Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 23/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Chuyên đề nghiên cứu

Luật và phát triển

Để có được một sự thống trị của luật pháp theo hướng tạo điều kiện cho phát triển thì Việt Nam vẫn còn một khoảng đường dài để đi. - TS Trần Lê Anh, ĐH Lasell, bang Massachusetts, Mỹ.
 Thượng tôn pháp luật là coi pháp luật là trên hết. Theo đây, ở phương diện hình thức căn bản, pháp luật chi phối các mối quan hệ trong xã hội, quan hệ giữa nhà nước với nhân dân và quan hệ giữa người dân với người dân, và không ai đứng trên pháp luật. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về định nghĩa chi tiết nội hàm thế nào là thượng tôn pháp luật, sự liên hệ giữa luật pháp và phát triển là khá rõ ràng. Để có thể phát triển bền vững, quốc gia nào cũng cần có một hệ thống pháp lý tương đối tốt.
Đó cũng là lý do tại sao các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới, và chính phủ các nước phát triển thường khuyến cáo các nước đang phát triển, đặc biệt biệt là các nước có nền kinh tế chuyển đổi, cần phải tập trung cải cách và xây dựng một hệ thống pháp lý tốt để tạo điều kiện cho phát triển.
Việt Nam rõ ràng là nằm trong trường hợp này. Từ khi bắt đầu đổi mới cho đến khi ký kết Hiệp định Thương mại Song phương Việt-Mỹ và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam phải xoay sở để có những bước cải cách pháp lý sao cho phù hợp với tình hình thực tế và các cam kết đã ký kết. Nhà nước cũng đã có những động thái học hỏi kinh nghiệm xây dựng luật pháp từ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ thông qua sự hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Đây là một tiến triển tốt và cần thiết. Tuy nhiên, để có được một sự thống trị của luật pháp theo hướng tạo điều kiện cho phát triển thì Việt Nam vẫn còn một khoảng đường dài để đi.
Trước tiên, muốn luật pháp thống trị theo hướng tốt đẹp thì điều tiên quyết là bản chất của luật phải tốt. Mặc dù định nghĩa chi tiết thế nào là tốt thì không phải đơn giản, nhưng ít nhất thì luật phải bảo vệ những quyền căn bản nhất của con người, thể hiện được nguyện vọng của người dân, uyển chuyển với thực tế, và kiềm chế sự tùy tiện của nhà nước. Thiếu những điểm cốt lõi này thì các nhóm có thế lực sẽ thao túng và sử dụng luật để trục lợi cho riêng mình. Và như thế thì luật sẽ trở thành công cụ để chèn ép và bức hiếp người dân; không thể nào có được sự tối thượng của luật pháp theo đúng nghĩa của nó.
Với tình hình của Việt Nam hiện nay, muốn có luật tốt hơn thì một trong những điểm thiết yếu cần phải làm là phải có cho được một quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất với thành phần đại biểu chuyên nghiệp, dành toàn bộ thời gian cho công việc làm luật và có thời gian sinh sống tại địa phương mà mình đại diện. Hiện tượng đại biểu quốc hội kiêm nhiệm các chức vụ khác trong các ngành hành pháp và tư pháp hiện nay không những tạo ra những trường hợp tréo ngoe về quyền lợi đối kháng mà còn hạn chế khả năng tiếp xúc cử tri và nghiên cứu luật pháp. Xóa bỏ hiện tượng này sẽ đưa ra một tín hiệu tích cực rằng Nhà nước đang nỗ lực cải cách theo những chuẩn mực mà nhân dân mong đợi.
Đi vào mục đích của luật nói chung, trong một nền kinh tế đang cố gắng vận hành theo những tiêu chí căn bản của thị trường thì ít nhiều tinh thần của luật cũng phải phù hợp với nỗ lực đó. Ở khía cạnh này, luật, đặc biệt là ở những lĩnh vực liên quan đến kinh tế (ví dụ như luật đầu tư và luật doanh nghiệp), cần phải dựa trên những nguyên lý kinh tế như nâng cao tính hiệu suất và giảm thiểu chi phí giao dịch nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trong toàn xã hội.
Kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy rằng, bảo vệ quyền sở hữu và đảm bảo quyền (và sự thực thi) hợp đồng là những điểm cản bản nhất cần phải có nếu muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường thành công. Những quyền này đem đến cho người dân động cơ cũng như sự yên tâm để họ dồn hết khả năng của mình vào cuộc mưu cầu thịnh vượng cá nhân, tạo ra hiệu ứng dân giàu nước mạnh có hiệu quả nhất. Hơn nữa, chúng cũng là nền tảng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng hỗ trợ cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các ngành kỹ nghệ cao.
Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển, luật phải tạo điều kiện cho tất cả mọi người dân tham gia vào nền kinh tế một cách công bằng và hiệu quả hơn. Thiếu vắng yếu tố này thì sẽ phát sinh ra nhiều hoạt động bên ngoài sự quản lý của luật pháp (đây là một trong những lý do đưa đến sự mất niềm tin vào hệ thống pháp lý) và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội. Như một ví dụ, những bất cập liên quan đến vấn đề hộ khẩu tại Việt Nam không những hạn chế quyền tự do của người dân mà còn tạo ra những phân biệt đối xử về quyền lợi, đặc biệt gây khó khăn cho những người không có khả năng tài chính để "lách luật".
Một ví dụ khác, các bất cập liên quan đến luật thu hồi và bồi thường đất đai đã đưa đến tình trạnh nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo, bị thua thiệt trong khi không ít kẻ đầu cơ đã giàu lên nhanh chóng một cách không công bằng nhờ vào những quan hệ luồn lách có được. Là công cụ để thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững, luật cần phải được cải cách theo sát với tình hình thực tế để giải quyết vấn đề này.
Không kém phần quan trọng, luật nói chung cần phải minh bạch và dễ hiểu để đại đa số người dân có thể nắm bắt. Càng minh bạch và dễ hiểu thì khả năng dùng luật để trục lợi của các phần tử có thế lực (hoặc phe cánh của họ) sẽ giảm càng nhiều.
Hơn nữa, người dân sẽ phát triển một nét văn hóa sử dụng luật trong cuộc sống một khi luật thật sự đi vào đời sống kinh tế xã hội vì lợi ích của họ.
Tuy nhiên, có luật tốt không có nghĩa là sự thượng tôn pháp luật sẽ được bảo đảm. Khoảng cách giữa luật trên văn bản và trong thực tế ở Việt Nam hiện nay không phải là nhỏ. Vấn đề này là do những bất cập đang tồn tại có liên quan đến yếu tố con người và thể chế. Đối với yếu tố con người, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp của công chức có liên quan đến hệ thống pháp lý, chẳng hạn như thẩm phán, công an, công tố viên, luật sư và các nhà làm luật, là điều phải làm. Muốn được như vậy thì cần điều chỉnh lương bổng của họ sao cho đủ sống song song với việc tăng cường phòng chống tham nhũng.
Đối với yếu tố thể chế, cần phải đặc biệt thúc đẩy sự độc lập của tư pháp. Khi tư pháp được thật sự độc lập thì mới có khả năng bác bỏ những hành động tùy tiện của các cơ quan hành pháp. Muốn được như vậy thì phải có một đội ngũ thẩm phán được đào tạo bài bản, có mức lương đủ sống, có uy tín, và có khả năng diễn giải luật theo hướng phục vụ lợi ích của nhân dân và đất nước.

Bên cạnh đó, cần phải tạo cho được một môi trường mà người dân cảm thấy tin tưởng nới cán cân công lý và có thể sử dụng tòa dễ dàng hơn cho việc giải quyết các tranh chấp của mình. Một yếu tố quan trọng trong nỗ lực này là phải tạo điều kiện tối đa để giới truyền thông tiếp cận và đưa tin về các vụ tranh chấp và xét xử. Sự minh bạch của tòa án không những làm tăng niềm tin của dân mà còn làm cho giới quan chức hành pháp phải e ngại hơn khi muốn thao túng sự phân xử của tòa.
Sự thượng tôn pháp luật sẽ dần dần được thiết lập nếu quá trình cải cách pháp lý đặt trong tâm vào những điểm căn bản như đã trình bày ở trên. Để tiến nhanh hơn đến mục tiêu này, Việt Nam nên thiết lập một ủy ban cải cách pháp lý độc lập (không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội) để cố vấn cho nhà nước. Ủy ban này sẽ nghiên cứu tình hình luật lệ trong thực tế, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, và học hỏi thêm kinh nghiệm cải cách ở các nước khác để đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm giúp nhà nước loại bỏ những rào cản pháp lý đang kiềm chế phát triển và thực thi những chính sách hữu hiệu (thông qua công cụ luật) để tạo ra một xã hội công bằng và phồn thịnh hơn.
Cải cách pháp lý là một quá trình lâu dài và tất nhiên không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tuy nhiên, kết quả sẽ tốt đẹp nếu luôn giữ đúng với định hướng và mục tiêu: luật phải đi sát với thực tế, phù hợp với những truyền thống tinh túy của dân tộc, thúc đẩy sự tiến bộ của toàn xã hội, và bảo vệ quyền lợi quốc gia. Kiên định được như vậy thì sự thượng tôn pháp luật không sớm thì muộn sẽ là hiện thực trên dải đất mang hình chữ S.

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển