Nhưng hiện nay, số lượng thanh niên nông thôn làm ăn xa quê ngày càng gia tăng. Làm sao thu hút lực lượng này ở lại quê hương phát triển kinh tế, tham gia hoạt động đoàn, hội để xây dựng nông thôn mới vẫn đang là một bài toán khó.
Làng quê vắng bóng thanh niên
Trong những năm qua, do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, cơ cấu nghề nghiệp trong thanh niên nông thôn có nhiều biến đổi, tỷ lệ thanh niên đi làm ăn xa ở các khu đô thị, thành phố tăng lên. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên nông thôn (T.Ư Ðoàn) cho biết: Tỷ lệ tập hợp thanh niên khu vực nông thôn rất thấp, thường chỉ đạt dưới 50%. Nguyên nhân chính do đời sống, thu nhập khó khăn, họ phải rời quê để bươn trải, kiếm sống. Thời gian đi làm ăn xa thường dao động trong khoảng từ ba đến 12 tháng. Mặt khác, một bộ phận cán bộ ở địa phương yếu kỹ năng, nghiệp vụ, tính sáng tạo, đã đứng ngoài nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Từ đó làm giảm khả năng tham gia của thanh niên vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ðến xã thuần nông Chu Phan (huyện Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi được biết, phần lớn đoàn viên, thanh niên thường xuyên vắng mặt ở địa phương. Anh Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Ðoàn xã cho biết: Hầu hết số thanh niên sau khi học xong sẽ tìm kiếm công việc ở thành phố, rất ít người trở lại địa phương làm ăn, sinh sống. Xã Ðức Lợi - một xã ven biển của huyện Mộ Ðức (Quảng Ngãi) có hơn 1.700 thanh niên, nhưng số người đi làm ăn xa chiếm tới hơn 70%. Trao đổi với cán bộ nhiều địa phương, chúng tôi cũng nhận được những thông tin tương tự như trên.
Với rất nhiều thanh niên nông thôn, có thể thấy nhu cầu lớn nhất hiện nay của họ là được quan tâm, giúp đỡ về việc làm, thu nhập. Tuy nhiên, tiền đề quan trọng là việc tiếp cận nguồn vốn vay cho thanh niên thì lại rất khó khăn. Việc vay vốn đã khó như vậy, bên cạnh đó câu hỏi đặt ra là: Có vốn rồi thì sẽ kinh doanh sản phẩm gì và tổ chức sản xuất như thế nào? Thực tế, nhiều thanh niên sau khi vay được vốn, bắt tay vào sản xuất, kinh doanh đã gặp ngay thất bại.
Mô hình tổ hợp tác thanh niên
Mặc dù có hẹn trước, nhưng phải đợi khá lâu chúng tôi mới gặp được anh Vũ Trung Học - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) dịch vụ chăn nuôi thôn Bắc Cường ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Trước đó, anh và các tổ viên THT bận đi giao trứng gà cho đầu mối thu mua ở ngoài thị trấn. Ðó là một trong những ngày bận rộn của THT vì khách mua hàng số lượng lớn, trong khi với gần 20 tổ viên làm mãi không hết việc.
Những năm gần đây, khi người dân Thổ Tang từ bỏ nông nghiệp để chuyển sang kinh doanh thương mại, đất dành cho chăn nuôi, sản xuất không còn được quan tâm đúng mức, dẫn tới tình trạng lãng phí và hiệu quả sử dụng thấp. Với suy nghĩ cần khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời giải quyết việc làm và nâng cao mức thu nhập cho thanh niên tại địa phương, năm 2007, đoàn viên Vũ Trung Học hợp tác với một số người bạn thuê đất, nuôi gà siêu trứng. Nguồn vốn, phương án sản xuất được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc hỗ trợ, tư vấn. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, với tám nghìn con gà, mỗi ngày thu hoạch 7,5 nghìn quả trứng, bán ở thời điểm hiện tại là 1,8 nghìn đồng/quả. Như vậy, chỉ tính riêng tiền bán trứng gà, doanh thu mỗi ngày của THT khoảng 13,5 triệu đồng.
Ðể việc sản xuất, kinh doanh được thành thạo, định kỳ, các tổ viên họp bàn phân tích tình hình trong tháng và thông qua phương hướng, nhiệm vụ, phân công công việc. Những kế hoạch sắp triển khai đều phải được sự nhất trí của số đông tổ viên. Thông qua những buổi thảo luận như vậy, các tổ viên có thêm thông tin, kinh nghiệm về thị trường, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất... Không khí những buổi thảo luận này rất sôi nổi, hào hứng và đầy hiệu quả. Thấy được lợi ích mà THT thôn Bắc Cường mang lại, thanh niên trong xã làm đơn xin gia nhập ngày càng đông. Hiện nay, số lượng tổ viên THT đã lên đến gần 20 người. THT đang tính chuyện mở rộng, thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tăng thêm diện tích, vật nuôi, cây trồng.
Anh Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu với chúng tôi một mô hình THT làm ăn hiệu quả. Ðó là THT ấp Ðông Bình (xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang). Ấp Ðông Bình là địa bàn vùng sâu của xã Tân Thành, có diện tích đất 195 ha, dân số 1.107 người, trong đó có 153 thanh niên. Hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa với hình thức sản xuất riêng lẻ, tập quán canh tác lạc hậu cho nên thường xuyên mất mùa. Thanh niên phần lớn phải đi làm ăn xa. Trước thực trạng này, Ðoàn xã Tân Thành đã tìm hiểu và thành lập THT thanh niên, gồm tám tổ viên. Toàn bộ tư liệu sản xuất ban đầu của tổ là 11,6 ha vườn tạp và ruộng. Các tổ viên họp bàn thống nhất trồng bưởi năm roi, cam sành và tận dụng diện tích ruộng nước để thả các loại cá đồng dễ nuôi. Vay được hơn 90 triệu đồng, THT mua thêm 720 cây bưởi, 1.800 cây cam sành và 240 kg cá giống để nuôi, trồng... Ðến nay, sau mỗi vụ THT đạt doanh thu hơn 240 triệu đồng, lợi nhuận đạt 180 triệu đồng. Từ tám tổ viên, tới nay THT đã phát triển lên 17 tổ viên, diện tích nuôi trồng tăng lên 21 ha. Hiện THT ấp Ðông Bình đang xây dựng trại nuôi cá giống, cây bưởi giống, cam sành để nhân rộng ra các vùng lân cận.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, trong những năm qua, khi số lượng hợp tác xã theo mô hình cũ giảm thì số THT ở nhiều lĩnh vực, với nhiều trình độ, cấp độ khác nhau tăng lên và phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Nam Bộ, trong đó điển hình là Ðồng Tháp. Loại hình THT trong nông thôn được giới trẻ rất quan tâm.
Mô hình THT là mô hình liên kết làm ăn mang tính tự nguyện giữa các cá nhân, xuất phát từ nhu cầu của người tham gia. Trong đó, các cá nhân cùng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. THT được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc: tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; biểu quyết theo đa số; tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên. THT có đặc điểm là, đối tượng tham gia có trình độ, hoàn cảnh và mục đích làm kinh tế tương đối giống nhau; ngoài khách hàng bên ngoài, THT và tổ viên đồng thời là khách hàng của nhau; cho nên yêu cầu cao về chất lượng, sản phẩm mang tính cạnh tranh lớn. Khi đó, thanh niên tham gia THT sẽ có công việc, thu nhập ổn định; ít bị cạnh tranh do chi phí đầu vào rẻ; được sử dụng sản phẩm, dịch vụ giá rẻ từ THT; đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của mỗi tổ viên. Lợi ích căn bản mà mô hình THT mang lại là giải quyết vấn đề thu nhập, việc làm tại chỗ cho thanh niên.
Ðến thời điểm này, cả nước có hơn 12,3 nghìn mô hình THT, hợp tác xã thanh niên. Phần lớn trong số đó mang tính tự phát nhưng hoạt động khá hiệu quả. Anh Trần Việt Cường, quyền Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, theo dõi sát hoạt động của THT trong thanh niên, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình năng động, phù hợp nhất hiện nay trong việc thu hút, tập hợp thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ những THT nhỏ lẻ, thanh niên đang dần hình thành cách thức liên kết sản xuất, để tiến tới nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hình thành các tổ chức phường, hội nghề nghiệp quy mô nhằm hỗ trợ nhau trong lao động. Ðây là xu thế do thực tiễn đặt ra; do đó, để tập hợp, thu hút thanh niên khu vực nông thôn vào các hoạt động, phong trào của Ðoàn và xây dựng nông thôn mới; cần tập trung thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp, chương trình phát triển sâu rộng mô hình THT tại khu vực nông thôn. Hoạt động này rất phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Ðảng, Nhà nước và phong trào "Năm xung kích, Bốn đồng hành" của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh.
| Theo khảo sát (tháng 8-2012) của T.Ư Ðoàn: Tình trạng thiếu việc làm ở thanh niên nông thôn còn cao và cao hơn tỷ lệ chung. Phần lớn thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và vốn. Ở các địa bàn miền núi, biên giới và hải đảo; sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo kinh nghiệm gia truyền, hoặc theo dạng tập huấn ngắn ngày cho từng loại cây, con. Thanh niên nông thôn ít có điều kiện tiếp cận với thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Vì vậy, khi xây dựng THT ở khu vực nông thôn cần chú ý đẩy mạnh các hoạt động như: hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, trang thiết bị, thị trường; kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, tổ chức các cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... |
theo nhandan.vn