Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 11/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

- Bài 1: Nhóm nghiên cứu - "Tế bào sống" của hoạt động khoa học

- Bài 2: Thực trạng gắn kết đào tạo tiến sĩ với hoạt động của các nhóm nghiên cứu

- Bài 3: Đề xuất nâng cao hiệu quả nhóm nghiên cứu ở Việt Nam

Bài 1: Nhóm nghiên cứu - “Tế bào sống” của hoạt động khoa học

Xây dựng nhóm nghiên cứu chính là xây dựng nền móng cho các nhà khoa học phát triển khả năng của mình

Xây dựng nhóm nghiên cứu chính là xây dựng nền móng cho các nhà khoa học phát triển khả năng của mình

Hiện nay, ở nước ta, các nguồn lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của các trường ĐH chiếm đại đa số trong tổng nguồn lực KH&CN của cả nước với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học có trình độ cao. 
 

Việc đẩy mạnh công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường ĐH đóng vai trò quyết định trong việc giúp các trường ĐH đào tạo có chất lượng, phát huy được các tiềm lực, sản sinh ra các tri thức mới, các công nghệ - kỹ thuật mới và từ đó khẳng định vị thế của mình với xã hội, trong khu vực và thế giới.

Nhóm nghiên cứu (NNC) của ĐHQG Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu vai trò của phát triển NNC với việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH.

Mỗi giảng viên phải là nhà khoa học

Nền giáo dục ĐH Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ quốc tế. Chức năng của trường ĐH được quy định trong Luật Giáo dục: “Thực hiện việc tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu chương trình giáo dục. Thực hiện các hoạt động NCKH, ứng dụng và phát triển công nghệ... và thực hiện các dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề đào tạo theo quy định của pháp luật”.

NNC của ĐHQG Hà Nội nhận định: Điều này đòi hỏi mỗi giảng viên phải là nhà khoa học, phải có đủ trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu để khám phá cái mới và không ngừng mở rộng kiến thức và tri thức của chính mình, từng bước hội nhập với quốc tế, từ đó gợi mở ra nhiều con đường cũng như lan truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ hơn tiếp bước và đi về phía trước. Vì vậy, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên ĐH thông qua nghiên cứu là một xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược.

Bên cạnh đó, để có nhân lực KH&CN hùng hậu, trường ĐH phải làm tốt công tác đào tạo đội ngũ (và kế cận) và đó chính là đội ngũ cán bộ trẻ trình độ tiến sĩ chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng tiến sĩ không đâu khác người hướng dẫn và nghiên cứu sinh (NCS) cần phải nâng cao chất lượng và trình độ chuyên môn thông qua hoạt động NCKH, hội nhập với các hoạt động và các hướng nghiên cứu mới, hiện đại của quốc tế.

Cùng đó, hình thành và phát triển NNC sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy khả năng NCKH của giảng viên cũng như chất lượng đào tạo tiến sĩ trong các trường ĐH. Mô hình này cần phải được mở rộng và phát huy trong hệ thống các trường ĐH tại Việt Nam, nhất là trong các trường ĐH định hướng nghiên cứu, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng giảng viên và NCS, từ đó cũng góp phần hiệu quả nâng cao xếp hạng của các trường ĐH Việt Nam, từng bước sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Vai trò của NCKH trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH

NNC của ĐHQG Hà Nội phân tích: Đội ngũ giảng viên có chất lượng là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo của trường ĐH. NCKH tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao năng lực, tiếp cận các hướng nghiên cứu mới và từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy có hiệu quả nhất.

Thông qua NCKH, tiếp cận các hướng nghiên cứu mới và hiện đại nhất của thế giới, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; kết quả nghiên cứu được công bố, giúp giảng viên tham gia báo cáo kết quả nghiên cứu tại các hội thảo quốc gia, quốc tế, từ đó giúp giảng viên củng cố, cập nhật, nâng cao kiến thức, đồng thời, giảng viên cũng có điều kiện nâng cao năng lực ngoại ngữ, mở rộng hiểu biết nhiều hơn những kiến thức của các chuyên ngành khác. Kiến thức chuyên môn tốt là cơ sở giúp giảng viên vững vàng trong nghề nghiệp.

Các trường ĐH nghiên cứu thường là nơi nảy sinh các tư tưởng, hệ tiên đề, từ đó thiết lập những nền móng căn bản của các ngành khoa học. Chính vì vậy, các trường ĐH nghiên cứu tiên tiến có vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH của mỗi quốc gia. Trong các trường ĐH nghiên cứu, công tác NCKH luôn được gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Đào tạo thông qua nghiên cứu và NCKH để tiếp cận đỉnh cao của trí thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao. Cụ thể hơn, NCKH có lợi ích vô cùng to lớn đối với cả giảng viên và người học.

Các hoạt động NCKH là cơ hội tốt để giảng viên và người học có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực NCKH. Trong quá trình thực hiện đề tài NCKH, giảng viên có điều kiện rèn luyện và phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, tiếp xúc với các nhà khoa học có cùng chuyên môn trong và ngoài nước, làm tăng khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp luận, nhận thức khoa học. Cũng trong quá trình thực hiện, triển khai đề tài, giảng viên sẽ phát triển và cập nhật, hoàn thiện hơn các nội dung và kỹ năng cần thiết cho việc giảng dạy và nghiên cứu.

Thông qua kết quả và hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ, giúp nâng cao uy tín của giảng viên, của nhà trường trong xã hội. Giảng viên và người học tham gia NCKH sẽ có được các mối quan hệ làm việc nhóm cũng như các quan hệ xã hội cần thiết, từ đó, sẽ học hỏi được rất nhiều từ các đồng nghiệp, từ các thành viên tham gia đề tài, NNC và học hỏi từ thực tiễn. Đồng thời, thành tích của giảng viên và người học thông qua NCKH góp phần làm tăng các công bố, patents... góp phần đẩy nhanh xếp hạng của nhà trường.

Năng lực của giảng viên đại học được thể hiện chủ yếu thông qua giảng dạy và NCKH. Vì vậy, NCKH là một lĩnh vực để giảng viên tự khẳng định mình. Một giảng viên được đánh giá là có năng lực chuyên môn tốt, phải đồng thời giảng dạy tốt và NCKH tốt (có nhiều công bố khoa học có giá trị).

NCKH còn giúp nâng cao tính chủ động, phát triển kiến thức và kỹ năng mềm cho người học. Hoạt động NCKH mang lại những ý nghĩa thiết thực đối với người học. Tham gia NCKH, người học vận dụng những tri thức đã học để tiến hành hoạt động nhận thức có tính chất nghiên cứu, góp phần giải quyết những vấn đề khoa học do thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp đặt ra mà trước mắt thiết thực nhất đó là hoàn thành luận văn, luận án. Thông qua NCKH, người học có thể đào sâu, mở rộng và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình, đồng thời sẽ rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng phân tích, phản biện, tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trên cơ sở làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm. Nhờ đó, chất lượng đào tạo nói chung, chất lượng luận văn, luận án của người học nói riêng được nâng lên.

Vai trò của nhóm nghiên cứu trong hoạt động NCKH ở các trường ĐH

Danh tiếng của các trường ĐH lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn. Mặt khác, nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò, tức là phải xây dựng được NNC. Dó đó, có thể nói sự hình thành các NNC trong các trường ĐH là nhu cầu tự nhiên và tất yếu.

Từ thực tiễn cũng như các nghiên cứu, NNC của ĐHQG Hà Nội đã chỉ ra NNC chính là môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng nhau tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới của khoa học, và thường thông qua các hoạt động của nhóm như seminar khoa học, hướng dẫn NCS... NNC có thể thu hút các nhà khoa học có chuyên môn gần để phát triển môi trường học thuật chuyên sâu, hoặc thu hút các nhà khoa học của nhiều ngành khác nhau để tập trung trí tuệ và sức lực giải quyết một vấn đề có tính liên ngành. Đến lượt mình, từ chính sự phát triển và thành quả chín muồi của các NNC lại có thể dẫn đến việc xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo mới.

Có thể nói, các NNC chính là các tế bào sống của hoạt động khoa học và thậm chí của cả hoạt động đào tạo trong các trường ĐH. Vì chỉ có xây dựng được các NNC mạnh mới triển khai được các hoạt động nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học đỉnh cao của ngành và những nhiệm vụ KH&CN quan trọng của đất nước, và đương nhiên, việc đào tạo tiến sĩ thông qua các hoạt động nghiên cứu và môi trường như vậy – sẽ cho ra đời các luận án tiến sĩ có chất lượng tốt.

Bài 2: Thực trạng gắn kết đào tạo tiến sĩ với hoạt động của các nhóm nghiên cứu

Nghiên cứu khoa học theo nhóm là yêu cầu quan trọng trong đào tạo tiến sĩ

Nghiên cứu khoa học theo nhóm là yêu cầu quan trọng trong đào tạo tiến sĩ

Những năm gần đây, dưới sức ép của hội nhập quốc tế trong kiểm định chất lượng và xếp hạng ĐH, việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo tiến sĩ cũng như chất lượng các hoạt động KH&CN được đặc biệt quan tâm. Và nhóm nghiên cứu (NNC) chính là cầu nối, là môi trường gắn kết hoạt động đào tạo với NCKH.
 

Nhìn tổng thể nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH

NNC ĐHQG Hà Nội đã tổng hợp các bài viết, bài phát biểu trên các tạp chí hay các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, tọa đàm về chủ đề phát triển NNC trong trường ĐH những năm gần đây. Từ những con số thống kê về diễn biến quy mô giáo dục ĐH ở nước ta trong khoảng 15 năm trở về đây, tác giả Nguyễn Tấn Đại trong hai bài viết Đào tạo tiến sĩ – chất lượng và năng lực công bố quốc tế và Đào tạo tiến sĩ nhìn từ số liệu thực tế đăng trên báo chí năm 2017 cho rằng “số lượng giảng viên ĐH và tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) chỉ gia tăng ở mức độ vừa phải, thậm chí, trong tương quan chung với tổng thể quy mô nền giáo dục ĐH thì tỉ lệ giảng viên có trình độ TS có xu hướng diễn biến giảm chứ không tăng”.

Đánh giá về hoạt động NCKH, tác giả bài viết “Các trường ĐH NCKH chưa xứng tầm” (báo Sài Gòn giải phóng online) cho rằng năng suất NCKH của các trường hiện nay khá khiêm tốn. Theo thống kê, khối các trường kỹ thuật công nghệ, luôn có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất. Trong giai đoạn 2011 - 2016, khối trường này (16 trường) công bố 1.733 bài báo quốc tế (trong khi cả nước có 5.738 bài), chiếm 30% toàn ngành. Tuy nhiên, so với các ĐH khác trong khu vực thì con số này vẫn là khá thấp.

Khối các trường nông - lâm - ngư - y đã có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế. Nếu so sánh với nguồn nhân lực hiện có thì số lượng đề tài NCKH của khối trường này rất khiếm tốn, bình quân chỉ đạt 0,74 bài/cán bộ khoa học trong 5 năm (2011 -2016).

Khối các trường ĐH sư phạm (21 trường thuộc Bộ GD&ĐT) có 2.000/9.000 giảng viên là TS nhưng số lượng bài báo quốc tế có uy tín như ISI/

SCOPUS chỉ có 804 bài (trong giai đoạn 2011 - 2015), trong đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tỷ lệ công bố bài báo quốc tế ISI là 0,15 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng 0,13 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm TPHCM 0,06 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 0,02 bài/TS/năm. Thậm chí, Viện Khoa học Giáo dục không có được một bài báo quốc tế nào.

Đối với các trường ĐH khối khoa học xã hội và nhân văn, công bố quốc tế cũng không khá hơn. Trung bình mỗi năm, một nhà khoa học đạt gần 0,5 bài. Duy nhất chỉ có Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đạt 1,45 bài/TS/năm.

Nguyên nhân của những hạn chế

Nguyên nhân của hạn chế có thể thấy rằng, một số giảng viên chưa nhận thức đúng đắn về hoạt động NCKH. Một bộ phận giảng viên còn hạn chế về kỹ năng và phương pháp nghiên cứu, dẫn đến chất lượng công trình chưa cao. Giảng viên cũng chưa có cơ hội kết nối, tìm kiếm các đề tài, dự án cấp tỉnh, thành và liên kết với nước ngoài, chưa có môi trường tốt để tham gia NCKH.

Việc xây dựng các NNC trong các trường ĐH ở Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng, là khả thi và đã được nhen nhóm, hình thành và phát triển mạnh trong các trường ĐH định hướng nghiên cứu trong những năm gần đây. Và việc đào tạo NCS gắn với các NNC để nâng cao chất lượng tiến sĩ, đồng thời qua đó đẩy nhanh số lượng và nâng cao chất lượng công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín có ý nghĩa sống còn với uy tín và xếp hạng của trường ĐH. 

Bài viết trên báo Nhân Dân với tiêu đề “Gắn kết đào tạo với NCKH” đã chỉ ra thực trạng việc gắn kết giữa đào tạo và NCKH trong trường ĐH, trong đó, khẳng định công tác NCKH chưa gắn với đào tạo, nhất là đào tạo sau ĐH. Việc kết hợp giữa trường và viện còn mang tính đơn lẻ, tự phát, chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân. Bài báo cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc thiếu kết dính, đó là do “thời gian qua, nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu chưa nhận thức đầy đủ vai trò của việc kết hợp giữa đào tạo với NCKH. Bên cạnh đó, thiếu các văn bản cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu chưa có cơ chế động viên cán bộ tham gia đào tạo cũng như NCKH. Kinh phí đầu tư cho NCKH ở các trường ĐH còn thấp, trang thiết bị chưa được khai thác hiệu quả. Cơ sở vật chất cho NCKH còn thiếu và lạc hậu. Nhiều năm nay, các giáo sư, phó giáo sư, cán bộ chuyên gia đầu ngành làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt”.

Các bài viết và báo cáo đều cho rằng, chất lượng đào tạo TS ở nước ta hiện nay còn chưa đáp ứng yêu cầu. Muốn nâng cao chất lượng TS phải nâng cao chuẩn đầu ra, phải yêu cầu cao hơn về kết quả công bố, trình độ ngoại ngữ của NCS, đặc biệt là công bố quốc tế; gắn đào tạo TS với nghiên cứu và do vậy cần nâng cao chất lượng hoạt động NCKH trong các trường ĐH, chất lượng đội ngũ giảng viên.

Giải pháp: Xây dựng và thúc đẩy các nhóm nghiên cứu

Một trong những giải pháp và kinh nghiệm được nhiều nhà khoa học trong nước chia sẻ trong những năm gần đây là xây dựng các NNC và đào tạo NCS thông qua hoạt động của các NNC và các NNC mạnh. Trên thực tế, việc xây dựng và thúc đẩy các NNC đã được nhiều trường ĐH của Việt Nam quan tâm, như hai ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Nông nghiệp... và ngay cả các trường ĐH mới và trẻ như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành... Nhờ vậy, số lượng công bố quốc tế và trích dẫn của các trường ĐH này trong những năm gần đây luôn rất cao, thuộc hạng top đầu của Việt Nam, từ đó nâng cao chất lượng, uy tín trong học thuật của nhà trường và có sức hút tuyển sinh tốt.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, “tính đến năm học 2016 - 2017 đã có 491 nhóm giảng dạy – nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy – nghiên cứu nhất là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các trường: ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), ĐH SP Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐHQG TPHCM (24 nhóm), ĐHQG Hà Nội (27 NNC mạnh). Trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường ĐH, hiện nay trong hệ thống các trường ĐH đã hình thành 945 NNC, một trường ĐH có trung bình 7 NNC”.

Xác định tầm quan trọng của NNC đối với việc nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và NCKH, từ những năm đầu thành lập, ĐHQG Hà Nội đã quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các NNC. ĐHQG Hà Nội có nhiều NNC mạnh, nhiều NNC quốc tế, nhiều nhà khoa học có tên tuổi được cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến.

Trong lĩnh vực NCKH, các NNC này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu, các NNC đều có nhiều đóng góp trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo TS. Những công bố khoa học của các nhà khoa học và các NNC đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực đội ngũ, tiềm lực và thành tích NCKH và góp phần quan trọng để 2 ĐHQG được lọt vào danh sách 150 ĐH hàng đầu trong Bảng xếp hạng QS châu Á từ năm 2012 đến nay và lọt vào bảng 1.000 các trường ĐH hàng đầu của thế giới trong Bảng xếp hạng QS 2018.

Tuy nhiên, NNC và gắn đào tạo NCS với các NNC mới chỉ là các hoạt động tự phát và mới có vài cơ sở giáo dục ĐH lớn có chính sách hỗ trợ các NNC và NCS. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có ĐHQG Hà Nội và Quỹ NAFOSTED công bố tiêu chí về NNC mạnh và có chính sách đầu tư cho các NNC mạnh. Chính vì vậy, cần có những khảo sát, đánh giá và nghiên cứu nhằm đưa ra những giải pháp và chính sách phù hợp để đầu tư và hỗ trợ phát triển các NNC trong các trường đại học ở Việt Nam trong thời gian tới. PV (ghi)

Bài 3: Đề xuất nâng cao hiệu quả nhóm nghiên cứu ở Việt Nam

Nghiên cứu khoa học theo nhóm là xu hướng tất yếu để phát triển các công trình phục vụ sự phát triển của cộng đồng

Nghiên cứu khoa học theo nhóm là xu hướng tất yếu để phát triển các công trình phục vụ sự phát triển của cộng đồng

Ở nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển, các nhóm/tập thể NCKH là hình thức tổ chức phổ biến để tiến hành các hoạt động KH&CN và đào tạo sau ĐH. Nhóm nghiên cứu Trường ĐHQG Hà Nội đã tìm hiểu các mô hình nhóm nghiên cứu (NNC) ở một số ĐH lớn trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả NNC ở Việt Nam.
 

Kinh nghiệm xây dựng các nhóm nghiên cứu ở nước ngoài

Ở các nước, các NNC được tổ chức với các hình thức khác nhau. Có nơi là NNC trong các bộ môn, có nơi là các phòng thí nghiệm hay quy mô lớn hơn là các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (TTXS). Trong NCKH, TTXS được hiểu là một cơ sở thực sự xuất sắc, đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực mà nó hoạt động, không chỉ theo nghĩa là tạo ra các sản phẩm xuất sắc, mà còn tạo ra những chuẩn mực xuất sắc cho các cơ sở khác noi theo. TTXS phải đứng đầu trong lĩnh vực mà nó hoạt động, xét ở tầm quốc tế. Về mặt cấu trúc, các TTXS là tổ hợp của các NNC mạnh/xuất sắc với các thành viên xuất sắc.

Trường ĐH Tổng hợp Mat-xcơ-va mang tên Lômônôxốp, có hệ thống tổ chức điển hình cho một ĐH hiện đại: Trường, rồi đến khoa, dưới khoa là các bộ môn và trong bộ môn là các NNC…

Ở ĐH Texas, Mỹ, các NCS sẽ được làm việc trong phòng thí nghiệm do giáo sư phụ trách. Học bổng và hướng luận án của các NCS hàng năm đã được Trung tâm xác định theo các dự án đã có của Trung tâm. Khi được nhận vào học tại Trung tâm, trong khoảng sáu tháng đầu, các NCS lần lượt làm việc với các nhóm chuyên môn hẹp để làm quen với tất cả các nhóm hoạt động chuyên môn khác nhau để lựa chọn hướng chuyên môn thích hợp và quyết định đề tài luận án.

Tại châu Á, từ năm 2002, Nhật Bản đã khởi động chương trình xây dựng các TTXS được gọi là “Chương trình TTXS cho thế kỷ 21”, nâng được vị thế của một số trường ĐH Nhật Bản đạt đẳng cấp quốc tế, đồng thời đã tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học tài năng, sáng tạo, là nguồn cán bộ đầu đàn cho Nhật Bản và cả quốc tế. NNC ở Nhật Bản, Hàn Quốc thường gắn với các Lab. và do một giáo sư đứng đầu.

Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỷ USD nhằm mục tiêu xây dựng các TTXS để đưa các trường ĐH của Trung Quốc trở thành các ĐH nghiên cứu tầm cỡ quốc tế... Từ năm 1984, nhà nước đã bắt đầu việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, là những đơn vị nghiên cứu có ít nhiều điểm chung với các TTXS. Tháng 5/2013, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đầu tư một nguồn vốn lớn để thành lập 5 TTXS nhằm xây dựng sức mạnh khoa học và dẫn dắt các hoạt động đổi mới trong khu vực các nước đang phát triển. Những năm gần đây, Trung Quốc đang có sự chuyển hướng mục tiêu, đầu tư trực tiếp cho các NNC xuất sắc trong các trường đại học, viện nghiên cứu…

Ảnh minh hoạ

Đề xuất nâng cao hiệu quả nhóm nghiên cứu

Từ các phân tích kinh nghiệm của xây dựng các NNC ở các trường ĐH trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu ĐHQG Hà Nội đề xuất 7 yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển NNC/NNC mạnh.

Muốn xây dựng được những NNC mạnh trong trường ĐH, trước hết phải bắt đầu từ tâm huyết của những nhà khoa học có năng lực và trình độ, có uy tín, giữ vai trò trưởng nhóm. Trưởng NNC thường là nhà khoa học tài năng, có năng lực nghiên cứu, có tư duy sáng tạo, nhạy bén trong khoa học và lại càng thuận lợi khi có uy tín cao cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trưởng nhóm phải là người tâm huyết và có năng lực tổ chức, có đức hy sinh, có khả năng ngoại ngữ và tổ chức làm việc của nhóm một cách phù hợp và khoa học.

Lãnh đạo trường ĐH phải có tầm nhìn và chính sách thỏa đáng đầu tư cho NNC. Nếu lãnh đạo nhà trường quan tâm, nhận thức được vai trò quan trọng của các NNC mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, quan tâm đầu tư và vun đắp cho các nhà khoa học và các NNC, định hướng phát triển nhà trường theo hướng ĐH nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, thì nhất định công tác đào tạo của trường ĐH sẽ có chất lượng tốt và các NNC trong trường sẽ phát triển nhanh và mạnh, tiến tới các NNC quốc tế (có sự tham gia thường xuyên của các nhà khoa học đầu ngành nước ngoài trong nhóm).

Phải tập hợp được những cán bộ có năng lực nghiên cứu tốt trong NNC, thu hút được NCS. Ở đây, xin đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các NCS trong việc phát triển các NNC. Nếu có sự hỗ trợ kinh phí, nhiều NNC hoàn toàn có thể tiếp nhận các nhà khoa học, các NCS và thực tập sinh người nước ngoài đến làm việc, khi đó hiệu quả hoạt động của NNC còn tốt hơn nữa.

Với sự phát triển như vũ bão về KHCN và trước những cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình ĐH nghiên cứu đã chuyển sang mô hình ĐH đổi mới sáng tạo (Innovation-driven university). Trong đó, một số yêu cầu đặt ra là: Nhanh chóng đưa các phát minh sáng chế và kết quả nghiên cứu của trường ĐH vào thực tiễn, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều quốc gia, tận dụng cơ hội và thời cơ để đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…

Đầu tư cho các NNC mạnh là sự đầu tư trúng, đúng và hiệu quả trong các trường ĐH. Trong bối cảnh cần đẩy nhanh các công bố quốc tế cũng như tăng nhanh các sáng chế, sản phẩm KHCN trong trường ĐH, thì việc quan tâm đầu tư bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại và điều kiện làm việc cho các NNC mạnh là nhân tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự thành công của hoạt động KHCN cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Phải có thiết lập và xây dựng được những mối quan hệ hợp tác mạnh (trong và ngoài nước). Vì chỉ có phát huy tốt các quan hệ hợp tác với các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước, các NNC mới có thể phát huy được thế mạnh của các nghiên cứu liên ngành, mau chóng hội nhập và tiếp cận trình độ, chuẩn mực quốc tế.

Phải xác định và hình thành được hướng nghiên cứu hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khoa học sẽ là tiềm năng phát triển tốt cho NNC. Kinh nghiệm cho thấy, chọn hướng đi đúng để tập hợp và xây dựng NNC có vai trò quan trọng để phát triển một NNC mạnh. Bên cạnh đó, NNC mạnh phải có định hướng nghiên cứu riêng độc đáo, xuất phát từ những tư tưởng và hệ tiên đề mới, cách tiếp cận mới, đặc sắc của riêng mình. Có như vậy, NNC mới khẳng định được trong cộng đồng khoa học và phát triển bền vững.

Phải hướng tới sáng tạo và khởi nghiệp. Đó chính là khẩu hiệu và hành động của các NNC trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển nhóm nghiên cứu: Xu thế tất yếu

Nhóm nghiên cứu ĐHQG Hà Nội nhận định: Việc xây dựng và phát triển các NNC trong các trường ĐH hiện nay được các nhà khoa học đánh giá là một xu hướng tất yếu đối với bất kỳ trường ĐH nào. NNC đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động các nguồn lực nghiên cứu, tập trung được các cá nhân xuất sắc cũng như thu hút các nguồn lực trong và ngoài trường ĐH cho các hoạt động NCKH để đạt được các kết quả NCKH có chất lượng cao, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ.

Hình thành và phát triển các NNC thực sự có tầm quan trọng không chỉ trong trường ĐH, viện nghiên cứu, mà một NNC mạnh còn có thể ảnh hưởng với khu vực và quốc tế. Thông qua NNC, nhà khoa học và các em sinh viên, học viên và NCS có môi trường tham gia vào các hoạt động khoa học. NNC tạo được môi trường NCKH với cơ chế thúc đẩy làm việc hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, huy động được các nguồn lực hỗ trợ cho đào tạo và nghiên cứu từ chính các tổ chức này.

Việc xây dựng các NNC trong các trường ĐH chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thiết thực triển khai đổi mới giáo dục ĐH một cách căn bản và toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình và giải pháp để xây dựng NNC nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ và năng lực nghiên cứu, công bố quốc tế của các trường ĐH Việt Nam trong bối cảnh hiện nay mang tính cấp thiết, phải thực hiện ở tầm quốc gia, nhằm góp phần thúc đẩy, đưa giáo dục Việt Nam, các trường ĐH Việt Nam hội nhập và tiến kịp cùng giáo dục ĐH của thế giới.

PV (ghi)

Nguồn: giaoducthoidai.vn

 

Số lượt đọc: 11862 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển