Thực tiễn nóng bỏng của đất nước thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay đòi hỏi công tác cán bộ then chốt phải thật sự then chốt, đủ tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh để gánh trên vai việc Đảng, việc nước, việc dân! Cán bộ cấp chiến lược chính là những người sẽ được trao trọng trách “tư lệnh” các bộ ngành, người giữ vị trí đứng đầu 63 tỉnh, thành phố. Nếu chọn đúng người cần chọn, bố trí đúng người, đúng việc, sẽ tạo ra những đột phá, bứt phá mới. Đó chính là sức mạnh, là niềm tin cả nước đang kỳ vọng!
Càng thấy Đảng ta quy định trách nhiệm nêu gương đi trước một bước cũng là để từng “công bộc” tự soi vào chính mình xem có xứng đáng vào quy hoạch nhân sự Khóa XIII không? Trên nền là những nguyên tắc, quy định về công tác cán bộ được đúc rút, tổng kết qua nhiều nhiệm kỳ, hàng loạt những quy định nguyên tắc, quy chế tuyển chọn cán bộ được xây dựng, bổ sung bài bản công phu, kỹ lưỡng hơn. Đó là phân cấp của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, về bảo vệ chính trị nội bộ, về luân chuyển cán bộ, về vai trò nêu gương. Những quy định, quy chế ấy chính là những điểm cơ bản nhất, như một “ba rem” bất di bất dịch để hướng đến việc quy hoạch chọn lựa cán bộ cấp chiến lược chắc chắn, chọn đúng người cần chọn!
Cách chọn lựa cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ tới có những đổi mới căn bản, trên cơ sở bám sát Kế hoạch số 11 của Bộ Chính trị. Trước hết, việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược phải gắn chặt với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và yêu cầu công tác nhân sự.
Quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tinh thần “làm từng bước, làm đến đâu chắc tới đó” trên cơ sở một quy hoạch, lộ trình, quy trình cụ thể. Quy hoạch ấy là Ban Chấp hành Trung ương trình ra trước Hội nghị Trung ương 9, sau đó sẽ tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch.
Quy trình đổi mới, cách làm cũng đổi mới sẽ mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của các địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược. Cách làm khoa học này sẽ cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện với các chức danh quy hoạch theo Quy định số 90 của Bộ Chính trị Khóa XII. Từ đó bổ sung quy định về cơ cấu, số lượng, đối tượng, quy trình, cách làm theo hướng thống nhất, tổng thể, liên thông.
Việc phát hiện giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan thực hiện theo 4 bước. Sau đó là quy trình rà soát, thẩm tra phê duyệt quy hoạch ở Trung ương sẽ thực hiện theo 5 bước chặt chẽ. Tiêu chí ứng viên đặt trên hết tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình. Đánh giá tài năng sẽ nhìn cụ thể vào năng lực gắn với kết quả, sản phẩm ở lĩnh vực cụ thể, địa bàn được phân công phụ trách. Rõ ràng, những ứng viên đưa vào quy hoạch phải là những người có khát vọng, hoài bão đổi mới, đặt lên trên hết lợi ích của nước, của dân. Rõ ràng, tài năng, đạo đức, bản lĩnh trí tuệ, và cả tầm nhìn xa dài thể hiện phong cách của một “chính khách” là yêu cầu không thể khác.
Bài bản khoa học và nghiêm túc, minh bạch, công tâm trong chọn lựa, giới thiệu các ứng viên vào cấp chiến lược, dứt khoát sẽ không có chỗ, không để lọt vào Trung ương những người cơ hội chính trị, giỏi luồn lách nhưng non tài, kém đức. Dứt khoát công tác nhân sự cấp chiến lược Khóa XIII phải khắc phục bằng được tình trạng “chạy quy hoạch”, tìm cách len lỏi để xin phiếu qua quan hệ và quen biết. Dứt khoát nhân sự Khóa XIII không có chỗ cho những ai cơ hội nhăm nhăm “lợi ích nhóm” để vào Trung ương. Càng không thể có chỗ cho những người non tầm, thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực trong kê khai tài sản, bằng cấp và tuổi tác.
Chỉ có công tâm, dân chủ, minh bạch và chặt chẽ, mới kỳ vọng Đảng ta xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xứng tầm như lòng dân mong đợi!