Đúng là hiện nay, đi đâu cũng nghe đến chuyện “khởi nghiệp”, từ “đô thị khởi nghiệp”, “thành phố khởi nghiệp” đến “thủ đô khởi nghiệp”. Từ “khởi nghiệp” nay đã được dùng phổ biến thậm chí còn hơn cả cụm từ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đó là những từ, cụm từ để chỉ sự thay đổi lớn, nếu không muốn nói là cuộc cách mạng trong tư duy xây dựng nền kinh tế. Thế nhưng, có vẻ như cách bàn về chuyện “khởi nghiệp” ở nhiều nơi vẫn loanh quanh theo lối tư duy cũ.

 Ảnh minh họa.

Tạo điều kiện thuận lợi cho “khởi nghiệp” (start up) không nên chỉ dừng ở mức thông thoáng hóa trong cơ chế quản lý để nhiều doanh nghiệp được sinh ra. Bởi Việt Nam ta trong mấy năm qua, kể cả những lúc nền kinh tế khó khăn nhất, mỗi năm cũng có tới dăm chục nghìn doanh nghiệp ra đời, hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ ấy của Việt Nam về hình thức có thể gọi là “doanh nghiệp khởi nghiệp”, nhưng họ chưa tạo ra được động lực đột phá để phát triển nền kinh tế.

Thực trạng ấy của chúng ta khác với ở I-xra-en - quốc gia được coi là một hình mẫu về “khởi nghiệp”. Động lực phát triển của đất nước I-xra-en chính là nhờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy điều khác biệt của đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở hai nước là gì? Đó chính là ở tư duy sáng tạo, ở ý tưởng tạo ra cái mới.

Tại Việt Nam, bấy lâu nay, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ là “sân sau” của các doanh nghiệp lớn, của các “đại gia”, được dựng lên để thu gom lợi ích. Vì thế, doanh nghiệp đã nhỏ lại rất mong manh. Còn ở các “quốc gia khởi nghiệp” thành công như I-xra-en thì “doanh nghiệp khởi nghiệp” có thể bắt đầu từ con số khiêm tốn về nguồn lực vật chất và tài chính. Nhưng có một nguồn lực mà họ dứt khoát phải ở con số ưu, đó là nguồn lực ý tưởng. “Doanh nghiệp khởi nghiệp” phải là doanh nghiệp được sinh ra để tạo ra và thực thi những ý tưởng mới, mà phần lớn trong số đó là các ý tưởng về công nghệ mới. Khi đã có ý tưởng để tạo ra các sản phẩm mới đầy hứa hẹn thì sẽ không thiếu những nhà đầu tư tranh nhau “chộp” ngay lấy, sẵn sàng đổ tiền vào cho dự án đó, bởi vì họ nhận rõ nếu đầu tư một, hiệu quả có thể là mười. Các “doanh nghiệp khởi nghiệp” nhờ đó mà lớn mạnh nhanh chóng. Facebook của chàng sinh viên Mắc Giắc-cơ-bơ (Mark Zuckerberg)-chàng trai này nay đã trở thành tỷ phú-chính là một ví dụ điển hình cho sự thành công vĩ đại của “doanh nghiệp khởi nghiệp”. Ý tưởng của Mắc Giắc-cơ-bơ là tạo ra một mạng xã hội thông minh để mọi người ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể liên kết, chia sẻ thông tin với nhau. Chẳng đâu xa, ngay tại Việt Nam, Tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải trở nên nổi như cồn cũng bởi là người nghiên cứu, chế tạo kính thông minh dẫn đường cho người mù, điều mà lâu nay chẳng ai nghĩ tới, chẳng ai làm được. Và ngay khi nghe Nguyễn Bá Hải trình bày, Thủ tướng Chính phủ đã sẵn sàng đầu tư cả triệu USD cho dự án hiệu quả và đầy nhân văn đó.  

Vì thế, động lực để thúc đẩy sự nở rộ “doanh nghiệp khởi nghiệp” không chỉ ở giảm thuế, thông thoáng trong đăng ký kinh doanh, mà là cần phải có những cầu nối, những “bà đỡ” cho các doanh nghiệp có ý tưởng mới. Ví dụ như, cần phải có quỹ đầu tư sáng tạo (hay có thể gọi là quỹ đầu tư mạo hiểm), các trung tâm xúc tiến ý tưởng. Đây sẽ là những nơi quy tụ, trân quý những người giàu khát vọng, có ý tưởng mới, từ đó, hoặc là Nhà nước cho vay vốn để thực hiện ý tưởng, hoặc Nhà nước sẽ bảo lãnh, sẽ trở thành trung gian đi tiếp thị các ý tưởng ấy cho các doanh nghiệp phù hợp.

Điều cốt yếu của nền kinh tế tri thức hiện nay không phải là anh có vốn hay không, mà là: Anh có ý tưởng nào mới để tạo ra một cuộc cách mạng, để vượt lên hay không?

HỒ QUANG PHƯƠNG

Theo qdnd.vn