Lời dạy của Người được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trung thành vận dụng sáng tạo; được Trung ương quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt, trước mỗi kỳ đại hội đảng, công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới được các cấp ủy hết sức chú trọng, nhất là việc đánh giá, lựa chọn đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt ở mỗi cấp. Cũng với quyết tâm chính trị đó, bắt đầu từ hôm nay (11-5), công tác cán bộ (CTCB) sẽ tiếp tục là một trong những nội dung trọng tâm được Trung ương khóa XII bàn thảo, quyết nghị tại Hội nghị Trung ương 12.

Vẫn rất tin tưởng, công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng vốn được Trung ương và các cấp ủy chuẩn bị từ sớm, ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Nhiều chủ trương, giải pháp lớn đã được ban hành một cách thận trọng, thiết thực; nhiều hiện tượng, biểu hiện tiêu cực trong mặt công tác này được nhận diện, đẩy lùi; không ít “con lươn, con chạch” buộc phải “hiện nguyên hình” và bị chặn đứng cơ hội chui sâu, leo cao với những mưu đồ tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Cùng với đó, quá trình chuẩn bị nhân sự, ở tất cả các cấp, nhất là tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đã làm rất tốt công tác phát hiện, thẩm định, giới thiệu nhân sự để Trung ương xem xét, quyết định giới thiệu dự bầu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ mới. Sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII, sự tham mưu sáng đúng của các cơ quan Trung ương, nhất là các ban Đảng đã giúp Hội nghị Trung ương 12, khóa XII làm tốt, chuẩn bị kỹ các nội dung liên quan đến công tác nhân sự.

“NẾU GIỐNG TỐT ẮT CÂY SẼ TỐT”
Ảnh minh họa/vanhien.vn

Niềm tin là vậy, nhưng vẫn còn đó những nghĩ suy, trăn trở. Không phải ngẫu nhiên trong các phát biểu, bài viết gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên tục nhắc tới vai trò, vị trí của CTCB và yêu cầu đặt ra rất cao đối với công tác đánh giá cán bộ. Bởi lẽ, đánh giá cán bộ vốn là khâu yếu, việc khó; nhiều bài học nhãn tiền về vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” được đúc rút, nhưng căn bệnh trầm kha này vẫn diễn ra dưới nhiều màu sắc, hình hài khác nhau, rất khó phát hiện. Hệ quả của việc đánh giá sai cán bộ dẫn đến lựa chọn, sử dụng nhầm cán bộ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân. Hơn thế, yêu cầu về sứ mệnh và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới đặt ra ngày càng cao hơn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cũng phải được nâng lên với những đòi hỏi mới. Chính vì vậy, việc chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cán bộ được lựa chọn phải là những người thật sự có tâm, có tầm, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết, là trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng.

Vì lẽ đó, khi những “hạt giống” dù được lựa chọn kỹ lưỡng qua các cấp, nhưng một lần nữa Trung ương phải thực hiện sứ mệnh cao nhất là tinh chọn bằng được những “hạt giống” tốt nhất. Nói cho đúng, đấy không chỉ là việc lựa chọn, mà còn phải phát hiện để có thêm những “hạt giống” tốt mới, đồng thời kiên quyết thải loại những "hạt giống lép”, không đủ tiêu chuẩn, khó có thể phát triển thành cây tốt tươi trong thực tiễn. Để làm được điều đó, hẳn Trung ương đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Tuy vậy, cán bộ và quần chúng vẫn rất trông đợi ở tính quyết đoán, nêu cao tinh thần đấu tranh để bảo vệ lẽ phải và cán bộ tốt; cũng rất cần đa dạng hóa các kênh thông tin để phát huy dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch trong CTCB.

NGUYỄN TẤN TUÂN