Cuộc sống gia đình của Marya đã ít vui vẻ, tình hình quốc gia cũng chẳng sáng sủa hơn. Vào khoảng năm 1872, khi Marya lên 5 tuổi, nước Ba Lan của cô bị sâu xé bởi ba đế quốc: Nga, Đức và Áo. Miền quê hương của cô thuộc khu vực ảnh hưởng của Sa Hoàng. Sau cuộc cách mạng nhân dân thất bại năm 1831, vua Nicolas nước Ba Lan, dưới sự giật dây của nước Nga, đã thẳng tay đàn áp các phần tử cách mạng ái quốc: cầm tù, đầy ải, tịch biên gia sản… Ngoài ra, chính quyền còn cố tình áp dụng một đường lối giáo dục rất vô nhân đạo: Chính sách ngu dân. Thời bấy giờ, khoa học và triết học bắt đầu phát triển rất mạnh tại châu Âu, vậy mà các tư tưởng của Auguste Comte, Darwin, những phát minh của Pasteur, Faraday… không thể lọt nổi vào nước Ba Lan.
Trong hoàn cảnh đó, cô bé Marya đã cắp sách đi học. Mới trông bề ngoài, cô bé không có vẻ gì là thông minh, xuất chúng mà trái lại, với khuôn mặt hơi dài, với đôi mắt nâu mơ màng, cô bé còn tỏ lộ vẻ hơi đần. Tuy nhiên cô bé Marya nổi tiếng học giỏi từ thuở nhỏ. Luôn luôn kém các bạn từ 2 tới 3 tuổi mà với môn học nào cô cũng đứng đầu lớp: Từ các môn học chính như toán học, lịch sử, văn chương đến những môn phụ như tiếng Pháp, tiếng Đức và cả Thánh Kinh nữa.
Năm Marya lên 10 tuổi, người chị thân yêu và cũng là người bạn tâm sự của cô, chị Zosia, đã bị thiệt mạng vì mắc phải một bệnh truyền nhiễm do các bạn cùng lớp mang tới: bệnh chấy rận. Rồi ít lâu sau, bà mẹ sau nhiều năm bị vi trùng lao phổi tàn phá, đã từ giã cõi đời, để lại cho người chồng gánh nặng nuôi dạy 4 đứa con thơ: một trai Joseph và 3 gái Hela, Bronia và Marya, tất cả trong tuổi đi học.
Năm 1883, Marya với tuổi 16, đã học xong ban trung học và tốt nghiệp ra với lời khen thưởng của hội đồng giám khảo. Lúc đó anh Joseph đang theo học tại trường Đại học Y khoa, chị Bronia cũng học xong ban trung học và muốn trở thành bác sĩ nhưng vào thời đó, trường Y khoa không nhận vô các nữ sinh viên, vì vậy chị phải xin đi dạy học.
|
Tính áp điện |
Năm 1884, chị Bronia sang Pháp theo học tại Đại học Paris. Sở dĩ chị Bronia chọn nước Pháp một phần vì Đại học Sorbonne là một trường có nhiều vị giáo sư danh tiếng mà phần lớn cũng vì nước Pháp là một nước Tự Do, điều mong ước của tất cả sinh viên thế giới thời bấy giờ cũng như đối với mọi thời đại. Ở Pháp, mọi ý kiến dị biệt đều được tiếp nhận, đây quả là điều kiện tất yếu của mọi công việc tiến bộ về Khoa Học và Nghệ Thuật. Trong khi chị Bronia theo hoc để trở thành bác sĩ thú y tại Paris thì ở Ba Lan, Marya xin được một chân giáo sư tại một vùng quê hẻo lánh.
Thời kỳ du học.
Nghề gõ đầu trẻ không phải là nghề mà Marya ưa thích. Sau 6 năm trời kéo dài cuộc sống khô khan ấy, đến năm 1891, Marya quyết định viết thư cho chị Bronia, xin chị giúp đỡ nàng sang Pháp du học. Vào ngày lên đường, Marya đã ngập ngừng nói với cha: "Cha ơi, con sẽ không đi lâu, chừng hai hay ba năm học xong, con sẽ trở về sống bên cha mãi mãi". Nhưng Marya đã không giữ được lời hứa chân thành này. Một nhà bác học, một người chồng, một người bạn tri kỷ đã giữ nàng lại đất Pháp, người đó là Pierre Curie.
Khi sống tại Pháp, muốn cho tên mình dễ đọc, Marya đã "phiên âm" tên nàng sang tiếng Pháp thành Marie: Marie Sklodowski. Marie không theo hoc Y khoa, Nha khoa hay Dược khoa là những môn học ưa thích của phụ nữ thời đó. Không hiểu nghĩ sao, nàng lại chọn môn Khoa Học thuần túy. Trong buổi ban đầu gặp khó khăn về ngôn ngữ, Marie đã được sự hướng dẫn của một giáo sư trẻ tuổi, có tài: Giáo Sư Paul Appell. Ngoài ra, nàng còn được học hỏi với các Giáo Sư Gabriel Lippmann và Edmond Bouty. Nàng cũng gặp gỡ các nhà vật lý lừng danh thời bấy giờ như Jean Perrin, Charles Maurain và Aimé Cotton…
Cuộc sống của một du học sinh thật là vất vả, với một nỗi khó khăn đã ngăn trở sự học, đó là vấn đề tiền bạc: tiền ăn, tiền học, tiền mua sắm, tiền xe buýt ngày hai buổi đi học. Mùa đông tại Paris, trời lạnh như cắt da nhưng nàng Marie can đảm này đã dấn thân vào việc học và Trời đã không phụ công của người có chí: sau ba năm học tập, nàng đã đỗ đầu trong kỳ thi ra trường và được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học năm 1893 và năm sau, đậu thứ nhì trong kỳ thi lấy văn bằng Cử Nhân Toán. Học xong, nàng Marie đã định quay về nước nhưng do sự hiểu biết hoàn toàn thuộc về phạm vi lý thuyết, nàng muốn phục vụ Tổ Quốc không phải chỉ với chức vụ Giáo Sư mà bằng tài năng của một kỹ sư, nàng Marie muốn giúp đỡ đồng bào bằng những công trình thực tế hơn.
Năm 1893, do sự giới thiệu của bà Dydynska cũng là người Ba Lan, nàng Marie xin được học bổng Alexandrowitch để học về ngành luyện sắt và thép. Nàng được giới thiệụ với một vị Giáo Sư trẻ tuổi, đang khảo cứu về hiện tượng từ tính của các chất gang thép: Giáo Sư Pierre Curie. Pierre Curie sinh ngày 19/4/1859 tại Paris, là con thứ hai của Bác Sĩ Eugène Curie. Năm 16 tuổi, Pierre đã đậu bằng trung học và năm 18 tuổi lại đậu Cử Nhân Khoa Học, rồi được chấp nhận làm Giảng Nghiệm Viên tại Trường Đại Học Paris vào năm 1878. Khi tốt nghiệp đại học ra, ông Pierre Curie đã cùng với người anh là Jacques vùi đầu vào các công cuộc thí nghiệm: Họ nghiên cứu tính áp điện (piezoelectricity) của các tinh thể, đặc biệt là của tinh thể thạch anh (quartz).
Năm 1883, anh Jacques được bổ nhiệm làm Giáo Sư tại trường Đại Học Montpellier và Pierre làm giảng nghiệm trưởng của Trường Lý Hóa (Ecole de Physique et de Chimie). Năm 1895, Pierre Curie đậu bằng Tiến Sĩ Khoa Học rồi vào mùa xuân năm 1894, trong thời gian nghiên cứu về hiện tượng điện từ của các chất gang thép, Pierre Curie đã gặp Marie Sklodowski đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi mới gặp nàng Cử Nhân Khoa Học và Toán Học của trường Đại Học Sorbonne, Pierre đã thấy có cảm tình và kính trọng người thiếu nữ tài ba này. Lúc đó Pierre đã 35 tuổi, chàng vẫn sống độc thân vì còn mải mê nghiên cứu. Sau vài lần gặp mặt và thảo luận với Marie về Khoa Học, chàng thấy ngay ở nàng hình bóng của người vợ lý tưởng. Đối với Marie, sau khi mối tình đầu tại Ba Lan tan vỡ, nàng muốn xóa bỏ chuyện yêu thương. Nàng thấy Pierre rất xứng đáng nhưng vì còn nhớ đến cha già, đến lời thề sẽ học thật nhanh để quay về sống bên cha và phục vụ cho Tổ Quốc Ba Lan, nàng rời Paris. Khi tiễn nàng Marie về nước, Pierre đã nói như van xin: "Cô là người có tài. Cô nên trở lại nước Pháp để nghiên cứu Khoa Học.Cô không có quyền bỏ rơi Khoa Học".
Marie Sklodowski là kỹ sư đầu tiên của nước Ba Lan nhưng vào thời bấy giờ, người ta không tin tưởng lắm vào tài năng của phụ nữ nên nàng đã không được trọng dụng. Quá chán nản, ở quê nhà chưa đầy một năm, Marie quyết định trở lại nước Pháp, nàng đã không thể bỏ rơi Khoa Học, xa cách Pierre. 10 tháng sau, Marie nhận lời thành hôn với Pierre. Hôn lễ cử hành rất đơn giản vào ngày 25/7/1895: ngoài những người thân trong gia đình như Bác Sĩ Eugène là thân phụ của Pierre, Giáo Sư Sklodowski là thân phụ của Marie, vợ chồng chị Bronia, anh Jacques, họ chỉ mời vài người bạn thân thiết. Tại gia đình mới này, chỉ có Pierre kiếm ra tiền mà số tiền kiếm ra cũng không nhiều, còn Marie vẫn chưa xin được việc làm, Marie chỉ là một sinh viên học giỏi, một nhà khoa học tài ba. Sau hai văn bằng Cử Nhân, nàng Marie lại đậu thêm văn bằng Thạc Sĩ Khoa Học rồi tiếp tục nghiên cứu về hiện tượng từ tính của các chất gang thép. Vào tháng 7 năm 1897, Marie sinh hạ được cô gái đầu lòng, đặt tên là Irène. Từ nay, gia đình Curie lại có thêm nhu cầu mới. May thay, Pierre đã xin được cho vợ vào làm phụ tá trong phòng thí nghiệm Vật Lý của mình và cũng từ nay, bắt đầu sự nghiệp của nhà nữ bác học số một trên Thế Giới
Khảo Cứu Khoa Học.
Nhân được đọc các bài khảo cứu của nhà vật lý Henri Becquerel và sau khi đã hỏi ý kiến của chồng, Marie Curie quyết tâm thám hiểm vào khu rừng vật lý hãy còn âm u, ít ai biết tới. Thời bấy giờ, người ta chỉ thấy được những chất lạ có đặc tính là phát ra tia sáng song chưa ai biết được là có bao nhiêu chất như vậy và các chất này cùng các tia của chúng khác nhau như thế nào. Các nhà vật lý đặt tên chung cho các chất kể trên là "chất phóng xạ". Sau khi Roentgen tìm ra quang tuyến X, nhà bác học Henri Becquerel đã nghĩ rằng tia phóng xạ có cùng nguồn gốc với quang tuyến X. Rồi Henri Becquerel dựa vào ý tưởng trên và làm nhiều thí nghiệm với các tia phóng xạ của chất Urane giống như các thí nghiệm đối với quang tuyến X và đã nhận thấy rằng hai tia đó có cùng tính chất. Becquerel tự hỏi tại sao có sự phóng xạ và các chất phóng xạ lấy năng lượng từ đâu, dù rằng năng lượng rất nhỏ, để phân tích mà phát ra tia sáng. Công cuộc khảo cứu của Becquerel mới chỉ là bước đầu. Sự hiểu biết về các định luật phóng xạ phải đợi hai thiên tài Pierre và Marie Curie mới phát kiến ra được.
Mới nghiên cứu trong ít lâu, bà Marie Curie đã nhận thấy rằng không phải cả cục Urane có tính phóng xạ mà cục đá đó chỉ chứa một phần rất nhỏ chất phóng xạ mà thôi. Tuy hiểu rằng tỉ lệ chất phóng xạ trong Urane ít, nhưng bà Curie không biết rõ nó là bao nhiêu. Bà cho rằng tỉ lệ đó vào khoảng một phần ngàn. Thật ra về sau, khi người ta được biết chính xác thì tỉ lệ đó còn nhỏ hơn thế nhiều: một phần triệu. Nhưng công lao của ông bà Curie chính là làm cho giới Khoa Học biết rằng có rất nhiều chất phóng xạ khác nhau, dù rằng nhiều chất chỉ là biến thể của nhau và có những chất không phóng xạ như chì, vàng… cũng là biến thể của các chất phóng xạ. Y kiến này rất quan trọng vì nhờ đó mà người ta tìm ra được cách phá nhân của nguyên tử và chế tạo ra bom nguyên tử sau này.
Khởi đầu, bà Curie tìm ra hai chất phóng xạ khác nhau, chất đầu tiên vào mùa hè năm 1891 và được bà đặt tên là "Polonium" để tưởng nhớ nước Ba Lan thân yêu của bà, chất thứ hai được gọi bằng tên "Radium", khám phá ra vài tháng sau đó. Nhưng các công trình của ông bà Curie chưa được giới Khoa Học chấp nhận ngay. Nhiều kẻ hoài nghi không công nhận có hai chất Polonium và Radium. Họ viện lý rằng mỗi chất đều phải có các lý tính và hóa tính. Vậy thì nguyên tử khối và phân tử khối của Radium là bao nhiêu? Radium có ái lực với những chất nào? Muối của nó là gì? Nó màu gì ? Độ chẩy là bao nhiêu? Nhiều câu hỏi đã làm bù đầu hai nhà bác học trẻ tuổi. Muốn trả lời các nhà hóa học đa nghi, Pierre và Marie Curie phải tìm ra Radium nguyên chất.
Nguyên liệu có chứa Radium là chất pechblend.
Pechblend là một chất dùng trong kỹ nghệ làm thủy tinh. Chất này rất đắt tiền mà lượng Radium ở trong lại không nhiều. Với số tiền lương eo hẹp, hai nhà bác học làm sao có thể tiếp tục công cuộc nghiên cứu? May thay, có một kỹ nghệ gia thủy tinh người Bỉ nghe danh ông bà Curie, đã bằng lòng chở sang Pháp cho hai nhà bác học hàng xe vận tải vụn pechblend mà nhà máy không dùng tới. Lại thêm một điều may mắn nữa: ông Pierre xin được một căn nhà cũ của Trường Đại Học Khoa Học, hai ông bà Curie liền chứa pechblend và đặt luôn tại đây phòng thí nghiệm.
Trong 4 năm trời từ 1898 tới 1902, sau khi gạn lọc 8 tấn pechblend, hai nhà bác học đã tìm ra được 1 gam Radium nguyên chất. Đây là gam Radium đầu tiên của thế giới và trị giá của nó lên tới 750 ngàn quan tiền vàng. Radium quả là một chất kim đắt giá nhất. Từ nay chất Radium đã chính thức được ông bà Curie "khai sinh", phân tử khối của nó là 225.
Năm 1898, Trường Đại Học Sorbonne đang thiếu một chân Giáo Sư Vật Lý. Pierre nộp đơn xin vì muốn kiếm ra một số lương cao hơn. Nhưng vì ông không hề học qua một trường cao đẳng sư phạm hay Trường Bách Khoa nào nên ông đã bị từ chối. Năm 1900, ông Pierre Curie xin được một chân Giáo Sư tại Trường Bách Khoa với lương 2,500 quan một năm. Với số lương này, gia đình Curie vẫn chưa đủ tiêu dùng. Trong khi đó, Trường Đại Học Genève, Thụy Sĩ, bỗng nhiên gửi thư mời ông Pierre sang nhận chức Giáo Sư Vật Lý với lương hàng năm 10,000 quan, lại được thêm hai người phụ tá cùng một phòng khảo cứu đầy đủ dụng cụ. Thật là một may mắn không ngờ. Nhưng tiếc thay, Genève lại ở quá xa, công ty thủy tinh Bỉ không chịu chở pechblend sang đó. Giữa khoa học và tiền bạc, ông Pierre đã chọn Khoa Học và đành viết thư cảm ơn ông Khoa Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Genève.
It lâu sau, ông Pierre Curie được vị Phó Khoa Trưởng Trường Đại Học Sorbonne mời giảng dạy môn Vật Lý cho chứng chỉ Lý Hóa Nhiên (S.P.C.N.) và bà Curie được nhận làm Giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Superieure) dành cho nữ sinh viên tại Sèvres. Ngân quỹ gia đình đã khả quan, từ nay hai ông bà Curie có thể yên tâm phụng sự cho Khoa Học.
Năm 1902, kết quả của công trình khám phá ra chất Radium được công bố. Giáo Sư Mascart do mến tài ông Curie nên đã cố khuyên ông nộp đơn xin vào Hàn Lâm Viện Khoa Học nhưng đến ngày bỏ phiếu, các ông Hàn đã nhận ứng viên đối lập là Amagat. Vào lúc này, Giáo Sư Paul Appell đã được cử làm Khoa Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Paris. Muốn an ủi Pierre, Appell xin ông Tổng Trưởng Giáo Dục Pháp ban huy chương danh dự cho nhà bác học và trước khi trao huy chương, Appell đã năn nỉ bà Curie khuyên chồng nên chấp nhận huy chương đó. Nhưng ông Pierre đã từ chối vì ông chỉ cần một phòng thí nghiệm, không cần tới một huy chương đeo ngực. Trong suốt cuộc đời, ông Pierre Curie luôn luôn mong mỏi sẽ lập ra được một cơ sở khảo cứu mà tất cả những ai muốn tìm tòi về chất phóng xạ đều được tự do xử dụng.
Sau khi chất Radium được khám phá, danh tiếng ông bà Curie đã vượt ra khỏi nước Pháp. Từ năm 1900, các viện đại học, các trung tâm khảo cứu tại các nước Anh, Đức, Đan Mạch, Hoa Kỳ… đều gửi thư đến hỏi ông bà Curie về chất Radium. Các nhà vật lý đua nhau tìm hiểu về tính phóng xạ như Boltzmann, Crookes, Paulsen, Ramsay… họ đã tìm thêm được nhiều chất mới như Mesothorium, Ionium, Protactinium, chì phóng xạ, khí Helium phóng xạ…
|
Bà Curie và 2 con gái |
Năm 1903, bà Curie được Đại Học Sorbonne trao văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học, hạng tối ưu với lời khen ngợi của Hội Đồng Giám Khảo về luận án "Khảo cứu về các chất phóng xạ" và cũng vào năm này, Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh gửi thư mời hai nhà bác học Curie sang diễn thuyết bên nước Anh. Sau đó không lâu, nước Thụy Điển đã biểu quyết chia Giải Thưởng Nobel 1903 về Vật Lý, một nửa dành cho ông Henri Becquerel, một nửa tặng ông bà Curie vì công trình khám phá ra chất phóng xạ. Ông bà Curie được lãnh 10,000 quan tiền vàng. Nhưng khi vừa được tin mừng về Giải Thưởng Nobel, hai nhà bác học lại gặp phải nhiều chuyện bực mình: Những kẻ hiếu kỳ, các phóng viên nhà báo đã bao quanh nhà, làm ồn ào, gây bận rộn cho hai nhà bác học. Ông bà Curie vốn ưa thích sự yên tĩnh để làm việc, nên đã không khỏi khó chịu khi các kẻ hiếu kỳ muốn coi ông bà như những minh tinh màn bạc. Bà Curie đã phải nói: "Về Khoa Học, chúng ta chỉ nên để ý đến sự vật mà đừng nghĩ tới nhân vật".
Sau khi các nước ngoài nhận rõ chân tài, ông Pierre Curie mới được nước Pháp biết đến. Năm 1904, ông được Viện Trưởng Đại Học Sorbonne bổ nhiện làm Gáo Sư Vật Lý thực thụ. Trước khi nhận lời, ông đưa ra yêu cầu lập nên một phòng thí nghiệm. Lần này, Bộ Giáo Dục Pháp không còn làm những chuyện viển vông như gắn huy chương cho nhà bác học nữa, mà bằng lòng xây dựng một trung tâm nghiên cứu, chấp nhận cho nhà nữ bác học Curie làm trưởng phòng Vật Lý, dưới quyền chồng và lại cho thêm hai nhân viên phụ tá. Cũng vào năm 1904, hai nhà bác học có thêm một tin mừng khác: Bà Curie vừa sinh hạ cô gái thứ hai và cũng là cô gái út: Eve Curie. Năm 1905, ông Pierre Curie được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp (Academy of Sciences).
Nhưng vinh quang không đến với nhà bác học được lâu. Ngày 19 tháng 4 năm 1904, sau khi rời nhà xuất bản Gauthier-Villars để về nhà, không rõ ông Pierre Curie bận tâm suy nghĩ điều gì trong lúc băng qua đường, ông đã bị xe ngựa cán phải, vỡ óc chết ngay trên đường Dauphine tại Paris. Ông Pierre Curie đã là một nhà vật lý học xuất sắc, một trong các vị sáng lập ra nền Vật Lý Mới. Để ghi nhớ nhà bác học Pierre Curie, ngày 13 tháng 5 năm 1906, Trường Đại Học Sorbonne đặc cách mời bà Curie thay chồng trong chức vụ Giảng Sư. Bà Marie Curie là nữ Giáo Sư đầu tiên của Trường Đại Học Sorbonne, Paris.
Bà Marie Curie trở nên Giáo Sư thực thụ của Trường Đại Học Sorbonne vào năm 1908. Cũng vào năm này, bà cho xuất bản cuốn sách nhan đề là "Các Công Trình của Pierre Curie". Năm 1910, tác phẩm "Khảo cứu về tính phóng xạ" (Traité de Radioactivité) dày 960 trang của bà Marie Curie đã là công trình chứa đựng những kiến thức khoa học mới mẻ nhất của thời kỳ đó về ngành học phóng xạ.
Giải Thưởng Nobel lần thứ hai.
Danh tiếng của bà Marie Curie vang lừng. Rất nhiều trường Đại Học ở ngoại quốc gửi tặng Bà các văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự.
Năm 1910, nước Pháp dự định tặng bà huy chương Hiệp Sĩ nhưng bà Curie đã từ chối vì nghĩ tới thái độ của ông Curie khi trước. Vài tháng sau, nhiều người bạn đã khuyên bà ra tranh cử vào Hàn Lâm Viện Khoa Học. Cổ động cho bà có nhà đại bác học Henri Poincaré, Bác Sĩ Roux, Giáo Sư Emile Picard, các Giáo Sư Lippmann, Bouty và Darboux… nhưng tới kỳ bầu cử, vật lý gia Edouard Branly thắng phiếu. Phải chăng các ông Hàn vẫn còn mặc cảm đối với phụ nữ nên bà Curie không được thu nhận? Lại một lần nữa, nước Thụy Điển sửa chữa những lỗi lầm của nước Pháp: Tháng 12 năm 1911, bà Marie Curie được tặng thêm một giải thưởng Nobel về Hóa Học vì công trình tìm ra chất Radium. Bà Curie là người duy nhất đã lãnh hai lần giải Nobel, hơn hẳn các nhà bác học xưa và nay, kể cả nam lẫn nữ.
Từ năm 1911, các nhà trí thức Ba Lan có ý định thiết lập ở Varsovie một cơ sở khảo cứu về chất phóng xạ và họ định mời bà Marie Curie về nước, điều khiển trung tâm khảo cứu này. Tháng 5 năm 1912, một phái đoàn các giáo sư Ba Lan sang Pháp, tìm gặp bà Curie. Bà Marie Curie vào lúc này bị lôi kéo giữa lòng nhớ cố hương và các kỷ niệm về ông Pierre với ước vọng một Viện Radium khi đó đang được xây dựng tại thành phố Paris. Cuối cùng bà Curie đã gửi thư từ chối. Bà đặt tin tưởng vào tài năng nghiên cứu của hai người Ba Lan đã từng phụ tá cho bà.
Năm 1913, bà Marie Curie sang Ba Lan dự lễ khánh thành cơ sở khảo cứu chất phóng xạ. Bà đã diễn thuyết về Khoa Học bằng tiếng mẹ đẻ trước một thính giả rất đông đảo. Tháng 7 năm 1914, Viện Radium Paris được xây dựng xong tại đường Pierre Curie. Đây là "Lâu Đài của Tương Lai", nơi mà trước kia ông Pierre Curie đã hằng mong ước được sống tại đó để nghiên cứu, tìm tòi, và giờ đây, bà Marie tiếp tục sở nguyện của chồng.
Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Khác với nhiều phụ nữ, bà Curie không xung vào các đoàn nữ y tá mà lại nghĩ tới sự thiếu thốn của các nhà thương về phòng chiếu quang tuyến. Bà liền lắp máy lên một chiếc xe hơi rồi cùng với người con gái Irène, dùng xe quang tuyến này, đi chăm sóc các thương binh tại nhiều mặt trận. Vì số thương binh càng ngày càng tăng, bà Marie Curie đã phải lắp thêm 220 phòng quang tuyến ở cả trên xe lẫn dưới đất. Bà lại dùng cả gam Radium duy nhất và vô giá vào việc điều trị các nạn nhân chiến tranh. Ngoài ra, nhu cầu về các chuyên viên quang tuyến khiến bà Curie đề nghị với Chính Phủ Pháp mở gấp một lớp huấn luyện. Chương trình này được thực hiện tại Viện Radium và các giáo sư giảng dạy gồm có bà Curie, cô Irène Curie và cô Marthe Klein.
Năm 1918, Thế Chiến chấm dứt, mang lại hòa bình trên đất Pháp và nền độc lập cho xứ Ba Lan, sau một thế kỷ rưỡi bị đô hộ. Trong nhiều năm trời, bà Curie đã mang hết năng lực và tiền bạc đóng góp vào công cuộc chống ngoại xâm. Bà đã tặng Chính Phủ Pháp số tiền thưởng Nobel. Chiến tranh đã làm cho công cuộc khảo cứu của bà bị gián đoạn và sức khỏe của bà bị suy giảm.
Vào tháng 5 năm 1920, bà Marie Curie tiếp nữ phóng viên William Brown Meloney. Trong câu chuyện, bà Curie cho biết đang cần có một gam Radium để tiếp tục công cuộc khảo cứu mà thứ kim chất đó lại quá đắt tiền. Vừa cảm động, vừa kính phục, bà Meloney khi trở về Hoa Kỳ liền mở một cuộc lạc quyên các phụ nữ Mỹ để mua Radium tặng nhà nữ bác học. Bà Meloney lại khẩn khoản mời bà Curie sang Hoa Kỳ, song bà Curie rất e ngại đám đông, e ngại sự quảng cáo thanh danh, nhưng cuối cùng, bà đành phải nhận lời. Đầu tháng 5 năm 1921, bà Marie Curie cùng hai cô con gái xuống tầu Olympic sang châu Mỹ.
Ngày 20 tháng 5, Tổng Thống Hoa Kỳ Warren G. Harding đã trân trọng biếu bà Marie Curie một gam chất Radium. Tại Philadelphia, bà Curie được trao tặng các bằng cấp danh dự, các quà biếu, 50 gam chất Mesothorium và Huy Chương John Scott của Hội Triết Học Mỹ Quốc. Ngoài ra, bà Curie còn là Tiến Sĩ Danh dự của các Trường Đại Học Pittsburg và Columbia. Bà Curie xuống tầu về nước vào ngày 28 tháng 6 năm đó.
Do sự phát minh ra cách trị liệu bằng chất phóng xạ, đầu năm 1922, Hàn Lâm Viện Y Học Paris đã bầu bà Curie làm hội viên. Tháng 2 năm đó, bà Curie cũng trở thành nhà nữ bác học đầu tiên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp. Danh tiếng bà Marie Curie vang lừng. Bà được hân hoan đón tiếp tại A Căn Đình, tại Y, Hòa Lan, Bỉ, Tiệp Khắc… Ngày 15/5/1922, Hội Quốc Liên chỉ định bà Marie Curie làm hội viên của Tổ Chức Giáo Dục Quốc Tế.
Nguyện vọng của bà Marie Curie là được thấy một Viện Radium thành lập tại Varsovie. Dự án xây dựng thành hình vào năm 1925 và bà Curie đã sang Ba Lan để đặt viên đá đầu tiên cho Viện. Khi xây dựng xong, Viện Radium Varsovie lại thiếu Radium để nghiên cứu. Tháng 10 năm 1929, bà Marie Curie lại sang Hoa Kỳ. Tại đây, bà được đón tiếp rất trọng thể chẳng kém gì lần đi trước và nước Hoa Kỳ một lần nữa lại giúp đỡ nhà nữ bác học. Ngày 29/5/1932, Viện Radium Ba Lan được khánh thành đúng theo ý nguyện của nhà nữ bác học lừng danh.
Khi đã ngoài 60 tuổi, bà Marie Curie vẫn còn hăng hái làm việc mỗi ngày 12 giờ. Dưới sự hướng dẫn của bà từ năm 1919 tới năm 1934, 483 tác phẩm khoa học đã được các nhà vật lý và hóa học của Viện Radium phổ biến, và trong số các công trình nghiên cứu khoa học này, riêng bà Curie có 31 tác phẩm.
Từ tháng 12 năm 1933, sức khỏe của bà Curie đã suy giảm. Bà đành phải ăn uống theo lời chỉ dẫn của bác sĩ và đôi khi, bà trở về miền quê để sống trong bầu không khí an lành. Rồi trong một chuyến đi chơi vào tháng 5 năm 1934, bà Curie bị cảm lạnh. Mặc dù lời khuyên cần tĩnh dưỡng của bác sĩ, bà vẫn làm việc vì luyến tiếc thời giờ khảo cứu trong phòng thí nghiệm. Bà Curie bị cảm lại. Bệnh trạng kéo dài hàng tháng. Người ta nhìn thấy bà nằm liệt giường trong bộ y phục màu trắng với bộ tóc bạc trắng như tuyết, và dưới vầng trán cao rộng, hai mắt bà nhắm lại, hai cánh tay buông xuôi để lộ ra hai bàn tay xương xẩu đã bị các tia phóng xạ ăn loang lổ nhiều chỗ. Bà Marie Curie tắt thở vào ngày 04 tháng 7 năm 1934 tại bệnh viện Sancellemoz, mặc dù các bác sĩ tài danh tận tâm chữa trị. Bà Marie Curie đã chết vì bệnh hoại huyết (leukemia) do chính các tia phóng xạ từ chất Radium phát ra.
Trưa ngày thứ Sáu, 06 tháng 7 năm 1934, tang lễ của nhà nữ bác học đã được cử hành tại nghĩa địa Sceaux. Quan tài của bà được đặt lên quan tài của ông Pierre Curie, đúng theo ý nguyện của bà là được gần chồng lúc sống cũng như lúc chết.
Bà Marie Curie là nhà nữ bác học lừng danh đầu tiên của thế giới khoa học. Bà đã đi tiên phong trong công cuộc khảo cứu chất phóng xạ. Ngoài việc phụng sự Khoa Học, bà Marie Curie còn là một nữ công dân có lòng ái quốc nhiệt thành, không những đối với Quê Hương mà còn với cả Tổ Quốc mà bà nhìn nhận. Bà Marie Curie quả là nhân vật đã thực hiện hoàn toàn câu nói của Đại Văn Hào người Pháp Victor Hugo: "Phụng sự Tổ Quốc mới chỉ là một nửa. Nửa kia là phụng sự Nhân Loại ".