Giành lại thị phần logistics trong vận tải biển Việt Nam, bắt đầu từ: Hành lang pháp lý thông thoáng, đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng cao và đồng bộ hoá kết cấu hạ tầng cảng biển.
Thông thường, khi đánh giá quốc gia phát triển kinh tế bền vững, người ta luôn nhìn vào cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống cảng biển, bởi vì những yếu tố này góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng, đồng thời cũng là nền tảng vững chắc để phát triển logistics của một nước.
NÂNG CẤP HỆ THỐNG GIAO THÔNG QUỐC GIA
Nhìn chung hệ thống giao thông VN đang thiếu và yếu kém so với yêu cầu phát triển đất nước cũng như logistics. Điểm nổi bật là cầu đường còn đang dưới tiêu chuẩn qui định để bảo đảm tải trọng cho xe container lưu thông, chưa kết nối tốt hệ thống giao thông nội địa với các cảng biển nước sâu, và hiệu quả sử dụng đa phương thức vận tải trong giao thông còn thấp.
ĐỒNG BỘ HOÁ KẾT CẤU HẠ TẦNG CẢNG BIỂN
Kết cấu hạ tầng cảng biển xưa nay được coi là xương sống của vận tải biển, đặc biệt từ khi container xuất hiện và logistics ra đời. Cảng biển trở thành trung tâm kết nối mạng lưới giao thông quốc gia với thế giới bên ngoài, là nơi diễn ra hoạt động sầm uất của đa phương thức vận tải mà logistics là động lực thúc đẩy. Để logistics phát triển tốt và hoạt động dịch vụ ở các cảng biển đạt hiệu quả cao, tăng “giá trị gia tăng” cho logistics và cảng biển cần thiết phải đồng bộ hoá kết cấu hạ tầng cảng biển. Gần đây bài viết nói về sức cạnh trang và sự phát triển bền vững của hệ thống cảng biển VN, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến tính thiếu khoa học và không đồng bộ trong xây dựng và hình thành hệ thống cảng biển những năm vừa qua, đã gây lãng phí tài nguyên quốc gia cũng như hao tốn tiền bạc của nhân dân không ít, mà hậu quả cho đến nay chúng ta còn phải khắc phục.
Điều 59, mục 2, chương IV của Bộ luật Hàng hải VN năm 2005 xác định: Kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm: Kết cấu hạ tầng bến cảng và kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển.
Kết cấu hạ tầng bến cảng có: Cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện nước, luồng nhánh cảng biển và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước cầu cảng. Kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển bao gồm luồng cảng biển, hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình phụ trợ khác.
Tuy về cấu trúc vật chất có phân biệt nhưng thực chất nó là một thể thống nhất phục vụ cho cảng biển. Ngoài ra còn một số yếu tố khác tác động quyết định không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất xếp dỡ, như: chân hàng, trang thiết bị, khoa học - công nghệ, kỹ năng của đội ngũ thực thi và sau cùng là sự kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, với các trung tâm logistics và hệ thống cảng biển toàn cầu để đảm bảo cho quá trình luân chuyển vật tư, sản phẩm hàng hoá từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng an toàn, nhanh chóng với chi phí rẻ nhất, tạo ra nguồn giá trị gia tăng cho logistics cũng như cảng biển (Logistics 3PL, 4PL).
Kết thúc bài viết, chúng tôi kỳ vọng những vấn đề đặt ra sẽ được xem xét và tháo gỡ càng sớm càng tốt, nhằm hỗ trợ cho logistics VN phát triển đồng bộ và hài hoà như mong muốn của mọi người.
TRẦN VĨNH HẢI
Phó Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn
Nhân lực - Nhân tài Việt Nam
Thành phố Hải Phòng