Ngày 15/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 711/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và đã đưa ra các mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, dạy nghề và giáo dục đại học… Đồng thời đề ra 8 giải pháp, trong đó các giải pháp đối với quản lý giáo dục là giải pháp đột phá và giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp then chốt.
Để thực hiện những nội dung của chiến lược trên đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo, tập trung triển khai các giải pháp đột phá và then chốt, từ đó tạo ra “Cú hích”, để tiến lên đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Cụ thể là, phải nhanh chóng nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ quản lý giáo dục và thầy cô giáo, coi đó là yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta, để sớm bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.
Trong quá trình phát triển của lịch sử loài người đã trải qua nhiều nền văn minh: từ văn minh nông nghiệp, chuyển sang văn minh công nghiệp và đang từng bước chuyển lên nền kinh tế tri thức, vị trí của thầy cô giáo luôn luôn là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo từ cấp mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học và dạy nghề. Thầy cô giáo chính là đội quân tiên phong có nhiệm vụ đi “trồng người”, đi khai phá, mở mang dân trí và thực hiện giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu của đất nước.
Đối với các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên Bang Đức, Singapore, Nhật Bản… rất coi trọng đến đội ngũ thầy cô giáo, nên giáo dục của họ phát triển sớm. Mặc dù vậy, bước vào thế kỷ 21, họ vẫn cảm thấy chưa yên tâm với nền giáo dục và đội ngũ thầy giáo của mình. Chính quyền Scotland năm 2006 đề ra mục tiêu là quyết tâm làm cuộc cách mạng trong giáo dục. Ngài Bộ trưởng thứ nhất Jack Meconell của nước này đã khẳng định: “Chúng tôi cần đội ngũ giáo viên giỏi nhất thế giới, có vậy chúng tôi mới có nền giáo dục tốt nhất thế giới”. Để thực hiện quyết định trên chính quyền Scotland đã hết sức coi trọng công tác tuyển chọn và bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt đối với giáo viên giảng dạy ở cấp tiểu học và dạy nghề. Họ đã tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng giáo viên và đào tạo học sinh. Kết quả là chất lượng học của học sinh nâng cao rõ rệt so với trước đây. Ngài tỷ phú Bill Gates, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo đã kêu gọi Mỹ phải dành nhiều tâm huyết hơn nữa cho giáo dục và cho rằng giáo dục phổ thông cơ sở và trung học hiện nay ở Hoa Kỳ không bảo đảm chất lượng mặc dù nền giáo dục Đại học ở Hoa Kỳ đứng vị trí hàng đầu trên thế giới.
Đối với Việt Nam, qua hàng ngàn năm cha ông ta đã tổng kết “thầy nào, trò nấy”. Từ xa xưa các bậc cha mẹ tìm thầy dạy cho con hết sức kỹ lưỡng, đòi hỏi phải là những “thầy đồ” có nhân cách, có văn hay chữ tốt, có tấm lòng, biết lấy sự thành đạt của học trò làm vinh dự nghề nghiệp của mình. Họ đã đem hết tâm huyết để dạy dỗ, truyền đạt kiến thức kinh nghiệm cho học trò. Vì vậy họ được xã hội tôn vinh, được tự do hành nghề vào Nam ra Bắc để làm nghề dạy học. Họ đã góp phần đào tạo ra rất nhiều hiền tài cho đất nước, một số người đã làm rạng rỡ cho non sông…
Sau Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thống nhất đất nước, mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhân dân ta đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. Đảng và Chính phủ đã tập trung đào tạo những người thầy, cô giáo giỏi, thông qua các trường sư phạm trong nước và cử đi học ở nước ngoài. Vào thời điểm đó các trường sư phạm mặc dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện, tài liệu giảng dạy, học hành trong điều kiện chiến tranh, song các trường sư phạm đã sản sinh ra những người thầy giáo, cô giáo vừa hồng vừa chuyên, không hề biết vụ lợi, có phẩm chất và năng lực, luôn luôn tìm tòi, học tập, không ngừng nâng cao trình độ, say sưa với nghề, tận tâm dạy để truyền thụ kiến thức khoa học và lòng yêu tổ quốc, yêu dân tộc cho hàng vạn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, hàng triệu học sinh ở các trường phổ thông ở miền Bắc và vùng giải phóng ở miền Nam. Hầu hết học sinh của họ đã trở thành người cán bộ tốt, phục vụ cho chiến trường và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Họ được đào tạo trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quản lý, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, quân sự, văn hóa nghệ thuật… ở Trung ương và địa phương. Trong số đó có nhiều người trở thành anh hùng quân đội, anh hùng lao động, những tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng…
Tuy nhiên hơn 30 năm trở lại đây, ngành giáo dục và đạo tạo cũng chịu những tác động, những mặt trái của cơ chế thị trường đã làm ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đào tạo và thầy cô giáo. Nhiều trường đào tạo ra nhân lực không đạt tiêu chuẩn những vẫn tăng quy mô vì lợi ích thu nhập cho mình. Hệ thống các trường sư phạm đại học, cao đẳng quốc lập và ngoài công lập phát triển ồ ạt về số lượng, tỉnh nào cũng có, song chất lượng đào tạo thấp, thiếu thầy cô giáo giỏi, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệp, phương tiện giảng dạy… Thầy cô giáo do các trường sư phạm này đạo tạo ra tuy số lượng nhiều nhưng một số người trong đó không an tâm với nghề nghiệp, vào nghề sư phạm là bắt buộc vì không thi đỗ các trường khác, có người không bố trí được việc làm do kiến thức hạn chế, một số không muốn rời thành phố để đi giảng dạy ở vùng xa đã đổi nghề. Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình đã đưa ra một thực trạng: “Tiến hành khảo sát 950 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở 36 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại 5 tỉnh thành cho thấy gần 60% giáo viên phổ thông thẳng thắn bày tỏ nếu được chọn lại nghề thì sẽ không làm nghề dạy học”. Lý do là chưa có cơ chế và chính sách khuyến khích trong thi cử, tuyển dụng, đãi ngộ… Một số bộ phận giáo viên giỏi lại sa sút về phẩm chất, sử dụng kiến thức vào phụ đạo, dạy thêm để tăng thu nhập; trong chính khóa truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách cầm chừng. Tất cả những điều đó đã làm ảnh hưởng đến năng lực đạo đức của những người làm công tác quản lý giáo dục và thầy cô giáo. Nguyên nhân dẫn đến chất lượng học sinh các cấp học giảm sút, tiêu cực xảy ra trong thời gian qua…
Từ thực tiễn đó, muốn thoát khỏi yếu kém thì phải cải cách từ thầy cô giáo vì họ là đội ngũ quyết định đến sự thành bại của nền giáo dục nước nhà.
Để khắc phục tồn tại trên, ngành giáo dục đào tạo cần sớm giải quyết những vấn đề trọng yếu sau:
1. Đổi mới hệ thống các trường sư phạm trong cả nước, xác định lại chức năng, nhiệm vụ, vị trí cả hệ thống các trường từ mầm non đến trung học, cao đẳng, đại học, dạy nghề… Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước một cách hợp lý từ trung ương đến các vùng lãnh thổ, mạnh dạn chuyển đổi các trường sư phạm ở địa phương không đủ năng lực nhằm mục đích đào tạo đội ngũ các thầy cô giáo có chất lượng.
2. Tập trung đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng sư phạm trọng điểm cả nước theo vùng hoặc liên tỉnh để có đầy đủ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và đội ngũ thầy giáo giỏi về năng lực và đạo đức, có tâm huyết với nghề nghiệp. Đây cũng là những trung tâm đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ thầy giáo của các trường phổ thông, dạy nghề cập nhật được những kiến thức mới của khu vực và thế giới. Đồng thời đây cũng là nơi mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo.
3. Có cơ chế chính sách trong việc tuyển chọn học sinh giỏi vào học ở các trường sư phạm và chính sách sử dụng đãi ngộ sau khi tốt nghiệp ra trường để họ an tâm công tác, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ “trồng người” ở các vùng tổ quốc. Cụ thể là có chính sách lương bổng, điều kiện ăn ở làm việc, quy định thời gian công tác tại các tỉnh miền núi, các trường nội trú, bán trú… ở các địa phương khó khăn (tương tự như việc thực hiện nghĩa vụ quân sự), sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được quyền chọn lựa nơi công tác hợp với nguyện vọng của mình và được đào tạo lại có trình độ và vị trí công tác cao hơn.
4. Phải nhận thức sâu sắc và xác định rõ mối quan hệ hữu cơ về đào tạo con người từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành gắn liền giữa gia đình, nhà trường và xã hội bắt đầu từ giáo dục mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông, học nghề, cao đẳng, đại học,… xem đây là một hệ thống gắn bó với nhau, không được xem nhẹ bất cứ một khâu nào trong dây chuyền đạo tạo.
5. Xuất phát từ nhận thức trên cần xem xét lại việc soạn thảo sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy phải gắn kết giữa “học và hành” cho phù hợp với từng đối tượng vừa đảm bảo nội dung giảng dạy, giáo dục toàn diện, vừa xác định trọng tâm trọng điểm cho từng cấp học. Đối với cấp tiểu học cần khuyến khích đưa ngoại ngữ tiếng Anh vào giáo trình giảng dạy, dạy cho học sinh lòng yêu cha mẹ, ông bà, anh em, bạn bè, thầy cô giáo… Đối với cấp trung học cơ sở cần đưa giáo trình tin học vào nội dung giảng dạy, dạy cho học sinh lòng yêu các anh hùng dân tộc, dạy sử, địa lý Việt Nam, yêu tổ quốc yêu đồng bào. Đối với trung học phổ thông, cần đưa thêm học nghề thành một môn học chính khóa, chủ đề giáo dục cho học sinh lòng yêu tổ quốc, yêu lý tưởng, hội nhập với khu vực và thế giới, định hướng được bước đi của mình trong tương lai…
6. Đối với thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương về năng lực và đạo đức để học sinh và sinh viên noi theo, đòi hỏi thầy cô giáo phải cập nhật kiến thức để truyền đạt cho học sinh, tự rèn luyện về phẩm chất, luôn gương mẫu và tâm huyết với nghề nghiệp. Đối với cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, mỗi ngày học sinh có đến 10 giờ ở trường, vì vậy thầy cô giáo phải là biểu tượng để học sinh noi theo.
7. Phát triển các trường nội trú, bán trú ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng ven biển, hải đảo và những địa phương kinh tế còn khó khăn như các mô hình “Trường học sinh miền Nam” trước đây nhằm đáp ứng nhanh nguồn nhân lực cho xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và bảo vệ biên cương của tổ quốc. Đồng thời khuyến khích các tỉnh thành xây dựng mô hình “trường chuyên”, “trường chất lượng cao” để bồi dưỡng nhân tài, hiền tài cho đất nước.
Trong những năm qua ngành giáo dục đào tạo đã có nhiều tiến bộ trông thấy: mở rộng mạng lưới trường lớp, phổ cập giáo dục các cấp, xóa nạn mù chữ, tổ chức được các đội tuyển học sinh giỏi tham dự kỳ thi ở khu vực và quốc tế… bước đầu đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Tuy vậy những chủ trương và giải pháp trong giáo dục đào tạo vẫn còn mang tính tình thế. Trong tuần lễ Toàn cầu hành động vì giáo dục trong năm 2013, chúng ta hi vọng những năm đến ngành giáo dục sẽ có bước tiến mới trong quản lý giáo dục và nâng cao năng lực đạo đức của thầy cô giáo để có được những người “thầy ra thầy, trò ra trò” đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập với thế giới.
TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học
phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam