Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 11/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

KINH TẾ CHIA SẺ - "CHÌA KHÓA" CỦA TĂNG TRƯỞNG

- Bài 1: Mở lối, dẫn dắt sự phát triển

- Bài 2: Loay hoay định danh, thu thuế

- Bài 3: Xóa bỏ rào cản, thay đổi tư duy quản lý

Dù mới xuất hiện vài năm nay, nhưng kinh tế chia sẻ (KTCS - sharing economy) đang được kỳ vọng sẽ đem lại cho Việt Nam vô vàn cơ hội, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo cho hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống không còn nhiều dư địa, KTCS với ý nghĩa tích cực và tiềm năng rất lớn, được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để Việt Nam có thể tận dụng, phát huy những thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ, trở thành nhân tố động lực mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

 


Nhân viên Công ty JupViec.vn, một mô hình kinh tế chia sẻ đang kết nối người cần việc làm với khách hàng.
Ảnh: HÀ THƯ

 

Bài 1: Mở lối, dẫn dắt sự phát triển

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cũng như sự bùng nổ của công nghệ số là cơ hội
vàng để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia thông qua KTCS, dựa trên sức sáng tạo và lợi thế
cạnh tranh. Tuy nhiên, những khoảng trống về pháp lý cho các mô hình kinh tế này đang tạo ra nhiều áp lực, thách thức
đối với các nhà hoạch định và thực thi chính sách. Bài toán đặt ra là chúng ta phải ứng xử như thế nào để vừa thúc
đẩy sự phát triển của KTCS nhằm tận dụng tốt các cơ hội, nhưng vẫn hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn từ trào lưu kinh
tế mới đầy sôi động này.

Bùng nổ “chia sẻ”

Chồng mất sớm, sau khi con trai cả vào miền nam lập nghiệp, con gái út lập gia đình, bà Hậu sống một mình trong căn
nhà ba tầng giữa trung tâm phố cổ Hà Nội. Tuổi cao, sức yếu, nhưng bà Hậu vẫn ngại ngần không muốn về ở cùng con gái.
Câu chuyện thay đổi từ khi bà Hậu tiến hành tu sửa lại căn nhà cho khách du lịch thuê theo “tư vấn” của con gái.
Ban đầu, khi nghe con gái giảng giải sẽ cho khách thuê phòng qua ứng dụng mạng toàn cầu, bà Hậu thấy nó xa vời
mông lung. Nhưng khoản thu nhập đều đều mỗi tháng gần 10 triệu đồng từ việc cho thuê phòng trên Airbnb (mô
hình kết nối người cần thuê trọ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động)
là hiện thực, quá dư dả để bà trang trải cuộc sống. Bà Hậu thuê một căn hộ chung cư gần nhà con gái để tiện mỗi
ngày sang chơi với cháu ngoại. Thi thoảng rỗi việc, cô con gái lại gọi giúp bà xe Grab đón tận cửa chung cư đưa
bà về lại khu nhà cũ thăm hàng xóm, bạn bè. Đi loại ta-xi này, bà cảm thấy rất yên tâm vì không phải chỉ đường cho
lái xe, biết trước số tiền phải trả, rẻ hơn ta-xi truyền thống và nhiều khi còn được miễn phí.

Theo cách hiểu của những người dân bình thường như bà Hậu, Airbnb hay Grab đơn giản chỉ là hình thức kinh
doanh mới hay dịch vụ mang lại nhiều đổi thay tích cực cho cuộc sống. Nhưng trong mắt các chuyên gia kinh tế
và nhất là những nhà hoạch định chính sách, đây lại là dấu hiệu rõ nét nhất của KTCS, một mô hình kinh tế
mới đã hiện diện trong mọi ngóc ngách của đời sống. Vài năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của KTCS
thông qua ưu tiên việc chia sẻ, dùng chung tài sản hoặc dịch vụ. Sau 10 năm, Công ty khởi nghiệp Airbnb của Mỹ
đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia. Với khoảng 2,5 triệu cơ sở đăng ký cung cấp phòng trọ cho 150 triệu người sử
dụng toàn cầu, Airbnb được định giá ít nhất là 30 tỷ USD. Tận dụng sự ưu việt của công nghệ trong CMCN 4.0,
KTCS có lợi thế hơn hẳn các mô hình kinh tế truyền thống nhờ khả năng nhanh chóng tiếp cận số lượng lớn
khách hàng thông qua các nền tảng số. Vì tất cả các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến bởi nhà cung cấp
nền tảng số, mô hình này mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng và giá cũng rẻ hơn nhờ tiết kiệm được
chi phí giao dịch.

Ngoài ra, KTCS còn được kỳ vọng mang lại nhiều tiềm năng mới khi người tiêu dùng có được cơ hội tiếp cận và
khai thác, sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu hoặc không có điều kiện sở hữu riêng, trong khi người
sở hữu tài sản lại có cơ hội để tăng thêm thu nhập. Với nguyên lý khuyến khích tận dụng các nguồn lực dư thừa
trong xã hội, KTCS thúc đẩy việc phân bố và sử dụng tài sản, tài nguyên thêm hiệu quả. Chúng ta sử dụng dịch vụ
chia sẻ xe hơi vì không cần sở hữu một chiếc xe (Grab); cho thuê lại một căn phòng trong nhà vì không muốn bỏ
trống lãng phí (Airbnb) hay thậm chí chia sẻ cả thời gian rảnh rỗi để hỗ trợ công việc cho người khác và kiếm thêm
thu nhập cho chính bản thân mình (Rada). Thêm nữa, lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của KTCS còn có hiệu ứng
tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế.

Chính vì những lợi thế này, KTCS được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác và trở thành xu hướng
tiêu dùng chính trong tương lai. Có thể thấy, một trong những thay đổi lớn nhất trong những năm gần đây chính là
sự bùng nổ của KTCS với quy mô toàn cầu ước tính sẽ tăng từ 14 tỷ USD năm 2014 lên 335 tỷ USD vào năm 2025,
gấp 22 lần trong vòng 10 năm. Vì vậy, trong khi nền KTCS vẫn còn trong giai đoạn trứng nước tại thời điểm này,
nó chắc chắn sẽ trở thành một nhân tố quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế ở cấp quốc gia cũng như toàn cầu.

Tác động tích cực

Đối với nhiều người đang sinh sống tại các thành phố lớn của Việt Nam, trước đây mỗi khi đi lại thường sử dụng
dịch vụ “xe ôm” hay ta-xi truyền thống, còn nay họ sẽ “gọi Grab” qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Chỉ sau vài năm, Grab - công ty khởi nghiệp loại hình “ta-xi công nghệ” đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng triệu người Việt Nam. Không những vậy, còn tác động làm chuyển biến nhận thức cũng như văn hóa kinh doanh của nhiều doanh nghiệp truyền thống hoạt động cùng lĩnh vực. Dưới sức ép cạnh tranh từ “ta-xi công nghệ”, giá cước của ta-xi truyền thống không còn thường xuyên “nhảy múa”, trở nên ổn định mà không cần sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Thêm nữa, buộc các doanh nghiệp ta-xi truyền thống nhanh chóng thay đổi, ứng dụng công nghệ mới với sự ra đời hàng loạt ứng dụng cho phép khách hàng gọi xe không cần qua tổng đài của ta-xi Mai Linh, Vinasun, Thành Công,...

Theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Thị Tuệ Anh, KTCS đang mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, mở ra những phương thức, cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, tạo thêm việc làm, giúp người lao động nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, dưới tác động của KTCS, thị trường cũng trở nên minh bạch, cạnh tranh tích cực với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, KTCS còn góp phần cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số; thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tận dụng xu thế của CMCN 4.0. Theo nhận định của thạc sĩ Đỗ Thị Nhung (Trường đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh), qua việc tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống, KTCS thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế nói chung, vấn đề then chốt mà Việt Nam đang hướng tới. Nó còn giúp nước ta thích ứng tốt hơn với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu; phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước nhưng “không ai bị bỏ lại phía sau”, mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.

Là quốc gia có dân số trẻ, thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ, cộng thêm tỷ lệ người sử dụng in-tơ-nét chiếm tới 53% tổng số dân, Việt Nam được đánh giá là “mảnh đất” màu mỡ cho KTCS. Kết quả khảo sát công bố mới đây của Nielsen (công ty chuyên về thông tin, dữ liệu và đo lường toàn cầu của Mỹ) càng khẳng định tiềm năng to lớn của KTCS khi 75% số người Việt Nam được hỏi cho biết thích các ý tưởng kinh doanh của mô hình này, cao hơn nhiều so tỷ lệ 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu. Chính vì vậy, dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam, song KTCS đã có được những bước phát triển mạnh mẽ. Trước hết là sự gia nhập của các dịch vụ vận tải trực tuyến như Uber, Grab (từ năm 2014); tiếp đó là hàng loạt mô hình khác như chia sẻ phòng (Airbnb), ước tính hiện có khoảng 16 nghìn cơ sở đăng ký trên cả nước; du lịch (Triip.me); sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng (Rada); tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (huydong.com),…

Rõ ràng, chúng ta đang có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội từ KTCS. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, KTCS cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Trước hết, KTCS chắc chắn sẽ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ ba bên trong hợp đồng kinh tế thay vì hai bên như trước đây, trong khi cơ sở pháp lý hiện hành còn thiếu nhiều quy định để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng,… Bên cạnh đó, KTCS còn tạo nên xung đột lợi ích với các mô hình kinh doanh truyền thống. “Cuộc chiến” giữa Grab và các hãng ta-xi truyền thống dai dẳng suốt mấy năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, sự phát triển nhanh chóng của KTCS khiến nhiều vấn đề như an toàn lao động, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xã hội,… trở nên khó kiểm soát đối với các bên tham gia, nhất là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình vào năm 2010, song đang phải đối diện nhiều thách thức nếu muốn có mức phát triển cao hơn. Nhiều nước trên thế giới phải mất từ 30 đến 40 năm mới thoát khỏi mức thu nhập trung bình. Sự phát triển của nền kinh tế số và mô hình KTCS hiện nay chính là cơ hội vàng để Việt Nam tăng tốc phát triển. Do đó, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tác động của nền kinh tế số, KTCS đến các mục tiêu phát triển về đầu tư, việc làm, công nghệ, môi trường cạnh tranh,… điều chỉnh linh hoạt về chính sách, quy định pháp luật nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn.

L.CA-MÊ-RON

Chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp Tổ chức nghiên cứu

Khoa học và Công nghiệp LB Ô-xtrây-li-a (CSIRO)


Grab là mô hình kinh tế chia sẻ thành công tại Việt Nam. Ảnh: PHẠM HÙNG

Bài 2: Loay hoay định danh, thu thuế 

Có thể thấy, kinh tế chia sẻ (KTCS) sẽ làm thay đổi sự vận hành kinh tế toàn cầu trong tương lai không xa. Nhưng len lỏi vào nhiều ngành nghề kinh doanh ở mọi lĩnh vực của đời sống, KTCS cũng gây ra không ít lúng túng cho các cơ quan quản lý trong vấn đề giải quyết xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống; cạnh tranh không công bằng, tập trung kinh tế; lao động, việc làm, an sinh xã hội… và nhất là kiểm soát các nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ.

Khoảng trống chính sách

Kể từ khi thâm nhập thị trường Việt Nam tháng 2-2014, Grab liên tục báo lỗ. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng, đến cuối năm 2017 đã lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016, Grab chỉ nộp thuế 9,5 tỷ đồng trên tổng doanh thu 1.755 tỷ đồng. Ðối với Uber, trước khi rút khỏi thị trường Việt Nam, từ năm 2014 đến hết tháng 6-2017, doanh thu đạt 2.706 tỷ đồng, nộp thuế 76,8 tỷ đồng. Nghịch lý Grab, Uber liên tục mở rộng thị phần trong khi báo cáo tài chính âm làm bùng lên nghi vấn lỗ giả, lãi thật, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhằm trốn thuế.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế đối với cả hai doanh nghiệp này, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã truy thu gần 67 tỷ đồng đối với Uber, xử lý tăng thu và truy thu ba tỷ đồng đối với Grab. Tuy nhiên, chỉ có Grab chấp hành nộp đủ số thuế nêu trên, còn Uber chây ỳ vì cho rằng đã thực hiện nghĩa vụ thuế của DN và đối tác một cách đầy đủ và chính xác. Công ty này chỉ chấp thuận nộp 13,3 tỷ đồng và khiếu nại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Bộ Tài chính, đề nghị bỏ truy thu thuế nhà thầu nước ngoài theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và khoản truy thu của lái xe do nhiều người đã dừng hợp đồng, Uber không có cơ sở thu hộ.

Khi Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm truy thu, Uber đã kiện Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh ra tòa. Trong khi Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đang thụ lý thì Uber Ðông-Nam Á "bán mình" cho Grab, khiến sự việc càng trở nên căng thẳng và phức tạp. Cuối cùng, sự việc cũng kết thúc khi Uber rút đơn kiện cuối tháng 8 vừa qua và nộp đủ số tiền thuế 53,6 tỷ đồng, hoàn tất các khoản nợ tồn đọng tại Việt Nam.

Trong năm loại hình dịch vụ của KTCS đang trở nên phổ biến ở nước ta, việc thu thuế của Grab và Uber mặc dù không dễ dàng, song ít ra Nhà nước còn thu được. Còn đối với các loại hình khác, chính sách quản lý thuế hiện hành dường như bất lực. Rõ nét nhất là việc thu thuế hoạt động đặt phòng trực tuyến qua ứng dụng Airbnb. Do các cơ sở lưu trú của Việt Nam tham gia kinh doanh trên Airbnb phần nhiều là cá nhân và hộ gia đình, toàn bộ giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua mạng in-tơ-nét, được Airbnb thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế, không cần xuất hóa đơn hay có hệ thống sổ sách kế toán. Vì vậy, cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được doanh thu của họ nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thuế và ngân hàng cũng như quy định bắt buộc công ty này phải cung cấp đầy đủ các giao dịch phát sinh tại Việt Nam.

Phân tích quá trình phát triển của các mô hình KTCS ở Việt Nam, có thể thấy phần lớn mang tính tự phát, cơ quan quản lý khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức kiểm soát. Một phần nguyên nhân do hầu hết văn bản pháp luật chưa bắt kịp những thay đổi trong KTCS, nhiều chính sách mới ban hành thiếu đồng bộ khi xử lý hoạt động kinh doanh theo mô hình mới.

Chẳng hạn, về vấn đề thuế, theo Bộ Tài chính, nhìn chung các văn bản pháp lý liên quan nghĩa vụ nộp thuế đã gần như bao quát toàn bộ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên việc thực thi các chính sách vẫn còn khoảng trống. Việc quản lý thu thuế đối với các nhà cung cấp nền tảng trung gian là tổ chức, cá nhân nước ngoài không thành lập tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập tại Việt Nam là vấn đề khá hóc búa. Ðể thu thuế đạt hiệu quả tốt hơn, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan quản lý hoạt động KTCS trong việc hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới; tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét, thông tin trên mạng tại Việt Nam,…

Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế, bổ sung quy định về việc cấp mã số thuế cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua môi trường in-tơ-nét tại Việt Nam cũng như hướng dẫn cụ thể việc kê khai, nộp thuế qua mạng. Ðây là cơ sở để yêu cầu các đối tượng có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký, kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế với cơ quan thuế cho hoạt động kinh doanh hay phát sinh nguồn thu nhập ở nước ta. Ngoài ra, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế, phù hợp cam kết khi gia nhập WTO của Việt Nam, đồng thời cũng ràng buộc các đối tượng nêu trên phải tuân thủ pháp luật nước sở tại.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vấn đề tài chính, thu thuế vẫn chưa phải thách thức lớn nhất của các mô hình KTCS. Một chuyên gia về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cho biết, hoạt động cho vay ngang hàng (CVNH - Peer to peer lending) hiện mới có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia nhưng đã bắt đầu biến tướng và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn tài chính, tiền tệ. Một số sàn cho vay hiện nay ấn định lãi vay 18%/năm, nhưng lại thêm thu phí mỗi ngày 2.500 đồng/triệu đồng, tương đương lãi suất 90%/năm. Tính đủ các loại phí thì lãi suất cộng gộp đã lên tới 108%/năm.

"CVNH hoạt động đúng bản chất sẽ là một công cụ hữu ích để cung cấp các gói tín dụng khác nhau cho doanh nghiệp hoặc giúp hàng triệu người nghèo không có tài khoản ngân hàng được tiếp cận thuận lợi với những nguồn vốn vay. Nhưng với lợi nhuận lớn như vậy, liệu rằng người cho vay có thật sự chỉ là những người có tiền dư thừa hay thực chất là tín dụng đen núp bóng, còn người đi vay cũng không khó để trở thành đối tượng lừa đảo" - chuyên gia này cảnh báo.

Bên cạnh đó, dù không phải ngành nghề cấm kinh doanh, nhưng cơ quan quản lý hiện cũng chưa định danh được CVNH thuộc ngành nghề kinh doanh gì, chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành nào. Các giao dịch qua CVNH hầu như đều không bảo đảm giá trị pháp lý vì không có chữ ký điện tử để được công nhận là hợp đồng số theo Luật Thương mại điện tử. Nghiêm trọng hơn, nếu gặp sự cố kỹ thuật, sàn giao dịch mất hết thông tin như đã từng xảy ra đối với sàn giao dịch tiền ảo thì hệ lụy rất lớn, vì liên quan đến tài sản của hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người cho vay qua sàn.

Luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico phân tích: Ðối với CVNH, người đi vay không chịu sự kiểm soát nào của pháp luật nên rủi ro của người cho vay là khả năng mất tiền lớn. Còn rủi ro của người đi vay là phải vay với lãi suất cao, có khi gấp từ ba đến năm lần trần lãi suất quy định. Ðặc biệt, nếu công ty này huy động nhưng sau đó vỡ nợ, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật.

Rõ ràng, những rủi ro có thể gây ra từ hoạt động KTCS vẫn chưa được cơ quan quản lý kiểm soát tốt vì còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, chính sách. TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết: Chúng ta còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong KTCS. Ðiều này khiến cơ quan quản lý nhà nước không nắm được thông tin, có thể dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, cần quy định trách nhiệm của các bên đối với nhà nước một cách rõ ràng hơn, nhất là các đối tác ở bên ngoài biên giới.

Một vấn đề khác, các chính sách về quản lý lao động, việc làm và an sinh xã hội đối với người lao động và chủ sử dụng lao động trong KTCS chưa đủ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Hành lang pháp lý quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới cần hoàn thiện hơn, nhằm bảo đảm chủ quyền thanh toán đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam. Các quy định về an toàn thông tin cũng cần được bổ sung đầy đủ, xử lý triệt để hiện tượng bị mất thông tin hoặc sử dụng thông tin sai mục đích.

Ðể nâng cao hơn nữa hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với KTCS, việc cấp bách nhất lúc này là cần sớm sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật cũng như chính sách hiện hành để phù hợp mô hình mới, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong KTCS, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý. Chỉ có như vậy, mới góp phần tạo ra sự phát triển lành mạnh, đồng thời kiểm soát tốt rủi ro có thể đến từ các mô hình KTCS.

Ta-xi truyền thống phải chịu nhiều loại thuế và thuế suất cao, như thuế GTGT 10%, thuế TNDN 20%, còn Uber và Grab chỉ bị áp theo thuế suất GTGT 3% trên doanh thu được hưởng là bất bình đẳng trong kinh doanh. Các doanh nghiệp ta-xi truyền thống đều băn khoăn, liệu đã thu được thuế của toàn bộ các xe Grab, Uber đang hoạt động hay chưa, nhất là khi ngành thuế còn phải nhờ Hiệp hội Ta-xi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cung cấp số lượng xe Grab, Uber đang hoạt động. Câu chuyện thu thuế của Grab, Uber sẽ không hết "nóng", chừng nào chưa có đủ dữ liệu để tin tưởng rằng cơ sở pháp lý hiện hành "đo" được quy mô hoạt động của doanh nghiệp để tính toán nghĩa vụ thuế tương ứng.

TẠ LONG HỶ

Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi TP Hồ Chí Minh


Các đại biểu tham dự hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam”.

Bài 3: Xóa bỏ rào cản, thay đổi tư duy quản lý 

Sự bùng nổ của kinh tế chia sẻ (KTCS) là xu thế tất yếu, phù hợp tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại và tác động tích cực tới nền kinh tế. Dù là mô hình kinh doanh mới, nhưng KTCS không phải là một bộ phận tách rời hoặc thành phần riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, ban hành các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này có lẽ không cần thiết, cơ quan quản lý chỉ nên thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp xu thế kinh tế số và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Tạo "hành lang" thuận lợi

Ngày 13-10 vừa qua, sau nhiều lần sửa đổi, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục trình Chính phủ dự thảo mới nhất của nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô-tô.

Tuy nhiên, quy định về quản lý xe “hợp đồng điện tử” gây tranh cãi trong các dự thảo trước đó đã được xử lý bằng cách cấm luôn việc áp dụng hình thức “hợp đồng điện tử” đối với xe hợp đồng dưới chín chỗ (thường là ta-xi công nghệ), hoặc phải chuyển đổi sang loại hình ta-xi bình thường. Điều khó hiểu là trong tờ trình của Ban soạn thảo ghi rõ, phương án này dựa trên đề xuất của các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) ta-xi truyền thống, bỏ qua ý kiến của các đơn vị tham vấn có kinh nghiệm và uy tín trong xây dựng chính sách như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vốn có tư tưởng cởi mở, hiện đại, ủng hộ sự phát triển của các mô hình kinh tế mới áp dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, dự thảo lần này tuy mở rộng định nghĩa về dịch vụ vận tải, nhưng lại thiếu rõ ràng, mang hàm ý quy định tất cả các ứng dụng đặt xe hiện nay như Grab, FastGo, VATO, T.Net,... đều là đơn vị KDVT, do đó, phải tuân thủ tất cả các quy định quản lý và điều kiện KDVT hiện hành như các DN truyền thống. Điều này thể hiện hàm ý muốn “biến” ta-xi công nghệ thành ta-xi truyền thống, đơn vị ứng dụng kết nối trung gian thành đơn vị KDVT, đồng nghĩa với việc ép các mô hình ứng dụng công nghệ mới hoạt động theo khuôn khổ pháp lý cũ. Trên thực tế, đơn vị cung cấp nền tảng có vai trò kết nối và tạo điều kiện cho việc giao kết hợp đồng, khi bị buộc trở thành đơn vị KDVT đã làm biến đổi bản chất DN cũng như phủ nhận vai trò chuyên môn hóa trong chuỗi giá trị, đi ngược xu thế toàn cầu.

Từ dự thảo nêu trên của Bộ GTVT, cho thấy dường như các cơ quan quản lý vẫn giữ tư duy cũ, “không quản được thì cấm”, thậm chí nếu thấy rắc rối, phức tạp là cấm luôn. Thế nhưng xét cho cùng, Uber, Grab hay FastGo cũng chỉ là hiện tượng của một xu thế, cách làm nêu trên tuy có thể “quản” được hiện tượng, chứ khó có thể “cản” được một xu thế. Nếu cho rằng cần bảo đảm để những mô hình này ngang bằng về lợi thế chính sách và thị trường so với DN truyền thống, phải chăng chúng ta đang hạn chế sự phát triển và ứng dụng công nghệ mới, kìm hãm sức sáng tạo trong nền kinh tế? Hoặc nhân danh bảo vệ quyền được an toàn của người tiêu dùng khi đi lại bằng ta-xi công nghệ, đồng thời cũng tước đi cơ hội được đi ta-xi giá rẻ và tiện lợi hơn của họ.

Nếu e ngại rằng Nhà nước thất thu thuế, thì cơ quan quản lý nghĩ gì về những lợi ích to lớn mà KTCS đang mang lại cho cả nền kinh tế đất nước cũng như ngân sách nói riêng? Và cuối cùng, khi coi các mô hình như Grab, FastGo,... đơn thuần là dịch vụ KDVT và áp đặt quy chế quản lý chung, sẽ triệt tiêu cơ hội việc làm và thu nhập của hàng chục nghìn người đang sở hữu ô-tô riêng và nhàn rỗi. Tương tự, siết chặt quản lý đối với hoạt động của Airbnb như cơ sở lưu trú thông thường, những người có phòng trọ nhàn rỗi như bà Hậu sẽ mất đi khoản thu nhập đều đặn hằng tháng.

Thực tế, cần nhìn nhận KTCS đã và đang gây ra không ít mâu thuẫn cũng như rắc rối với hiện trạng quản lý xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà làm chính sách sẽ tư duy nó từ góc độ nào, nhận diện đó là thách thức hay cơ hội?

Quan trọng hơn, vai trò của Nhà nước là bảo vệ quyền lợi của người dân, người tiêu dùng, tiếp đó là hỗ trợ DN phát triển để tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội chứ không cản trở quá trình đó. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phân tích: Mô hình kinh doanh mới đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, nếu không sẽ bế tắc. Đáng tiếc, cách tiếp cận của chúng ta với Grab, Uber đã không chuẩn chỉ từ đầu, không xác định đó là mô hình kinh doanh mới, thay vào đó lại đặt vấn đề Grab, Uber có phải ta-xi hay không, có cho hoạt động hay không,… hạn chế gia nhập thị trường nên càng thảo luận càng lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan quản lý cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo trào lưu phát triển của công nghệ cũng như những phương thức kinh doanh mới, không thể chỉ sử dụng thủ tục hành chính như một công cụ để can thiệp thô bạo thị trường.

“Dọn đường” cho đổi mới sáng tạo

Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu đã xác định KTCS là “cơ hội vàng” của nền kinh tế đất nước trong tương lai, chúng ta cần chuẩn bị tốt để nắm bắt mà trước tiên, thay vì cản trở, phải có các chính sách tạo sự chủ động phát triển cho các hoạt động này. Phần lớn ý kiến khá thống nhất hiện nay cho rằng, điều kiện cần và đủ để thúc đẩy KTCS ở Việt Nam gồm ba yếu tố: nguồn nhân lực đủ trình độ, nền tảng công nghệ phù hợp và môi trường pháp lý khuyến khích. Theo kiến nghị của Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh, Nhà nước nên nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để “dọn đường” cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh mới; khẩn trương đào tạo nguồn “nhân lực số”; kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm,…

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có KTCS; đồng thời, tạo điều kiện để mọi công dân được tham gia vào các hoạt động KTCS bằng những chính sách hỗ trợ như đơn giản các thủ tục cấp phép, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng từ các hoạt động chia sẻ. Quan trọng nhất là phải tạo dựng được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa KTCS và kinh tế truyền thống qua việc rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp của lĩnh vực kinh doanh truyền thống, nhất là các điều kiện bó buộc hơn so với KTCS.

Cùng với đó, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với DN cung cấp nền tảng, đặt DN vào vị trí trung tâm. Nhà nước khuyến khích, ưu tiên nâng cao năng lực sáng tạo nội bộ DN, từ năng lực thiết kế ý tưởng tới triển khai và vận dụng vào sản xuất, kinh doanh. Đối với một số hoạt động cung cấp nền tảng có nguy cơ rủi ro, có thể cho phép thử nghiệm trong phạm vi hẹp. Đặc biệt, cần hiểu rõ và tôn trọng tính đổi mới, sáng tạo của DN công nghệ, tránh khiên cưỡng, áp đặt các quy định cũ vào mô hình kinh doanh mới, qua đó khuyến khích khai thác lợi thế chia sẻ kết nối, lợi thế công nghệ. Xây dựng cơ chế để giảm tác động tiêu cực cho các bên trong hoạt động KTCS như cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ cũng như người tham gia những rủi ro có thể xảy đến. Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, yêu cầu cấp bách hiện nay về nâng cao năng lực quản lý nhà nước là bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức cũng như chủ quyền trên không gian mạng. Còn đối với các cá nhân, tổ chức tham gia KTCS cũng cần được nâng cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm về khai báo thông tin về các hoạt động kinh doanh cho các cơ quan quản lý, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế, và các quy định quản lý chuyên ngành.

Mang khát vọng của DN khởi nghiệp, ông Mã Hoàng Hải và những người sáng lập Công ty cổ phần Rada mong muốn được Chính phủ tạo vùng thử nghiệm cho các DN hoạt động theo mô hình KTCS trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Có như vậy, mới giảm bớt rủi ro và tạo lực đẩy chính sách giúp DN tận dụng cơ hội quý từ KTCS. Băn khoăn lớn nhất của các DN đang hoạt động theo mô hình KTCS lại đặt nặng vào vấn đề pháp lý. “Khi chúng tôi gọi vốn để mở rộng kinh doanh, các nhà đầu tư đều tỏ ra ngại ngần về vấn đề thủ tục pháp lý. Câu hỏi lớn được đặt ra, nếu chính sách thay đổi, vốn của nhà đầu tư có được bảo toàn?” - Giám đốc Rada Mã Hoàng Hải trải lòng. Sự dè dặt của nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở, vì Rada là DN cung cấp nền tảng tổng hợp kết nối các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống, nên bản thân DN cũng không biết đăng ký kinh doanh ngành nghề nào, cần đáp ứng điều kiện kinh doanh gì.

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Đề án mô hình KTCS để phân tích rõ hơn những tác động từ mô hình này đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhằm phát huy tính tích cực và giảm tiêu cực cho các bên tham gia. Trong đề án, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khá rõ ràng, không cần thiết phải có chính sách riêng biệt cho KTCS, tuy nhiên Nhà nước cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp với xu thế mới của kinh tế số và CMCN 4.0. Trong đó, nhấn mạnh việc nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của các mô hình KTCS. Nếu tinh thần “mở” này được quán triệt đến tất cả các bộ, ngành, thấm vào từng chính sách thì những người như bà Hậu hay hàng chục nghìn lái xe Grab sẽ không phải băn khoăn lo lắng cho tương lai của mình. Quan trọng hơn, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể thật sự “mở đường” cho sự phát triển của KTCS, từ đó tận dụng tốt được các cơ hội do trào lưu kinh tế này mang lại, biến nó thành động lực đưa đất nước bứt phá.

Chính sách và khung khổ pháp lý cho KTCS luôn là thử thách không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước vì chu kỳ cập nhật chính sách thường không theo kịp sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Do đó, các cơ quan quản lý cần tạo ra một hành lang pháp lý ban đầu, có sự cập nhật thường xuyên để kịp thích ứng và cởi trói, loại bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết để các DN truyền thống kịp thời thoát ra khỏi lớp vỏ cũ và tiếp nhận công nghệ một cách tích cực.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân

 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn: www.nhandan.com.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển