Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chuyến khảo sát vùng sản xuất vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản trong niên vụ tới. Như vậy, sau hơn 5 năm đàm phán, tìm kiếm cơ hội, trái vải thiều Việt Nam chính thức xuất sang thị trường Nhật Bản, đồng nghĩa với việc mở rộng cánh cửa vào những thị trường khó tính khác. Đó là tin rất vui, trong lúc dịch bệnh Covid-19 khiến dưa hấu, thanh long và nhiều nông sản khác rớt giá, phải kêu gọi giải cứu. Còn thì những đoàn dài xe container im lìm chờ đợi thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Mùa vải thiều.
Giữa tháng 12/2019, Bộ Nông lâm ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Như vậy, sau 5 năm nỗ lực đàm phán, quả vải thiều của Việt Nam mới vào được Nhật Bản. Vậy là vụ vải năm nay, ngoài những thị trường truyền thống, vải thiều Việt Nam đã có thêm một thị trường mới, khó tính nhưng giàu tiềm năng.
Tuy nhiên, vào được thị trường khó tính như Nhật Bản không dễ, đòi hỏi các yêu cầu rất cao, trong đó bắt buộc phải có mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Tới nay, trái cây Việt Nam đang lần lượt chinh phục các thị trường khó tính, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, EU… Tuy thế thì Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. Nhiều năm qua, thị trường Trung Quốc là “điểm đến” của nhiều loại trái cây cũng như các loại nông sản khác của Việt Nam. Việc đó giúp người nông dân tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Nhưng, cũng vì quá chú trọng tới thị trường này nên nhiều lúc cũng không khỏi bị động. Thời gian này, tại các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn… các xe container chở nông sản của Việt Nam chật vật chờ được thông quan sang Trung Quốc. Dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã làm gián đoạn giao thương. Nếu tình hình phức tạp còn kéo dài thì tổn thất của nông dân, thương nhân Việt Nam là rất lớn.
Trong tình thế ấy, rất cần phải mở rộng thị trường cho nông phẩm Việt Nam, trong đó có những loại trái cây thế mạnh. Việc phụ thuộc nhiều vào một thị trường, giới chuyên gia thường gọi là “bỏ trứng vào một giỏ”, không thể tránh được rủi ro. Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn, không thể bỏ qua; nhưng cũng không thể vì thế mà không tích cực mở rộng sang các thị trường khác. Việc này chí ít sẽ mang lại hai điều: Thứ nhất là tránh được rủi ro khi phía nhập hạn chế tiêu thụ. Và thứ hai, buộc nhà sản xuất, kinh doanh nông sản trong nước phải vươn lên tới những tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khắt khe. Chỉ có làm được điều đó thì mới hạn chế được rủi ro, thu được lãi suất lớn. Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm khá cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã dần đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc có mặt tại các thị trường khó tính (có nghĩa là lợi nhuận cao hơn) chưa nhiều. Trong khi sản lượng nông sản của Việt Nam (trong đó có trái cây) thu được hàng năm rất lớn. Thời gian qua, có cảm giác việc quảng bá, tìm hiểu thị trường được đẩy mạnh, nhưng việc quy hoạch vùng nông sản mang tính chuyên canh cũng như tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa, và nâng cao chất lượng của từng loại sản phẩm- lại không được chú ý đầy đủ. Trong tình thế đó thì khó vươn tới những thị trường giàu có, vì họ đòi hỏi chất lượng rất cao.
Một câu hỏi vẫn luẩn quẩn nhiều năm qua là vì sao người nông dân Việt Nam một nắng hai sương nhưng vẫn không giàu? Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân, nhưng ở góc độ xuất khẩu nông sản thì có thể thấy ngay rằng do chúng ta vẫn trượt theo đường ray số lượng vào những thị trường dễ tính mà “không chịu lớn” bằng chất lượng. Càng ngày người ta càng thấy rõ rằng, cạnh tranh mang tính toàn cầu trong xu thế hội nhập không thể mãi là số lượng, mà phải bằng chất lượng. Bán đắt chứ không phải là bán rẻ. Mà muốn thế thì phải đầu tư kĩ lưỡng, và đặc biệt là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm với mơ ước vươn ra biển lớn.
Trở lại câu chuyện vải thiều Việt Nam chính thức sang Nhật, thật mừng nhưng vẫn không thể không day dứt khi xã hội vẫn đang phải chung tay “giải cứu” hàng ngàn tấn thanh long, hàng ngàn tấn dưa hấu. Sự hô hào “giải cứu” ấy đến bao giờ mới chấm dứt?
Miên Thảo
Nguồn: daidoanket.vn