Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 11/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

KHÔNG SÁP NHẬP CƠ HỌC

- Bài 1: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Bài 2: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Để bảo đảm hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tinh gọn, phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đang từng bước được thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có lộ trình, nguyên tắc sáp nhập cụ thể, gắn với nhu cầu của thị trường, của nền kinh tế đất nước thời gian tới.

Tuyển sinh tăng, nhưng bất cập về trình độ đào tạo

“Vấn đề sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đơn giản là chuyện của từng bộ, ngành, từng địa bàn, mà Chính phủ cần phải có ủy ban sắp xếp lại mạng lưới tổng thể trên cả nước, xác định nhu cầu lao động quốc gia trong tương lai, phục vụ cho sự phát triển đất nước”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình

Theo thống kê đến ngày 31.12.2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN. Trong đó: 397 trường cao đẳng (309 trường công lập, 84 trường tư thục và 4 trường có vốn đầu tư nước ngoài), 519 trường trung cấp (283 trường công lập, 235 trường tư thục và 1 trường có vốn đầu tư nước ngoài) và 1.032 trung tâm GDNN (679 trung tâm công lập, 351 trung tâm tư thục và 2 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài).

Tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ với lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan sáng 18.3, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, thời kỳ khủng hoảng của GDNN những năm 2012 - 2015, tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp chỉ đạt khoảng 40%. Sau khi Luật GDNN có hiệu lực, công tác tuyển sinh các năm 2017 - 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, cả nước tuyển sinh được 2.204.400 người, đạt 100,1% so với kế hoạch; năm 2018 là 2,2 triệu người...


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc 
Ảnh: Thái Bình

Cơ cấu ngành nghề trong tuyển sinh GDNN đã từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành, nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và theo nhu cầu thị trường lao động; mở thêm nhiều ngành, nghề đào tạo mới phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. Nếu như danh mục nghề đào tạo năm 1992 chỉ có 226 nghề đào tạo, thì đến năm 2015 đã ban hành danh mục 426 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 484 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp và đến năm 2019, số lượng ngành, nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng là 630 ngành, nghề; trình độ trung cấp là 871 ngành, nghề bao trùm mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cơ cấu các cấp trình độ đào tạo trong GDNN vẫn còn bất cập, số lượng tuyển sinh tập trung ở trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25% tổng số tuyển sinh cả nước. Bên cạnh việc tuyển sinh thuận lợi đối với những ngành, nghề phổ biến, có nhu cầu cao trong xã hội, một số lĩnh vực ngành, nghề tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, hay các lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao đòi hỏi cao về năng khiếu.

Rối quy hoạch mạng lưới

Triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quy định tại Điều 8, Luật GDNN, phù hợp với Luật Quy hoạch, tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào quý II.2020. Tháng 8.2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 3487/LĐTBXH-KHTC hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý. Về lộ trình thực hiện, bảo đảm giảm tối thiểu 10% cơ sở GDNN công lập đến năm 2021, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đến năm 2025.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN nhằm giảm bớt đầu mối đơn vị sự nghiệp, tinh gọn bộ máy; tiết kiệm ngân sách; phát huy được các nguồn lực và thế mạnh hiện có, khắc phục sự chồng chéo trong tuyển sinh... Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đang vướng với các bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, chất lượng GDNN ở trung ương, bộ, ngành khá tốt, nhưng ở địa phương, đặc biệt là cấp huyện khó khăn. Nhiều cơ sở hoạt động không mấy hiệu quả, không có trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo, chứ chưa nói học xong làm nghề gì. Do đó, cần sắp xếp hệ thống cơ sở GDNN gọn nhẹ, nhưng chất lượng tốt, góp phần làm giảm đầu mối biên chế, tránh lãng phí.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện có 31 trường, 28 trường cao đẳng và 3 trường trung cấp, trong đó cán bộ quản lý và giáo viên trong biên chế của các cơ sở GDNN là gần 3.500 người. Tuy nhiên, đại diện Bộ này thừa nhận, chỉ 1/3 các trường tuyển sinh tốt, bảo đảm chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường có việc làm, 1/3 trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, thậm chí không tuyển được mấy học sinh, nhưng vẫn phải chi lương cho giáo viên và bộ máy hoạt động. Vì thế, kiến nghị nên có cơ chế, chính sách cho người lao động để khuyến khích sắp xếp, giải thể. Nếu sáp nhập cơ học các trường cùng địa bàn, thì đó là cách làm nhanh, nhưng chưa chắc sau đó các trường có thể hoạt động tốt, chưa kể những vấn đề về chương trình học, bộ máy quản lý... Việc quy hoạch sắp xếp cũng cần hài hòa, dựa trên đánh giá chất lượng, khả năng tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu việc làm của các trường...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, bài toán ở đây là sắp xếp lại các cơ sở GDNN gắn với nhu cầu thị trường, nhu cầu tổng thể của nền kinh tế trong 5 - 10 năm tới, cần bao nhiêu lao động, phân bổ trong những lĩnh vực nào, tiêu chuẩn ra sao... Việc xây dựng dự báo nhân lực qua đào tạo nghề của quốc gia đã được đặt ra, nhưng đó chỉ là một bước, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được hệ thống thông tin để thu thập, dự báo xu thế, phân bổ nhu cầu về nguồn lao động qua đào tạo nghề... trên cơ sở đó cấu trúc lại hệ thống cơ sở GDNN. 

Ngọc Phương

 

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Để thực hiện lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 được Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị đưa ra, đòi hỏi có quyết tâm rất cao của các cơ quan chức năng, vì sức ép thời gian và khối lượng công việc là rất lớn. Nhưng nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị, không thực hiện sáp nhập một cách cơ học, mà cần tính toán để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương.

Sắp xếp hợp lý ngay trong năm 2019

Các đơn vị hành chính ở nước ta đã có nhiều thay đổi từ khi thống nhất đất nước đến nay, thậm chí còn kéo dài đến khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.  Việc chia, tách đơn vị hành chính các cấp ở một số địa bàn giúp chính quyền sát với dân hơn,và với đầu tư từ ngân sách đã giúp tình hình kinh tế - xã hội ở một số địa bàn thay đổi. Nhưng quá trình chia, tách này, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, cũng làm nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây nhiều khó khăn. Sự chia cắt này đã làm cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển bị phân tán; đồng thời, làm tăng tổ chức bộ máy, biên chế và chi ngân sách nhà nước cho các địa phương. Các đơn vị được chia tách có thay đổi về kinh tế - xã hội, song về cơ bản các đơn vị cấp huyện, cấp xã vẫn trong tình trạng thu không đủ cân đối chi thường xuyên, chủ yếu phải nhận hỗ trợ.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Pháp luật
Ảnh: Phương Thủy

Trước thực tế này, tại Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã xác định rõ: Đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; từ năm 2021 - 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37, trong đó xác định đến năm 2019 phải cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. 

Cần tính toán kỹ càng

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho rằng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là một chủ trương rất lớn, có rất nhiều việc cần làm. Tại thời điểm này, các cấp cũng đang thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy các sở, ngành. Trong khi đó, đầu năm 2020 đã phải tiến hành các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã. Một lúc triển khai hai chủ trương lớn với khối lượng công việc đồ sộ đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao mới thực hiện được.

Theo các văn bản chỉ đạo hiện hành, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ngoài căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số thì cần chú trọng đến các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư để bảo đảm sự kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm ổn định trật tự, giữ vững an ninh quốc phòng.

Nhưng bên cạnh các yếu tố được đề nghị cân nhắc nên trên, tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Pháp luật, thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH, nhiều ý kiến còn băn khoăn về tiêu chuẩn khi nhập một số đơn vị hành chính ở nông thôn hoặc đô thị vào một đơn vị hành chính ở đô thị khác. Đại diện Bộ Xây dựng băn khoăn về những trường hợp đơn vị hành chính nông thôn sáp nhập vào đơn vị hành chính đô thị khiến đơn vị hành chính mới không đáp ứng được tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị (về tỷ trọng đơn vị trực thuộc là đơn vị hành chính đô thị, về trình độ phát triển kinh tế - xã hội…).

Đây cũng là băn khoăn của Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo, vì lẽ khi đơn vị hành chính mới không đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị thì không biết nên gọi là nông thôn hay đô thị. Thậm chí, từ thực tế địa phương mình ứng cử, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là một trong những địa phương phải tiến hành sáp nhập với đơn vị hành chính khác, do không đáp ứng tiêu chuẩn đề ra. Song nếu như sáp nhập huyện này vào thành phố Điện Biên Phủ hiện nay, thì không chỉ làm diện tích thành phố tăng gấp 3 lần, mà phải tính đến việc một số xã có đường biên giới khó có thể vươn lên, đáp ứng các tiêu chuẩn của một đơn vị hành chính đô thị trong thời hạn 5 năm (được Chính phủ đề xuất). Sẽ rất lâu để những địa phương này hoàn thành tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị là điều không khó nhìn ra - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Ngoài ra, với yếu tố truyền thống lịch sử của một đơn vị cũng được đưa ra để cân nhắc có tiến hành sáp nhập vào đơn vị hành chính khác hay không, thì nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán hợp lý về căn cứ này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho rằng, nước ta có lịch sử mấy nghìn năm, với rất nhiều đơn vị hành chính có truyền thống cũng đến hàng nghìn năm, nên nếu định lượng không cẩn thận về tiêu chí này sẽ trở thành “bia đỡ” cho nơi ngại thực hiện.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ làm thay đổi về diện tích, dân số, mà còn ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị ở các đơn vị sau sắp xếp, cũng như cuộc sống của người dân. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành và các địa phương đã phải bắt tay ngay vào tiến hành xây dựng Đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, thành phố mình quản lý, cũng như chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho sự vận hành của bộ máy chính quyền  mới.

Có thể thấy, thời gian để thực hiện yêu cầu sáp nhập các xã, huyện chỉ đáp ứng 50% tiêu chuẩn về dân số và diện tích  chỉ còn 9 tháng, vì đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện sẽ được tiến hành từ đầu năm 2020, nên cần hoàn thành ngay trong năm 2019 này. Khối lượng công việc cần hoàn thành là rất lớn, nên phải có quyết tâm rất cao của các cấp, các ngành mới thực hiện được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cũng không thể tiến hành sáp nhập cơ học các đơn vị hành chính trong diện thực hiện, mà phải tính toán rất kỹ càng.

Thanh Hải
Nguồn: www.daibieunhandan.vn
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển