Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa bế mạc ngày 12-5 với những thông tin làm nức lòng dư luận. Hội nghị đã thảo luận dân chủ, trí tuệ và thông qua nhiều vấn đề cùng 3 Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình mới, trong đó dư luận đặc biệt quan tâm tới Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh “lò” chống tham nhũng đang cháy rừng rực với hàng loạt vụ án, vụ việc nghiêm trọng liên tục được đưa ra ánh sáng, khởi tố, xét xử. Nhiều cán bộ, trong đó có không ít cán bộ cấp cao đã phải vào nhà giam hối lỗi về những việc làm sai trái của mình. Dư luận nhân dân luôn đặc biệt quan tâm, theo sát diễn biến, những quyết định của các hội nghị Trung ương Đảng (nhờ tin tức hoạt động của hội nghị được cập nhật đậm nét, cụ thể), nhưng có lẽ, ở kỳ hội nghị này, sự quan tâm đó dường như được nhân lên khi Trung ương bàn về vấn đề cán bộ - yếu tố then chốt cho sự nghiệp của Đảng.
Điều đó thể hiện rõ qua các ý kiến góp ý thẳng thắn, những kỳ vọng, gửi gắm của người dân được đăng tải trên các phương tiện thông tin, truyền thông trước và trong khi hội nghị diễn ra. Người dân đặc biệt quan tâm đến hội nghị lần này cũng dễ hiểu bởi cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng và đây là một vấn đề trọng yếu được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.
Càng dễ hiểu hơn khi thời gian qua có không ít cán bộ thăng tiến “thần tốc” rồi (hoặc) vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật một cách vô cùng khó hiểu, như thể họ đang đứng ngoài Đảng, ngoài vòng pháp luật. Người dân mong và trông đợi những quyết sách đúng đắn của Đảng sẽ sớm loại bỏ “sâu mọt” hành dân trong bộ máy hành chính.
Thời gian qua, đã có hàng loạt cán bộ bị khởi tố, tạm giam, đưa ra xét xử. Ngay tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Một đồng chí lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, nhất là bằng hình thức cao nhất - khai trừ - là nỗi đau không chỉ của một cá nhân mà còn là của Đảng.
Thế nhưng, không thể “mất bò mới lo làm chuồng”, bởi một chút sơ sẩy về công tác cán bộ có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém" và đây chính là quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Đảng ta ngay từ khi thành lập.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã xác định: “Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần "thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó"”.
Đảng đã luôn tự soi lại mình để có sự điều chỉnh, đặc biệt là về công tác tổ chức, cán bộ để đáp ứng tốt hơn sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân. Tại hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém... Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”.
Tại sao còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí là những “tệ nạn” nói trên trong Đảng? Giải quyết thế nào?... Đây là điều trăn trở khi nghĩ về khâu quyết định tới sự nghiệp phát triển của Đảng, và sâu xa hơn là của đất nước.
Trên cơ sở tiến hành tổng kết sâu sắc, toàn diện, khoa học quá trình 20 năm (1997-2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Đảng ta đã xây dựng Đề án và Dự thảo Nghị quyết để trình Hội nghị Trung ương lần này. Sự đặc biệt nghiêm túc của Đảng đối với công tác cán bộ trước một công việc trọng yếu là rất cần thiết nhằm tạo động lực cho nghị quyết mới ban hành phát huy ngay hiệu quả mạnh mẽ trong cuộc sống.
Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nghị quyết Trung ương lần này đã kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đó đến nay với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế… Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ… Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ...”.
Chừng đó thôi đã giúp mỗi chúng ta cảm nhận rõ thái độ quyết liệt cùng với những giải pháp mới, cụ thể kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn về công tác cán bộ đã được Đảng xác định.
Lan tỏa những tinh thần, nội dung mới, quyết tâm mới của Đảng vào cuộc sống, để ý Đảng hòa với lòng dân là yêu cầu cao mà Trung ương đặt ra trong thời gian tới. Trách nhiệm đó, trước hết thuộc về Đảng, mỗi đảng viên và cán bộ, đặc biệt là ở cấp Trung ương.
Và, trên tinh thần đó, ngay sau ngày bế mạc hội nghị, hôm sau (13-5), dù là ngày nghỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp tiến hành tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Những thông tin mới, chủ trương mới từ Hội nghị Trung ương 7 về công tác cán bộ, chính sách tiền lương, cải cách bảo hiểm xã hội chắc chắn sẽ lan tỏa nhanh hơn, sâu hơn, chính xác hơn tới các cử tri để tạo sự thống nhất, đoàn kết về ý chí, hành động, đưa đất nước phát triển vững chắc theo tinh thần Đại hội XII đã đề ra.
“Đầu tàu” đã chuyển động nhanh và mạnh mẽ về phía trước. Cần lắm sự nhận thức đúng đắn và những hành động, hưởng ứng quyết liệt của lãnh đạo các cấp và mỗi người dân.
Mai Lâm
Nguồn: www.hanoimoi.com.vn