Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 25/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Muốn nghe được nhiều hơn và học tập nhiều hơn

LTS - Trong chuyến thăm chính thức CH Xin-ga-po từ ngày 12 đến 14-9-2012 theo lời mời của Thủ tướng, Tổng Thư ký Ðảng Hành động Nhân dân Xin-ga-po Lý Hiển Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, nói chuyện tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu. Ngay sau bài nói của mình, Tổng Bí thư đã đối thoại rất cởi mở, chân thành với các học giả, giáo sư, sinh viên của nhà trường và các đại biểu tham dự. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc lược trích phần đối thoại này.
GS Ki-so Ma-bu-ba-ni (Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu): Thưa Tổng Bí thư, chúng tôi rất cảm ơn Tổng Bí thư về bài phát biểu vừa rồi và cảm ơn Tổng Bí thư đã đồng ý trả lời một số câu hỏi. Xin Tổng Bí thư cho phép hỏi câu hỏi đầu tiên.

Như Ngài đã nói, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy thách thức. Và nước nào cũng phải đối mặt với thách thức. Vậy Ngài có thể cho biết ba thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải là gì?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam chúng tôi bên cạnh những thuận lợi cơ bản. Ðó là chính trị ổn định, xã hội ổn định, có truyền thống phát triển lâu đời, nhân dân giàu lòng yêu nước, khối đoàn kết dân tộc rất tốt và hiện nay  đang  mở  mang  quan  hệ  với  các  nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trên con đường phát triển, chúng tôi cũng gặp rất nhiều thách thức, khó khăn. Có thể kể ra nhiều, nhưng có mấy khó khăn, thách thức lớn. Chúng tôi phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu muốn phát triển rất nhanh, bền vững với cơ sở hạ tầng còn đang yếu kém, nguồn vốn còn đang có hạn, nguồn nhân lực cũng chưa được nhiều, nhất là nguồn lực chất lượng cao và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý không được như Xin-ga-po. Ðây là mâu thuẫn rất lớn.

Một thách thức khác nữa là chúng tôi xuất phát từ nền kinh tế còn nghèo, thấp kém, lại trải qua hơn 30 năm chiến tranh để lại hậu quả hết sức nặng nề. Các bạn biết, qua các cuộc chiến tranh, Việt Nam chúng tôi hiện có 1,1 triệu liệt sĩ, 80 vạn thương binh và hơn năm vạn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của chúng tôi là danh hiệu đã được ghi trong Hiến pháp tôn vinh những người Mẹ đã hy sinh từ 1 đến 9 - 11 người con, hy sinh người chồng, người cha, người anh em trong gia đình vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ðồng thời, chúng tôi phải giải quyết, chăm lo chính sách cho mấy triệu người, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, cơ sở vật chất chưa có bao nhiêu. Và đường lối của chúng tôi là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, đặc biệt ưu tiên cho xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc chính sách xã hội, những người khó khăn, cơ nhỡ, ở thế yếu. Ðây là yêu cầu rất lớn.

Một điểm nữa, nguồn nhân lực hiện nay của chúng tôi, tuy giáo dục - đào tạo phát triển nhanh với hơn 22 triệu người đi học và nhiều giáo sư, tiến sĩ... nhưng so với Xin-ga-po thì chúng tôi còn thấp xa. Hôm trước, chúng tôi có đi thăm Trung tâm công nghệ cao và Ủy ban Phát triển Kinh tế của Xin-ga-po, tôi thấy các bạn đã chọn một khâu đột phá là nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp với thời đại phát triển kinh tế tri thức.

Về cơ sở hạ tầng, các nhà doanh nghiệp của Xin-ga-po và các bạn đã biết quá rõ, đường sá, cầu cống, nhà cửa còn đang thấp kém. Kinh nghiệm quản lý chưa có bao nhiêu, chúng tôi mới đi vào kinh tế thị trường một thời gian ngắn, có rất nhiều cái cần phải học tập các bạn Xin-ga-po. Chính vì thế, trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp hàng đầu của Xin-ga-po, chúng tôi đã bày tỏ mong muốn, các bạn đầu tư giúp Việt Nam về kinh tế, thương mại, phát triển du lịch và các ngành nghề của Việt Nam. Hôm nay đến với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, chúng tôi mong muốn các bạn giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn nữa trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Học giả đến từ Viện Nghiên cứu Ðông-Nam Á:Trung Quốc đã xác định Biển Ðông là lợi ích cốt lõi. Và Trung Quốc cũng nói là nếu cần thì sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ những lợi ích này. Vậy sự lựa chọn của các nước ASEAN và đặc biệt là của Việt Nam là gì?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ðúng là Trung Quốc gần đây thường tuyên bố Trung Quốc có lợi ích cốt lõi ở Biển Ðông và nhiều nước trong khu vực cũng tuyên bố về chủ quyền ở Biển Ðông, trong đó Việt Nam chúng tôi cũng có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Ðông theo luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam và Trung Quốc, như các bạn đã biết, chúng tôi là hai nước láng giềng gần sát nhau. Trung Quốc là nước lớn. Việt Nam là nước nhỏ. Chúng tôi đã chung sống với nhau từ lâu đời, hàng nghìn năm. Trong thời đại bây giờ, hai nước chúng tôi luôn luôn khẳng định là cùng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa do Ðảng Cộng sản lãnh đạo, cùng theo chủ nghĩa Mác mà như Ngài Hiệu trưởng nói là cũng có nghiên cứu.

Không chỉ là quan hệ hàng xóm láng giềng mà chúng tôi luôn luôn nói với nhau, còn là đồng chí, là anh em, nhân dân thường xuyên qua lại thăm viếng lẫn nhau. Việt Nam chịu ơn Trung Quốc rất nhiều. Trước khi chúng tôi thành lập Ðảng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của chúng tôi cũng từng hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc. Nhiều nhà lãnh đạo tiền bối của chúng tôi cũng từng nghiên cứu ở Trung Quốc. Quan hệ rất gắn bó. Trung Quốc đã giúp chúng tôi trong suốt những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng tôi không bao giờ quên ơn các bạn Trung Quốc. Ðây là đường lối chiến lược của chúng tôi.

Vừa rồi, riêng có vấn đề Biển Ðông thì không phải chỉ có quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc mà nhiều nước có lợi ích ở Biển Ðông, như Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a... Thế còn Trung Quốc tuyên bố có lợi ích cốt lõi, đấy là việc của Trung Quốc, còn chúng tôi tuyên bố có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế và trên thực tế lịch sử những căn cứ của chúng tôi cũng là tuyên bố của chúng tôi. Và Trung Quốc cũng nói rằng mỗi bên cứ tuyên bố chủ quyền của mình. Nhưng đây là vấn đề còn phải giải quyết hết sức lâu dài. Và nhìn ra thì không phải chỉ ở Biển Ðông mà còn Biển Hoa Nam; quan hệ giữa Nga với Nhật Bản, Nhật Bản với Trung Quốc, Nhật Bản với Hàn Quốc, Hàn Quốc với Trung Quốc, Phi-li-pin với Trung Quốc, Ma-lai-xi-a với Trung Quốc... Nhưng chủ trương của chúng tôi (như đã nêu trong phát biểu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) và là đường lối nhất quán: chúng tôi chủ trương mọi sự tranh chấp ở Biển Ðông phải được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó cơ sở rất quan trọng là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) cũng như Hướng dẫn thực hiện DOC giữa ASEAN và Trung Quốc. Và tiến tới là Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Ðông (COC) mà các nước ASEAN đang khởi động và tích cực thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết với Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi còn có thỏa thuận chung. Năm ngoái, tháng 10-2011, hai bên đã trình bày đầy đủ lập trường và thống nhất ra một bản thỏa thuận về sáu nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thỏa thuận này đã được công khai trên toàn thế giới, chúng tôi rất nhất trí và tuân theo bản thỏa thuận này. Ðương nhiên, lúc này, lúc khác có thể có sự việc cụ thể này, sự việc cụ thể khác - đó là điều khó tránh khỏi. Giữa hai nhà hàng xóm láng giềng cũng có những lúc không hài lòng với nhau. Ngay trong một gia đình, như chúng tôi đã nói với các bạn Trung Quốc, hai vợ chồng có khi còn cãi nhau; chồng bát còn có khi xô - Việt Nam chúng tôi có câu tục ngữ như vậy; thì phải giải quyết một cách êm thấm vì lợi ích của mỗi bên, vì lợi ích của khu vực và trên thế giới. Ðây là chủ trương, quan điểm nhất quán của chúng tôi và mong các nước ASEAN thông cảm, chia sẻ và hành động theo phương hướng này.

Phóng viên báo của Nhật Bản: Ngài đánh giá như thế nào về tranh chấp của Nhật Bản với Trung Quốc chung quanh quần đảo Sen-ka-ku mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư...?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ðây là quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc thì có lẽ bạn hỏi Nhật Bản, Trung Quốc hay hơn là hỏi tôi. Vì không ai biết mình bằng những người trong cuộc. Tôi nói ở đây cũng có thể nói được, nhưng vũ đoán, được lòng ông này mất lòng ông kia, thì không tiện. Bạn thông cảm cho.

Học giả đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu:Việt Nam cũng như các nước Ðông - Nam Á có chiến lược như thế nào để đối mặt với tình trạng đô thị hóa đang diễn ra ngày càng nhanh chóng? Làm thế nào để giải quyết vấn đề cung cấp dịch vụ cho những người nghèo ở thành thị ? Chiến lược của Việt Nam là gì và hợp tác ở khu vực như thế nào để giải quyết vấn đề những người di cư đang đổ mạnh về các đô thị lớn?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng tôi đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam trước đây, như các bạn đã biết, gần 90% là nông nghiệp. Ðiểm xuất phát rất thấp và đang phấn đấu để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu của chúng tôi là từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó có vấn đề đô thị hóa. Ðây là quy luật tất yếu của một nước đi lên từ nông nghiệp: thay đổi cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư, nhiều người đi làm công nghiệp, dịch vụ thì đương nhiên có vấn đề mới cần giải quyết. Chúng tôi đang chịu sức ép và nhân dân, bà con nông dân từ nông thôn kéo ra thành thị khá đông - đây là quy luật tất yếu - nhưng lại gặp mâu thuẫn là cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đường sá, các khu vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện,... chưa xây dựng kịp với nhu cầu.

Chính vì thế, cũng phải có biện pháp để hạn chế số người từ nông thôn ra thành thị, nhưng đây là biện pháp rất khó. Chúng tôi đã có luật, trong đó quy định phải tôn trọng quyền của người dân được lựa chọn nơi cư trú và đưa ra một số tiêu chí. Trên thực tế, hiện nay dân cư từ nông thôn ra thành thị rất đông. Riêng Thủ đô Hà Nội của chúng tôi, năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công mới có 25 vạn người. Cách đây độ mươi năm, khi tôi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, dân số mới chỉ có hơn hai triệu người. Ðến bây giờ, dân số của Hà Nội chúng tôi đã lên tới 6,5 triệu người, nếu kể cả số lượng người vãng lai thì dân số Hà Nội phải lên tới hơn bảy triệu người. Ðây là vấn đề rất lớn đặt ra đòi hỏi chúng tôi phải giải quyết, xử lý về đất đai, nhà cửa, điện nước, trường học, bệnh viện... Tôi thấy, Xin-ga-po và một số nước như In-đô-nê-xi-a, đã có kinh nghiệm và rất quan tâm giải quyết vấn đề đô thị hóa, kể cả vấn đề về môi trường, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Tôi mong nhận được kinh nghiệm từ phía các bạn Xin-ga-po. Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp hàng đầu của các bạn, tôi thấy có một số doanh nghiệp cũng đặt vấn đề đầu tư, hợp tác xây dựng nhà ở cho những đối tượng khác nhau, trong đó có những đối tượng có thu nhập thấp.

GS Ki-so Ma-bu-ba-ni: Rất xin lỗi các bạn và cảm ơn Tổng Bí thư vì Tổng Bí thư có chương trình dày đặc trong chuyến thăm Xin-ga-po lần này. Và bây giờ Tổng Bí thư sẽ phải rời Hội trường cho chương trình tiếp theo. Tôi cho rằng, chúng ta đều nhất trí là đã học hỏi được rất nhiều từ bài phát biểu và phần trao đổi của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư đã cho chúng ta biết những chi tiết rất sâu sắc trong tư tưởng, quan điểm, đường lối của Việt Nam. Hy vọng chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư sẽ giúp quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trường của chúng ta được đẩy mạnh hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Ngài Hiệu trưởng và các quý vị, các bạn đã lắng nghe. Tiếc là thời gian ngắn quá để có thể nghe được nhiều hơn ý kiến của các bạn và học tập nhiều hơn. Nếu các bạn thấy cần thiết thì lần sau sẽ bố trí chương trình dài hơn để được hầu chuyện các bạn. 

GS Ki-so Ma-bu-ba-ni: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư !

theo nhandan.com.vn

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển