Hour of Code (Giờ mã) là một giờ giới thiệu về khoa học máy tính, được thiết kế giúp mọi người hiểu hơn về mã lập trình mà bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu những điều cơ bản. Già mã được tổ chức bởi Code.org, một tổ chức phi lợi nhuận và một liên minh các đối tác làm việc với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới gồm Microsoft, Apple, Amazon... và các bạn sinh viên tình nguyện.
Chương trình Hour of Code tại Hà Nội nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội CNTT dành cho người không chuyên là một trong những hoạt động trong dự án "Tăng cường năng lực cho thanh niên thông qua các khóa đào tạo CNTT và phát triển các sáng kiến khởi nghiệp" (YTIC). Dự án do Microsoft hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm CNTT và Truyền thông Vietnet (Vietnet - ICT) trực thuộc TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp thực hiện.
(Sinh viên tham gia lớp học Hour of Code tại Hà Nội)
YTIC nhằm mục đích tăng cường kỹ năng CNTT và khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn, thí điểm cho sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường lân cận. YTIC đã triển khai thành công nhiều hoạt động khác nhau cho không chỉ sinh viên mà thanh niên tại Hà Nội nói chung.
Tiêu biểu có thể kể đến các khoa đào tạo tin học văn phòng, kỹ năng tìm kiếm việc làm trên Internet, cuộc thi khởi nghiệp cùng Microsoft, chương trình Thắp sáng ước mơ doanh nhân, chương trình Xu hướng công nghệ và những giải pháp của Microsoft...
YTIC được thành lập từ tháng 7/2012 và giai đoạn 1 kéo dài tới tháng 3/2014. Từ tháng 3/2014, YTIC đã tiếp tục giai đoạn 2 với mục tiêu mở rộng về địa bàn và tăng về số lượng sinh viên, thanh niên hưởng lợi. Không chỉ tổ chức các khóa học và sự kiện tại Hà Nội, YTIC pha 2 hướng tới các tỉnh vùng sâu vùng xa trên cả nước.
Phát biểu tại Ngày hội CNTT cho người không diễn ra tại Hà Nọi ngày 9/1 vừa qua, bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Vietnet - ICT cho biết, dự án YTIC pha 1 và pha 2 tới thời điểm hiện tại đã đạt được những con số ấn tượng. Chương trình đã đào tạo thành công kỹ năng cho gần 3000 thanh thiếu niên, đặc biệt có nhiều sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn và thanh niên khuyết tật. 86 khóa đào tạo lớn nhỏ tại Hà Nội và 8 tỉnh thành khác trên cả nước cũng đã được triển khai.
(Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc sáng lập Vietnet-ICT)
Trong cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Microsoft", nhiều ứng dụng CNTT đã được xây dựng để xử lý các bài toán hiện đại. Trong đó, BiboBook là ứng dụng giáo dục tương tác cho trẻ em đạt giải nhất cuộc thi đã tiếp tục phát triển thành Apps và đưa lên Windows Store. Bên canh đó, chương trình cũng tổ chức thành công các khóa thực tập cho 40 sinh viên tài năng của Viện CNTT-TT (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Các cuộc giao lưu sinh viên để cập nhật xu hướng CNTT mới nhất trên thế giới cũng được tổ chức, giúp các em có cơ hội giao lưu với hiệp hội nhân sự để được học các kỹ năng cần thiết để làm hồ sơ tuyển dụng, chuẩn bị cho buổi phỏng vấn đạt hiệu quả cao và cơ hội được mời phỏng vấn cho những vị trí phù hợp tại công ty, tập đoàn lớn.
Thành công của dự án không chỉ ở kỹ năng được truyền tải cho thanh thiếu niên và sinh viên, mà còn thể hiện qua tính chất kết nối của dự án. Tham gia khóa đạo tạo của dự án, các bạn học viên ngoài cơ hội được nâng cao kỹ năng CNTT và gia tăng khả năng tìm được công việc phù hợp năng lực bản thân còn nhận được những cơ hội để thay đổi cuộc sống.
Theo www.vietnet-ict.org