Theo TS. Hồ Văn Hoành, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam: Trong các nguy cơ mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển, đó là dân số chưa “vàng" đã “già”, tốc độ già hóa dân số nhanh. Nếu không có chiến lược phát triển dân số, chiến lược về phát triển nguồn nhân lực và thu hút người tài thì sẽ làm cho 4 nguy cơ trên khó ngăn chặn và trở nên ngày càng trầm trọng hơn… Hiện nay, dân số Việt Nam có trên 90 triệu người, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 14 trên thế giới. Nước ta có hơn 60 triệu người đang ở độ tuổi lao động, lao động trẻ chiếm gần 40%. Hàng năm, số người sinh thêm vào khoảng 1 triệu và có hơn 1 triệu người vào độ tuổi lao động.
Năm 2010, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nghĩa là có 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15 – 64 tuổi) nuôi 1 người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi). Chỉ sau 2 năm cũng từ 2012 Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già vào khoảng năm 2035. Thời kỳ dân số vàng ở nước ta sẽ kết thúc vào năm 2035. Như vậy, quá trình già hóa dân số của nước ta diễn ra trong 23 năm (2012 – 2035) rồi đạt đến ngưỡng dân số già, trong khi đó Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản 26 năm. Điều này cho thấy nhịp độ già hóa ở nước ta diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước đã phát triển đồng thời cũng là một trong những nước già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực.
Thách thức lớn nhất đối với nước ta hiện nay là đội ngũ trí thức đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng, lại bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi và giới tính. Chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Lao động tay nghề cao và nhân tài, hiền tài còn ít. Cử nhân, kỹ sư sau khi ra trường không tìm được việc làm. Giáo dục đào tạo đang còn yếu kém, hệ thống giáo dục quốc dân thiếu đồng bộ, chưa hợp lý, tư duy giáo dục chưa được đổi mới cho phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ mù chữ của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Cả nước có khoảng 70% lao động chưa qua đào tạo; 70% dân số ở nông thôn mới sử dụng 40% thời gian cho sản xuất nông nghiệp, còn lại 60% là nông nhàn, lao động trẻ ở nông thôn ngày càng đi tìm việc ở các thành phố đa phần là làm lao động giản đơn, người cao tuổi trong cả nước hiện nay chiếm khoảng 10,5% dân số, tuổi thọ bình quân ở nam giới là 73 tuổi, nữ giới là 74 tuổi, chi phí cho an sinh xã hội ngày càng lớn…
Trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân cần nhìn nhận một cách sâu sắc rằng mỗi quốc gia cơ hội dân số vàng duy nhất chỉ đến có một lần, đối với nước ta nếu không nắm bắt kịp cơ hội này thì sẽ chỉ là nước nghèo nàn lạc hậu. Vì vậy đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có chiến lược và chiến sách đồng bộ và những biện pháp quyết liệt trong dài hạn và ngắn hạn để đưa nước ta tiến nhanh vào nền kinh tế tri thức. Cụ thể là, phải tập trung rà soát bổ sung và xây dựng các cơ chế chính sách cho phù hợp với tình hình mới: chính sách về dân số; giáo dục đào tạo, lao động việc làm, nâng cao dân trí, xây dựng đội ngũ trí thức mới, phát triển nguồn nhân lực, phát hiện bồi dưỡng trọng dụng nhân tài…
Cơ hội dân số vàng ở nước ta chỉ phát huy tác dụng khi có nguồn nhân lực “vàng” không chỉ đối với những người trẻ trong độ tuổi lao động khỏe về thể chất, tinh thần, mạnh về trí lực, có ngoại ngữ, có đức, có tài mà còn bao gồm các nhà khoa học, doanh nhân, các nhà hoạt định chính sách, các cấp lãnh đạo và người cao tuổi đều phải không ngừng học tập, học tập suốt đời, cả nước phải trở thành xã hội học tập để đóng góp sức mình cho sự phát triển kinh tế xã hội nâng cao được chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, duy trì và kéo dài thời kỳ dân số vàng đồng thời góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng để góp phần ngăn chặn 4 nguy cơ đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.