Đây là nội dung được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội bàn luận, góp ý về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Quy hoạch trường “lắt nhắt”, thành lập đại học đa lĩnh vực TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng: Đối với các trường công lập có sử dụng ngân sách nhà nước, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là hiệu quả hoạt động của các trường. Đã có những nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới tiến hành đưa ra những khuyến cáo phải đảm bảo quy mô tối thiểu. Quy mô người học mà nhỏ thì chi phí đào tạo trên đầu sinh viên cao, hiệu quả thấp. Nếu tăng được quy mô sinh viên lên thì chi phí đào tạo sẽ thấp. Các trường không đảm bảo quy mô kinh tế tối thiểu phải sáp nhập lại. Để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống trường và giải quyết các nhiệm vụ lớn hơn, TS Khuyến đề xuất phải thành lập trường đa lĩnh vực thực sự, chỉ để một số ít trường ở dạng đơn lĩnh vực như trường năng khiếu. Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng những đại học đa lĩnh vực đích thực. Ảnh minh họa. Ảnh: HẢI NGUYỄN Hiện nay, nước ta đã có một số trường có dạng đại học đa lĩnh vực như 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quy Nhơn... Tuy nhiên, hiệu quả của các trường này chưa thực sự hiệu quả. TS Khuyến chỉ rõ 2 nguyên nhân làm cho các đại học đa lĩnh vực của ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp là do các đại học đa lĩnh vực chưa phải là một chỉnh thể thống nhất (đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo) mà chúng chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học”, hay chính xác hơn, dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”. Hai là, về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được Nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực. “Nếu muốn phát triển thì cần phải thành lập đại học đa lĩnh vực, đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Cách nhanh nhất của Việt Nam hiện nay là sáp nhập các đại học đơn lĩnh vực “lắt nhắt” thành đa lĩnh vực. Tuy nhiên, sáp nhập xong phải tổ chức lại để trở thành các đại học đa lĩnh vực đích thực chứ không phải là “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành” như hiện nay” - ông Khuyến nói. Đồng quan điểm trên, PGS-TS Phan Quang Thế - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Thái Nguyên - bày tỏ: Đề xuất liên kết, sáp nhập các trường đại học lại là một chủ trương đúng. Nước ta hiện đang có quá nhiều mô hình trường đại học và cần đưa về một mô hình trường đại học. Các trường này cần có sức mạnh tương đương nhau, đừng để trường khoẻ quá và trường yếu quá. Ông Thế cũng đề xuất xây dựng hoạt động của mô hình đại học vùng, đại học quốc gia cần về đúng “nguyên dạng” mô hình trường đại học của Mỹ. Tức là trong “university” có những “college” hoặc “school” chỉ như cấp khoa chứ không được gọi là cơ sở giáo dục đại học thành viên, không có chủ tài khoản và con dấu riêng. Liên kết mềm để đảm bảo tự chủ? Đây là ý kiến của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Theo ông Nhưỡng, trong vấn đề liên kết nên theo liên kết “mềm” tức là để các trường tự nhận thấy nhu cầu, thực lực và tự chủ thì liên kết lại với nhau. Chúng ta tăng quyền tự chủ để các trường tự quyết định việc liên kết với nhau, còn luật chỉ nên tạo hành lang pháp lý chứ không nên liên kết “cứng” là áp đặt theo mệnh lệnh hành chính. Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến cảnh báo cần một chủ trương đường lối quyết liệt và cứng rắn để đổi mới giáo dục. “Một chủ trương đúng nhưng nếu thực hiện, tổ chức sai, nhùng nhằng, không kiên quyết thì khó có một sản phẩm đúng như yêu cầu, tốt cho hệ thống giáo dục”. Còn GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - bày tỏ: “Tốt hơn hết các cơ sở giáo dục đại học quan trọng của hệ thống giáo dục đại học nước ta nên xây dựng theo mô hình “university” (đại học đa lĩnh vực - PV) thực sự, không nên sử dụng mô hình đại học hai cấp (như đại học vùng, đại học quốc gia - PV)”. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách ngày 7.9, các ĐBQH đã trao đổi 2 ý kiến đề xuất về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học và khái niệm đại học. Loại ý kiến thứ nhất của cơ quan thẩm tra đề nghị, quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có Trường đại học và Đại học (hệ thống các trường đại học). Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường. Loại ý kiến thứ hai của cơ quan soạn thảo là Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác, gọi chung là đại học. Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, trước yêu cầu hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các đại học phải năng động, cạnh tranh hơn. Các trường không chỉ cạnh tranh với nhau mà phải cạnh tranh với cả quốc tế, cho nên có việc các trường liên kết lại với nhau. Và hiện quốc tế đang theo xu hướng này. Nước ta hiện có hơn 200 trường, có sáp nhập hay không là vấn đề đang được đặt ra. Như ở Pháp, họ có hơn 100 trường nhưng gom lại chỉ còn 25 trường; Philippines cũng chỉ còn 17 trường. Nhật Bản cũng hình thành Tập đoàn Đại học quốc gia để giải quyết những bài toán lớn đặt ra ở tầm quốc gia. THẮNG HẢI