“GIÁ SÀN” CHUẨN LÀ ĐI
Tại nơi làm việc của TS Xô và TS Thành, trong số những người ra đi có rất nhiều người làm khoa học giỏi và có thể trở thành những cánh chim đầu đàn của các viện, trường nếu như con đường mưu sinh không quá nghiệt ngã. Tại sao ư? Bản thân TS Thành được đào tạo tại Ấn Độ và có tới 32 năm cống hiến cho khoa học nông nghiệp, nhưng cũng chưa bao giờ hết nỗi lo với mức lương quá ư hạn hẹp của mình.
Trong khi đó, tại các Cty thuốc BVTV, phân bón, giống cây con nước ngoài, mức lương mà những tiến sỹ hay thạc sỹ khoa học có chút tiếng tăm đều được “định giá sàn” trên 20 triệu đồng/tháng (gấp 5-7 lần làm ở viện), lại có xe đưa rước, đi công tác ăn ở miễn phí, thời gian thoải mái, tự do và được trọng vọng. So sánh tương quan, hỏi làm sao các viện có thể “đánh lại” các Cty tiềm lực tài chính mạnh như thế chứ.
Vì thế, nhiều người nói rằng, ở Viện KHKT NN miền Nam hay bất cứ viện, trường, trung tâm khoa học nông nghiệp nào, chuyện đua nhau chạy ra ngoài làm Cty là “cơm bữa”, nhiều lắm, kể không hết. Tiếc nhất là không ít người có chuyên môn giỏi, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nhiệt tình, năng động, nhưng rồi cũng thuận theo dòng chảy chất xám khó cưỡng. Mọi người hay nhắc đến trường hợp của thạc sỹ Q, được đào tạo bài bản ở Úc, hay thạc sỹ T học căn cơ ở Ấn Độ, về nước được tin tưởng giao làm ở phòng di truyền giống cây, nhưng cũng bị một Cty nước ngoài mời chào lấy mất.
Có người thực tế hơn đã nói rằng: Làm sao không đi được như trường hợp của thạc sĩ V (cũng được đào tạo tại Úc), trong khi về viện nhận mức lương "ba cọc ba đồng", còn khi sang làm cho một tập đoàn đa quốc gia về hạt giống (có trụ sở tại VN) được nhận chức giám đốc SX, hưởng lương trên 2.000 USD/tháng thì… không đi mới lạ!
Tại một viện chuyên nghiên cứu về lúa ở ĐBSCL, người ta không chỉ thấy nhiều người được các Cty nước ngoài “mồi chài”, mà còn chứng kiến không ít trường hợp “chất xám” chảy luôn sang nước ngoài. Sau nhiều năm gây tai tiếng, đến giờ này mọi người vẫn hay nhắc tới 2 nhà khoa học đầy tiềm năng của ĐBSCL, được cử đi đào tại tiến sỹ bên Mỹ và Anh nhưng cuối cùng “một đi không thấy trở lại”.
Nông dân rất cần những nhà khoa học tâm huyết với nghề
KHOA HỌC “CẤT KHO”, LÀM MAKETING
TS Dương Hoa Xô, GĐ Trung tâm CNSH TPHCM buồn bã cho biết, vấn đề chảy máu chất xám trong nghiên cứu hoa học nông nghiệp đã xảy ra lâu rồi. Nhưng đặc biệt từ năm 2010 đến nay, khi giá cả leo thang mà đồng lương không tăng bao nhiêu, đã tác động trực tiếp đến đời sống và quyết tâm ra đi của rất nhiều cán bộ làm nghiên cứu khoa học.
Đây là giai đoạn chứng kiến nguồn chất xám “chảy máu” khủng khiếp. Đơn cử như tại Trung tâm CNSH TPHCM, nếu như năm 2010 có 5 người và năm 2011 có thêm 3 người ra đi, thì đặc biệt từ đầu năm 2012 đến nay đã có tổng cộng 16 người bỏ ra ngoài làm. Trong số đó có 50% là cán bộ chuyên môn nghiên cứu khoa học và có 5 người là thạc sỹ.
“Bất cập nhất dù làm công tác nghiên cứu khoa học chuyên sâu, nhưng họ không có bất cứ chế độ đặc biệt gì, chỉ hưởng lương 2 đến 3 hệ số (tương đương 3-4 triệu đồng/tháng) nên luôn lo lắng, chật vật với cuộc sống. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị và tổ chức rất nhiều hội thảo, lấy ý kiến đề xuất, nhưng cuối cùng chẳng thấy động tĩnh thay đổi gì”, TS Xô bức xúc nói.
Một câu hỏi nhức nhối đặt ra: Liệu ở các Cty kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây con, những người rời viện sang làm việc có còn được nghiên cứu khoa học đích thực? Hay đơn thuần họ chỉ là một mắt xích trong hoạt động thương mại mà lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh luôn được đặt lên hàng đầu?
TS.Nguyễn Công Thành: Ngoài việc tiền lương quá thấp, nhiều người đã rời khỏi các cơ quan nghiên cứu khoa học vì bế tắc trong việc xin thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu. Tại sao? Người ta làm khoa học chân chính thì chỉ biết chú tâm đến nghiên cứu, chuyển giao, nhưng khổ nỗi thủ tục hành chính, thanh quyết toán các đề tài, dự án thì vô cùng phức tạp, nhiêu khê, khó thực hiện. Sau nữa là thù lao thực hiện đề tài lại quá thấp, không chú trọng đến chất lượng, không kích thích nhà khoa học tận tâm đóng góp. |
Khi tiếp xúc với một số người, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu từ chối tiết lộ thông tin cụ thể vì họ ngại nêu tên lên báo, ngại nói ra câu chuyện “làm khoa học” nửa chừng của mình. Vậy nhưng khi chén thù chén tạc, rượu vào lời ra, lúc đó, giữa đứt quãng những câu chuyện phiếm về cuộc sống, công việc, những trăn trở ưu tư về con đường khoa học dở dang mới hiện lên chắp vá.
Ai cũng hiểu các Cty phân bón, thuốc BVTV, giống cây con cả trong và ngoài nước chủ yếu làm dịch vụ nông nghiệp, tức mục tiêu là làm sao bán được vật tư, giống, thuốc, phân thật nhiều, có lợi nhuận cao nhất. Vì thế, hầu hết các nhà khoa học đều không còn tham gia nghiên cứu như từng được đào tạo. Họ chủ yếu bị các DN sử dụng thương hiệu hoặc tên tuổi (thạc sỹ này, tiến sỹ kia, nguyên giám đốc hay trưởng phòng nghiên cứu khoa học của viện nọ…) để dễ bề maketing, chào hàng, bán sản phẩm.
Một vị thạc sỹ tên Ch (chuyên ngành giống) làm cho một Cty của nước ngoài tiết lộ: Cũng vì thế mới có chuyện nhiều thạc sỹ không làm nghiên cứu mà trực tiếp đi bán hàng, còn ông tiến sỹ thì cứ có hội thảo là xuất hiện để quảng bá sản phẩm cho DN nhằm tạo niềm tin với nông dân.
Buồn cười nhất là có những vị tiến sỹ chuyên ngành phân bón lại đi nói chuyện về thuốc BVTV, còn vị tiến sỹ chuyên về thuốc BVTV lại đi nói chuyện sử dụng phân bón hay hạt giống thế nào cho hiệu quả! “Mục đích cuối cùng của DN là vị tiến sỹ này, thạc sỹ kia “thuyết giảng” tốt, làm sao nông dân tin là được. Như vậy, họ gần như không có đóng góp gì cho công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp nữa rồi”.