Việc LCCB không nằm ngoài mục đích giúp ĐNCB được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và thử thách trong thực tiễn mới, trên cương vị công tác mới, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch.
Phá vỡ chiếc “kén” mang tên "cục bộ, bè cánh"
Công tác điều động, LCCB gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương được Đảng ta thực hiện từ nhiều năm trước nhằm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng hiệu quả ĐNCB. Việc luân chuyển không chỉ tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết mà còn góp phần quan trọng khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Từ sau Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động và luân chuyển nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý từ Trung ương về địa phương, từ địa phương lên Trung ương và từ địa phương này sang địa phương khác. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến hết năm 2019, toàn hệ thống chính trị đã điều động, luân chuyển 29 cán bộ diện Trung ương quản lý giữ chức vụ bí thư, phó ban đảng, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy và phó chủ tịch UBND tỉnh; 704 cán bộ từ cấp tỉnh về huyện và 380 cán bộ từ cấp huyện lên tỉnh; hơn 3.600 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và hơn 1.700 cán bộ từ cấp xã lên huyện...
Việc LCCB gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương được cấp ủy các cấp tập trung triển khai, thực hiện và đạt kết quả tích cực; phát huy tính sáng tạo, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của ĐNCB. Khi được luân chuyển về các địa phương tuy không phải quê hương bản quán, nhưng nhiều cán bộ lãnh đạo, chủ chốt đã phát huy kinh nghiệm, trình độ năng lực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tổ chức đảng nơi công tác trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, chuyển biến rõ nét nhất là đã phá vỡ được chiếc “kén” mang tên "cục bộ, bè cánh" vốn đã tồn tại từ lâu trong công tác cán bộ ở các địa phương.
Nhất quán chủ trương trên, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành nghị quyết về tập trung xây dựng ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai thực hiện nghị quyết bằng việc ban hành quy định, kế hoạch về LCCB. Ví như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Quy định số 16-QĐi/TU ngày 2-7-2018 về LCCB; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh ban hành Kế hoạch LCCB lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025; nhiều tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo tốt việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ một cách nghiêm túc, chặt chẽ, nhất quán với tinh thần chỉ đạo và chủ trương của Trung ương. Đây thực sự là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa của Trung ương và các địa phương nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp cán bộ phát huy trí tuệ, năng động, sáng tạo, tiếp cận và trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh tại cơ sở; chuẩn bị tốt nguồn nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhân sự bầu cử HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, ở một vài cán bộ vẫn ít nhiều biểu hiện chưa thật đồng thuận, lập luận rằng, cán bộ địa phương phải là người địa phương thì mới hiểu được văn hóa, lịch sử, có đóng góp tích cực hơn cho cơ sở. Hơn thế, việc LCCB để bổ nhiệm cương vị chủ trì, chủ chốt thường tạo tâm lý không thoải mái cho một số cán bộ, đảng viên ở nơi có cán bộ được luân chuyển về. Một số ý kiến băn khoăn, tỏ ý không muốn có người từ nơi khác về lại được đề bạt, bổ nhiệm theo kiểu “chen ngang”, làm “cản đường” phát triển của cán bộ tại chỗ... Chính vì những biểu hiện tâm lý đó mà ở một số nơi "vô hình trung" gây khó cho công tác LCCB. Khó khăn là vậy, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các cấp ủy đã và đang rất quyết tâm, quyết liệt đẩy mạnh bố trí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, cán bộ chủ trì không là người địa phương. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện với các chức danh khác... theo yêu cầu Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII đã xác định.
Tuy nhiên, nhiều kiến nghị cũng thẳng thắn, mong muốn việc LCCB phải được tiến hành từ sớm, để cán bộ có thời gian tiếp cận, gắn bó với cơ sở, cùng tập thể ban chấp hành đảng bộ và đảng ủy các cấp lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, cũng như làm tốt công tác chuẩn bị đại hội đảng nhiệm kỳ mới. Người cán bộ ở vai trò chủ trì khi được luân chuyển hầu hết đều là những người có trình độ năng lực, có kinh nghiệm lãnh đạo, nhưng rất cần có thời gian để hiểu cơ sở và khẳng định, ghi dấu ấn với cơ sở, để tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá, ghi nhận đóng góp. Khi đã khẳng định được mình bằng năng lực, uy tín, thì đó là yếu tố bền vững nhất để cán bộ bồi đắp niềm tin nơi tập thể cán bộ, đảng viên và thu được những “lá phiếu tín nhiệm” từ đảng viên, quần chúng nhân dân.
Thuận cho Trung ương, được cho cơ sở
Thời gian qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng ĐNCB gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp. Công tác LCCB được kết hợp chặt chẽ với quy hoạch, phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; LCCB phát triển lên cấp cao hơn, kết hợp lựa chọn cán bộ có khả năng để giải quyết những vấn đề khó, vướng ở cơ sở, tạo động lực phát triển địa phương. Đặc biệt, việc LCCB từ các cơ quan Trung ương về giữ cương vị lãnh đạo địa phương, được phần đông cán bộ, đảng viên và dòng dư luận chủ lưu bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là việc làm mang lại “lợi ích kép”: Vừa tăng cường nguồn lực giúp địa phương giải quyết khâu yếu, việc khó; vừa chuẩn bị nhân sự chất lượng cao cho Trung ương trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
Một trong những yêu cầu tại Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về LCCB, đó là: “LCCB phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị...”. Nhìn chung, hệ thống chính trị các cấp đã làm tốt luân chuyển bí thư tỉnh ủy, thành ủy và bí thư cấp ủy các cấp. Tuy chưa có thống kê chi tiết, nhưng việc luân chuyển ngang cán bộ trong hệ thống chính trị vẫn chưa bảo đảm hài hòa, cân đối. Cán bộ chủ chốt từ các ban đảng thường được luân chuyển, giữ các vị trí chủ trì, chủ chốt tại HĐND, UBND, nhưng quy trình LCCB từ các cơ quan của HĐND, UBND sang các ban đảng trực thuộc tỉnh ủy, huyện ủy còn nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, việc luân chuyển các đồng chí là chủ tịch UBND các tỉnh về các ban đảng ở Trung ương; luân chuyển các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện phát triển lên các cơ quan ban đảng ở các tỉnh ủy hoặc LCCB chính quyền, đoàn thể sang tổ chức đảng là không nhiều. Vì thế, các cấp ủy và cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu để vận hành các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối trong công tác LCCB: Có luân chuyển ngang, luân chuyển dọc và đẩy mạnh lựa chọn cán bộ chủ chốt trong Đảng từ nhiều nguồn khác nhau. Thực tế cho thấy, việc điều động, LCCB gắn với bố trí, sắp xếp cán bộ không là người địa phương cũng tác động không nhỏ đến tâm lý ĐNCB tại chỗ. Khi LCCB từ Trung ương về địa phương, từ địa phương này sang địa phương khác cần đặc biệt lưu ý để cán bộ được luân chuyển không cảm thấy "lạc nhịp" với cơ sở và không bị cô lập bởi chính cán bộ địa phương. Trước hết, phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện với ĐNCB tại chỗ để họ yên tâm công tác, phấn đấu và định hướng dư luận cán bộ tại địa phương; kết hợp LCCB với công tác tạo nguồn cán bộ tại chỗ...
Để cán bộ yên tâm công tác trong môi trường mới, việc hệ trọng cần quan tâm là có chính sách, kế hoạch phù hợp để cán bộ tiếp tục luân chuyển, phát triển các cương vị công tác cao hơn. Nhưng đồng thời, cần đánh giá toàn diện cán bộ trong thời gian luân chuyển để khắc phục triệt để tình trạng một bộ phận cán bộ coi luân chuyển là việc đi cho xong "nghĩa vụ" nên chưa thực sự tâm huyết, lăn xả vào công việc của địa phương. Một trong những nội dung được Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII nhấn mạnh, đó là: Hướng tới việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ. Bởi vậy, luân chuyển cũng được xem là "lửa thử vàng" đối với ĐNCB các cấp. Qua luân chuyển, ĐNCB sẽ bộc lộ những điểm mạnh, yếu về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, mức độ hoàn thành nhiệm vụ...; từ đó để cấp trên đánh giá toàn diện cán bộ và có kế hoạch sử dụng, quy hoạch trong giai đoạn tiếp theo.
TRẦN MINH MẠNH
Nguồn: qdnd.vn