Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 28/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Khát vọng đến với khoa học phụng sự nhân loại

Mọi sáng tạo phát minh đều cần sự chung tay của nhiều người, ý tưởng ban đầu của cá nhân chỉ là một phần nhỏ. Khi bắt tay vào nghiên cứu, các nhà khoa học đều có chung một mục tiêu là mang đến sự thay đổi tích cực cho cuộc sống hàng triệu người trên thế giới.

Khát vọng đến với khoa học phụng sự nhân loại - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đạt Giải thưởng Chính VinFuture với các phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu chia sẻ về việc tạo môi trường mạng lành mạnh - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Đó là tâm niệm chung của các nhà khoa học được trao tặng giải thưởng Khoa học-Công nghệ toàn cầu VinFuture mùa 2. 

Chiều 21/12, dành thời gian giao lưu với thế hệ trẻ và các nhà khoa học Việt Nam, các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới đã chia sẻ về con đường đến với khoa học phụng sự nhân loại.

Tạo môi trường mạng lành mạnh

Giải thưởng Chính VinFuture 2022 trao tặng cho 5 nhà khoa học: Sir Timothy John Berners-Lee, TS. Vinton Gray Cerf, TS. Emmanuel Desurvire, TS. Robert Elliot Kahn và GS. Sir David Neil Payne với các phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu. Đặc biệt, suốt thời gian thế giới bị chia cắt do đại dịch, công nghệ mạng toàn cầu đã trở thành nền tảng kết nối nhân loại, thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp và làm việc của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.

TS. Vinton Gray Cerf, một trong những người được mệnh danh là "cha đẻ" của mạng Internet chia sẻ: "Một trong những điều tôi ấn tượng nhất chính là tỉ lệ phổ biến của Internet tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nhiều ngành kỹ thuật đang hình thành, với nhiều phát kiến sáng tạo đổi mới rất tuyệt vời. Tôi rất hứng thú với việc tìm hiểu nhiều hơn về câu chuyện của Việt Nam".

Trả lời về tương lai của Internet trong 10 hay 15 năm tới, TS. Vinton Gray Cerf cho rằng, Internet vẫn sẽ phát triển và luôn là một công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cách thức sử dụng cần thay đổi. Một số người có hành vi cư xử không tốt trên internet. Và bài toán đặt ra là phải làm sao phát hiện đối tượng có hành vi xấu, bảo đảm họ chịu trách nhiệm cho hành vi đó.

"Theo tôi, đó là trách nhiệm của các quốc gia, cơ quan và viện nghiên cứu để tạo dựng môi trường Internet trong sạch, hữu ích, có tính năng bảo vệ người dùng. Ta cần các nhà khoa học tại nhiều ngành khác nhau để nghiên cứu về vấn đề con người tương tác trên Internet như thế nào. Khi biết câu trả lời, ta sẽ  bảo đảm môi trường đó an toàn hữu ích hơn. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần thực hiện các nghiên cứu đó để có những tiến bộ trong tương lai".

TS. Vinton Gray Cerf nêu quan điểm, cần luôn có tư duy phản biện khi hoạt động trên mạng Internet. Không có thuật toán nào đủ hoàn hảo để có thể lọc bỏ hoàn toàn thông tin xấu độc, trước hết, người dùng cần chủ động sử dụng Internet một cách lành mạnh.

Chia sẻ về hành trình đến với phát minh về Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EFDA) giúp việc dẫn truyền Internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới, GS. David Neil Payne cho rằng, không ai tồn tại một mình. Mọi sáng tạo phát minh đều cần sự chung tay của nhiều người, ý tưởng ban đầu của cá nhân chỉ là một phần nhỏ. 

GS. David Neil Payne ví mạng internet là một cửa sổ khổng lồ, khi mở cánh cửa đó ra thì vàng bạc châu báu vào nhà và rác cũng vào theo. Vì vậy, để tạo môi trường mạng lành mạnh thì đào tạo nhận thức số phải lồng ghép trong các trường đại học, cách duy nhất giải quyết là thông qua giáo dục, thay đổi nhận thức.

Mang nguồn nước sạch đến cho hàng triệu người

Sinh ra trong một gia đình có cha là nhà văn, dù được mọi người khuyên nên theo học ngành ngôn ngữ nhưng GS. Thalappil Pradeep (Ấn Độ) lại chọn theo đuổi ngành hóa học. Ông được trao Giải thưởng Đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển của VinFuture 2022 với nghiên cứu hệ thống lọc nước nhiễm Asen và kim loại nặng với chi phí thấp. Đây là công nghệ sử dụng nano kim loại với ưu điểm chi phí thấp, dễ dàng lắp đặt và sử dụng. Thành quả cho ra là 1 lít nước sạch chỉ có giá 0,0003 USD, tương đương với 7 VNĐ.

Khát vọng đến với khoa học phụng sự nhân loại - Ảnh 2.

GS. Thalappil Pradeep bày tỏ khát vọng mang nguồn nước sạch với chi phí thấp đến với hàng triệu người - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Hệ thống lọc nước này đã được lắp đặt ở nhiều nơi ở Ấn Độ, những nơi nguồn nước bị nhiễm sắt, urani và asen, cung cấp nước uống sạch cho 1,3 triệu người mỗi ngày. Hệ thống này kỳ vọng có thể giải quyết bài toán nước sạch cho khoảng 785 triệu người trên toàn thế giới.

GS. Pradeep chủ yếu nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu phân tử và bề mặt. Các vật liệu và hiện tượng mà ông khám phá được áp dụng cho việc lọc làm sạch nước và môi trường với chi phí thấp. Một số nghiên cứu của ông được chuyển thành các sản phẩm áp dụng trong cuộc sống thường ngày.

GS. Pradeep cho biết, ở quê hương ông có nhiều nhóm bạn trẻ khởi nghiệp với các dự án khá hiệu quả và bày tỏ hi vọng Việt Nam cũng sẽ có những mô hình mà ở đó có thể nuôi dưỡng đam mê với khoa học nói chung và ngành nước nói riêng cho thế hệ trẻ.

Nhận được giải thưởng VinFuture, GS. chia sẻ: "Tôi thật vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này. Tôi nhận nó với sự khiêm tốn vì còn có sự đóng góp của nhiều đồng nghiệp khác đã làm việc với tôi. Tôi biết còn nhiều trở ngại lớn cần phải vượt qua để mang lại nước sạch cho mọi người. Tôi hi vọng sự vinh danh này sẽ giúp tôi hiện thực hóa giấc mơ đó".

Ước mơ giúp người nông dân trồng lúa hiệu quả

Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho nhà khoa học nữ đã ghi nhận công trình nghiên cứu đột phá của GS. Pamela Christine Ronald (Hoa Kỳ) trong việc phân lập gene Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn. 

Khát vọng đến với khoa học phụng sự nhân loại - Ảnh 3.

GS. Ronald chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam về ước mơ giúp đỡ cho người nông dân - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Từ gene lúa Sub1, GS. Ronald và các cộng sự đã tạo ra các giống lúa biến đổi gene sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao. Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Chia sẻ về con đường đến với khoa học, GS. Ronald kể: "Cha tôi là dân tị nạn. Ông là người không có quốc tịch trong 12 năm. Gia đình tôi có cuộc sống khó khăn nhưng cha tôi luôn nhắc là chúng phải biết quan tâm đến người khác, khi có điều kiện thì giúp đỡ mọi người. Đó là cảm hứng giúp tôi tìm thấy tình yêu với khoa học, với cây cỏ, thiên nhiên, tìm ra những giải pháp giúp ích cho nhiều người".

Theo GS. Ronald, bà từng nghiên cứu về thực vật nhưng sau đó bà quyết định nghiên cứu về giống gạo vì gạo là nguồn thực phẩm của một nửa dân số thế giới.

"Tôi hy vọng rằng một số đóng góp của tôi có thể hữu ích cho những người nông dân và gia đình họ. Ước mơ của tôi là có thể giúp đỡ những người nông dân trồng lúa hiệu quả. Tôi may mắn được làm việc với một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyệt vời để có thể giúp đỡ cho nông dân ở Nam Á và Đông Nam Á", GS. Ronald cho biết.

Trao đổi về vấn đề làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu về an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, GS. Ronald cho rằng, rất khó để cân bằng giữa nhu cầu trồng trọt và bảo vệ môi trường. Mọi trang trại, bất kể là trang trại hữu cơ, trang trại nhỏ, về cơ bản là đều có nguy cơ phá hủy hệ sinh thái bản địa. Vì vậy, điều cần làm là giảm đầu vào có hại, giảm lượng phân bón.

"Chúng ta có thể giảm sử dụng các hóa chất có thể gây hại. Tôi là một nhà di truyền học. Vì vậy, tôi nghĩ đóng góp của các nhà di truyền học là phát triển hạt giống có các khả năng ưu việt như kháng bệnh, để cây lương thực có thể phát triển mà không cần nông dân phun thuốc trừ sâu. Chúng ta có thể đưa gene này vào cây trồng, giúp cây trồng kháng bệnh hoặc kháng nhiễm khuẩn", GS. Ronald đề xuất.

GS. Ronald cũng cho rằng, có nhiều thách thức lớn đối với nông dân trồng lúa. Ví dụ, ở Việt Nam, không chỉ có lũ lụt mà khi mực nước biển dâng cao sẽ dẫn đến xâm nhập mặn. Vì vậy, nông dân rất quan tâm đến các giống chịu mặn. Vì vậy, có thể kết hợp những đặc điểm gồm khả năng chịu mặn, khả năng chịu ngập hoặc khả năng chịu hạn trong cùng một loại cây trồng. Có sự kết hợp như vậy là bởi lẽ chúng ta khó có thể biết được biến đổi khí hậu sẽ thay đổi những gì trong tương lai.

Thu Cúc

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển