Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 20/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

NĂM 2017 KINH TẾ VIỆT NAM VƯỢT DỐC NGOẠN MỤC. NĂM 2018 QUYẾT LIỆT TĂNG TỐC

BÀI 1: Kỳ tích kinh tế Việt Nam 2017

Kinh tế Việt Nam 2017 không phải chỉ tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra, mà ước đạt mức 6,81%. Cùng với bước tăng trưởng ngoạn mục này, nhiều kỷ lục khác cũng đã được thiết lập, đưa nền kinh tế đạt được kỳ tích trong năm 2017.

Vượt dốc ngoạn mục

Sáng 28/12, Chính phủ bắt đầu Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đáng chú ý, đây là cuộc họp tổng kết đầu tiên của Chính phủ có sự tham dự của 4 lãnh đạo cao nhất, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Năm 2017, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 6%, cao hơn mức tăng 5,29% của năm 2016. Trong ảnh: Xưởng sản xuất vest của May 10.

 

 Trước khi diễn ra Hội nghị trực tuyến, không khí hồ hởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện từ chiều ngày 27/12, khi Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm công bố, tăng trưởng GDP cả năm 2017 ước đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, vượt mọi dự đoán của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế và Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua. 

Và cũng ngoạn mục khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP của từng quý năm 2017: quý I tăng trưởng 5,15%; quý II là 6,28%; quý III là 7,46%; và quý IV lên tới 7,65%.

Cần nhắc lại rằng, sau khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ là 5,1% (con số chính thức sau này là 5,15%), thấp hơn mức tăng trưởng 5,48% của quý I/2016 và 6,12% của quý I/2015, rất nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng, tăng trưởng kinh tế 2017 có thể còn không thể đạt con số 6,21% của năm 2016.

Và khi tăng trưởng GDP quý II được công bố là 6,17% (sau này được cập nhật thành 6,28%), đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 5,73%, thì càng có cơ sở để có những nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là “nhiệm vụ bất khả thi”, đồng thời đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Chỉ có Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiên định mục tiêu này và công bố hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Và những giải pháp đó đã phát huy hiệu quả, khi sang quý III/2017, tăng trưởng GDP đã đột phá với 7,46%. Khi ấy, Tổng cục Thống kê đã tính toán rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, thì quý IV/2017, GDP phải tăng trưởng 7,31%. Tuy nhiên, vượt mọi dự kiến, con số của quý IV đã lên tới 7,65%, đưa tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt con số 6,81%. Nền kinh tế đã có một hành trình vượt dốc ngoạn mục.

Không chỉ là tăng trưởng GDP, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thậm chí, năm 2017 còn được coi là năm của những kỷ lục.

Kiến tạo kỳ tích

Còn nhớ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017,  trong khi có nhiều ý kiến về việc Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn kiên định mục tiêu ấy, cho dù vẫn không khỏi lo lắng về những sức ép đang đè nặng lên nền kinh tế. Không chỉ là sức ép về tăng trưởng, mà còn cả nỗi lo lạm phát khó giữ ở mức 4%, nhập siêu lớn, giải ngân vốn đầu tư công chậm…

Năm của những kỷ lục

* Vốn đầu tư nước ngoài đạt được gần 36 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua. 
* Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng là kỷ lục, với 126.859 doanh nghiệp. 
* Lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chạm ngưỡng 400 tỷ USD. Con số ước tính vào thời điểm cuối năm là gần 425 tỷ USD, nền kinh tế ước xuất siêu 2,7 tỷ USD.

* Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, với lạm phát cả năm chỉ là 3,53%, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Cuối tháng 5/2017, trong bối cảnh khó khăn vẫn bủa vây nền kinh tế, ngay sau khi Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV bắt đầu có những thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, đã thẳng thắn chia sẻ với báo giới vì sao Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đó là nếu không tăng trưởng được như thế, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực. Hơn nữa, với Việt Nam - một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…

“Quan điểm của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như thế và khẳng định, việc Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% là có cơ sở và đó không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Cũng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã nỗ lực xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho từng ngành, lĩnh vực và cho cả nền kinh tế. Để từ đó, đầu tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Đầu tháng 8/2017, sốt ruột trước tình hình giải ngân chậm, lo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, với sự tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…

Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện đồng bộ và nhất quán, từ Trung ương tới địa phương, từ mọi cấp, ngành, để rồi từ đó, nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, không những đạt mà còn vượt mục tiêu tăng trưởng một cách ngoạn mục. Đó là một kỳ tích mà chắc chắn, nếu không có quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, thì không thể đạt được.

Chính chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng đã khẳng định, cách tiếp cận “hành động, hành động và hành động” của người đứng đầu Chính phủ đã đem lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế trong năm 2017.

Nền tảng cho sự phát triển vững bền

Không chỉ nỗ lực thực hiện các giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2017 cũng đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP đã tiếp tục được nỗ lực thực hiện. Vì thế, báo cáo Chính phủ hôm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, lòng tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố.

Bằng chứng là con số về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ và kỷ lục trong thành lập mới doanh nghiệp. “Thị trường chứng khoán sôi động, Chỉ số VN-Index vượt 960 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 đến nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Một bằng chứng khác, đó là môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàngThế giới đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ; Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 - thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được kể từ trước tới nay; còn triển vọng Việt Nam thì được tổ chức Moody’s và Fitch nâng từ mức ổn định lên mức tích cực.

Không những vậy, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 đã tăng khoảng 6%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 là 5,29%. Nếu tính theo giá hiện hành, đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế cũng ngày càng tăng, năm 2017 đạt mức 44,13%, cao hơn so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%) và cao hơn so với năm 2016 (40,68%)…

Dù vẫn còn những điểm yếu, như năng suất lao động chưa cao, đóng góp của TFP chưa được như kỳ vọng, vẫn còn những nỗi lo về nợ công tăng cao, nợ xấu chưa được giải quyết, song rõ ràng, kinh tế Việt Nam 2017 đã lập nên những kỳ tích. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam bước vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cũng như để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển về sau.

Hà Nguyễn

BÀI 2: Kinh tế Việt Nam: Quyết liệt tăng tốc ngay từ ngày làm việc đầu năm

 

Đón chuyến hàng đầu tiên của năm mới 2018 tại cảng Hoàng Diệu - Hải Phòng. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Quyết liệt vào việc ngay từ những ngày đầu năm, đừng để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” - đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2017. Đây là chỉ đạo kịp thời trong bối cảnh nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đối với các ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện trong năm 2018, đòi hỏi tất cả phải vào cuộc ngay, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm.

Bỏ ngay thói làm việc ỳ ạch đầu năm

Theo các chuyên gia, một phần do tâm lý “ăn và chơi” liên quan đến Tết Nguyên đán diễn ra ngay đầu năm nên hiện tượng “ỳ ạch” trong quý I diễn ra thường xuyên.

Đơn cử, Tổng cục Thống kê công bố quý I/2017 GDP chỉ tăng trưởng 5,15% thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu và dự kiến. Quý I các năm 2015, 2016 cũng chỉ ở mức quanh 6% (6,12% và 5,48%). Phải rất nỗ lực, quý II/2017 mới lên được 6,28% và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng: “Chúng ta không còn đường lùi” để rồi quý III/2017 là cuộc tăng tốc thần kỳ lập kỷ lục 7,46%.

Đúng như nhận định của Thủ tướng, để chạm và vượt chỉ tiêu về chỉ số tăng trưởng GDP 2017, cuối năm 2017 chúng ta đã quá “vất vả”.

Để chủ động và không đi vào nền nếp cũ, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ sớm trình dự thảo Nghị quyết 01 về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội kèm theo danh mục 242 đầu việc để Thủ tướng ký ban hành ngay những ngày đầu tháng 1.2018, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở bắt tay ngay vào việc.

Ghi nhận tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng thời điểm 0 giờ ngày làm việc đầu năm (1.1.2018), phóng viên Lao Động đã cảm nhận rõ không khí phấn khởi, hân hoan của người công nhân đã cùng nhau đón chuyến hàng đầu tiên trong năm mới 2018.

Phát biểu tại Lễ đón mã hàng đầu năm 2018, ông Phạm Hồng Minh - Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Cảng Hoàng Diệu - cho biết: Công ty tiếp tục ổn định việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho cán bộ công nhân viên toàn Cảng. Cảng Hoàng Diệu phấn đấu đạt các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2018, góp phần vào chỉ tiêu hợp nhất năm 2018 toàn Cảng Hải Phòng là 34,25 triệu tấn sản lượng; Tổng doanh thu hợp nhất 2.210 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 489,4 tỉ đồng.

Tại TPHCM cũng trong ngày 1.1.2018, cảng Tân Thuận - một trong những đơn vị trực thuộc của Cty CP Cảng Sài Gòn - đã đón chuyến tàu hàng đầu tiên. Ông Mai Văn Cự - Giám đốc cảng Tân Thuận - cho biết, đây là chuyến tàu nhập khẩu hàng sắt thép với khối lượng hơn 32.000 tấn. Vì là chuyến tàu “mở hàng” đầu năm nên lãnh đạo cảng đã huy động gần 100 nhân công cho việc bốc dỡ hàng hoá để đạt tiến độ đặt ra ban đầu là giải phóng hàng trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Anh em cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ để tạo đà đầu năm và cũng là mục tiêu của lãnh đạo cảng hướng đến trong việc gia tăng công suất làm việc. Trong năm 2017, cảng Tân Thuận đã đạt được 6 triệu tấn hàng hoá với doanh thu 390 tỉ, lợi nhuận đạt 140 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 12 triệu đồng/tháng. Năm 2018, cảng Tân Thuận sẽ cố gắng duy trì được công suất hiện nay cũng như đảm bảo nâng cao đời sống cho người lao động - ông Cự cho biết.

Nhận định thêm về tình hình xuất nhập khẩu năm 2018, ông Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định với Lao Động: Không chỉ làm việc xuyên suốt ngày chủ nhật cuối cùng trong năm 2017, cán bộ toàn ngành Hải quan đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ của năm 2018. Ngay từ đầu năm, toàn ngành nghiêm túc thực hiện nghị quyết 01 của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian thông quan, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường các biện pháp chống thất thu, phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, một trong những biện pháp cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất nhập khẩu sẽ được ngành đẩy mạnh là việc triển khai hệ thống giám sát tự động tại các cảng biển, cảng hàng không trong phạm vi cả nước.

Trong ngày hôm qua, du lịch Việt Nam đã đón những vị khách quốc tế đầu tiên với lễ đón tiếp long trọng, ấm cúng thể hiện sự nồng hậu, mến khách.

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 chính là du lịch. 9 tháng liên tiếp Việt Nam là điểm đến của hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Cả năm 2017, Việt Nam đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30%, tổng thu từ du lịch năm nay ước đạt hơn 510.000 tỉ đồng, đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, ngành du lịch cũng không thể “ngủ quên trên chiến thắng”. Năm nay chỉ tiêu đề ra cho du lịch là đón 15 triệu lượt khách quốc tế đòi hỏi ngành không thể chần chừ, ngay từ đầu năm phải triển khai hàng loạt những đầu việc để tăng lượng khách như kỳ vọng.

Trả lời TTXVN, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra nhận định: “Năm 2018 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và đương đầu với các nhóm thách thức, trước mắt, để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua thì Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018”.

Sáng 1.1.2018, tại Cảng Tiên Sa, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón chuyến tàu khách du lịch đầu tiên đến “xông đất” Đà Nẵng bằng đường biển.
Ảnh: TTXVN

Cải thiện năng suất lao động - yếu tố để phát triển bền vững

Một thông tin đáng suy nghĩ được đưa ra cuối năm 2017, đó là việc Tổng cục Thống kê đưa ra con số cho biết năng suất lao động của người Việt rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Các chuyên gia cho rằng, việc GDP của Việt Nam tăng trên 6,7% là rất đáng mừng nhưng cần quan tâm hơn nữa về chất lượng tăng trưởng. Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 diễn ra tháng 12.2017 (VDF 2017) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu đều đưa ra nhận định: “Năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công”.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng này không phù hợp với tình hình hiện nay, bối cảnh trong nước có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giải pháp cho vấn đề này chính là phải đưa ngay ra được kế hoạch cải thiện năng suất lao động bởi “nhân tố quyết định chất lượng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng đó là năng suất”.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng đưa ra nhận định: “Còn rất nhiều dư địa để Việt Nam tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế, nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, nâng cao đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp và phát triển doanh nông, hệ thống giao thông logistic và kết nối hiệu quả hơn”.

Một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra trong năm 2018 là “tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế (gồm 11 nhiệm vụ, giải pháp)”.

Trong đó có nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch...

Không thể chần chừ, chuyến tàu kinh tế 2018 cần phải khởi động ngay và tăng tốc ngay trong những ngày đầu năm 2017.

Một số chỉ tiêu nổi bật năm 2018

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao 6,5% đến 6,7%)

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% (Quốc hội giao tăng 7%-8%)

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt.

- Xây dựng nông thôn mới: Có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Thành lập mới khoảng 135.000 doanh nghiệp.

- Tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%;

- Năng suất lao động tăng 5,9%; Tỉ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 43,5%.

- Tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao; Tỉ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; Chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; Tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN khoảng 64,1%. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP.

- Đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành.

- Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Khả quan nhưng còn nhiều thách thức

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định sau thắng lợi kép về tăng trưởng và tỉ lệ lạm phát năm 2017 sẽ là nhiều thách thức cho nền kinh tế trong năm 2018. Theo chuyên gia này, nền kinh tế hiện vẫn đang có nhiều nút thắt như tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay nền tảng tăng trưởng chưa thật vững chắc dù đã có sự chuyển biến ban đầu về chất, năng suất hiệu quả lao động chưa tương xứng đặc biệt so với các nước cùng khu vực, tái cơ cấu còn chậm và tình trạng tham nhũng lãng phí còn phổ biến. Để duy trì đà tăng trưởng năm 2017, chuyên gia này cho rằng các bộ ngành cần nhanh chóng vào cuộc, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ đã đề ra.

“Kinh tế 2018 có nhiều tín hiệu khả quan nhưng thách thức cũng rất lớn, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể và tăng tốc ngay từ đầu năm”, chuyên gia này nhận định và cho rằng cần tăng cường công tác giám sát trong đó phải quy trách nhiệm của người giám sát để ngăn chặn sớm các vi phạm, bịt các lỗ hổng trong quá trình triển khai

KHÁNH HÒA thực hiện

 

 

NHÓM PV LAO ĐỘNG

 

bài 3: đừng ngủ quên... và thay thế những mắt xích hỏng

Đừng ngủ quên trên “vòng nguyệt quế”

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ ngành, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng họp trực tuyến để đánh giá bức tranh kinh tế - xã hội, đủ thấy quyết tâm mở lối ra cho nền kinh tế đi vào hội nhập lớn như thế nào.

Đảng, Nhà nước cùng lắng nghe thực tiễn từ các bộ ngành, địa phương để tìm ra kế sách đưa đất nước tiến nhanh hơn nữa.

Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch; công nghiệp, nông nghiệp có đà bứt phá; du lịch đang hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn với hơn 13 triệu lượt du khách; hơn 126.000 doanh nghiệp được thành lập trong năm qua... là những ghi nhận trong đổi mới điều hành kinh tế quốc gia.

Những thành tựu trên mang lại bầu không khí lạc quan và niềm tin mới. Nhưng việc người đứng đầu Đảng, Nhà nước cùng dự hội nghị trực tuyến với Chính phủ không phải chỉ để ghi nhận những thành tích của một năm qua. Điều cần hơn là nhìn thẳng vào những gì đã và chưa làm được để  kịp thời có những quyết sách trúng và đúng cho chặng đường sắp tới.

Mổ xẻ đến cùng, thì trong cái “lấp lánh” của những con số cũng đã hé lộ những bất cập không thể không lo. Đất nước cần nhất là phát triển bền vững, các bộ ngành, từng tỉnh thành cần nhìn lại xem thực trạng kinh tế đã thật sự bền vững chưa?

Phải chỉ thẳng: Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững! Vậy vì sao kinh tế chưa bền vững, vì sao sức cạnh tranh thương trường khi hội nhập vào kinh tế thế giới vẫn chưa bứt phá nhanh? Càng thấy việc nào, lĩnh vực nào, chính sách nào cũng đều từ con người cả. Động vào bộ ngành nào, sờ vào các doanh nghiệp lớn nào cũng thấy còn bất cập yếu kém.

Lãnh đạo đất nước vẫn còn nhiều trăn trở. Trăn trở về những rào cản đang đặt ra phía trước. Trăn trở vì vẫn còn kia tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “trên bảo, dưới chưa nghe”. Vẫn còn đây đó tình trạng cố tình làm trái, rồi tìm đủ cách biện minh, đổ lỗi, né trách nhiệm. Càng thấy việc cải cách thủ tục hành chính càng phải mạnh mẽ hơn, cuộc tuyên chiến chống tham nhũng càng phải  bài bản, quyết liệt hơn.

Đất nước phía trước ngổn ngang bao việc. Quy hoạch tổng thể quốc gia, từng bộ ngành, vùng miền đang đòi hỏi một cách nhìn và tư duy, chiến lược mới.  Từng bộ ngành rà soát lại xem đã làm được gì và việc gì là trọng điểm, là “điểm nhấn” cho năm 2018! Mỗi cá nhân được trao trọng trách, cần nhìn lại chính mình, phải làm sao cho xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.

Đất nước vận hành phải theo kỷ cương, pháp luật. Chống thao túng quyền lực, quyền lực càng phải được kiểm soát bằng nhiều cách, nhiều kênh, nhưng dứt khoát không thể rời xa tai mắt của người dân. Những người hư hỏng, tham nhũng, vụ lợi dù ở vị trí nào dứt khoát phải loại nhanh ra khỏi bộ máy. Nói Đảng vững mạnh, Chính phủ liêm chính, dứt khoát đội ngũ lãnh đạo các bộ ngành không thể diễn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Càng không thể để tình trạng tham nhũng từ làm chính sách, thiết kế chính sách chen vào điều này, khoản kia rồi sau đó tính kế vụ lợi. Khi tay đã “nhúng chàm” phải bị xử lý nghiêm minh, không có “bầu trời riêng” cho bất cứ ai.

Nhìn lại một năm qua, hàng loạt cán bộ cao cấp bị xử lý nghiêm do sai phạm, đã thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của Đảng. Bởi Đảng có trong sạch, mới khơi gợi được niềm tin, mới tạo được sức mạnh cho hơn 93 triệu người dân cả nước.

Những thành tựu của năm 2017 là rất mừng, rất đáng ghi nhận! Nhưng như người đứng đầu của Đảng đã nhắc nhở: Đừng ngủ quên trên “vòng nguyệt quế”. Thành tựu phải coi là điểm tựa để tiếp tục phấn đấu đi lên, tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn!

Đăng Quang

Thay mắt xích hỏng bằng loại tốt hơn, không phải thứ sắp hỏng

 

Để cỗ máy phát triển tiến lên không chỉ thay các mắt xích hỏng, mà phải thay nó bằng các mắt xích tốt hơn (chứ không phải là thay bằng các mắt xích sắp hỏng, chưa hỏng).

 

Ngày 28-12, tại hội nghị lớn nhất từ trước đến nay của hệ thống hành pháp, với sự tham dự của cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, các cơ quan tư pháp và đoàn thể chính trị - xã hội, có một nhiệm vụ được đặt ra như mệnh lệnh: cỗ máy phát triển không được dừng lại.

"Khi đó việc khởi động lại từ đầu sẽ rất khó khăn" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu giả sử trong trường hợp cỗ máy phát triển bị dừng lại. Rồi ông cho rằng: "Vấn đề mấu chốt vẫn là con người. Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy, tái tạo văn hóa học hỏi, tinh thần cởi mở và trách nhiệm cá nhân".

"Quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến nhiệm vụ đồng thời là giải pháp quan trọng này. 

"Vấn đề mấu chốt là con người", nhưng trong cỗ máy phát triển của đất nước thì sự vận hành của bộ máy hành chính và hệ thống chính trị là đặc biệt quan trọng, bởi nó quyết định đến chất lượng thể chế, đến vấn đề giải phóng nguồn lực và tạo ra các động lực cho phát triển. Cán bộ là cái gốc của công việc. 

Có cán bộ tốt thì việc khó có thể được xoay chuyển thành dễ; khó khăn, thách thức có thể biến chuyển thành thời cơ, thuận lợi. Cán bộ hư hỏng, yếu kém thì công việc bê trễ, thời cơ vuột mất, khó khăn chồng chất thêm, động lực phát triển bị triệt tiêu và niềm tin của người dân bị mất mát dần

Có thể lấy ngay ví dụ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, trong bối cảnh được dự báo từ cuối năm 2016 và những tháng đầu năm với rất nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài. 

Nhưng chính trong khó khăn, với quyết tâm cao độ nhằm xoay chuyển tình hình, đã được thể hiện trong từng việc làm, trong mọi thời điểm, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thành công với kết quả tăng trưởng ấn tượng, đạt 6,81%.

Rõ ràng, sức mạnh sẽ được tạo ra khi Chính phủ nhận được sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp. Và để có được sự đồng hành thì yếu tố tiên quyết là niềm tin. 

Nhiều ý kiến nhận định rằng bên cạnh niềm tin về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, thì việc đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, chống vi phạm pháp luật đã được "đẩy mạnh hơn bao giờ hết" là điểm cộng trong năm 2017.

Các mắt xích hỏng đang dần được thay thế, để cỗ máy phát triển tiến lên.

Nhưng cả Tổng bí thư và Thủ tướng đều nhấn mạnh rằng không được chủ quan, tự mãn, say sưa với thành tích, bởi phía trước còn nhiều khó khăn. VN vẫn đi chậm, đi sau nhiều quốc gia trên thế giới, đòi hỏi công cuộc chấn hưng đất nước cần được đẩy mạnh hơn nữa. 

Chính vì vậy, nhiệm vụ đối với xây dựng, tổ chức bộ máy chính trị không chỉ là thay các mắt xích hỏng mà phải thay các mắt xích hỏng bằng các mắt xích tốt (chứ không phải là thay bằng các mắt xích sắp hỏng, chưa hỏng). 

Chúng ta chờ đợi việc xây dựng một thể chế đủ mạnh để thu hút nhân tài - vấn đề sẽ được Hội nghị Trung ương 7 bàn bạc, quyết định trong năm 2018.

LÊ KIÊN

 Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn: baodautu.vn; laodong.vn; daibieunhandan.vn; tuoitre.vn.

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển