Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, những bó hoa tươi thắm nhất, niềm vui lớn nhất mà các y sĩ, bác sĩ nhận được chính là nụ cười của 16/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi và mạnh khỏe ra viện. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đang tạm thời giữ được thế chủ động trong “trận chiến” với Covid-19, nhưng các "chiến sĩ áo trắng” vẫn không hề lơ là, mất cảnh giác khi số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh này trên thế giới mỗi ngày lại tăng cao. 

"Chiến đấu" xuyên Tết

Những ngày bị cách ly, người dân xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã quá quen với người đàn ông có vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đi lại thoăn thoắt trong Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà-nơi đang được cách ly để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đó là bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB) được Bộ Y tế biệt phái lên tâm dịch Covid-19 để hỗ trợ đồng nghiệp tuyến dưới từ ngày 12-2. Từ đó đến ngày bệnh nhân thứ 16 nhiễm Covid-19 được xuất viện, chưa một lần anh rời “trận tuyến”. Ngày nào anh cũng một vài lần đến xã Sơn Lôi để kiểm tra công tác khử khuẩn, kiểm tra những trường hợp nghi ngờ sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm. Gặp anh, tôi hỏi thăm vội vàng, chúc anh và đồng nghiệp giữ gìn sức khỏe. Anh chỉ cười hiền: “Không thể lơ là được, em ạ. Anh em đều vất vả như nhau. Cố gắng để bệnh nhân khỏi bệnh, đồng nghiệp không ai bị nhiễm. Phải giữ sức trong trường hợp “cuộc chiến” với Covid-19 còn tiếp diễn”.

Những đóa hoa y đức
Gia đình bệnh nhân nhiễm Covid-19 được ra viện ngày 26-2 tặng hoa cảm ơn các thầy thuốc trực tiếp điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: DƯƠNG HẢI

Cùng với bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, PGS, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đến xã Sơn Lôi thực hiện “3 cùng” với người dân. Tổ công tác đặc biệt làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ tại huyện Bình Xuyên để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Họ cùng ăn, cùng ở và cùng chống dịch với người dân nơi đây. PGS, TS Trần Như Dương chia sẻ: “Có những đêm phát sinh tình huống khẩn cấp, chúng tôi phải họp bàn ngay, không để xảy ra sự cố ngoài ý muốn, không để dịch bệnh có cơ hội lây lan”.

Với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến đầu của phân tuyến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, từ mồng 6 Tết, khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên nhập viện, ông cùng các đồng nghiệp sinh hoạt, làm việc và cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Thế nhưng, theo ông, nhiệm vụ của những điều dưỡng, y tá, bác sĩ điều trị nặng nề hơn ông rất nhiều. Họ là những người trực tiếp chăm sóc và tiếp xúc với bệnh nhân hằng ngày. Họ phải xa gia đình, con cái để "trực chiến" trong mùa dịch này. Chứng kiến các y sĩ, bác sĩ lao vào ổ dịch không kể đêm ngày và sự nguy hiểm, mới thấy hết được giá trị nhân văn mà họ mang đến cho cộng đồng. Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Đây là dịp hiếm có chúng ta nhìn lại tổng thể các hoạt động của ngành y tế. Bởi lâu nay chúng tôi vẫn nghe thấy những lời than phiền, oán trách ít nhiều về ngành y tế. Thực sự qua lần này, chúng tôi hy vọng xã hội sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về năng lực, trách nhiệm, tinh thần, trái tim của ngành y tế, của các y sĩ, bác sĩ. Suốt từ 23 tháng Chạp đến nay, toàn bộ hệ thống ngành y tế không được nghỉ Tết một giờ nào. Tất cả các bộ phận, như hệ thống y tế dự phòng đã được kích hoạt ngay lập tức, đưa ra nhiều kịch bản để phòng, chống dịch Covid-19 với quyết tâm ngăn chặn sớm, không để dịch bùng phát...".

Có sự tôn vinh nào lớn hơn...

Không chỉ là niềm tự hào, kính phục với tinh thần hy sinh của các y sĩ, bác sĩ trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh, chúng ta còn khiến cả thế giới khâm phục khi Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới nuôi cấy, phân lập thành công virus Corona từ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Australia). Đồng hành với các bác sĩ, giới khoa học trong ngành y cũng nhập cuộc rất nhanh, khẩn trương, kịp thời, với nhiều giải pháp khác của các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) trong phòng thí nghiệm sau 72 giờ. Việc nuôi cấy thành công là khâu quan trọng để có nguồn virus đủ làm nguyên liệu cho các nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến chủng virus quái ác này. Từ đây, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về hệ gien của virus, sản xuất các bộ kit chẩn đoán bệnh, sản xuất kháng thể, nghiên cứu sản xuất các thuốc ức chế virus, vắc-xin phòng, chống bệnh… Đằng sau tất cả những thành công ấy là nỗ lực của cả một tập thể, những nhà nghiên cứu khoa học dám nghĩ, dám làm và dám đối mặt với mọi hiểm nguy. 72 giờ để truy tìm ra virus Corona chủng mới, cũng là chừng đó thời gian các nhà nghiên cứu khoa học ngành y phải đối mặt với nguy hiểm. Chỉ một sơ sẩy nhỏ, một chút bất cẩn thì sức khỏe, tính mạng của chính họ cũng bị đe dọa. Thời gian làm việc trong phòng nghiên cứu rất khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi người.

Theo PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Việc nuôi cấy một virus có độ ổn định chưa rõ như SARS-CoV-2 là rất khó. Nhờ kinh nghiệm và sự chia sẻ kinh nghiệm từ các nước nên Việt Nam đã thành công phân lập được virus. Công việc thầm lặng và rất ít người biết đến nhưng những gì họ làm giúp ngành y tế sẵn sàng đối phó hiệu quả với dịch Covid-19.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, Bộ Y tế không tổ chức tôn vinh các thầy thuốc vì còn phải dồn sức chống dịch. Một tháng qua, chúng tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các “chiến sĩ áo trắng”. Năng lực chống dịch Covid-19 của ngành y tế Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và đánh giá cao khi 16/16 người bệnh đều được chữa khỏi và xuất viện. Không mong gì hơn, chúng tôi chỉ muốn dịch bệnh được đẩy lùi, để cán bộ, nhân viên y tế có được niềm vui trọn vẹn sau những ngày dài miệt mài chống dịch.

DIỆP CHÂU

Nguồn: qdnd.vn