Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 24/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

KINH TẾ TƯ NHÂN VIỆT NAM: BƯỚC XOAY TRỞ PHI TRUYỀN THỐNG VÀ NIỀM KIÊU HÃNH DÂN TỘC

Bài 1:  Những bước chân phi truyền thống

- Bài 2: Nơi niềm kiêu hãnh đặt chân

- Bài 3: Đôi bàn tay cùng nhịp vỗ

- Bài 4: Nền kinh tế của người chính trực

Đang có những bước chân mạnh mẽ, chứa đựng sức vươn bản năng và cả niềm kiêu hãnh dân tộc của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong nền kinh tế. Tương lai của Việt Nam sẽ được định hình bởi những thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt lớn và mạnh, sẵn sàng so mình với thế giới, đi cùng với thế giới. Chỉ có điều, các bước xoay trở này đang cần thêm sự hậu thuẫn bởi môi trường lành mạnh, tư duy quản lý nhà nước hiện đại, chấp nhận cái mới để bứt phá.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

Bài 1: Những bước chân phi truyền thống

Một vài thương hiệu tư nhân lớn của Việt Nam đã xoay trở, để ghi tên mình một cách ngoạn mục trong những ngành, lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. Nhưng một vài là con số rất nhỏ đối với một nền kinh tế đang cần tích tụ cả năng suất và tốc độ để đi nhanh.

Tân binh đại gia

Hình ảnh chiếc Boeing 737-800 chở 140 hành khách từ Thâm Quyến (Trung Quốc) hạ cánh an toàn xuống Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 27/5/2019 sẽ là một phần lịch sử phát triển của Sun Group. Đây là chuyến bay quốc tế đầu tiên, một chuyến bay charter (thuê chuyến của công ty du lịch) hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam do Sun Group xây dựng theo hình thức BOT. 

Với TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chuyến bay này cũng có nhiều ý nghĩa.

“Tôi đã rất muốn tin Sun Group có lý do chính đáng để bỏ hàng ngàn tỷ đồng xây sân bay ở vùng đất còn hoang vu này cách đây hai năm và giờ thì mọi việc rõ ràng hơn”, ông Cung thẳng thắn.

Các chuyến bay charter sẽ mang du khách đến Vân Đồn, Hạ Long, rồi đi các vùng dự án lưu trú nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... của Sun Group trải dài cả nước, tạo ra cầu, tạo ra cung trong chuỗi giá trị Sun Group đã tạo dựng từ năm 2007 đến giờ. Đáng nói là, dòng tiền sẽ không chỉ chảy trong hệ sinh thái của Sun Group, mà kích hoạt nhiều cơ hội trong vùng, kích hoạt những ý tưởng kinh doanh mới. Sự xuất hiện dồn dập các dự án lớn, nhỏ, các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài và cả sự nóng rẫy của thị trường bất động sản ở Quảng Ninh sau khi sân bay Vân Đồn hoạt động là minh chứng.

Khi sân bay Vân Đồn được khai trương vào tháng 12/2018, ông Cung thừa nhận là vẫn chưa thấy rõ như vậy.

“Tôi nhớ cảm giác khi ngồi trên chuyến bay đầu tiên đến Vân Đồn. Hôm đó trời mù, chỉ thấy ánh sáng của sân bay Vân Đồn rực lên, tôi đã muốn đặt câu hỏi, Sun Group muốn gì với sân bay ở vùng hoang vu, mù mịt này, vì họ không chỉ xây sân bay, mà sẽ vận hành khai thác. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) độc quyền nhiều năm làm việc này mà vẫn trầy trật”, ông Cung nói.

Kể ra, sự xuất hiện của Sun Group trong vai chủ đầu tư sân bay Vân Đồn khá bất ngờ. Đầu tháng 3/2015, chưa đầy chục ngày trước thời điểm dự kiến khởi công Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh tại Vân Đồn (27/3/2015), nhóm nhà đầu tư nặng ký nhất đến từ Hàn Quốc, gồm Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC), Công ty TNHH Joinus, Công ty TNHH Posco E&C xin rút. Họ đều là doanh nghiệptên tuổi, có năng lực và kinh nghiệm trong xây dựng và vận hành sân bay, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép cùng với Quảng Ninh lập báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án làm cơ sở cho các bước tiếp sau. Trước đó, năm 2010, nhà đầu tư Rockingham (Mỹ) đã xin rút. Đây là nhà đầu tư đầu tiên theo đuổi dự án này.

Khi đó, dù là chủ đầu tư nhiều dự án đình đám, như Làng Pháp tại Bà Nà Hills, Novotel Da Nang Priemier, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Intercontinental Danang Sun Penisula Resort, The Sun Villas, cáp treo Fansipan- Sapa..., nhưng đại gia Sun Group chưa từng làm sân bay.

Bởi vậy, dù danh sách nhà đầu tư quan tâm chỉ còn lại Sun Group, thì việc Quảng Ninh chọn “tân binh” cho dự án có quy mô đầu tư gần 7.500 tỷ đồng ẩn chứa nhiều nghi ngại.

Song, chỉ mất hơn 2 năm rưỡi, kể từ lễ khởi công khá kín tiếng vào tháng 3/2016, sân bay Vân Đồn đã mở cửa đón khách, thậm chí trở thành một trong những sân bay hiện đại nhất Việt Nam.

Bước chân “dị thường”…

Cũng trong khoảng thời gian Sun Group rẽ ngang vào làm sân bay, thương hiệu đình đám Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt tay với hàng loạt doanh nghiệp toàn cầu để xây dựng đế chế ô tô thương hiệu Việt. Tập đoàn FLC từ vai nhà đầu tư bất động sản du lịch..., bỗng nhiên tuyên bố lập Bamboo Airways. Tập đoàn Thaco sau khi khánh thành Nhà máy Mazda hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á cũng khởi công ngay dự án nông nghiệp công nghệ cao...

Ngay lập tức, đã xuất hiện hàng loạt câu hỏi, như “Ai đứng đằng sau các thương hiệu tư nhân đình đám?”; “Họ lấy tiền ở đâu?”; “Họ có ý đồ gì khi dám nhận những dự án trước đó chưa bao giờ làm?”; “Các dự án đó thực sự có lợi nhuận không, hay là sự đổi chác vì địa tô?”...

Thậm chí, đầu tháng 5 vừa rồi, khi những chiếc ô tô  VinFast đầu tiên chạy thử trên đường phố Hà Nội, kể cả tin mẫu xe VinFast Fadill sẽ được bàn giao vào trung tuần tháng 6/2019, nhiều người vẫn chưa giải được sự hoài nghi về khả năng VinFast làm ra ô tô trong khoảng 2 năm như tuyên bố của tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng trong ngày khởi công Tổ hợp sản xuất VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) vào tháng 9/2017.

Hơn 10 năm trước, Vietjet Air - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Được thành lập tháng 12/2007, với hai cổ đông chính là Tập đoàn Sovico và HDBank, Vietjet Air dự định cất cánh vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, những lần xin hoãn liên tiếp sau đó khiến nhiều người không tin Vietjet có thể bay, chứ không dám nghĩ đến viễn cảnh vượt cả ông lớn Vietnam Airlines, trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất Việt Nam vào năm 2018.

Ngay cả Bamboo Airways non trẻ nhất cũng phải đối mặt với vô vàn nghi ngờ, thậm chí là kỳ thị cho đến khi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2019.

“Thực tế, sân bay đã vận hành, ô tô đã chạy, máy bay đã bay. Bài toán doanh thu, lợi nhuận là của từng doanh nghiệp, vì tiền của ai, người đó biết cách tiêu. Nhưng tôi tin, đằng sau các quyết định có vẻ dị thường, khó tin ấy là một tập thể trí tuệ lớn dám đột phá, dám thay đổi. Điều này thực sự đáng trân trọng và không thể phán xét theo tư duy truyền thống”, ông Cung nói.

Theo truyền thống, các thương hiệu trên không có cửa bước chân vào các lĩnh vực mới, hoặc cũng phải tuần tự xây dựng tiềm lực, nghiên cứu công nghệ, phát triển nhà xưởng, đầu tư sản xuất, tích tụ vốn..., nhanh phải mất cả thập kỷ. Các thương hiệu trong các ngành công nghiệp truyền thống của cả thế giới và Việt Nam đều đã đi con đường này. Nếu gắn vào những đặc thù của nền kinh tế Việt Nam với sự ưu ái lâu năm dành cho doanh nghiệp nhà nước, thì cửa còn hẹp hơn.

… hay xu hướng tất yếu

Trở lại câu chuyện “tân binh” Sun Group hoàn tất và đưa vào sử dụng sân bay Vân Đồn trong hơn 2 năm. Sự kiện này tạo tiếng vang cho Sun Group, nhưng lại khiến “ông lớn” ACV “tủi thân”.

Hôm nay (ngày 3/6), đúng tròn 2 năm Nghị quyết 10-NQ/TW (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được ban hành. Từ đây, quan điểm xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng đã được xác định rõ.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV từng phân trần: “Không phải tư nhân xây sân bay nhanh hơn chúng tôi, bởi chúng tôi có kinh nghiệm, có năng lực và không bao giờ chậm giải ngân. Nếu giao chúng tôi xây nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, theo kế hoạch sẽ chỉ mất 24 tháng”.

Nhưng, thực ra, kể cả khi ông Thanh không nói rõ, thì lý do “doanh nghiệp nhà nước làm chậm hơn doanh nghiệp tư nhân là do cơ chế, quy trình thủ tục”. Đó là điều đã được giới chuyên gia kinh tế cảnh báo. Khi chữ nếu kia được thực hiện, ACV phải bước đầy đủ qua các thủ tục, từ báo cáo khả thi, thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật, trình xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ với dự án nhóm A. Rồi đến công đoạn bàn giao, chuyển đổi đất quốc phòng sang đất thuộc hàng không dân dụng, lập quy hoạch chi tiết 1/500, xin giấy phép xây dựng...

Trong khi đó, dù chưa bao giờ đầu tư sân bay, nhưng Sun Group toàn quyền với vốn liếng, các quyền chọn của mình, từ nhà thầu, chuyên gia tư vấn hỗ trợ những phần việc chưa bao giờ làm, đến các công nghệ mới nhất của thế giới...

FLC cũng vậy, chỉ có 4 năm để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên vào năm 2019, nhưng lại có trong tay các sản phẩm combo du lịch - hàng không đa dạng, để du khách đi bằng Bamboo Airways đến nghỉ tại các khu nghỉ của FLC, thậm chí có thể chơi golf miễn phí…, nên bài toàn kinh doanh sẽ rất khác.

“Trong xã hội phẳng, kết nối và phi địa lý, yếu tố quyết định thành công không còn là kinh nghiệm bao nhiêu năm, có tiền nhiều hay ít, mà là ý tưởng, sáng kiến có thực sự bứt phá không. Có sáng kiến sẽ có cách để hội tụ nguồn lực, năng lực, nhân lực. Khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đã bắt theo xu hướng của thời đại”, ông Cung phân tích.

Với xu hướng mới, thậm chí quan niệm “Nhà nước chỉ làm những gì mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, không muốn làm” có lẽ cũng không còn đúng nữa. Lúc này, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được cả những việc mà Nhà nước không làm được.

Tình thế mới đang đặt không chỉ khu vực tư nhân, mà cả doanh nghiệp nhà nước vào thế phải làm khác, đòi hỏi một môi trường sẵn sàng chấp nhận những khác biệt, thậm chí là dị biệt.

 

Bài 2. Nơi niềm kiêu hãnh đặt chân

Nguyên tắc của khu vực kinh tế tư nhân là... phải sống, phải tìm cách tồn tại. Không công bằng nếu buộc lên vai họ tất cả gánh nặng tạo nên sự phồn vinh của đất nước. Nhưng, nhiều doanh nhân đã chọn đặt niềm kiêu hãnh của dân tộc trên con đường tìm kiếm lợi nhuận.

Vincom Center Landmart 81 - toà nhà cao nhất Việt Nam do Conteccons cùng với Vingroup xây nên vì niềm tự hào và kiêu hãnh dân tộc. Ảnh: Lê Toàn

Vincom Center Landmart 81 - toà nhà cao nhất Việt Nam do Conteccons cùng với Vingroup xây nên vì niềm tự hào và kiêu hãnh dân tộc. Ảnh: Lê Toàn

Cái bắt tay từ tâm

Trên sân khấu trang trọng, ấm cúng của buổi ký kết hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Delta và Crystal Bay vào tháng 4/2019, ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch Delta Group đứng lặng trong giây lát trước khi bắt đầu phần phát biểu của mình. Những hình ảnh đẹp hiếm có của viên pha lê trong cát của Ninh Thuận, kế hoạch nối các miền di sản, đánh thức những danh thắng đẹp hàng đầu thế giới trên đất nước với niềm tự hào và khao khát mọi người Việt đều phải biết, thế giới phải đến để tận hưởng… thấm đẫm trong bài nói của người đứng đầu một tập đoàn xây dựng.

“Tôi ở đây bởi cảm nhận được những chất chứa trong con người ông Chi (ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay - PV). Tôi bị thuyết phục. Là tổng thầu, chúng tôi sẽ bàn giao một sản phẩm đẳng cấp, xứng tầm với quy mô và tiêu chuẩn của dự án. Đó là đương nhiên. Nhưng, chúng tôi sẽ làm để du khách đến đây nghỉ không chỉ thấy Việt Nam đẹp, thân thiện, mà còn thấy được lương tâm, trách nhiệm và cả khát vọng của những người Việt đã đổ mô hôi ở công trình này”, ông Thành nói, không nhìn vào bài phát biểu được chuẩn bị trước.

Trước buổi lễ ký kết trên khoảng 3 tuần, ông Thành đã có buổi nói chuyện với ông Chi. Trong chỉ một buổi gặp, hai người đứng đầu hai doanh nghiệp đã quyết định trở thành đối tác chiến lược, bắt đầu bằng Dự án Tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại Ninh Thuận.

Trong giới nhà thầu Việt, Delta Group là một cái tên đáng kể, đi cùng với những thương hiệu, công trình lớn Keangnam Hanoi Landmark, Lotte Center Hanoi, Bitexco Financial Tower, Royal City... Về quy mô, Delta Group nằm vị trí 152/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018, theo Bảng xếp hạng VNR 500 do Vietnam Report công bố.

Ông Thành biết rất rõ và tự hào về điều đó. Ông cũng không giấu cảm giác kém mặn mà trước cuộc gặp với người đứng đầu Crystal Bay, doanh nghiệp mà ông nghĩ chỉ là một doanh nghiệp lữ hành, dù nổi tiếng trong giới với các chuyến bay charter đưa khách Nga đến Nha Trang, Phú Quốc.

“Hóa ra, họ đang làm rất nhiều việc, đang làm rất thật, rất vất vả nhiều năm nay rồi, vì ham muốn trình diễn vẻ đẹp của Việt Nam với du khách thế giới. Tôi sẽ đi cùng, vì tâm ý của họ cũng là tâm ý của tôi, của những người Việt”, ông Thành chia sẻ.

Ở phía dưới sân khấu, khuôn mặt của ông Nguyễn Đức Chi đầy cảm xúc. Với giới du lịch, ông Chi là một nhân vật... hảo hán. Chuyện của ông gắn với Dự án Rusalka một thời có thể trở thành một thiên tiểu thuyết ăn khách. Nhưng ông Chi chưa bao giờ muốn nhắc lại quá khứ nhiều đau thương, những trải nghiệm mà ông nói không ai muốn có.

“Ơn trời, tôi đang được làm niềm đam mê của mình, với nhiều người, dù thuận lợi hay khó khăn, sẽ vẫn hết sức để làm”, ông Chi khẽ chia sẻ, khi trên sân khấu, đối tác chiến lược mới của ông vẫn đang nói về giấc mơ chung của những doanh nhân Việt.

Cuộc chơi lớn của “những niềm kiêu hãnh”

Không phải bỗng nhiên một người vốn nguyên tắc, thẳng thắn như ông Thành lại dành thời gian để nói về khát vọng ngay trong buổi làm việc với đối tác.

Phải thừa nhận, con đường lớn lên của doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam còn rất nhiều điều phải bàn. Môi trường kinh doanh tranh tối, tranh sáng kéo dài, cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính rối rắm đã tạo dư địa cho những người biết xoay sở, biết quan hệ, hơn là các doanh nghiệp chọn con đường đi lên bài bản, minh bạch, quản trị tốt.

Thậm chí, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright còn cho rằng, sự lớn nhanh bất thường của một số doanh nghiệp lớn còn hơn cả mức độ của Cheabol Hàn Quốc và đó là một rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam.

Nhưng nếu nhìn vào sự phát triển vũ bão của Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang...; sự trỗi dậy mạnh mẽ của giới khởi nghiệp, sự chuyển mình của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn vào những ngành, những lĩnh vực mang lại sự phát triển dài hạn, có thể thấy cuộc chơi đang thay đổi.

“Khi ông Chi nói muốn giới thiệu với thế giới một Việt Nam đầy đủ hơn, rằng Việt Nam phải có tên trên bản đồ du lịch châu Á và thế giới, tôi tin và chia sẻ điều này. Tôi cũng đang muốn khẳng định rằng, nhà thầu Việt không thua kém nhà thầu nước ngoài, kể cả nhân lực và công nghệ. Chúng tôi còn hơn họ ở quyết tâm phải làm, làm bằng được những công trình đẹp, bền vững trên đất nước mình, như Conteccons cùng với Vingroup xây nên toà nhà cao nhất Việt Nam - Vincom Center Landmart 81. Họ chưa bao giờ làm những công trình như vậy, nhưng đã cùng nhau làm vì niềm tự hào và kiêu hãnh”, ông Thành trân trọng nói.

Công trình mang biểu tượng của bó tre Việt Landmart 81 chắn chắn là một câu chuyện để kể, không phải bởi đây là biểu tượng mới của TP.HCM đang phát triển, mà đó còn là biểu trưng cho khát vọng vươn tầm thế giới của người Việt.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons từng tiết lộ trên báo chí rằng, năm 2014, khi tham gia dự thầu công trình Vincom Center Landmart 81, Conteccons lép vế vì báo giá cao và chưa có kinh nghiệm làm tòa nhà trên 60 tầng. Đối thủ của Conteccons khi đó là Lotte và SsangYong (Hàn Quốc). Nhưng, cuộc điện thoại trong đêm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng với ông Dương đã thay đổi cục diện. “Ông ấy muốn một nhà thầu Việt Nam làm công trình này. Tôi hiểu ý nghĩa sâu xa của đề nghị này”, ông Dương chia sẻ.

Conteccons đã trở thành nhà thầu của siêu dự án với phần móng có kết cấu lớn nhất thế giới, khối lượng bê tông khổng lồ lên đến 16.000 m3, có thể sánh ngang Petronas Twin Tower tại Malaysia và Burj Khalifa, Dubai, UAE..., với tâm ý, không phải vì lỗ hay lãi, mà vì bộ mặt của dân tộc.

Lan tỏa giấc mơ lớn hơn

Khán phòng 300 chỗ kín người suốt 4 tiếng đồng hồ. Các doanh nhân trẻ đến trao đổi với ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group và ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty cổ phần Thế giới di động về chủ đề “Doanh nghiệp Việt, làm sao lớn”. Diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức theo đặt hàng của hội viên.

Ông Tín đang sở hữu và đầu tư tại 56 công ty ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực; ông Tài nắm chuỗi 2.400 cửa hàng vừa được định giá 1,5-2 tỷ USD, họ không nề hà bất cứ câu hỏi nào từ những doanh nhân đang háo hức với các cơ hội kinh doanh mở rộng.

Họ nói với nhau về kinh nghiệm kinh doanh, cách tiếp cận quỹ đầu tư, cách mua bán doanh nghiệp, cách tư duy, cách sống, cách dùng người và cả về giá trị của sự chính trực trong kinh doanh. Họ cũng nói với nhau rằng, không có cơ hội bỗng chốc biến thành rồng.

Trong diễn đàn trên và nhiều cuộc làm việc tương tự giữa các doanh nghiệp, doanh nhân lớn với giới trẻ, khởi nghiệp, không ai bàn về khái niệm thế nào là doanh nghiệp lớn, Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp lớn... Họ cũng không bàn về tỷ lệ bất thường của cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, với chỉ khoảng 2% doanh nghiệp quy mô lớn, 1,7% doanh nghiệp quy mô vừa, đa phần còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ - một thực tế không thay đổi nhiều năm nay.

Ngay cả sự đóng góp chỉ khoảng 10% GDP của khu vực doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với 33% tỷ trọng GDP mà khu vực hộ kinh doanh đang tạo ra có đáng tin hay không, như nhiều lời bàn trong giới nghiên cứu, cũng không phải là mối quan tâm của những người kinh doanh.

“Chúng tôi học lẫn nhau và học từ các doanh nghiệp giỏi hơn trên toàn cầu. Thấy cái gì hay thì mang về áp dụng một cách bài bản, linh hoạt với thị trường Việt Nam, chứ không thể ngồi một chỗ mà tưởng tượng ra được. Tôi tin là càng nhiều doanh nghiệp so được mình với phần còn lại của thế giới thì càng tốt cho nền kinh tế nước nhà”, ông Tín chia sẻ.

Có lẽ, đây là câu trả lời sinh động nhất cho câu hỏi lâu nay của giới nghiên cứu, rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó lớn hay không muốn lớn.

Chuyện tàu Bưởi

Năm 1909, cụ Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là vùng cấm với người Việt, đó là kinh doanh vận tải đường sông. Cụ đã mua lại một số tàu hàng Pháp, tham gia tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy - tuyến mà các hãng tàu nổi tiếng của người Pháp và người Hoa lúc bấy giờ giữ thế độc quyền. Họ đã liên minh với nhau để loại hãng tàu non trẻ của cụ Bưởi bằng cuộc chiến giá cả.

Khi đứng bên bờ vực phá sản bởi sự cạnh tranh của cá lớn với cá bé, cụ Bạch đã nghĩ đến thứ vũ khí mà đối thủ không có, đó là tinh thần dân tộc. Cụ cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ đồng bào mình thì cớ sao người Việt Nam lại không ủng hộ mình?

Trong vòng 6 năm, tàu Bưởi và tinh thần dân tộc mà cụ Bạch Thái Bưởi truyền bá đã bắt các đối thủ bỏ cuộc chơi… Cụ đã dám làm những việc trước đó không người Việt Nam nào dám nghĩ, với niềm tin mãnh liệt “sự nghiệp kinh doanh của mình trên đất nước mình, xung quanh là đồng bào mình, chắc chắn là thắng lợi”.

 

Bài 3: Đôi bàn tay cùng nhịp vỗ

Dù đã kích hoạt nhiều vùng đất hoang vu bằng sự xoay trở sáng tạo và cả niềm tự hào dân tộc, nhưng sự nỗ lực của riêng khu vực kinh tế tư nhân không làm thay đổi cách thức phát triển của nền kinh tế. Lúc này, bàn tay của Nhà nước có ý nghĩa quyết định.

Vingroup đang là đại diện tiêu biểu của doanh nghiệp Việt sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. Trong ảnh: Bên trong Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng 	.

Vingroup đang là đại diện tiêu biểu của doanh nghiệp Việt sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. Trong ảnh: Bên trong Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng.

Tư nhân hiến kế hay những trăn trở thôi thúc

Chữ “nếu” của ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup trong bài hiến kế tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 (hồi đầu tháng 5 vừa rồi), trước sự có mặt của đại diện Chính phủ, các bộ, ngành thực sự mang nhiều thông điệp.

Ông nói: “Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm, nếu sẵn sàng đổi mới, sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại”.

Vingroup đang là đại diện tiêu biểu của doanh nghiệp Việt sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. Tiền thân của tập đoàn này là Technocom, công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng được thành lập năm 1993 tại Ukraine, trở về Việt Nam những năm 2000 qua 2 công ty là Vincom và Vinpearl, hoạt động chủ yếu trong du lịch khách sạn, bất động sản. Năm 2011, Vingroup được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai công ty trên, bắt đầu hành trình tạo nên sức mạnh của hệ sinh thái Vin - Vincom, Vinmec, Vinmart, Vinschool…

Năm 2017, Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng được khởi công, mở màn cho chiến lược thay đổi toàn diện, trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại và dịch vụ đẳng cấp quốc tế mà Vingroup công bố 1 năm sau đó. Hệ sinh thái Vin được nối dài bằng VinFast, VinSmart và VinTech, cùng những ảnh hưởng lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh, xã hội và cả hành vi tiêu dùng.

.
.

Trung tuần tháng 6 này, với lễ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch, thương hiệu Việt này đang làm nên kỷ lục mới trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, chỉ mất 21 tháng cho toàn bộ quá trình khởi công, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và vận hành…

Với vị thế và tiềm lực như vậy, nếu Vingroup còn thấy nhiều ngập ngừng, thì đó là điều đáng ngại. Và không chỉ Vingroup cảm thấy như vậy.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về hiện trạng này trong bức tranh kinh tế, với tên gọi “sự bất ổn của kinh tế tư nhân”. “Phải nói là doanh nghiệp tư nhân đã kích hoạt nhiều vùng đất hoang vu, nhưng sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn bất ổn, còn nhiều méo mó”, ông Thiên nói.

Nguyên tắc đơn giản, hai tuyến chính tạo nên môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển (một là cấu trúc thị trường, hai là không gian chính sách) nếu lành mạnh, minh bạch, thì khu vực tư nhân được điều chỉnh bởi nguyên tắc của thị trường. Trong quá trình đi tìm lợi nhuận, họ nhìn ra cái thị trường thiếu, có cơ hội tham gia thị trường một cách thuận lợi, chi phí thấp, an toàn, để cung cấp cho đủ nhu cầu thị trường, từ đó tạo ra việc làm và những lan tỏa khác tới cộng đồng, xã hội.

Với doanh nghiệp quy mô lớn, sự lan tỏa còn ở khía cạnh tạo ra chuỗi liên kết phát triển, thúc đẩy đổi mới công nghệ, từ đó kéo theo khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua cạnh tranh, phát triển.

“Cách đây vài năm, tôi đã đề xuất cần phải tập trung vào khu vực doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, thậm chí là cơ chế khuyến khích, để qua họ, nguồn lực sẽ đổ vào những ngành, lĩnh vực và cả doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chuỗi, thay vì cắt lát các đồng tiền hỗ trợ như hiện tại cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng, có vẻ tâm lý kỳ thị doanh nghiệp tư nhân lớn vẫn còn lẩn khuất, các thị trường chưa được vận hành đầy đủ, các thiết chế nhà nước không thực sự sẵn sàng để tạo nên những trụ cột, khiến sự phát triển của kinh tế tư nhân rủi ro, thậm chí là méo mó”, ông Thiên trăn trở.

Bàn tay nhà nước ở đâu?

Cuối cùng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng gần đạt mong muốn. Sau khi Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến giao Dự án nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất cho ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản đồng tình. Mọi việc chỉ đợi Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong các lý do ACV được đề cử, việc ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, đã được giao quản lý, vận hành 21 sân bay rất hay được nhắc đến, cả từ phía lãnh đạo ACV và cơ quan quản lý. Nhưng đó lại là điều ám ảnh ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

“Giá như lãnh đạo ACV nói được rằng, giao cho họ, họ sẽ làm nhanh nhất, sẽ có các phương án làm nhanh nhất, cả đề xuất thay đổi về quy trình, thủ tục..., vì không thể để một cửa ngõ quan trọng lại chật chội, xấu xí như vậy. Được vậy, tôi sẽ không phải đặt thêm câu hỏi, sao không để doanh nghiệp tư nhân làm”, ông Cung tâm tư. 

Bỗng nhiên, vị chuyên gia kinh tế như ông Cung trở nên... duy tình. Nhưng mọi việc đều có lý do. Sự chậm trễ trong thực hiện các dự án của doanh nghiệp nhà nước gần như được dự báo trước, vì quy trình, thủ tục và cả sự chậm chạp thường thấy trong phối hợp giữa các bộ, ngành. Trong trường hợp này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ ra văn bản trên sau khi Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản đề nghị Thủ tướng thúc giục…

Trong tư duy cải cách của ông Cung, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước phải nhìn vào tốc độ của khu vực tư nhân để thấy không thể bình chân hơn nữa.

Thực tế, khi phân tích các bài học từ thành công trong kỷ lục mà Sun Group thực hiện với Sân bay Vân Đồn, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhắc tới 2 bài học. Đó là, dự án kéo dài thời gian là không chấp nhận được, có tiền không tiêu được là lãng phí, phải xem lại quy trình, thủ tục, xem lại đầu mối, công đoạn. Và các tập đoàn tư nhân trong nước có khả năng xây dựng các công trình tốt, công trình lớn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng nói, nếu phát huy tốt tiềm lực, thì các tập đoàn tư nhân hoàn toàn có thể góp phần phát triển hạ tầng giao thông một cách nhanh chóng.

“Sao lại là nếu. Khu vực tư nhân đã thay đổi, muốn thay đổi nhanh hơn. Họ cần sự hậu thuẫn của không gian chính sách và lớn hơn là tư duy chính sách. Sự chậm trễ trong thay đổi tư duy của Nhà nước là có lỗi với kinh tế tư nhân”, ông Cung bày tỏ quan điểm.

Cho tới thời điểm này, GDP của nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào thành phần kinh tế nhà nước (đóng góp khoảng 28%) và kinh tế hộ gia đình (đóng góp khoảng 32%). Doanh nghiệp tư nhân trong nước, đáng ra phải là động lực đóng góp chủ yếu vào GDP, thì sau 30 năm đổi mới, chỉ tham gia chưa đầy 10%.

Trong số này, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa quá ít (chỉ khoảng 1,7%), quá lâu không đổi, tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng và cũng là sự chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam lớn chậm, lớn khó. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn lớn. Khu vực phi chính thức không muốn chuyển thành doanh nghiệp, chấp nhận cuộc chơi tranh tối, tranh sáng.

Chân dung các tập đoàn tư nhân còn khó nói hơn, quy mô lớn còn ít, chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản, ít định hướng đầu tư sản xuất; lớn nhờ đầu cơ, chứ không phải nhờ đầu tư và cạnh tranh quốc tế.

Sự tồn tại quá lâu của tình trạng thiếu niềm tin vào kinh tế tư nhân, hay cách phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “chọn người thắng”, ngược lại với nguyên tắc “khuyến khích người thắng” khiến doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn, bị loại khỏi cuộc chơi, không có môi trường tốt để phát triển.

Nhưng giới nghiên cứu còn lo lắng hệ quả khác. Đó là, kinh tế nhà nước không chỉ chèn lấn trực tiếp, mà còn tranh chấp cơ hội kinh doanh, tiếp cận tài chính, tín dụng với kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh này, để an toàn cho các tài sản của mình, doanh nghiệp tư nhân buộc phải thiết lập các mối quan hệ, trở thành thân hữu…

Nhưng, việc giải bài toán thân hữu lại nằm trong tay Nhà nước.

“Hai mươi năm trước, Nhà nước rút chân, trả chỗ thị trường, tháo bỏ rào cản là doanh nghiệp có thể sống được. Nhưng hiện tại, quyết định thành công của doanh nghiệp là ý tưởng, sáng tạo, là sản phẩm mới, công nghệ mới, cách đi mới thì Nhà nước phải nghĩ khác, làm khác, phải kiến tạo, thì mới có dư địa cho kinh tế tư nhân”, ông Cung thẳng thắn.

Vẽ bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam

Lịch sử phát triển của thế giới đều cho thấy, không quốc gia nào trở nên thịnh vượng nếu không có một khu vực tư nhân phát triển lành mạnh. Nền kinh tế Việt Nam cũng vậy, đang cần những người kinh doanh chính trực, bản lĩnh với niềm kiêu hãnh dân tộc ẩn chứa…

Hơn 700.000 doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và hàng chục ngàn start-up đang xoay trở để vẽ bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam khi bắt tay khởi nghiệp, hiện thực hóa tinh thần kinh doanh trong người, chắc chắn cũng mong muốn điều này…

 

Bài 4: Nền kinh tế của người chính trực

Hậu quả khôn lường của các mối quan hệ thân hữu, sân sau đã khắc vào nền kinh tế nhiều nỗi đau. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng và nỗ lực cải cách thể chế đang mở cửa, dẫn ánh sáng vào môi trường kinh doanh. Đây là cơ hội cho những người kinh doanh chính trực, cũng là cơ hội cho nền kinh tế bứt phá.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân trước thềm Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.

Vùng sáng tỏa rộng

Tháng 7/2019, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Lần đầu tiên, phạm vi của Luật này lan tới hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải thực hiện một số nghĩa vụ mới, đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử. “Đây là việc không thể chậm trễ, vì đó là chuẩn mực của cuộc chơi toàn cầu”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nói.

Cách đây nhiều năm, khi đặt bút ký vào điều khoản chống tham nhũng trong hợp đồng với một đối tác hàng đầu thế giới, ông Đoàn đã quyết định sẽ phải học để đi cùng với các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài.

“Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có quy mô toàn cầu đã kinh doanh hàng trăm năm nay, nên họ hiểu rất rõ từng biến động của thời cuộc, từng khúc quanh của lộ trình kinh doanh tới cả những gian truân và cạm bẫy. Họ rất nhạy bén trong nhận thức kinh doanh và uyển chuyển thực hiện để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chúng tôi cho rằng, nên theo đúng quy luật kinh doanh và hãy học từ bài học của những người đi trước, như vậy mới mong bền vững được”, ông Đoàn chia sẻ tâm tư.

Nhưng với số đông doanh nghiệp Việt, nhất là khu vực tư nhân, các yêu cầu này còn rất mới và không dễ thực hiện.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về sự liêm chính trong doanh nghiệp, công bố tháng 3/2019, cho thấy, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ, chứ không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS-TS. Nguyễn Văn Thắng (Đại học Kinh tế Quốc dân) còn phát hiện các vấn đề về tuân thủ, như trong quan hệ với cơ quan nhà nước, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp đã vi phạm một số quy định và việc chi trả chi phí không chính thức được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn...

Mặc dù không thể phủ nhận, về tổng thể, nếu còn cơ chế xin - cho, còn có nhiều lợi ích nhóm với những quan hệ thân hữu, còn thiếu bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của đất nước, còn lời nói khác xa với hành động, thì không thể hết được những doanh nghiệp chỉ muốn tận dụng kẽ hở của thể chế, doanh nghiệp sẽ không muốn chuyên nghiệp.

Nhưng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân. Thậm chí, các doanh nghiệp tác nhân thường tận dụng lợi thế so sánh, chủ yếu là các quan hệ thân hữu, sâu sau, đề giành chiến thắng mà không cạnh tranh, không cạnh tranh công bằng, thôn tính doanh nghiệp khác…

Hậu quả của các mối quan hệ này rất lớn, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế, thậm chí tha hóa cả hệ thống chính trị. Chưa kể, khi hệ thống kiểm soát và tuân thủ của doanh nghiệp không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng, thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu.

Rõ ràng, việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hướng tới quản lý rủi ro cần được coi là vấn đề ưu tiên hàng đầu để không chỉ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ và thể hiện rõ cam kết xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính, mà còn tạo sự cộng hưởng, gia tăng gia tốc và áp lực cho cuộc chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ đang xác định là không có vùng cấm.

“Tôi đã nhìn thấy những doanh nghiệp đang thay đổi tích cực. Các doanh nghiệp cần tạo thành lực lượng, sẽ gây sức ép và buộc Nhà nước phải thay đổi”, ông Lộc nói.

Nền kinh tế của những người chính trực

Trong bức tâm thư 6.000 chữ mà ông Phạm Đình Đoàn gửi Báo Đầu tư để bàn về hiện thực khát vọng thịnh vượng của doanh nghiệp, điều ông mong mỏi nhất là sự ghi nhận, đón nhận những doanh nghiệp đang làm khác, đang thay đổi.

“Thử nhìn hiện tượng nhiều doanh nghiệp được mở ra để đào tạo kinh doanh, quản lý, công nghệ... cho các doanh nghiệp, sẽ thấy một xu thế rất tích cực. Nhiều doanh nhân như chúng tôi đã nhận thức tốt yêu cầu phải chuyên nghiệp, minh bạch, chính trực trong kinh doanh, nếu muốn đi xa hơn trong sự nghiệp. Nhưng sự thay đổi này có lẽ cần sự trợ giúp hơn từ Nhà nước và cộng đồng”, ông Đoàn chia sẻ.

“Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa…

Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII 

Sự trợ giúp này hàm nhiều nghĩa. Đó là cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và xây dựng cơ chế để mọi doanh nghiệp thực sự bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước tiếp cận các nguồn lực của xã hội, trước các chính sách ưu đãi, khuyến khích. Đó là hỗ trợ các doanh nghiệp làm đúng pháp luật để tránh xảy ra đổ vỡ lớn. Đó là các cơ quan công quyền và truyền thông đừng soi mói, vạch vòi doanh nghiệp…

Đây từng là vấn đề được tranh luận, khi nhận diện khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong 30 năm đổi mới.

Một doanh nghiệp lớn lên, trước hết nhờ những doanh nhân tài giỏi, thức thời. Đó là những người nắm được quy luật phát triển, xu hướng công nghệ để biết xã hội thiếu gì mà cung cấp, tạo ra lợi nhuận. Đó là những người nắm thời cơ mang lại do tiến trình cải cách kinh tế và mở cửa hội nhập.

Ở Việt Nam, do yếu tố lịch sử, quá trình này gắn với việc vừa học, vừa kinh doanh, thỏa mãn đam mê của nhiều người, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, hoạt động dưới chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật, lớn lên bằng đầu cơ…

Một cách tự nhiên, cạnh tranh trong hội nhập và những đòi hỏi mới của nền kinh tế thị trường khiến các bất hợp lý trong phát triển trước đây được phơi bày, cả trong hoạt động của Nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng đây là lý do khiến khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn, bị cho là chưa đủ sức để định hình nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Những nguồn gốc lớn lên từ đầu cơ luôn được nhắc đến.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng phải đề nghị một cơ chế không hồi tố khi đánh giá về khu vực này, với một tầm nhìn, tạo con đường để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, có tâm thế vươn lên trở thành một doanh nghiệp ngày càng đàng hoàng.

“Thị trường đầy đủ và môi trường kinh doanh minh bạch như những bóng đèn, sẽ bật sáng từng vùng tối, để không còn chỗ cho những ứng xử lệch chuẩn, cả từ phía Nhà nước và thị trường. Khi đó, cả khu vực nhà nước và tư nhân sẽ không có cơ hội để làm sai, không thể làm sai. Cũng đến lúc chính trực phải là những bóng đèn cao áp trên con đường đi của nền kinh tế”, ông Thiên nói.

Cũng đã đến lúc, con đường đi đến thịnh vượng của nền kinh tế sẽ ghi dấu ấn thành công của các doanh nghiệp, doanh nhân chính trực, với sức vươn bản năng, sự sáng tạo không giới hạn và niềm kiêu hãnh dân tộc ẩn chứa…

Ý kiến - nhận định:

Tôi tin là tính chuyên nghiệp sẽ thắng - Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I

Ai làm doanh nghiệp cũng muốn làm ăn bài bản. Chưa đủ kiến thức thì phải đi học, phải trả giá và tìm người giỏi về cùng làm. Tôi tin là tính chuyên nghiệp cuối cùng sẽ thắng, cái gì không phù hợp sẽ không thể tồn tại mãi được. Muốn so được với các doanh nghiệp lớn của thế giới, thì phải làm như vậy.

Tôi không cho là người Việt Nam thiếu tinh thần đoàn kết hay khả năng làm việc chung. Tôi cũng không nghĩ các doanh nghiệp mạnh cứ phải làm cùng nhau. Nên có nhiều đàu tàu, mỗi đầu tàu kéo một nhóm doanh nghiệp vệ tinh cùng phát triển.

Lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra, suy cho cùng, là để phụng sự xã hội - Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay

Nhiều người hỏi tại sao tôi lại chọn đầu tư vào những vùng khó khăn như Ninh Thuận. Chúng tôi nhìn thấy thiên nhiên, con người, văn hóa ở những vùng đất mới là thế mạnh, là tiềm năng, chứ không phải là điểm yếu, là khó khăn. Nên bất chấp cơ chế chính sách có thể còn khó, thủ tục hành chính còn cồng kềnh, kéo dài không đáng có, các doanh nghiệp vẫn sẽ miệt mài làm vì đam mê. Đã là doanh nghiệp, thì đều muốn tạo ra lợi nhuận, nhưng chúng tôi tin là, lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra, suy cho cùng, cũng là để phụng sự lại xã hội.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể đi trước về công nghệ, quy trình quản lý - Ông Trần Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Delta Group

Khi tôi đến nhận mặt bằng xây Royal City (Hà Nội), nhà máy cơ khí còn đang làm việc. Sau hai năm rưỡi, Tổ hợp Royal City hình thành. Đến công ty tư vấn của Pháp cũng nói không tưởng tượng được. Nếu không có năng lực thực sự, thì không làm được.

Hiện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể không cần đi theo, mà có thể đi trước doanh nghiệp nhiều nước về công nghệ, quy trình quản lý. Song nếu trong các dự ánlớn, thậm chí cả dự án lần đầu được thực hiện ở Việt Nam, với tiêu chí xét thầu phải có 5 công trình tương tự, thì chúng tôi thua.

Khánh An
 
Nguồn: baodautu.vn

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển