Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nhà thơ Hằng Phương có những vinh hạnh được sớm gặp, làm một số việc dưới sự chỉ bảo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà thơ Hằng Phương ( Lê Hằng Phương – Đường Hằng Phương Nữ sỹ) được gặp Người vào Tết Nguyên Đán năm 1946 đã được Nhà văn Vũ Ngọc Phan ghi lại trong quyển Hồi ký Những năm tháng ấy, xin trích dẫn nguyên văn như sau:
“Cách đó vài hôm, anh Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) bảo tôi: “Cụ Hồ có hỏi tôi về người biếu cam, tôi nói - là Chị cháu”. Rồi anh bảo: “ Như vậy, chị nên gặp Cụ”.
Ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc ta, ai có áo đẹp nhất, mới nhất đều mang ra mặc.
Cũng như mọi người, mồng một Tết Bính Tuất (1946), Hằng Phương vấn tóc trần như mọi ngày, mặc áo lụa tím dài thêu kim tuyến, quần xa tanh trắng, đi giầy nhung đỏ do cô thêu lấy trên mũi giầy con phượng bằng kim tuyến, khoác áo măng tô đen, cổ áo bằng lông thú như tấm ảnh của cô trong Thi Nhân Việt Nam.Cô cầm một bông cúc trắng to và một cành tùng, mua từ hôm trước và lên Bắc Bộ phủ. Đem tùng cúc lên chúc tết Cụ Hồ. Hằng Phương có ý dựa vào điều “ Cúc tùng vẫn tiết”, ví người anh hùng có khí tiết, chịu đựng gió sương mà vẫn cứng cáp như cây tùng, cây cúc.
Trở về nhà, Hằng Phương kể cho tôi nghe như sau:
“ Đến cửa phòng khách ở Bắc Bộ phủ thì Hồ Chủ Tịch đang ở bên phòng bên đi ra. Đồng chí tiếp khách nói với Người: “ Người biếu cam,…”. Đồng chí ấy nói nhỏ nhưng ở nơi yên tĩnh, tôi cũng nghe thấy.
Người đi vào phòng khách, giơ tay ra hiệu cho tôi vào. Người đi trước, tôi và đồng chí tiếp khách đi theo sau.
Thấy tôi đứng, Chủ Tịch giơ hai tay vẫy xuống bảo tôi ngồi xuống ghế. Tôi bỏ cái ví xuống ghế, hai tay cầm bông cúc và cành tùng tiến lên dâng người và nói:
- Cháu là Hằng Phương, năm mới cháu lển chúc Cụ mạnh khỏe sống lâu với non sông đất nước, lãnh đạo cách mạng thắng lợi.
Cụ vui vẻ cầm bông cúc và cành tùng cắm vào cái bình ở bàn, giơ tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế. Nghe tôi nói giọng miền Nam, Cụ hỏi giọng sang sảng như tiếng chuông:
- Chị ở miền Nam mới ra à?
- Thưa Cụ, quê cháu ở Quảng Nam, chồng cháu là người ngoài này.
Cụ nói :
- Dạo trước, chị gửi tôi bài thơ và gói cam, nhưng chị không vào gặp, lại không ghi đia chỉ, nên tôi mới phải đăng báo.
Tôi thưa :
- Cháu đã được đọc bài thơ Cụ trả lời. Thật vinh dự cho cháu vô cùng, một vinh dự lớn nhất đời cháu.
Cụ ‘ Hừ’ một tiếng như ông bác đối với cháu và nói :
- Phong kiến thế ! Đưa thơ thì phải vào gặp.
Tôi thưa :
- Cháu sợ mất thì giờ của Cụ.
Cụ gọi lấy nước uống. Đồng chí tiếp khách rót nước đã nguội, Cụ liền bảo :
- Lấy nước khác, lấy nước khác !
Tôi vội cầm chén nước uống hết và nói :
- Thưa Cụ, cháu đã uống rồi !
Ý nghĩ của tôi là : “Được uống nước của Hồ Chủ Tịch ban cho dù là nước nguội cũng quý”. Tôi đứng dậy, nói :
- Hôm nay, cháu lên chúc Tết Cụ, được thấy Cụ hồng hào hơn ngày Cụ đọc tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba đình và ngày Cụ đến khai mạc triển lãm Văn hóa, cháu rất lấy làm mừng.
Người nói một cách bình dị:
- Ấy là tôi ở miền rừng núi lâu ngày nên bị ngã nước.
Thấy tôi đứng dậy, Cụ ra hiệu bảo tôi ngồi xuống. Tôi vâng lời Người. Người hỏi :
- Thế hôm nay lên chúc tết tôi, chị có thơ không ?
Tôi thưa :
- Cháu chưa nghĩ được câu nào.
Người bảo :
- Từ rày, hễ có thơ thì gửi cho tôi xem.
Tôi kính đáp :
- Cháu xin vâng lời Cụ dặn
Người lại hỏi :
- Thế chị làm gì mà có cam Thanh cho tôi ?
Tôi thưa :
- Cháu vào bán hàng ở Thanh Hóa.
Cụ nhìn xuống đôi giầy ở chân tôi và hỏi :
- Đi buôn à ?
Tôi thưa :
- Cháu đem ít văn phòng phẩm vào bán để giúp thêm cho gia đình.
Cụ lại hỏi :
- Thế anh ấy làm gì ?
Tôi nói :
- Thưa Cụ, chồng cháu viết văn. Dao này đường sá khó đi, sách bán không chạy nên nhà xuất bản không lấy sách nữa. Ngay những khi họ lấy sách người viết cũng chẳng được là bao. Rồi sách mình bầy đẹp đẽ trong cửa hàng của họ, người viết sách qua đường, nhìn tác phẩm của mình, cũng hững hờ chàng Tiêu vậy.
Nghe tôi nói thế, Người cười bảo :
- Chị về nói với anh chị em nhà văn biết Từ rày có Cách mạng người viết văn sẽ không bị bóc lột nữa. Rồi sẽ có chế độ nhuận bút giải quyết thích đáng quyền lợi của văn nghệ sỹ.
Tôi thầm nghĩ ngày tết chắc còn nhiều khách muốn vào yết kiến Người nên tôi nhấp nhổm định đứng dậy. Người biết ý vẫy tay bảo hãy ngồi xuống và Người hỏi tôi :
- Thế chị có mấy cháu ?
- Thưa Cụ, cháu có sáu cháu, chúng còn nhỏ cả.
Người cười và bảo :
- Rồi chị sẽ có một chục.
Người gọi lấy kẹo, người tiếp khách đem ra một hộp kẹo rất đẹp đặt trên bàn. Người cầm hộp kẹo đưa tôi và dặn :
- Chị đem về chia cho các cháu, nói quà tết của Cụ Hồ.
Tôi đứng dậy, hai tay đón lấy hộp kẹo Người cho cảm tạ người và cúi chào xin phép Người ra về.
Người giơ tay bắt tay và dặn lại :
- Từ rày có thơ thì gửi cho tôi xem.
Tôi kính đáp :
- Cháu xin nhớ lời Cụ.
Mấy tháng sau, Hằng Phương có đan bốn chiếc áo sợi cộc tay. Ở trong cổ mỗi chiếc áo, phía trong, Hằng Phương có đính bốn câu thơ ngũ ngôn và gửi áo đến Bộ Quốc Phòng, yêu cầu gửi cho chiến sỹ ngoài mặt trận. Hằng Phương có chép bốn bài thơ gửi lên Hồ Chủ Tịch để Người xem như lời Người dặn. Người đã bảo đưa bốn bài thơ cho báo đăng. Tôi cũng không nhớ thơ và không nhớ báo nào. Tất cả bản thảo và sổ tay của chúng tôi đều bỏ lại nhà, khóa trái cửa lại và ra đi kháng chiến (19/12/1946). Nhà của chúng tôi bị giặc Pháp đốt phá trong thời Hà Nội bị tạm chiếm.
Ảnh Nhà thơ Lê Hằng Phương in trong sách thơ Hương Xuân năm 1943. Nhà văn Vũ Ngọc Phan có ghi Nhà thơ Hằng Phương mặc giống như vậy khi đến chúc Tết Chủ Tịch Hồ Chí Minh năm Bính Tuất 1947 tại Bắc bộ phủ, Hà Nội.
|
Bao nhiêu sách của chúng tôi – tất cả hơn 2,000 cuốn không kể tài liệu viết tay – Các cố đạo Dòng Chúa cứu thế ở Nam Đồng lấy đi mất cả. Năm 1955, tôi có nhờ ông Ngô Tử Hạ giới thiệu gặp ông Cố Đại phụ trách tu viện. Tìm khắp các phòng còn được 13 quyển (Trong này có 3 quyển Kinh Dịch do anh Ngô Tất Tố tặng tôi. Sách của tôi có đóng dấu và chữ ký). Họ nói các trường Đạo đã đưa sách vào Nam mất.
Hằng Phương đã có mấy câu thơ về nơi chúng tôi ở cũ khi chúng tôi mới ở Việt Bắc về:
“Từ núi rừng chiến thắng,
Về thăm lại vườn xưa
Giặc đốt nhà chạy rụi,
Trơ nền cũ nắng mưa”
Bài thơ “Vui ngày kỷ niệm” trang 66 được in trong tập Hương Đất Nước của Nhà thơ Hằng Phương do Nhà xuất bản Văn học 1976 phát hành.
Chính giữa là Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Từ trái sang phải: Bộ Trưởng Lê văn Hiến. Nhà văn Vũ Ngọc Phan Chủ Tịch Ủy ban vận động Văn hóa Toàn quốc. Bên phải Người có tóc húi cua là Nhà văn Hoài Thanh.
|
Sau Hằng Phương gửi bốn chiếc áo sợi đến Bộ Quốc phòng để nhờ Bộ chuyển đến cho chiến sỹ. Hằng Phương đã nhận được thư sau đây của Bộ:
“Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1946
Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng.
Kính gửi Bà Hằng Phương – Thái Hà ấp.
Thưa Bà,
Ủy Ban vận động mùa đông giúp binh sĩ đã nhận được bốn chiếc áo len khâu bốn bài thơ bà gửi tặng chiến sỹ ngoài mặt trận.
Thay mặt các anh em binh sĩ, bộ đội và nhân dân, chúng tôi đã gửi bốn chiếc áo quý ấy ra cho anh em chiến sỹ ở ngoài mặt trận Nam và Bắc. Vậy xin báo cho bà rõ.
Kính thư,
Thứ trướng
Tạ Quang Bửu”
Trong suốt cuộc đời làm thơ của mình, có bài thơ nào của mình mà Hằng Phương cho là được, cô đều chép gửi lên Hồ Chủ Tịch xem. Những ngày Người đã yếu, Người còn chú ý đến bài bút ký “Trong cao trào ba đảm đang – Hướng ra tiền tuyến” của Hằng Phương đăng trên báo Nhân Dân số 5383 ngày 8/1/1069 viết về Đại đội Thanh niên xung phong 333 ở Cầu Cấm. Bác Hồ có viết thư gửi đội Thanh niên Xung phong số 333 đăng trên báo Nhân Dân, số Chủ Nhật ngày 9/2/1969.
Bốn bức tứ bình gồm 12 bức họa về Anh hùng lao động Nguyễn thị Song do con gái chúng tôi là Vũ Giáng Hương vẽ và có 12 bài thơ minh họa của Hằng Phương. Hai mẹ con cũng được vinh dự gửi lên Bác xem. Sự chú ý của Người đến công việc sáng tác của anh chị em Văn Nghệ sỹ đã làm cho giới Văn Nghệ phấn khởi vô cùng.
Trong bài nhà văn Liên Xô Ruph Bec – sat – xki phòng vấn Người ( Một lần gặp Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Văn Nghệ số 20, ngày 17/5/1980 được trích từ cuốn sách Cách đường xích đạo hai bước do Thúy Toàn dịch từ bản tiếng Nga sang Việt văn) sau đây:
Người hỏi nhà văn Liên Xô :
- Các bạn có gặp các nhà văn của chúng tôi không?
- Có ạ. Với Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, nữ sỹ Hằng Phương. Đáng tiếc là nhiều người khác không có mặt ở Hà Nội.
Đông chí Hồ luôn luôn đưa tay ra hiệu ngắt lời người phiên dịch, ý nói cứ vậy Người đã hiểu cả rồi. Đấy, Người cũng nhẹ nhàng ra hiệu cho người phiên dịch không phải phiên dịch, quay sang tôi nói bằng tiếng Nga :
- Sao đáng tiếc ? Ngược lại, họ đi khắp đất nước là rất tốt – Và đến đây hóa ra Chủ Tịch biết gần như mọi chi tiết công việc mồi nhà văn đang làm – như tôi biết, Người nói chính Tô Hoài mà các bạn gặp hàng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu, cái đó rất tốt ! Hằng Phương – Các bạn đã làm quen với nữ thi sỹ ấy – Trong thời gian cải cách ruộng đất đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó, thơ của cô ấy, như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn người mà thôi, và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta,...”
Hết phần trích dẫn.
Sau khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ trần ngày 2/9/1969, hàng năm cứ đến ngày này, Nhà thơ Hằng Phương lại mua 10 cành hoa Huệ Trắng (hoa Huệ ta) mang lên Nhà một tầng nơi Cụ Hồ đã nằm chữa bệnh những ngày cuối cùng trong đời. Ông Vũ Kỳ - Thư ký của Cụ Hồ, đã chuẩn bị sẵn một bình hoa để Nhà thơ Hằng Phương cắm những cành hoa Huệ trắng ngần vào, cứ đều đặn như thế cho đến trước năm 1982 khi Nhà thơ Hằng Phương ốm nặng rồi qua đời đầu năm 1983. Ngày nay trong lưu trữ Bảo tàng Hồ Chí Minh còn rất nhiều sách, thơ, bút ký của Nhà thơ Hằng Phương được Cụ Hồ xem rồi ghi chú, gạch chân hay đánh dấu bằng bút chì đỏ của Người lên những trang viết này.
Nhà thơ Hằng Phương có kể lại một câu chuyện nhỏ rất sâu sắc về Bác Hồ như sau:
“ Vào một buổi trưa giá rét đầu năm 1960, Bác đi công tác trở về Hà Nội, xe chạy qua phố Bà Triệu gần lên dốc Bác thấy một cụ già gầy đen, chân đất, mặc áo cánh nâu vá chằng đụp, đang cố kéo một xe cải tiến chở than quả bàng ( Loại than đun bếp đóng máy cục tròn nửa nắm tay hình giống quả cây Bàng).
Bác cùng với đồng chí bảo vệ xuống xe đẩy giúp ông cụ.
Khi xe đã lên được hết dốc Bà Triệu, ngang phố Hàm Long, Bác đến cầm tay ông cụ hỏi:
“ Thế con cháu cụ đâu mà phải kéo xe thế này?”,
Ông cụ trả lời: “ Chết cả rồi”.
Ông cụ không biết người đứng trước mặt mình chính là Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ ứa nước mắt, lên xe rồi đi.
Lúc đó Việt Nam mới có miền Bắc được giải phóng khỏi ách nô dịch gần 80 năm của Thực dân Pháp, dân Việt đói khổ, quần áo rách, phần nhiều bà con ở nông thôn là đi chân đất. Nhà nước Cách mạng vẫn đang thực hiện xóa mù chữ bằng phong trào “ Bình Dân học vụ”. Mấy ngày sau có tin đồng bào mình ở Bến Tre nhất tề Đồng khởi đứng lên chống ách thống trị của Mỹ và Ngô Đình Diệm”.
Nhà thơ Lê Hằng Phương sinh ngày 09/09/1908 tại làng Bảo An, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Quê hương của Nhà thơ Hằng Phương có ba họ là Phan, Lê, Hoàng vì nơi đây có nhiều Danh nhân Văn học, Sỹ Phu yêu Nước, tận trung với Nước rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Bên dòng họ Phan thời hiện đại có hai Nhà Cách mạng lớn từ thời kỳ 1930 lại là anh em ruột là Phan Thanh (1908 – 1939) và Phan Bôi (1911 - 1947) . Sau này con Nhà Cách mạng Phan Thanh là
Phan Diễn một Cán bộ Cộng sản Liêm chính, Kiên trung đã có những đóng góp sâu sắc cho Công cuộc Đổi Mới, Xây dựng, Chỉnh đốn Đảng thời kỳ 1985 – 2021.
Hai ông Phan Thanh, Phan Bôi là thành viên trong gia tộc họ Phan, phái nhì, đời thứ 13, cùng đời với Phan Thành Tài. Ông nội ông là Cử nhân Phan Khắc Nhu, cha là nhà Nho Phan Định (1868-1929) (thường gọi Biện Chín), bác ruột là Phó bảng Phan Trân (cha của Học giả Phan Khôi). Mẹ ông là Lê Thị Tiếu, con gái của Cử nhân Lê Đăng Cung và cậu là Học giả Sở Cuồng Lê Dư – Thân sinh Nhà thơ Lê Hằng Phương.
Trong phần trích dẫn trên đây từ hồi ký “Những năm tháng ấy” của Nhà văn Vũ Ngọc Phan có nhắc đến Nhà Cách Mạng Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam.
Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1926, khi 15 tuổi, đang học năm thứ ba Trường Quốc học Huế, ông đã lãnh đạo cuộc bãi khóa rầm rộ của học sinh Huế, truy điệu Phan Châu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu, chống lại quyết định đuổi học Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu… Năm 1928, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng, năm 1929 được phân công vào hoạt động tại Sài Gòn, năm 1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương cùng Hải Triều, Trần Văn Giàu.
Chiều ngày 08.02.1931, trong cuộc mít ting kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái. Phan Bôi lúc này phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy, có bí danh là Quảng, được phân công làm Trưởng Ban – đã đứng trên một thùng tô nô (Nhựa đường) diễn thuyết. Lý Tự Trọng (tức Hai) làm nhiệm vụ bảo vệ. Địa điểm mít ting trên đường Larégnere. Phan Bôi diễn thuyết vừa kết thúc thì bọn cảnh sát Pháp ập đến. Chánh Mật thám Legrand xông vào bắt Phan Bôi bị Lý Tự Trọng bắn chết. Mật thám Pháp vây chặt nên bắt được Phan Bôi, Lý Tự Trọng giam ở khám Catinat, rồi đưa vào Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 07.5.1933, Phan Bôi và một số đồng chí bị thực dân Pháp đưa ra xét xử trong vụ án gọi là "Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương". Phan Bôi bị kết án 20 năm tù khổ sai đày ra Côn Đảo ngày 13.5.1933, Lý Tự Trọng bị kết án tử hình. Trong tù Côn Đảo, Phan Bôi lập Chi bộ Đảng Cộng sản tiếp tục đấu tranh.
Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền ở Pháp gây sức ép Thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho nhiều tù chính trị, trong đó có Phan Bôi. Từ Côn Đảo trở về đất liền, Phan Bôi tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Sau đó Phan Bôi trở lại Hà Nội và sống tại nhà anh ruột là Phan Thanh là dân biểu của Viện dân biểu Trung Kỳ do Đảng Cộng sản Đông Dương đưa vào để hoạt động và tham gia viết bài cho các báo công khai của Đảng lúc đó như Lao động, Tiếng nói của chúng ta, Dân chúng, Tin tức. Một lần nữa Phan Bôi bị Thực dân Pháp ở Đông Dương xác nhận là phần tử Cộng sản nguy hiểm ở Bắc Kỳ theo sắc lệnh ngày 21/01/1940.
Tháng 5/1940, Phan Bôi bị thực dân Pháp bắt vào Trại Bắc Mê, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tháng 11/1941, Phan Bôi bị đưa về nhà lao Ninh Bình, sau đó cùng 11 người bị đày đi Madagascar (Châu Phi) – nơi từng giam giữ nhiều nhà yêu nước nổi tiếng của Việt Nam như Thành Thái, Duy Tân… Tại Madagascar, Phan Bôi tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lê Nin luôn tin vào sự thắng lợi cuối cùng của Cách mạng Việt Nam và mong muốn ngày trở về Tổ quốc để tham gia giành độc lập cho nước nhà.
Tháng 11/1942, quân Anh chiếm toàn bộ Madagascar.Tháng 6 /1943, được tổ chức Đảng trong nước đồng ý, Phan Bôi cùng 6 đồng chí khác bị giam ở Madagascar nhận làm tình báo cho Anh. Phan Bôi và Lê Giản bí mật liên lạc với Đảng Cộng sản Ấn Độ. Tại Calcutta - Ấn Độ, Phan Bôi và sáu đồng chí được Anh huấn luyện tình báo. Sau đó bẩy người được gửi về Việt Nam gồm Hoàng Đình Dong, Tô Gĩ (Lê Giản), Phan Bôi, Dương Công Hoạt, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Hiệu và Nguyễn Văn Minh. Hoàng Đình Dong là đồng chí thân thiết của Nhà Cách mạng Hoàng Văn Thụ. Ông cũng là một trong những người xây dựng cơ sở Đảng đầu tiên tại Cao Bằng. Cuối năm 1943, Hoàng Đình Dong được Anh đưa về Cao Bằng bằng đường bộ để nghiên cứu thực cơ sở chuẩn bị chiến dịch đổ bộ. Hoàng Đình Dong đã bí mật gặp Tỉnh ủy Cao Bằng và báo cáo với Trung ương Đảng. Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương tán thành việc các đồng chí đã làm và đồng ý để mọi người về nước hoạt động. Sau đó Hoàng Đình Dong quay trở lại Calcutta - Ấn Độ thông báo cho người Anh.
Cuối năm 1944, Phát-xít Nhật gặp nhiều thất bại.Tháng 10-1944, đợt nhảy dù đầu tiên gồm Hoàng Đình Dong và Tô Gĩ (Lê Giản). Đêm khuya cả hai tiếp đất an toàn xuống một cánh đồng ngoại ô thị xã Cao Bằng được cơ sở Cách mạng là đồng chí Hồng Kỳ - nguyên Chủ nhiệm Việt Minh ở nhà tù tại Sơn La trước đây nên được đưa đi ngay lên An toàn khu (ATK). Sau đó khoảng một tuần đợt nhảy dù lần hai gồm Phan Bôi và Dương Công Hoạt đã tìm được đường về tới nhà cũ của Dương Công Hoạt rồi lên ATK. Tới ATK, Phan Bôi đã gặp lại người bạn cũ thân thiết là Võ Nguyên Giáp. Theo chỉ đạo của Trung ương, nhóm nhảy dù báo cáo về Calcutta rồi yêu cầu gửi vũ khí và tiếp tế. Chuyến nhảy dù cuối cùng xuống Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) vào tháng 5-1945, gồm có Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Minh.
Sau khi nhận nhiệm vụ của Trung ương Đảng phân công, Phan Bôi lấy bí danh là Hoàng Hữu Nam.
Nhà Cách mạng kiên trung
Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam
|
|
Tháng 01/1946, Hoàng Hữu Nam được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử và trúng vào Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 3/1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập. Cụ Huỳnh Thúc Kháng người Quảng Nam giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Hoàng Hữu Nam được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946 ông được giao thêm nhiệm vụ Trưởng ban Liên kiểm Việt Pháp. Trong thời gian này ông đã tham gia nhiều quyết định quan trọng của Trung ương để bảo vệ chính quyền còn non trẻ trước tình hình phức tạp lúc bấy giờ. Ngày 13/8/1946 Hoàng Hữu Nam được cử làm Đặc phái viên Quân ủy hội.Ngày 24/9/1946 ông là Chính trị viên Quân đội Tiếp phòng Việt Nam có Tổng chỉ huy là Lê Thiết Hùng). Ngày 7/11/1946 ông được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam trong Ủy ban Binh bị Việt-Pháp để thi hành bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14 tháng 9 năm 1946. Hoàng Hữu Nam vừa là Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại là Chánh Văn phòng Chủ Tịch Nước ở Bắc bộ phủ, Hà Nội.
Trong thời gian ngắn trước Toàn quốc kháng chiến 12/1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 70 thư nay đã giải mật gửi trực tiếp cho một người tên là Nam. Phần lớn đều ghi “Tuyệt Mật / Tối Mật”,… Có nhiều lá thư Hồ Chủ Tịch ghi bên dưới “ Đọc xong đốt ngay”, có thể vì công việc vẫn làm tiếp nên đã được Cơ quan Bảo Mật giữ lại. Nhiều thư có nội dung: “ Chú – tức Hoàng Hữu Nam – phân công cho Chinh ( Trường Chinh), Đồng (Phạm văn Đồng), Giáp (Võ Nguyên Giáp), Ninh (Trần Đăng Ninh),… chính là Hoàng Hữu Nam – Phan Bôi. Giữa Bác Hồ với Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam có mối quan hệ đặc biệt, xét trên các góc độ từ lãnh tụ cho đến quan hệ con người. Nếu tính từ ngày Bác viết Thư số 1 cho đến Thư số 69 làm tròn thì 3 tháng 17 ngày, trung bình mỗi tháng có đến 20 thư. Số lượng thư, chỉ thị của Bác gửi Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam còn nhiều hơn nhưng đã bị đốt theo lệnh của Bác, có phần lại chưa từng được giải mật.
Ngày nay những lá thư này được bảo quản như những kỷ vật quan trọng của Cách Mạng Việt Nam tại Cục Lưu trữ Quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công An Lê Giản là đồng đội với Hoàng Hữu Nam đã nhận xét:
- “ Nhân vật số 2 sau Bác chính là Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam”.
Cụ Hùynh Thúc Kháng đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam rằng:
- “Tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng chỉ bàn đường lối chung, công tác lớn, còn mọi việc đều do anh Hòang Hữu Nam đảm trách giải quyết. Thanh niên bây giờ giỏi lắm, đó là lực lượng đáng tin cậy của Nhà nước cách mạng”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nhớ về Người Đồng chí thân thiết của mình, đã viết:
“Anh Phan Bôi – Hòang Hữu Nam đối với tôi là bạn đồng học và bạn đấu tranh cách mạng ngay từ thời niên thiếu tại trường Quốc học Huế,… Anh Hòang Hữu Nam là một cán bộ tốt của Đảng, có tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, lại có tài năng, gần gũi với bạn bè, đòan kết với đồng chí. Anh Hoàng Hữu Nam- người bạn ruột thịt của tôi, có phẩm chất Đảng, đồng thời có tài năng, có kiến thức, có óc tổ chức mọi mặt”.
Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến ghi lại trong Nhật ký một Bộ trưởng:
“Nam – một nhân tài xuất sắc, hứa hẹn rất nhiều cho xứ sở”.
Hoàng Tùng nhận định: “Một Tài năng tầm cỡ của Cách mạng nước ta”.
Vũ Đình Hòe nói: “Phan Bôi- Hoàng Hữu Nam: Tài ba, cương trực, sáng suốt, hoà nhã, người nối hai bờ Dân chủ - Cộng sản, một gương sáng chí công vô tư”.
Cù Huy Cận: “Một nhà cách mạng kiên cường, mẫu mực”.
Khi tài năng, đức độ đang độ phát triển sâu sắc, ngày 24 tháng 4 năm1947, trên đường công tác, Nhà Cách mạng Kiệt xuất có Tài đức kinh bang, tế thế Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam nghỉ lại rồi xuống tắm tại sông Lô, Tuyên Quang không may bị một dòng xoáy mạnh cuốn đi. Người thư ký nhảy xuống cứu cũng bị cuốn theo, người bảo vệ bơi theo cũng không cứu được. Ông ra đi khi mới 36 tuổi, an táng tại Tuyên Quang. Khi Chính phủ Cách mạng về tiếp quản giải phóng Thủ đô Hà Nội đã cải táng mộ ông về Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam được truy tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất.
Ngày 30/4/1947 Hội đồng Chính phủ đã làm Lễ Tưởng niệm Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam và cụ Huỳnh Thúc Kháng đã từ trần ngày 21/4/1947. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại: “Hội đồng hôm nay có hai tin buồn: Cái chết của cụ Huỳnh và Nam. Cụ (tức Bác Hồ) nói qua lịch sử chiến đấu của hai chiến sĩ trong Chính phủ sau khi tất cả đều mặc niệm một phút. Mọi người đều cảm động trước cái chết đau thương của hai người trong lúc quốc dân đang cần nhân tài để đảm đương việc nước. Cụ Chủ tịch nói với một giọng rất đau đớn như mất một người anh và một người con vậy". Bác Hồ phát động Phong trào Phan Bôi và thành lập xưởng Phan Bôi. Giữa lúc trăm công nghìn việc Kháng chiến – Kiến quốc còn rất gian khổ, Bác Hồ vẫn luôn nghĩ và lo lắng đến gia đình Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam. Chủ Tịch Hồ Chí Minh còn chỉ thị cho Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến cấp trợ cấp giúp vợ Hoàng Hữu Nam để chi tiêu hàng ngày.
Tháng 4/1948, nhân giỗ đầu ngày mất của Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam, Bác Hồ đã gửi thư cho gia đình Hoàng Hữu Nam và được đăng trên Báo Cứu quốc, số 930, ngày 10-5-1948. cpv.org.vn:
“ Gửi Gia đình bà Hoàng Hữu Nam,
Nhân ngày giỗ nǎm thứ nhất của chú Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tôi nhân danh tôi và thay mặt Chính phủ, kính cẩn nghiêng mình trước anh hồn chú Nam và gửi lời thân ái thǎm thím và các cháu.
Tháng 4 nǎm 1948
HỒ CHÍ MINH”
Ghi công Người Chiến sỹ Cách mạng đã hy sinh vì Độc lập – Tự do của Dân tộc Việt Nam, tại thành phố Đà Nằng có đường phố Phan Bôi tại Quận Sơn Trà và Thành phố Hồ Chí Minh có đường phố Hoàng Hữu Nam tại phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, nay là thành phố Thủ Đức.
Tại Việt Nam có Trường Tình báo mang tên Hoàng Hữu Nam.
Khi sinh thời, trong những lúc kể chuyện cho các con, Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Nhà thơ Hằng Phương có nói:
“ Trung tướng Lục quân Nhật Bản là Tsuchihashi Yuitsu ( 1891 – 1972) là Tổng Tư lệnh quân Nhật tại Đông Dương đã có quyết định rất quan trọng là ngày 12/03/1945 chỉ thị cho thống sứ Bắc Kỳ Nishimura trao trả lại (trên danh nghĩa) vùng đất Bắc hà và ngày 14/3/1945 trao trả lãnh thổ Nam Kỳ (thuộc Pháp) cho chính phủ Trần Trọng Kim thay vì Cao Miên (Campuchia).
Đức độ của Cụ Hồ lớn đến mức khi Đế quốc Nhật Bản được Thiên hoàng Hirohito tuyên bố vào ngày 15/8/1945 và được ký chính thức vào ngày 2/9/1945 kết thúc chiến tranh Thế giới thứ hai thì toàn bộ quân đội, tướng lĩnh Nhật Bản phải nộp kiếm cho Đồng minh. Tsuchihashi Yuitsu không nộp kiếm gia bảo cho Đồng minh đã xin gặp Cụ Hồ để xin giao kiếm.
Cậu Phan Bôi đã cầm về cùng với thư của Tướng Tsuchihashi Yuitsu trình Bác Hồ cất ở nhà Cha – Mẹ ở Thái Hà Ấp. Thanh kiếm dài chừng một mét, lưỡi bị mẻ một ít, còn kèm theo một thứ bột mầu trắng để lau kiếm. Thanh kiếm dựng cạnh tủ sách, khi cả nhà đi kháng chiến đã để lại tất cả cùng hơn 2,000 sách và tài liệu đã bị các cố đạo Dòng Chúa cứu thế ở Nam Đồng lấy đi mất cả. Đến năm 1954 họ chuyển gần hết vào miền Nam rồi nay không biết đi đâu”.
Kể về Cậu Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam, các Thân tôi nói:
“ Khi còn nhỏ, ông ngoại các con là Cụ Lê Dư (Học giả có biệt hiệu là Sở Cuồng) rất giỏi về Tử Vi có xem người trong họ, nói về Cậu Bôi – Số thằng này sau chết vì sông nước. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cậu Bôi về thăm Cha – Mẹ có kể chuyện khi được OSS – Tình báo Mỹ là tiền thân CIA sau này chở trên một máy bay bay Dacotar bay rất thấp để tránh rada Nhật trên biển Ấn độ dương lúc biển động, máy bay chao đảo em cứ nghĩ đến Ông Lê Dư nói tưởng máy bay rơi xuống biển không thoát được. Nay thoát rồi Chị ạ! Thật không ngờ rồi Cậu Bôi lại chết ở sông Lô.” – Đến đây cả hai Thân đều lặng lẽ, ngậm ngùi. Đấy là lần duy nhất các Thân kể sau bữa cơm trưa một ngày Chủ nhật tháng 8 năm 1965, tất cả im lặng, anh Vũ Hoài Tuân dặng hắng mấy tiếng. Mấy ngày sau thấy Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân đưa tin Mỹ ném bom miền Bắc ngày 5/8/1965. Nhà thơ Hằng Phương viết bài thơ “Tiễn con ra trận” có đoạn:
“ Con hành quân đi qua ghé lại
Mươi phút thôi, thăm hỏi mẹ cha
Để ngày mai con ra tiền tuyến
Diệt quân thù vì nước vì nhà.
Mẹ cầm tay người chiến sỹ Điên Biên,
Tuổi chưa bao nhiêu đã hai lần ra trận,
Rồi trong bài thơ ‘ Vui ngày kỷ niệm’ có câu :
Con lớn đi bộ đội
Pháp thua trận Điện Biên
Qua chín năm kháng chiến
Mới lại có hòa binh.
Từ núi rừng chiến thắng
Về thăm lại vườn xưa
Giặc đốt nhà cháy trụi
Trơ nền cũ nắng mưa
Rồi đến ngày chống Mỹ
Con út tuổi nên người
Mơ Đảng cho đôi cánh
Được diệt giặc trên trời.
25/12/1965
Sau này, trong các bút tích, di cảo của Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nhà thơ Hằng Phương để lại còn có một quyển vở bìa xanh lá cây đã bạc mầu, nhiều chữ đã nhòe vì rơi xuống sông Lô. Trong vở, Nhà thơ Hằng Phương ghi nhiều nội dung xem Tử vi cho gia đình và mấy người bạn thân thiết. Có thể dẫn ra nội dung về người anh Vũ Hồng Côn “ Nhìn con mặt đẹp sáng như Trăng Rằm mà lòng mẹ đau thắt. Số con Nhật, Nguyệt lạc hãm – Người ta ở đời không có Âm, Dương làm sao sống được. Con không chết năm lên 9 thì cũng mất năm 16”. Sau đúng như vậy, anh Vũ Hồng Côn ốm nặng năm lên 9 tuổi, đến năm 16 tuổi thì mất. Nhà thơ Lê Hằng Phương đã có bài thơ đau xé lòng nổi tiếng một thời “Hồng Côn con yêu của mẹ”, đến các chiến sỹ ngoài mặt trận chống Mỹ cũng thuộc còn đọc lại khi Nhà thơ Hằng Phương đi vào tuyến lửa những năm 1960.
Về bản thân, Nhà thơ Hằng Phương tự xem cho mình có ghi : “ Bẩy ba không chết thì què. Chỉ sống đến bẩy lăm tuổi”. Năm Bà bẩy ba tuổi bị tai biến mạch máu não liệt nửa người bên phải, đến năm bẩy lăm tuổi thì mất. Thời ấy chống mê tín dị đoan rất gắt gao, một số người biết Nhà thơ Hằng Phương uyên thâm Hán học và Tử vi nên hay đến nhờ xem và bàn luận. Nhà thơ Hằng Phương thường đi bộ từ nhà 23 Lý Thái Tổ đến nhà ông bà Đỗ Xuân Hợp là Đại tá, Cục Trưởng Cục Quân y Bộ Quốc phòng trong khu tập thể quân đội có nhiều biệt thự hai tầng trước Tây xây ở số 4 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Bà vợ Đại tá Quân y Đỗ Xuân Hợp có nước da trắng, búi tóc, đẹp thanh thoát rất quý phái. Bà Đỗ Xuân Hợp cũng biết về Tử Vi.
Chiến sỹ Vũ Hoài Tuân – Chuyên gia đầu tiên về Vũ khí Nguyên tử của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhập ngũ từ năm nhỏ tuổi, trải qua nhiều trận đánh cực kỳ ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đến năm 1979, được Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ủy nhiệm thay mặt Đại tướng đi Đà Nẵng đã hy sinh cùng nhiều đồng chí, đồng đội trong tai nạn máy bay gần bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Mấy người bạn là Tướng lĩnh Quân đội của Liệt sỹ Vũ Hoài Tuân nay đã trên 90 tuổi hay đi lễ chùa, đền, dự các Lễ Hầu Thánh bảo :
- "Tuân giờ hiển linh rồi em ạ, Nó là Vương Quan đệ Nhị Quan Giám sát đấy. Hôm rồi các anh đi Lễ thì Tuân có về gặp các anh.”
Tôi nghe chỉ biết vâng dạ bởi tình cảm sâu nặng của những người Đồng chí – Đồng đội Liệt sỹ Vũ Hoài Tuân. Trong bao nhiêu là chuyện huyền thoại cảm động của người dân Việt đã trải qua vô cùng những cuộc chiến tranh đau thương, bất khuất triền miên suốt chiều dài lịch sử Dân tộc Việt Nam đã được viết, được kể như những huyền thoại hình thành nên Non sông - Đất Nước Việt Nam !
Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2022
Vũ Ngọc Phương