Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 24/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CHƯA TĂNG TRƯỞNG TƯƠNG XỨNG

Ngày 26.9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Konrad - Adenauer (KAS) tổ chức đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”. Tại đây, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng năng suất lao động của nước ta vẫn ở dưới mức cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Việt Nam đang có vấn đề về tăng năng suất lao động, ông Peter Girke, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam nhận xét. Theo ông, kinh tế Việt Nam phát triển liên tục và đạt được những thành tựu lớn nhưng năng suất lao động lại chưa tăng trưởng tương xứng. 

Đại diện VEPR cho biết, giai đoạn 2012 - 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân năng suất lao động là 5,3%. Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp 2 lần năng suất lao động trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và chỉ bằng 18,3% nhóm nước thu nhập trung bình cao. Năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Vào năm 2015, năng suất lao động tăng trưởng cao nhất, đạt 6,49% nhưng vẫn ở gần mức đáy so với các nước ASEAN, cụ thể xếp sau Campuchia ở 3 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải, kho bãi và truyền thông. Đây là điều cần được lưu tâm, bởi theo đại diện VEPR, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là “lõi” của nền kinh tế và cần phải có năng suất cao. Trong dài hạn, một nước muốn có tăng trưởng bền vững thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng cần tăng trưởng bền vững.

Đề cập đến vai trò của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào sự tăng trưởng năng suất lao động nước ta, TS. Nguyễn Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đóng góp của khối này không nhiều. Ông phân tích: Doanh nghiệp FDI giữ vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam, nhưng phần lớn là do lao động dịch chuyển từ khu vực nội địa năng suất lao động thấp (nông, lâm nghiệp, thủy sản) sang khu vực FDI với năng suất lao động tuyệt đối cao hơn. Trong khi đó, đóng góp từ tăng trưởng năng suất lao động của chính khu vực FDI (đã trừ phần đóng góp dịch chuyển) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều. Hơn nữa, mức độ liên kết giữa khu vực FDI và khu vực nội địa hầu hết đều thấp ở tất cả ngành, đặc biệt nhóm ngành công nghệ và kỹ năng cao. Điều đó cho thấy, khả năng tác động gián tiếp vào năng suất lao động của khu vực FDI thông qua công nghệ và kỹ năng lao động là rất thấp. 

 Các chuyên gia thống nhất cho rằng, chỉ bằng cách nâng cao năng suất lao động, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Nhưng cách nào thúc đẩy năng suất lao động? Đại diện VEPR cho rằng, muốn phát triển nền kinh tế thì nhất thiết phải nâng cao năng suất lao động của những ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều lợi thế để phát triển như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Theo đó, cần có những cải cách thể chế, hành chính tạo điều kiện cho năng suất lao động tăng. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng phong trào tăng năng suất lao động giống như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc từng thực hiện trong giai đoạn trước đây. Không chỉ coi năng suất là vấn đề trong doanh nghiệp mà khu vực cơ quan nhà nước và người dân cần đổi mới tư duy, lối sinh hoạt theo hướng tích cực, từ đó năng suất làm việc sẽ được nâng lên. 

Đức Hiệp
Nguồn: www.daibieunhandan.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển