Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 23/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

MẤY VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở TỈNH LÂM ĐỒNG.

            Phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng mà qua đó còn phát triển toàn bộ nền kinh tế, nhằm giải quyết những vấn đề về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu…. phục vụ cho đời sống xã hội. Từ những năm giữa thế kỷ XX, các nước phát triển trên thế giới đã xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao. Đầu những năm 80 của thế kỉ trước, ở Hoa  kỳ đã có hơn 100 khu khoa học nông nghiệp công nghệ, ở Anh đến năm 1988 đã có 38 khu vườn khoa học công nghệ với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp, ở Phần Lan  năm 1996 đã có 9 khu khoa học nông nghiệp công nghệ cao….

            Tại Châu Á, nông nghiệp công nghệ cao đã được các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan thực hiện… Tiêu  biểu là tại Trung Quốc vào những năm 1990 đã  xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao. Những khu này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại của Trung Quốc. Hiện nay họ đã có 405 khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 1 khu cấp quốc gia, 42 khu cấp tỉnh và 362 khu cấp thành phố.

            Công nghệ cao được áp dụng ở tất cả các khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp như các nghiên cứu phát triển giống mới, các giống biến đổi gene kháng sâu, bệnh, công nghệ tưới tiêu tiên tiến, các công nghệ tiết kiệm đất như: Tăng cường sử dụng phân hóa học, trồng cây trong nhà kính, trong các giá thể… Ngoài việc phát triển “công nghệ cứng”, các nước cũng rất quan tâm phát triển “công nghệ mềm”, trong đó quan trọng nhất là công nghệ quản lý và tổ chức sản xuất, góp phần quản lý tốt hơn chất lượng nông sản, giúp nông sản có giá cao và ổn định hơn.

            Các nước đã thành công trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hoa Kỳ, Israel, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… dựa trên 2 yếu tố chính: Lợi thế từ điều kiện thiên nhiên hoặc địa lý, gần thị trường tiêu thụ; lợi thế từ khoa học, công nghệ và khả năng tài chính. Trong đó, với các nước phát triển, lợi thế về khoa học, công nghệ và tài chính được phát huy triệt để. Riêng giải pháp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trung Quốc là: Coi khoa học công nghệ là đòn bẩy, lấy đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm gốc cùng với việc đầu tư hạ tầng hiện đại và đồng bộ; thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đầu tư; mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

            Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn nước ta hiện nay khi đang hội nhập với kinh tế thế giới, là chìa khóa giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu và thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

            Hiện nay, Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng, đưa vào hoạt động và quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố. Khi phát triển thành công các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, hướng tới phát huy tiềm năng lợi thế của sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại và thích ứng với các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Thực tế đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá tốt. Các mô hình thành công này đa phần là các cơ sở tư nhân hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa như sản xuất giống tại Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; mô hình nuôi bò và chế biến sữa của Công ty TH, Công ty sữa Mộc Châu, các công ty trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt, Mộc Châu…

            Tuy nhiên, hoạt động của hầu hết các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Nhà nước đã thành lập hoạt động còn rất hạn chế, hiệu quả chưa cao, sản phẩm chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, dẫn đến tình trạng này như đầu tư chưa tập trung, đồng bộ; lựa chọn sản phẩm và mô hình tổ chức, quản lí sản xuất chưa thật phù hợp; khả năng tài chính chưa đủ mạnh để thực hiện đầu tư hạ tầng và cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn ... và quan trọng nhất là các địa phương đó chưa có, thậm chí thiếu một tầm nhìn về chiến lược phát triển nguồn nhân lực – yếu tố quyết định cho việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Một số địa phương có khả năng về tài chính như Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng lại sai lầm trong lựa chọn và nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài (công nghệ lạc hậu hoặc công nghệ quá cao) do đó chi phí đầu tư và vận hành rất đắt đỏ, quá trình chuyển giao công nghệ chậm, dẫn đến sản xuất không hiệu quả nên thất bại.

            Riêng ở Lâm Đồng, từ năm  2004, tỉnh ta đã bắt đầu tiến hành xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, qua 8 năm, nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp của Lâm Đồng, được Trung ương đánh giá đứng đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại, Lâm Đồng đã có khoảng 27.000 ha canh tác ứng dụng công nghệ cao - chiếm khoảng 8,1% tổng diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh, trong đó có trên 10.000ha có doanh thu từ 200 triệu đến 2,0 tỷ đồng/ha/năm, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân toàn tỉnh đến nay đạt trên 90 triệu đồng/ha.năm. Với việc ứng dụng  công nghệ mới, nhiều nhóm sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Lâm Đồng ngày càng có lợi thế so sánh và có khả năng cạnh tranh cao với những thương hiệu nổi bật như trà Blao, cà phê Di Linh, rau và hoa Đà Lạt, lúa gạo Cát Tiên, rượu cần Langbian, nấm Đơn Dương, chuối La Ba… Bên cạnh đó, đã có nhiều sản phẩm mới có triển vọng xuất hiện từ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như cá nước lạnh Đa Nhim, cá lăng Cát Tiên, sâm Đà Lạt, sâm Ngọc Linh, chè dược liệu Thiên Kim, diệp hạ châu Cát Tiên, cam đường không hạt, chè dây Đam Rông… Nhiều công nghệ mới về canh tác ( bón phân điều tiết, quản lí bảo vệ thực vật, điều chỉnh ánh sáng, tưới tiết kiệm, hệ thống nhà kính, nhà lưới…), chọn giống cây trồng, vật nuôi mới, tầm soát sớm dịch bệnh… đã được áp dụng ở nhiều vùng, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và trở thành động lực thúc đẩy xã hội hóa đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

 Có thể thấy, thành công bước đầu trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, bên cạnh các giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, lựa chọn mô hình và cơ chế quản lí, tổ chức sản xuất kinh doanh…thì giải pháp về nguồn nhân lực - yếu tố quyết định, là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được Lâm Đồng chú ý ngay từ đầu và là tỉnh đầu tiên tiến hành đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Hàng ngàn nông dân và doanh nghiệp, từ năm 2008, đã được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức mời chuyên gia tập huấn kỹ thuật, tiếp cận sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tìm hiểu thị trường cạnh tranh quốc tế… Cũng thông qua chương trình nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đã tạo được cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 2.000 lượt người về kiến thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; triển khai được nhiều mô hình sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn quốc gia như ORGANIK, HACCP, GlobalGAP, 4C, Utz Kapeh, VietGAP… Từ đó, các doanh nghiệp và hộ nông dân đã hưởng ứng tích cực, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư sản xuất. Từ chỗ chỉ vài chục ha ở các doanh nghiệp FDI và chỉ tập trung ở Đà Lạt thì nay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển mạnh ở các huyện lân cận như Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương… với nhiều loại cây trồng từ rau, hoa, dâu tây, chè, cà phê, lúa chất lượng cao đến một số vật nuôi có giá trị cao như bò sữa, bò thịt cao sản, cá nước lạnh…

Tuy nhiên, vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế, còn thiếu cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Còn có nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu một cách cơ bản và hệ thống về lí luận cũng như thực tiễn trong việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.

Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu thực tế gần đây, bước đầu có thể nêu một số nhận xét về quá trình hình thành và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng như sau:

Một là, về  qui mô và cơ cấu nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Ở Lâm Đồng hiện nay, nhân lực nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển tương đối đồng bộ ở nhiều loại nông sản và có ở hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất nông nghiệp, bao gồm từ nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ sinh học ( giống, kĩ thuật biến đổi gene…) đến nhân lực trong ứng dụng các kĩ thuật canh tác tiên tiến ( kĩ thuật tưới, tiêu, kĩ thuật bón phân, màng che, điều hoà độ ẩm, ánh sáng…) và nhân lực trong việc ứng dụng các công nghệ “mềm”  (cơ chế tổ chức, quản lí tiên tiến, các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ… ). Đáng lưu ý là hiện nay Lâm Đồng đã hình thành được một đội ngũ nhân lực khá đông đảo áp dụng công nghệ sinh học, không chỉ là các nhà khoa học, nhờ quá trình xã hội hoá đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong một số sản phẩm thực phẩm; ứng dụng phân bón, chế phẩm sinh học trong xử lý ô nhiễm chuồng trại, chăn nuôi, môi trường thủy sản và đặc biệt là trong các chế phẩm sinh học, bảo vệ thực vật.Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xác định rõ vai trò của từng loại nguồn nhân lực đó và thiết kế, thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả cho từng loại nguồn nhân lực, không nên chỉ có một cơ chế, chính sách chung. Cũng cần tính đến mô hình và cơ chế, chính sách tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các nguồn nhân lực của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hai là, về mô hình phát triển nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Có thể hình dung ra ba mô hình phát triển nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng trong thời gian qua: đó là mô hình dựa trên sự tác động của Nhà nước; mô hình từ sự chủ động phát triển của các doanh nghiệp và mô hình phát triển tự phát của các cá nhân hoặc hộ gia đình.

        Đối với mô hình hình thành và phát triển nhân lực nông nghiệp công nghệ cao có sự tác động của nhà nước hiện là mô hình chủ đạo, phổ biến vừa qua và có ý nghĩa lâu dài. Quan sát sơ bộ có thể thấy sự tác động của nhà nước thường qua hai kênh: thứ nhất, thông qua các chương trình, đề án hoặc thông qua các tổ chức sự nghiệp để tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT như các chương trình khuyến nông, dạy nghề cho nông dân, xây dựng nông thôn mới…; và Thứ hai là, hỗ trợ một phần kinh phí cho việc hướng dẫn xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật như xây dựng nhà kính, nhà lưới, cung cấp màng phủ, xây dựng hệ thống  và vận hành công nghệ tưới tự động, cung ứng các loại giống mới… Cũng có thể có sự tác động của nhà nước qua kênh khuyến khích đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp (như rau, hoa Đà Lạt, café Di Linh..), tổ chức các festival và công nhận, tôn vinh các danh hiệu cao quý cho các cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… Mô hình này giúp cho việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao trở thành một phong trào rộng khắp và mang tính phổ biến, trong đó có sự đóng góp tích cực của các tổ chức quần chúng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sự tham gia của các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học và các cơ sở nghiên cứu của nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao vừa qua còn rất hạn chế, ngay từ định hướng nghề nghiệp cũng như nội dung, chương trình và thời gian đào tạo, chuyển giao.

Mô hình phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao dựa vào sự chủ động nghiên cứu, chuyển giao và đào tạo của các doanh nghiệp hiện là mô hình rất căn cơ và bền vững, như ở Công ty Hasfarm, Công ty Rừng Hoa… Tại các doanh nghiệp này, nhất là các doanh nghiệp FDI, cơ cấu nhân lực nông nghiệp công nghệ cao hầu như rất cân đối và đầy đủ, bao gồm từ nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhân lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho đến nhân lực kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, chế biến và lưu thông trên thị trường. Với tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ quản lí tiên tiến, thị trường bền vững… mô hình doanh nghiệp hiện là nơi tập trung phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu và có hiệu quả nhất ở tinh Lâm Đồng.

Mô hình phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao của các cá nhân và hộ gia đình dựa vào sự tự mày mò tìm tòi sáng tạo ra các bí quyết (know – how) công nghệ và trực tiếp sản xuất ra sản phẩm lại rất gian truân nhưng cũng vô cùng dũng cảm..  Họ tự nghiên cứu hoặc tìm “thầy” chỉ bảo, tự bỏ vốn nghiên cứu và sản xuất rồi tự tìm kiếm thị trường mà không có sự trợ giúp nào đáng kể từ phía các cơ quan nhà nước, các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Hoạt động theo mô hình này còn có 58 cơ sở nuôi cấy mô thực vật trong ống nghiệm (invitro), đạt tới quy mô nhân giống công nghiệp, hằng năm cung cấp hàng chục triệu cây con cho sản xuất. Về tương lai, mô hình này cũng sẽ mở rộng quy mô và hình thành nên các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chắc chắn đó là con đường hết sức gian truân và nhiều rủi ro. Việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình này khó có thể nhanh và hiệu quả do các cá nhân, hộ gia đình thường ít có tiềm lực tài chính, thiếu sự liên kết trong sản xuất và thị trường, họ lại có xu hướng giữ kín các bí quyết khoa học công nghệ mà họ đang nắm giữ, không  công bố, phổ biến và chuyển giao…

            Cần có câu trả lời cho câu hỏi : Trong 3 mô hình hình thành và phát triển nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng trong thời gian qua thì mô hình nào là hiệu quả và bền vững nhất? Vai trò của các cơ quan quản lí nhà nước và các đơn vị nghiên cứu – chuyển giao công nghệ , các nhà khoa học nên như thế nào? Đâu là định hướng cơ bản cho việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới? Phải chăng, trọng tâm của việc phát triển nhân lực nông nghiệp công nghệ cao chính là áp dụng mô hình đầu tư cho các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có đủ qui mô     ( bao gồm cả các tổ hợp, các hợp tác xã ) và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?.

            Vấn đề thứ ba là, thực tiễn phát triển nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng trong thời gian qua còn có khá nhiều yếu tố tác động đến như vấn đề vốn, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các công nghệ phụ trợ (như bảo vệ cây trồng, vật nuôi…)và vấn đề thị trường… Trong các vấn đề đó, có một vấn đề khá quan trọng: đó là mô hình tổ chức quản lý và sản xuất. Việc tổ chức quản lý và sản xuất theo mô hình trang trại gia đình (nhà vườn) khá phổ biến hiện nay cũng là yếu tố quyết định cho việc mở rộng nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao vừa qua song còn mang nặng tính tự phát, manh mún và thiếu tính đột phá. Cần quan tâm đúng mức đến mô hình doanh nghiệp, kể cả mô hình Hợp tác xã, Khu và Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

            Lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, tổng kết, nhất là ở nước ngoài. Nước ta và tỉnh ta mới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có thành công bước đầu và có cả những bài học thất bại, trong đó có vấn đề về phát triển và sử dung nguồn nhân lực. Hi vọng trong thời gian tới đây, vấn đề nghiên cứu, tổng kết việc phát triển nguồn nhân lực sẽ được đề cập như là một yếu tố quyết định, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp của cả nước.

Nguyễn Văn Mão

Chủ tịch Hội khoa học phát triển

nguồn nhân lực – nhân tài tỉnh Lâm Đồng

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển