Hội đồng Giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã xướng tên nhà văn Olga Tokarczuk, người Ba Lan là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2018 và Peter Handke, người Áo là chủ nhân Nobel Văn học 2019.
|
Hai tác giả được trao giải Nobel Văn học 2018, 2019 |
Ủy ban giải thưởng Nobel Văn học đánh giá nhà văn Olga Tokarczuk, "có trí tưởng tượng độc đáo với niềm đam mê đầy uyên bác, vượt khỏi mọi rào cản của cuộc sống", các tiểu thuyết của nữ nhà văn này luôn đề cập đến những nền văn hóa, giữa tự nhiên và văn hóa, lý trí, thân thuộc và xa lạ.
Bà Olga Tokarczuk sinh năm 1962 tại Sulechow, Ba Lan và hiện sống tại Wroclaw. Bà Tokarczuk đã cho ra mắt nhiều tác phẩm tiểu thuyết, trong số đó, có nhiều cuốn đã được dịch sang tiếng Anh. Trong giới văn chương, bà Tokarczuk được biết tới là một học giả, một nhà hoạt động vì nữ quyền.
Bà ra mắt văn đàn vào năm 1993 với tư cách tiểu thuyết gia qua tác phẩm Podróz ludzi Księgi (Hành trình của Người Sách). Tuy nhiên, bà chỉ đạt được đột phá thực sự với tiểu thuyết thứ ba, Prawiek i inne czasy, (tạm dịch: Thời nguyên thủy và những thời đại khác), xuất bản năm 1996. Nhà văn Olga Tokarczuk từng cho ra đời 8 tiểu thuyết và 2 bộ truyện ngắn. Bà từng được trao giải văn học danh tiếng Man Booker với tiểu thuyết "Flights".
Tại Ba Lan, bà đã giành được nhiều giải thưởng văn chương uy tín. Trong văn đàn Ba Lan, bà Olga Tokarczuk thuộc vào nhóm các tác giả có sách bán chạy nhất. Trong văn đàn quốc tế, bà Tokarczuk đã được biết tới từ lâu và thường được mời tới các sự kiện về sách và văn chương để tham gia các hội thảo, diễn đàn.
The Guardian đánh giá Torkarczuk là một sự lựa chọn "đáng ngạc nhiên nhưng tuyệt vời" của Nobel Văn học. Các giám khảo khen ngợi bà là cây bút quan tâm đến số phận con người, có giọng văn dí dỏm, sắc sảo.
Trong khi đó, nhà văn Peter Handke của Áo được trao giải “dành cho tác phẩm gây nhiều ảnh hưởng, phản ánh một tài năng ngôn ngữ xuất chúng, vượt ra ngoài phạm vi và đặc trưng của những gì nhân loại đang trải nghiệm".
Nhà văn Peter Handke sinh năm 1942, là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và dịch giả người Áo. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, ông vừa viết văn, vừa đi du lịch đến nhiều nước trên thế giới. Hiện tại, ông sống ở Pháp. Tác phẩm của ông được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2009, ông từng được trao giải Franz Kafka dành cho những tác giả có sáng tác độc đáo, khiến độc giả không còn bận tâm đến nguồn gốc xuất thân, bối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời. Cuộc đời của ông được đưa vào bộ phim tài liệu Peter Handke: In the Woods, Might Be Late của đạo diễn Corinna Betz, ra mắt năm 2016.
Nhà văn Peter Handke còn tham gia viết nhiều kịch bản phim, làm đạo diễn tác phẩm The Left- Handed Woman, ra mắt năm 1978 và được để cử giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes năm đó.
Nobel Văn học năm nay chứng kiến động thái chưa từng xảy ra trong lịch sử là giải thưởng sẽ được trao cùng lúc cho 2 tác giả, do giải Nobel Văn học 2018 vẫn chưa có chủ nhân.
Bắt đầu được trao từ năm 1901 đến nay, Giải Nobel Văn học đến nay được trao 109 lần nhưng có đến 113 tác giả nhận giải do có 4 lần 2 người đồng đoạt giải. Cho tới thời điểm này, chỉ mới có 14 nữ văn sĩ đoạt Nobel Văn học.
Năm 2017, giải Nobel Văn học đã thuộc về nhà văn Nhật Bản Kazuo Ishiguro, sinh năm 1954. Những tiểu thuyết của ông đã mang lại cảm xúc tuyệt vời, “khám phá những sâu thẳm huyền bí kết nối với thế giới”.
Thủ tướng Ethiopia nhận giải Nobel Hòa bình 2019
Vào lúc 16h chiều 11/10 (giờ Việt Nam), Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình 2019 thuộc về Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed - người đã ký kết "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" với Eritrea, mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau 20 năm thù địch.
|
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed |
Trong buổi lễ công bố diễn ra tại Oslo, thủ đô Na Uy, bà Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, cho biết ông Abiy "đóng vai trò then chốt trong việc đi đến hiệp ước hòa bình" giữa Ethiopia và Eritrea.
Bà cũng đề cập đến việc sẽ có những ý kiến về việc trao giải cho ông Abiy lúc này là sớm, khi ông chỉ mới đắc cử và nhậm chức vào năm ngoái. Tuy nhiên, theo bà, giải thưởng là kịp thời để ghi nhận công sức của nhà lãnh đạo cũng như để khích lệ những người khác.
Nobel Hòa bình là giải thưởng danh giá được trao hằng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới.
Theo Viện Nobel, giải Nobel Hòa bình 2019 có 301 ứng viên, gồm 223 cá nhân và 78 tổ chức. Năm nay, những cái tên được dự báo đoạt giải gồm nhà hoạt động môi trường 16 tuổi Greta Thunberg (người Thụy Điển), Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern…
Cho đến trước khi chủ nhân giải thưởng của năm 2019 được xướng tên, Nobel Hòa bình đã được trao cho 106 cá nhân (trong đó có 17 nữ giới) và 27 tổ chức. Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế từng 3 lần nhận giải thưởng này, trong khi Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng đã 2 lần được vinh danh. Ngoài ra, người sáng lập Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế- ông Henry Dunant- cũng chính là người đầu tiên nhận giải thưởng này vào năm 1901.
Đến nay, người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình là cô Malala Yousafzai (năm 2014 - khi mới 17 tuổi). Người cao tuổi nhất từng nhận giải Nobel Hòa bình là ông Joseph Rotblat (năm 1995 - khi ông 87 tuổi).
Nobel Hòa bình là hạng mục giải thưởng thứ 5, đồng thời là hạng mục cuối cùng mà nhà khoa học Alfred Nobel đề cập trong di chúc của mình.
Khác với các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học và Văn học được trao tại Thụy Điển, giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel Na Uy công bố và trao tặng. Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ tổ chức tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10/12 tới.
Nobel Kinh tế 2019 vinh danh 3 nhà kinh tế học nghiên cứu về tình trạng nghèo đói
Ba nhà kinh tế học là Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã đoạt giải Nobel Kinh tế 2019 nhờ các công trình nghiên cứu về tình trạng nghèo đói.
Trong đó, Giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Pháp Esther Duflo thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts là phụ nữ thứ hai giành giải này, sau 50 năm. Bà cũng là người trẻ nhất từng giành được Nobel Kinh tế, ở tuổi 47.
Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Ấn Độ Abhijit Banerje, sinh năm 1961, hiện cũng giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Còn ông Michael Kremer (quốc tịch Mỹ) sinh năm 1964, là Giáo sư Đại học Harvard.
Tuyên bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá: "Các nhà khoa học trên đã giới thiệu cách tiếp cận mới nhằm đưa tới những giải đáp tin cậy về cách thức tốt nhất chống lại nghèo đói trên toàn cầu".
Các kết quả nghiên cứu của 3 học giả này đã cải thiện đáng kể khả năng chống đói nghèo. Ba nhà khoa học này đã thực hiện các nghiên cứu ở nhiều quốc gia, bao gồm ở Ấn Độ và hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ đã được hưởng lợi từ các nghiên cứu của họ.
Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng khép lại mùa Nobel 2019. Năm ngoái, 2 nhà kinh tế học người Mỹ William D.Nordhaus và Paul M.Romer đã vinh dự trở thành chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2018 nhờ lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô và đưa đổi mới công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn.
Giải Nobel Kinh tế - tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển về kinh tế học tưởng nhớ Alfred Nobel, được lập ra năm 1968 để đánh dấu kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và lần đầu tiên được trao vào năm 1969. Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác, được công bố thường niên bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Đến nay, giải Nobel Kinh tế đã được trao 50 lần cho 81 nhà khoa học. Người cao tuổi nhất được xướng tên năm 90 tuổi.
Lễ trao các giải Nobel sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào ngày 10/12 để tưởng nhớ ngày mất của Alfred Nobel. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy./.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ