (riêng Trung Quốc chiếm 62%).

          Để phát triển nghề cá thế giới một cách bền vững cần tập trung vào giải quyết các vấn đề sau:

          Một là, thủy hải sản là ngành kinh tế ngày nay đã trở nên quan trọng vừa cung cấp nguồn protein vừa giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, đồng thời là nguồn thu ngoại tệ cho nhà nước. Vì vậy việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy hải sản là yêu cầu cấp bách hiện nay nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường bởi các sự cố tràn dầu, các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy hải sản ở sông, hồ, biển và đại dương.

          Hai là, có biện pháp cân bằng khai thác và bảo tồn ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và tình trạng khai thác bất hợp pháp, không được kiểm soát, không được thống kê (IUU), làm cạn kiệt các loài hải sản trên các vùng biển và đại dương. Các nước cần khuyến khích ngư dân chuyển sang các hoạt động có trách nhiệm, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng,... Đây chính là tồn tại của nghề cá Việt Nam mà liên minh Châu Âu đã quyết định cảnh cáo bằng thẻ Vàng...

          Ba là, nghiêm cấm việc sử dụng và phổ biến các loại công cụ và các nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản, tận dụng các loài cá tạp, cá nhỏ để chế biến làm thức ăn cho người, thức ăn cho chăn nuôi,… chấm dứt tình trạng vứt bỏ cá tạp, cá nhỏ trên biển và đại dương…

          Bốn là, tăng cường tổ chức quản lý nghề cá thủ công quy mô nhỏ, có kiểm tra, kiểm soát sản lượng, số liệu thống kê đi đôi với việc giải quyết công ăn việc làm, đặc biệt cho phụ nữ, tăng thu nhập, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an ninh thực phẩm, hướng đến xuất khẩu và bảo vệ môi trường.

          Năm là, ứng dụng và thí điểm đồng quản lý cho tất cả các ngành nghề trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng phương pháp tiếp cận bền vững để quản lý nghề cá. Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia thiết kế, đánh giá các chính sách, các biện pháp can thiệp vào nghề cá có ảnh hưởng đến họ theo các quy tắc ứng xử có trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi cho người làm nghề đánh bắt, nuôi trồng chế biến thủy hải sản.

TS. Hồ Văn Hoành

Phó Chủ tịch VSATH

Bài đã đăng trên Tạp chí Biển Việt Nam

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển