Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Chủ nhật, 22/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

MÙA GIẢI NOBEL 2021

Hai nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel Y sinh 2021

Vào lúc 16h30 ngày 4/10 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2021 thuộc về hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”.

 

Hai nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel Y sinh 2021 - Nguồn: Nobelprize

"Khả năng cảm nhận nóng, lạnh và xúc giác của chúng ta là điều cần thiết cho sự tồn tại và làm nền tảng cho sự tương tác của chúng ta với thế giới xung quanh", Hội đồng Nobel cho biết trong một tuyên bố công bố giải thưởng Nobel Y sinh năm nay.

Nhiệt độ và cảm giác đau là một phần của xúc giác - phần ít được tìm hiểu trong 5 giác quan chính của con người. Hai nhà khoa học Julius và Patapoutian đã đặt nền móng cho thiết bị cảm biến nhiệt học cũng như cảm biến cơ học. Nghiên cứu này được đánh giá là "đưa ra các tiềm năng y học thú vị", bởi nó làm sáng tỏ cách giảm đau mạn tính và cấp tính liên quan đến các bệnh, chấn thương và phương pháp điều trị chúng.

Trên thực tế, một số phòng thí nghiệm về dược phẩm đang nghiên cứu để xác định các phân tử này, mục tiêu là điều trị các chứng bệnh đau mạn tính khác nhau, ví dụ tình trạng viêm khớp.

Để tiến hành nghiên cứu, David Julius đã sử dụng capsaicin, một hợp chất cay từ ớt, gây cảm giác nóng để xác định cách đầu dây thần kinh của da phản ứng với nhiệt. Cộng sự của ông là Ardem Patapoutian dùng tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá ra một phản ứng khác với kích thích cơ học trên da và cơ quan nội tạng.

Giáo sư David Julius là nhà sinh lý học người Mỹ đang làm việc tại Đại học California ở San Francisco. Giáo sư Ardem Patapoutian là nhà sinh học phân tử người Mỹ gốc Armenia, làm việc cho Viện Scripps Research ở La Jolla, California.

Trước đó, hai nhà khoa học này đã nhận được giải thưởng về Sinh học và Y khoa của Quỹ BBVA với công trình nghiên cứu này.

Giải Nobel Y sinh đã được trao 112 lần từ năm 1901 đến nay, trong đó có 12 phụ nữ từng được nhận giải này. Trong năm 2020, giải thưởng danh giá này đã thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Charles M.Rice (cùng là người Mỹ) và Michael Houghton (người Anh) với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.

Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sĩ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số virus có thể gây ra ung thư.

Diễn ra giữa dịch COVID-19, Nobel 2021 được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Năm ngoái, một số sự kiện bị hủy bỏ, buổi lễ được tổ chức trực tuyến. Lễ trao giải năm nay kết hợp cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Các ứng viên sáng giá cho giải Nobel Y Sinh năm nay thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là nghiên cứu về RNA thông tin (mRNA) - tiền đề cho vaccine COVID-19; tế bào bạch cầu lympho B và T, cần thiết cho hệ thống miễn dịch của con người; và công trình xác định gene nguy cơ gây ung thư, mở đường cho các phương pháp điều trị tiềm năng.

 

Nobel Hóa học 2021 vinh danh nghiên cứu phát triển chất hữu cơ bất đối xứng làm xúc tác

Giải Nobel Hóa học năm 2021 thuộc về hai nhà khoa học Benjamin List (người Đức) và David MacMillan (người Mỹ) với công trình khoa học nghiên cứu sự phát triển chất hữu cơ bất đối xứng làm xúc tác.

Hai nhà khoa học người Đức, Mỹ giành Nobel Hóa học 2021.

Thông báo của Ủy ban Nobel nêu rõ hai nhà khoa học Benjamin List và David MacMillan đã nghiên cứu và phát triển hình thức xúc tác hữu cơ bất đối xứng (asymmetric organocatalysis) trong quá trình hình thành phân tử. Nghiên cứu này có thể ứng dụng vào nghiên cứu dược phẩm đồng thời giúp hóa học trở nên thân thiện hơn với môi trường. 

Nhà khoa học Benjamin List, 53 tuổi, hiện là Giám đốc Viện Max-Planck, Đức. Trong khi đó, nhà khoa học người Mỹ MacMillan cũng 53 tuổi và là Giáo sư tại Đại học Princeton, Mỹ. 

Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển cho rằng nhiều lĩnh vực nghiên cứu và ngành công nghiệp phụ thuộc vào công trình nghiên cứu của các nhà hóa học trong việc hình thành các phân tử có khả năng tạo thành vật liệu đàn hồi và bền, tích trữ năng lượng trong pin hoặc ức chế sự phát triển của bệnh tật. Công việc này đòi hỏi chất xúc tác, là những chất kiểm soát và đẩy nhanh các phản ứng hóa học.

Theo ủy ban này, từ lâu giới khoa học cho rằng chỉ tồn tại hai chất xúc tác, đó là kim loại và enzyme. Tuy nhiên, từ năm 2000, hai nhà khoa học List và MacMillan đã thực hiện hai công trình nghiên cứu riêng biệt về chất hữu cơ bất đối xứng làm xúc tác và xây dựng công cụ này dựa trên những phân tử hữu cơ cỡ nhỏ.

Nobel Hóa học là giải thưởng thứ ba được công bố mùa giải Nobel năm 2021 và là giải Nobel Hóa học thứ 113 được trao kể từ năm 1901.

Năm ngoái, giải Nobel Hóa học 2020 đã thuộc về 2 nữ tiến sĩ gồm Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Anne Doudna (Mỹ), về phương pháp chỉnh sửa gene, giúp thay đổi "mật mã" của sự sống chỉ trong vài tuần.

 

Nobel Vật lý 2021 cho nghiên cứu về sự nóng lên toàn cầu

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 5/10 quyết định trao giải thưởng Nobel Vật lý năm 2021 cho ba nhà khoa học người Mỹ, Đức và Italy.

 

Ảnh chụp từ video phát trực tiếp lễ công bố giải Nobel Vật lý 2021 ngày 5/10.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải thưởng Nobel Vật lý năm 2021 cho ba nhà khoa học Syukuro Manabe (người Mỹ), Klaus Hasselmann (người Đức) và Giorgio Parisi (người Italy) “vì những đóng góp mang tính đột phá giúp chúng ta hiểu biết về các hệ thống vật lý phức tạp và mô hình vật lý khí hậu Trái Đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên trên toàn cầu.

Theo Ban tổ chức, Giải Nobel Vật lý năm nay được chia đôi. Một nửa thuộc về hai nhà khoa học Manabe và Hasselmann để tôn vinh công trình nghiên cứu lập mô hình vật lý về khí hậu của Trái đất, định lượng sự biến đổi và dự đoán một cách đáng tin cậy sự nóng lên toàn cầu.

Một nửa giải thưởng còn lại được trao cho nhà khoa học Giorgio Parisi (Đại học Sapienza, Italy) “vì đã khám phá ra tác động qua lại của sự rối loạn và dao động trong các hệ thống vật lý, từ quy mô nguyên tử đến hành tinh”.

Tại họp báo sau lễ công bố giải thưởng, khi được hỏi muốn gửi thông điệp gì đến các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị hội đàm về vấn đề biến đổi khí hậu sắp tới, ông Giorgio Parisi nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta đã đưa ra quyết định, và tiếp tục tiến lên... Rõ ràng là vì thế hệ tương lai, chúng ta phải hành động ngay bây giờ, hành động thật nhanh".

Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 4/10 với giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực y học/sinh học (giải Nobel Y Sinh) cho hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”.

Sau giải Nobel Vật lý, các giải thưởng tiếp theo sẽ được công bố lần lượt trong các lĩnh vực Hóa học, Văn chương, Hòa bình và Kinh tế.

Vào năm 2020, giải Nobel Vật lý được trao cho nghiên cứu về hố đen vũ trụ. Tác giả của nghiên cứu này là các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez.

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y sinh, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.

Trong các giải thưởng Nobel thì Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y sinh do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định; và Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển