Ngày 17/10 tới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc, theo Chương trình hợp tác lao động giữa hai Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc (EPS).
ông Lee Myung-hee
PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Lee Myung-hee, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam, xung quanh kế hoạch dành 10.000 chỉ tiêu cho Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, với nhiều cơ hội mới đáng lưu ý.
- PV: Nhiều lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc đang rất quan tâm đến thông tin Hàn Quốc dành thêm 10.000 chỉ tiêu cho Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
- Ông Lee Myung-hee: Trước tiên cần phải khẳng định, chỉ tiêu lao động của năm 2010 của Hàn Quốc dành cho Việt Nam là 12.500 người. Qua đợt kiểm tra năng lực tiếng Hàn tổ chức vào tháng 4/2010 chỉ có 10.678 lao động thi đạt và có 9.700 lao động làm hồ sơ dự tuyển gửi sang Hàn Quốc. Việc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc quyết định tổ chức thêm 2 kỳ kiểm tra vào ngày 17/10 và ngày 5/12 tới với 10.000 chỉ tiêu, là sự chuẩn bị nguồn lao động cho năm 2011.
Việc này xuất phát từ sự thay đổi thời gian xuất nhập cảnh dành cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Trước đây, Hàn Quốc nhận nhập cảnh từ tháng 3 năm nay cho đến hết tháng 2 của năm sau. Nhưng bắt đầu từ năm 2011, thời gian nhập cảnh được quy định từ tháng 1 đến tháng 12 trong năm. Chính vì thế, số lượng lao động chuẩn bị tuyển dụng cho năm sau chưa đủ, nếu không tổ chức thi sớm, thì năm 2010 sẽ không kịp nguồn dự trữ lao động để cung cấp cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
- PV: Trong số 10.000 chỉ tiêu dành cho Việt Nam, có tới 2.000 chỉ tiêu dành cho lao động ngành Ngư nghiệp. Vậy những lao động ngành này cần đáp ứng được những tiêu chí nào để có thể đáp ứng được nhà tuyển dụng phía Hàn Quốc?
- Ông Lee Myung-hee: Chương trình EPS là chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài không có yêu cầu đặc biệt nào. Trong 10.000 chỉ tiêu được đưa ra thì có 5.000 chỉ tiêu trong ngành sản xuất chế tạo; 1.000 chỉ tiêu ngành Xây dựng và 2.000 chỉ tiêu ngành Ngư nghiệp. Đây là chỉ tiêu phân bổ cho ngành này lớn nhất từ trước đến nay mà Hàn Quốc dành cho Việt Nam và chưa có quốc gia nào được giao chỉ tiêu lớn như vậy.
Khi nhìn vào bản đồ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đất nước các bạn có bờ biển dài, chắc chắn nguồn lao động đáp ứng cho ngành này sẽ rất dồi dào. Lao động ngành Ngư nghiệp là một trong những ngành khó tuyển dụng nhất, chính vì thế chúng tôi quyết định tổ chức riêng một đợt kiểm tra năng lực tiếng Hàn cho những lao động đăng ký ngành này vào ngày 5/12. Sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại Hàn Quốc cho lao động ở các tỉnh miền Trung Việt Nam khi đăng ký ngành này.
- PV: Có rất nhiều luồng thông tin về việc lựa chọn ứng viên qua hồ sơ trên mạng, dẫn đến tâm lý phải "chạy tiền", phải có "quan hệ" mới được xuất cảnh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Ông Lee Myung-hee: Nguyên tắc lựa chọn lao động của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc là 3 chọn 1. Khi họ thông báo cần 1 lao động ở lĩnh vực nào thì chúng tôi phải chuẩn bị cho họ 3 hồ sơ của lao động ở nghề đó. Chính vì thế cần khẳng định là không phải toàn bộ hồ sơ dự tuyển gửi sang Hàn Quốc sẽ được lựa chọn hết. Trong số 15 quốc gia phái cử lao động sang Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam được lựa chọn trong nhiều năm gần đây luôn cao nhất. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa lao động các nước với lao động Việt Nam, dẫn đến đã xuất hiện luồng dư luận xuyên tạc về chương trình EPS tại Việt Nam.
- PV: Vậy tính đến thời điểm này, đã có bao nhiêu lao động Việt Nam được chủ Hàn Quốc lựa chọn trong số 9.700 hồ sơ dự tuyển của năm 2010?
- Ông Lee Myung-hee: Tính đến ngày 30/9, đã có 3.209 lao động được chọn. Trong tổng số 20.200 lao động nước ngoài thì lao động Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất 15,9%, đứng thứ hai là Indonesia (3.000 lao động). Riêng trong tháng 10 này, sẽ có khoảng 2.000 lao động Việt Nam được nhập cảnh vì hồ sơ đã được gửi đến các chủ sử dụng có nhu cầu. Như vậy, đến hết tháng 10 đã có khoảng 5.000 người được chọn trong tổng số 9.700 người là tỷ lệ cao. Dự đoán hết năm 2010, sẽ có khoảng 2/3 lao động gửi hồ sơ được tuyển dụng.
- PV: Trở lại thông tin về đợt kiểm tra tiếng Hàn sắp tới. Vẫn còn những hồ nghi về sự minh bạch của cuộc thi này khi trong đợt thi tháng 4 vừa qua, cơ quan Công an đã phát hiện ra có chuyện tiêu cực, gian lận?
- Ông Lee Myung-hee: Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH, Trung tâm Lao động ngoài nước làm tốt để Việt Nam giữ vững vị trí số 1. Đợt thi ngày 17/10 có 27.567 thí sinh đăng ký dự thi tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng và TP HCM. Những thí sinh đã đăng ký dự thi ngày 17/10 thì sẽ không được đăng ký thi đợt 5/12.
Kỷ luật phòng thi sẽ được thắt chặt. Sẽ rất khó có việc thi hộ, thi kèm, nhắc bài vì mỗi khu vực thi sẽ có 4 đề thi khác nhau. Đề thi được bảo mật tuyệt đối, được chuyển từ Hàn Quốc sang Việt Nam dưới dạng túi thư ngoại giao gửi về Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Mỗi thí sinh chỉ được phát 1 tờ giấy thi trong đó mọi thông tin về thí sinh đều được in sẵn.
Thí sinh chỉ cần kiểm tra đúng thông tin về mình thì ký vào. Giám thị và lực lượng giám sát sẽ đến từng phòng để nhận diện thí sinh. Đặc biệt danh sách giám thị và danh sách thí sinh ở phòng thi nào chỉ được công bố sát giờ thi. Thí sinh tuyệt đối không được mang ĐTDĐ vào phòng thi, khi bị phát hiện sẽ bị đình chỉ ngay. Toàn bộ bài thi của thí sinh được chuyển về ĐSQ và gửi về Hàn Quốc chấm trên máy tính.
- PV: Được biết, sau đợt kiểm tra tiếng Hàn, trong năm 2010, phía Hàn Quốc đã tổ chức cuộc thi tay nghề cho lao động làm hồ sơ dự tuyển. Kết quả thi tay nghề của từng lao động được gửi kèm theo hồ sơ để làm cơ sở cho chủ sử dụng lựa chọn. Thời gian tới, việc kiểm tra tay nghề có được tổ chức thường niên không?
- Ông Lee Myung-hee: Hiệu ứng từ việc thi tay nghề rất đáng khích lệ. Những lao động có kết quả thi tay nghề cao thì được chủ sử dụng lựa chọn nhanh hơn. Phía nhà tuyển dụng đánh giá cao việc làm này. Chắc chắn từ những năm tới, sau cuộc thi tiếng Hàn sẽ tổ chức thi tay nghề với những thí sinh đã gửi hồ sơ ở nghề như xây dựng, nông nghiệp. Chúng tôi chưa đủ nhân lực để tổ chức kiểm tra tay nghề ở ngành sản xuất chế tạo do lượng lao động quá lớn. Người lao động cần chú ý chuẩn bị tốt trước khi bước vào kiểm tra tay nghề vì đạt điểm cao đồng nghĩa với cơ hội được làm việc tại Hàn Quốc sẽ cao hơn.
- PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo CAND