Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 24/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

KÍCH HOẠT NGUỒN LỰC NHÀ NƯỚC - BÀI HỌC GÌ RÚT RA TỪ THƯƠNG VỤ THOÁI VỐN SABECO

Kích hoạt nguồn lực nhà nước

Bộ Công thương thở phào với kết quả có thể nói là hơn cả mong đợi sau khi thu về gần 110.000 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD) từ thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco.

 

Nhìn từ thương vụ thoái vốn tại Sabeco, mục tiêu cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang đi đúng hướng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hẳn sẽ còn nhiều phân tích, nhận định từ thương vụ đang giữ kỷ lục về số tiền thu được từ thoái vốn nhà nước tại một doanh nghiệp như Sabeco. Câu chuyện cũng không dừng lại ở việc ngân sách nhà nước có thêm 4,8 tỷ USD và Sabeco sẽ “thay máu” dưới quyền điều hành của cổ đông lớn nhất, nắm giữ hơn 53% cổ phần là Công ty TNHH Vietnam Beverage với các mối liên quan mật thiết tới tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Nhưng, điều quan trọng nhất cần phải khẳng định là mục tiêu cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang đi đúng hướng.

Đó là tập trung nguồn lực cho việc thực hiện đúng vai trò đã được xác định của khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Đó là cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước đầu tư làm dịch chuyển tài sản nhà nước từ các ngành, lĩnh vực không phù hợp vai trò của kinh tế nhà nước để chuyển sang các ngành, lĩnh vực cần vai trò này.

Kế hoạch tiếp tục thoái vốn nhà nước tại Sabeco và những doanh nghiệp được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách nhà nước đã được bàn tới vài năm trước. Song khi đó, khá nhiều ý kiến cho rằng, đây là nguồn thu của ngân sách và nếu bán hết thì Nhà nước còn gì...

Hệ quả là những đề xuất thoái vốn nhỏ giọt, không hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, hoạt động của các doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn, cổ phần hóa luôn ở thế bấp bênh, chờ đợi... Đáng lo ngại nhất là sự dàn trải của vốn, tài sản nhà nước trong các ngành, lĩnh vực không được kiểm soát.

Kết quả đánh giá cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, cũng như các kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn thực hiện kế hoạch tái cơ cấu  2011-2015 cho kết quả là hầu như không ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước. Tốc độ tăng vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước còn nhanh hơn tốc độ tăng của phần thu về từ bán vốn nhà nước cho các thành phần kinh tế khác. Thậm chí, vốn thu về nhưng không được đầu tư và chuyển dịch sang các ngành nghề cần tới vai trò của kinh tế nhà nước... Có nghĩa, hoạt động này chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế.

Thêm nữa, hiệu quả quản trị của khu vực này luôn được nhận định là ở mức kém với hàng loạt lý do khác nhau. Bên cạnh đó, có một thực tế là, sử dụng 70% đất đai và 70% vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong khu vực sản xuất, kinh doanh, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước mới đóng góp khoảng 30% GDP. Mặc dù vốn chủ sở hữu tăng, nhưng giai đoạn 2011-2015, khu vực này chỉ đóng góp bình quân 22% nguồn thu của ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp so với khu vực kinh tế khác...

Phải nhắc lại con số mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã công bố. Đó là tổng tài sản của doanh nghiệp do Nhà nước giữ trên 50% cổ phần hiện rất cao. Vì vậy, nếu soi vào Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020 (ban hành theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg), chỉ cần thực hiện đúng tiến độ, với nguyên tắc là tối thiểu hóa tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp, thì giá trị sổ sách phần vốn nhà nước thu hồi từ hoạt động này có thể đạt trên 296.000 tỷ đồng.

Sự thành công của thương vụ thoái vốn của Sabeco mới là bước khởi đầu. Chắc chắn, nền kinh tế sẽ còn kích hoạt tiếp những nguồn lực chưa phát huy hết hiệu quả khi các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được đặt song song với yêu cầu tuân thủ nghiêm kỷ luật thị trường trong công tác quản trị khu vực doanh nghiệp này.

Bảo Duy

 

Bài học gì rút ra từ thương vụ thoái vốn Sabeco?

Đồ thị cổ phiếu SAB rớt giá 2 phiên liên tiếp sau thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công ngày 18.12.2017.

Cổ phiếu SAB của Sabeco hiện đang là tâm điểm sự chú ý vì là một trong những thương vụ thoái vốn Nhà nước lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Bộ Công Thương thu về gần 110 nghìn tỉ đồng với giá bán SAB “quá hời” là 320.000 đồng/cổ phiếu. 

Chốt phiên ngày 20.12, giá SAB tụt sâu xuống còn 267.500 đồng/cổ phiếu. Tính sơ, Vietnam Beverage đang tạm “lỗ” khoảng 18.000 tỉ đồng. Nếu xét về khía cạnh kinh tế, Bộ Công Thương đã thành công rực rỡ vì đã mang lại một lượng ngoại tệ rất lớn, giúp củng cố ngân sách. Nhưng có chuyên gia lại cho rằng, thương vụ thoái vốn Sabeco và Vinamilk, chúng ta đang bị mất thương hiệu Việt.

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) về câu chuyện thoái vốn Sabeco và bài học rút ra cho các lần thoái vốn DNNN sắp tới.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh.

- Ông đánh giá như thế nào về thương vụ thoái vốn Sabeco “ồn ào” trong thời gian qua?

- Theo tôi việc thoái vốn ở Sabeco là thành công bởi chúng ta đã bán được với giá cao cho nhà đầu tư nước ngoài. Giá cao phản ánh ở mức định giá PE >45 với giá bán 320.000đ/CP trong khi trung bình ngành trong khu vực chỉ xấp xỉ một nửa. Việc bán được cho đối tác nước ngoài cũng mang lại một lượng ngoại tệ rất lớn, giúp nhanh chóng củng cố ngân sách và gia tăng nội lực.

- Trước khi cuộc đấu giá chính thức diễn ra, nhiều nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu Sabeco đang quá cao nếu tham chiếu so với giá cổ phiếu Vinamilk. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Thương vụ thoái vốn ở Sebeco có thể nói là một thương vụ vô cùng hiếm bởi trên thế giới không còn một Cty bia lớn nào lại bán trên 50% ngay trong một đợt chào bán. Đây là sự khác nhau cơ bản giữa thoái vốn ở Sabeco và Vinamilk vì ở Vinamilk việc thoái vốn được chia làm nhiều lô nhỏ. Bởi tính chất hiếm của thương vụ Sabeco nên phía người mua cũng rất chọn lọc bởi không phải đối tác nào cũng có đủ năng lực để tiếp quản Sabeco hay có sẵn một lượng lớn tiền mặt.

- Theo ông, từ việc thoái vốn thành công của Sabeco, chúng ta có thể rút ra được kinh nghiệm gì cho các lần thoái vốn của DNNN tiếp theo?

- Nhìn ở góc độ khách quan, thành công cơ bản là chúng ta phải bán được với giá cao, càng cao càng tốt bởi xét cho cùng tiền bán được thuộc về ngân sách hay của người dân nói chung. Xét ở góc độ này, việc định giá và tìm người mua cần phải thực hiện đồng thời và khéo léo. Cách thức lựa chọn đơn vị tư vấn, lựa chọn địa điểm thực hiện road show, phương thức cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư… tựu chung là chiến lược bán phải thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp.

- Mặc dù thương vụ thoái vốn Sabeco và Vinamilk được cho là thành công nhưng có ý kiến cho rằng chúng ta đang bị mất thương hiệu Việt, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Chủ trương nới room lên trên 49% đã được thông qua nhiều năm và kết quả là nhiều DN đang niêm yết đã có tỉ lệ sở hữu nước ngoài trên 50%. Nếu nói tỉ lệ nước ngoài sở hữu trên 50% đồng nghĩa mất thương hiệu Việt là việc cần phải xem xét lại bởi những DN có tỉ lệ sở hữu nước ngoài trên 50% hiện vẫn đậm chất Việt.

Tôi hiểu quan điểm của người đang lo lắng việc mất đi thương hiệu Việt. Tôi cho rằng lòng tự tôn dân tộc là điều rất đáng trân trọng. Nhưng cần nhìn vào thực tế phát triển kinh tế Việt Nam hiện tại, đó là chúng ta đang phải dựa vào dòng vốn nước ngoài để có tăng trưởng, điển hình là khối FDI mới thực sự đang tạo ra động lực cho tăng trưởng GDP trong nhiều năm qua.

Nhìn một cách tổng thể, khối DNNN và tư nhân Việt Nam chưa đủ mạnh và vì vậy trước mắt chúng ta phải tận dụng cơ hội để thu hút dòng tiền nước ngoài, tạo lập nội lực để từ đó phát triển khối doanh nghiệp trong nước. Tôi rất hy vọng những chính sách phát triển kinh tế đúng đắn sẽ giúp chúng ta có những sản phẩm mang thương hiệu Việt tầm cỡ khu vực và hướng ra toàn thế giới trong 3 đến 5 năm tới.

- Ông Phan Đăng Tuất - nguyên Chủ tịch Sabeco - trả lời PV báo chí cho rằng nên giữ quan điểm ưu tiên bán cho các DN nội dù giá có thấp hơn. Nhắc lại những thương hiệu một thời như Dạ Lan, Tribeco, ông Tuất nhấn mạnh: “Tôi đã nói cả trong hội nghị Chính phủ, là cổ phần hóa không phải bán đi lấy tiền bằng mọi giá mà làm sao để thay đổi phương thức quản lý, nâng cao quản lý để hiệu quả hơn, nhà nước không còn bận tâm đi sản xuất”. Ông đánh giá sao về quan điểm này?

- Tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này ở góc nhìn từ ngân sách và đồng tiền của người dân như đã nêu ở trên. Tuy vậy tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp thoái vốn mà một số trong đó không thực sự thành công dù bên mua là DN Việt. Lý do là sau thoái vốn, quản trị doanh nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng. Xuất hiện lợi ích nhóm của cổ đông lớn, dòng tiền của DN bị giữ lại để chuyển sang các dự án của cổ đông lớn mà không trả cổ tức.

- Nối bước Sabeco sẽ là hàng loạt “hàng hot” như Habeco, Petrolimex, ACV, VEAM, Vigacera… ông đánh giá về tiềm năng của những cổ phiếu này như thế nào?

- Đây đều là các doanh nghiệp hàng đầu với thị phần và lợi nhuận rất lớn. Các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong đợi việc CPH và thoái vốn ở các doanh nghiệp này bởi khó tìm thấy ở đâu trên thế giới có những doanh nghiệp lớn tại một quốc gia đông dân và phát triển nhanh như Việt Nam. Tôi rất hy vọng với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp đó tiếp tục thành công, thể hiện ở việc giá bán cao và đối tác mua là những đối tác có uy tín và tiềm lực mạnh, mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp sau thoái vốn.

- Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng: Bán Sabeco thành công là do niềm tin vào kinh tế Việt Nam

Ngày 20.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: “Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, “Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

LAN HƯƠNG THỰC HIỆN

Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn: baodautu.vn; laodong.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển