Kết quả cuối cùng trong đào tạo đại học không phải chỉ có bằng cấp, mà quan trọng ở mỗi người sau khi ra trường phải có một nghề tinh thông để kiếm sống cho bản thân, cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước.
Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông và các báo cáo của một số cơ quan chức năng cho thấy: Có hơn 30% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm; đại học thất nghiệp hơn cả lao động tự do; có đến 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp… nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, vì vậy có người tiếp tục học bằng 2, học trung cấp để tìm một nghề, thậm chí có nhiều người đi làm các công việc giản đơn như bán hàng, tiếp thị, giữ trẻ…
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính là trong những năm qua sự phát triển quá nhanh của các trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2013 cả nước có 338 trường công lập và 83 trường ngoài công lập, thậm chí trên địa bàn một tỉnh có 3 đến 4 trường. Trong khi đó cơ sở vật chất, địa điểm, phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm thiếu thốn, đội ngũ giảng viên và quản lý giáo dục trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đảm bảo, thiếu cả về số lượng và chất lượng; giáo trình giảng dạy xơ cứng, chủ yếu là lý thuyết, chưa gắn liền với nghiên cứu và thực hành ở các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp; nhà trường thiếu thông tin về thị trường lao động, chưa nắm bắt được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các ngành nghề trong cả nước, do đó các ngành học chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Mặt khác, nhà trường chỉ chú trọng đến tuyển sinh đầu vào để làm sao đạt được số lượng, chưa chú ý đến chất lượng và hầu như không quan tâm đến số cử nhân, kỹ sư do mình đào tạo ra hằng năm hiện làm gì, ở đâu và có bao nhiêu người làm đúng nghề… Trong khi đó, số sinh viên khi vào đại học còn yếu về kỹ năng sống, không xác định được ngành nào phù hợp với khả năng của mình, chỉ chú trọng đến bằng cấp mà không chú ý đến yêu cầu của xã hội…
Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo bậc đại học, đòi hỏi nhà trường, sinh viên, gia đình, xã hội phải đổi mới tư duy: Kết quả cuối cùng trong đào tạo đại học không phải chỉ có bằng cấp, mà quan trọng ở mỗi người sau khi ra trường phải có một nghề tinh thông để kiếm sống cho bản thân, cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước.
Từ thực tiễn trên, trong lĩnh vực giáo dục đại học, xin đề xuất một số giải pháp:
Một là, bên cạnh nhiều trường đại học có thương hiệu được xã hội thừa nhận thì còn nhiều trường không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất; số lượng, chất lượng của giảng viên; chất lượng của sinh viên… Đề nghị ngành giáo dục và đào tạo cần thiết phải bổ sung vào quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong cả nước; quy định, tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập một trường đại học, cao đẳng; đồng thời có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, mạnh dạn rút giấy phép hoặc sáp nhập những trường công lập, ngoài công lập hoạt động yếu kém.
Hai là, để chấm dứt tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, các trường đại học phải đổi mới chương trình giảng dạy, tái cơ cấu các ngành đào tạo gắn lý thuyết với thực hành, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, đồng thời coi trọng chất lượng đầu vào, có biện pháp để quản lý đầu ra, thành lập bộ phận theo dõi tốt nghiệp hàng năm của sinh viên sau khi ra trường, để biết bao nhiêu % làm việc đúng nghề, trái nghề, thất nghiệp; từ đó để bổ sung các ngành nghề và nội dung đào tạo cho phù hợp…
Ba là, nhà trường, doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và những nơi có yêu cầu lao động phải luôn đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau để đôi bên cùng có lợi, tạo điều kiện cho nhà trường trở thành nơi cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam… Đây là biện pháp hữu hiệu để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm, giảm thời gian đào tạo lại.
Bốn là, đối với sinh viên năm thứ nhất, thứ hai của bậc đại học, nhà trường cần trang bị kỹ năng mềm, tập trung giảng dạy các môn lý thuyết cơ bản; tạo điều kiện cho sinh viên làm việc tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, làm quen với nghiên cứu khoa học… năm thứ ba trở đi nhà trường tổ chức cho sinh viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học; đi thực tập tại các doanh nghiệp; các cơ sở nghiên cứu; các cơ quan Nhà nước; từ đó định hướng cho sinh viên chọn các đề tài làm luận án phù hợp với năng lực, sở trường của mình để hoàn thành tốt luận án tốt nghiệp, đồng thời khẳng định được giá trị của bản thân và tìm kiếm được việc làm.
Năm là, đề nghị Nhà nước từ cấp Trung ương và địa phương tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp xã hội... Đây chính là nơi để tiếp nhận một phần số sinh viên sau khi ra trường chưa có việc làm.
Cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ… là nguồn lực hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, song song với đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cần tập trung vào đổi mới giáo dục đại học mà mục tiêu cụ thể là tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, năng lực, tính sáng tạo của người học… hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề… phù hợp với quy hoạch phát triển quốc gia… như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra.
TS. Hồ Văn Hoành
(Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển
nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam)
Theo chinhphu.vn