Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 11/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Lo thi Đại học, Toán học “tuột“ nhân tài?

Với chỉ 6 Huy chương đồng trong kỳ thi Olympic quốc tế vừa qua, Toán học của Việt Nam đã tụt dốc thê thảm và đây là thành tích kém cỏi nhất trong 31 năm qua. GS.TS.Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mổ xẻ nguyên nhân “tụt hạng” của Toán học Việt Nam.

Học sinh chỉ lo thi đại học

Là nhà toán học, đã từng tham gia luyện thi cho học sinh giỏi toán tham gia các cuộc thi, cảm xúc của ông thế nào khi cập nhật kết quả bết bát của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam năm nay?

-  Thực sự, tôi thấy buồn vì thành tích của đoàn Việt Nam tham gia Olympic quốc tế, đặc biệt là môn Toán. Tham gia thi tài tại Olympic, hàng chục năm nay, chúng ta thường đứng trong top 10, có năm đứng ở top 3 và gần như không năm nào không có huy chương vàng. Trong khu vực, chỉ Việt Nam có tiếng tăm về thi Toán quốc tế, các nước hầu như không có, kể cả Singapore.

GS.TS Đào Trọng Thi
GS.TS Đào Trọng Thi

 Nhưng năm nay chúng ta “tụt dốc sâu” với vị trí 31 trên bảng xếp hạng?

- Đúng vậy, đây là điều chưa từng thấy, nhất là trong Toán học. Không chỉ năm nay mà mấy năm nay thành tích của chúng ta cũng sụt giảm, trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan đang vươn lên và đạt thành tích rất tốt. Với tình trạng sụt giảm như thế này, ở tất cả các môn trong đó có Toán, những người làm trong ngành giáo dục, quản lý nhà nước cần phải suy nghĩ. Rõ ràng đây là hiện tượng không bình thường.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho thành tích của Việt Nam đi xuống?

- Nguyên nhân thì có nhiều, thứ nhất là sự hấp dẫn học sinh giỏi của chúng ta tham gia vào các chương trình đào tạo bồi dưỡng tài năng có phần giảm sút. Điều này là do chính sách, ví dụ trước chúng ta tuyển thẳng vào đại học những học sinh giỏi quốc gia, giờ không tuyển nữa nên học sinh, phụ huynh không quan tâm tới các kỳ thi học sinh giỏi. Người ta chỉ quan tâm lo cho con học để thi tốt nghiệp, thi đỗ đại học.

Thứ hai, nguyên nhân trực tiếp là các cơ sở đào tạo bồi dưỡng học sinh năng khiếu để tham gia thi học sinh giỏi, tạo nguồn cho các đội tuyển có vấn đề nên không cung cấp được nguồn tốt nhất cho đội tuyển. Thứ ba là việc lựa chọn học sinh tham gia đội tuyển của chúng ta cũng có vấn đề. Tôi thấy có rất nhiều đơn vị đào tạo nổi tiếng như chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm thì lần này vắng bóng. Có thể những cơ sở đào tạo ấy không có em giỏi tham gia, nhưng cá nhân tôi nghĩ khả năng nhiều hơn là do chọn không đúng.

“Tôi không nghĩ chỉ đến một Ngô Bảo Châu”

Không ít người cho rằng, Toán học Việt Nam chỉ có một Ngô Bảo Châu và hiện nay trình độ của học sinh Việt Nam mà rõ nhất là Toán, đang đi xuống?

- Tôi không cho rằng trình độ của học sinh toàn quốc kém đi, vì nguồn học sinh tài năng của ta vẫn có, vấn đề chính là chúng ta chưa tổ chức phát hiện, bồi dưỡng đào tạo, hay nói cách khác là “chọn mặt gửi vàng” không đúng. Chúng ta điều chỉnh lại đúng đắn thì tôi tin rằng Toán học sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh. Tôi không nghĩ Việt Nam đến Ngô Bảo Châu là dừng lại, mà còn có những người khác và không chỉ có Toán, cả những môn học khác.

Có những thầy giáo từng có tiếng trong “lò luyện thi toán quốc tế” nhưng bỏ đi làm dự án vì mỗi năm thu nhập được vài trăm triệu đồng, ông nói gì về thực tế này?

- Chúng ta chưa có chế độ thỏa đáng đối với những thầy giáo bồi dưỡng đội tuyển để họ an tâm, dồn hết tâm huyết cho các em. Sự sụt giảm thành tích lần này báo động cho những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại toàn bộ công tác này, cần có sự đầu tư cả về chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí để giữ vững và phát huy truyền thống mình đã có.

Với tư cách là Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, ông có kiến nghị gì về việc này?

- Phát triển, đào tạo bồi dưỡng nhân tài là một chính sách lớn của Đảng, trong thời điểm hiện nay lại càng phải được đầu tư, chú ý nhiều hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc xem xét chuyện này, những gì còn vướng mắc phải điều chỉnh, bổ sung. Uỷ ban chúng tôi chỉ có ý kiến trao đổi để những nhà quản lý quan tâm xem xét trong thẩm quyền. Tôi tin rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận được thực tế vấn đề này và chắc chắn có điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Xin cảm ơn ông!

 

* GS Ngô Bảo Châu:

“Một phần hệ quả của trường chuyên, lớp chọn”

“Trên thực tế, một số học sinh ở những trường vốn là lá cờ đầu trong phong trào học toán như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia... đã vắng bóng trong đội tuyển. Và đó là một phần hệ quả của trường chuyên, lớp chọn. Thực trạng này đã được nhiều GS về Toán cảnh báo từ những năm trước đây. Theo tôi, cái chân, nền tảng của các em là cấp 1, cấp 2 nhưng hiện chúng ta chưa chú trọng đầu tư hai giai đoạn này. Ngoài ra, tâm lý phụ huynh cũng ảnh hưởng rất lớn. Họ cho rằng Toán học là ngành lãng mạn, thiếu thực tế nên hướng con mình đi theo ngành đảm bảo vật chất hơn. Lương giáo viên Toán cũng thấp khiến họ không hứng thú với việc giảng dạy mà tổ chức các lớp luyện thi để kiếm thêm thu nhập khiến cho tình yêu Toán học của thế hệ trẻ giảm sút. Để lấp những lỗ hổng này cần phải có thời gian. Chính phủ đã có chương trình Toán học trọng điểm quốc gia và Viện nghiên cứu cao cấp về Toán nằm trong chương trình đấy”.

* GS Dương Minh Đức (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM):

“Các thầy chưa khơi dậy niềm đam mê làm toán”

“Theo quan sát của tôi, những người đam mê với môn Toán vẫn còn rất nhiều. Sinh viên ngày nay so với thế hệ chúng tôi có nhiều em rất giỏi và đam mê Toán học. Nếu chỉ xem xét từ kết quả thi Olympic năm nay và việc những thành viên đã đoạt giải quốc tế Toán sau đó không theo đuổi đến cùng mà kết luận rằng ngành Toán đang đi xuống thì chưa chính xác. Toán học của chúng ta đang phát triển điển hình là việc ra đời của Viện Toán cao cấp. Đây sẽ là nơi để các nhà Toán học hàng đầu đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới kết nối hay thành lập các nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, lẽ ra thầy dạy Toán cũng như thầy dạy võ, khi dạy kiến thức phải truyền đạt luôn cho các em lòng đam mê, như vậy chắc chắn sẽ đạt kết quả cao. Nhưng thực tế hiện nay các thầy ngày càng nghiêng về dạy mẹo làm Toán mà bỏ qua việc khuyến khích, khơi dậy tình yêu Toán học đối với các em”.

* GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội):

“Chúng ta nên tin vào người trẻ”

“Toán học Việt Nam đang đi lên hay xuống cần phải nhận xét thận trọng bởi một câu, từ không thể chuyển tải hết được. Theo tôi, không nên nhìn vào kết quả thi Olympic quốc tế, nhất là kết quả thi của một năm mà nói là toán học Việt Nam đang đi xuống. Tôi cho rằng, về toán đỉnh cao thì có thể nói thời điểm này đang đạt được kết quả tốt nhất. Chúng ta cũng nên tin tưởng vào giới trẻ bởi họ học Toán, không theo Toán đến cùng nhưng đang đóng góp cho xã hội rất nhiều bằng tư duy Toán học”.

* Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT):

“Sẽ rà soát lại các khâu”

“Tôi cho rằng, từ năm 2007, khi Olympic Toán quốc tế tổ chức ở Việt Nam mọi người quan tâm đến Toán hơn. Khi có Viện nghiên cứu về Toán, rồi GS Ngô Bảo Châu, GSTrần Văn Nhung đi nói chuyện với học sinh chuyên, các em càng hào hứng hơn bởi có thể nhìn thấy những tấm gương bằng xương bằng thịt. Chúng tôi đang nghiên cứu phương thức tuyển chọn vào trường chuyên thế nào cho tốt nhất. Đội tuyển thi Quốc tế cũng sẽ được tạo nguồn từ trước, bồi dưỡng kỹ càng và có nguồn dự bị. Đồng thời sẽ rà soát lại các khâu, sẽ xem xét lại việc tuyển thẳng vào ĐH những học sinh tham gia đội tuyển...”.

Theo phapluatvn.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển