Theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tại thời điểm tháng 7 năm 2012 là hơn 77.000 người. Trong đó, số người thuộc diện cấp giấy phép lao động là 74.400 người, thực tế, số đã được cấp phép là gần 50.000 người, chiếm 67,15%. Số lao động nước ngoài chưa được cấp giấy phép là hơn 24.400 người, chiếm 32,85%. Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là trên 2.600 người (chiếm 3,44%).
Số lao động nước ngoài này đến từ hơn 60 quốc gia. Trong đó, số người mang quốc tịch Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan...) chiếm khoảng 58% tổng số lao động nước ngoài; số người mang quốc tịch Châu Âu (Anh, Pháp...) chiếm khoảng 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%. Nam giới chiếm tới 89,9% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Nữ Bộ trưởng LĐ-TB&XH sẽ trả lời chất vấn về vấn đề đào tạo nghề và lao động "ngoại" tại Việt Nam (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, một số địa phương chưa nắm chắc và đầy đủ số liệu về lao động nước ngoài đang làm việc. Các số liệu báo cáo cũng chủ yếu nắm được thông qua công tác kiểm tra và thực hiện cấp giấy phép lao động.
Nhiều lao động nước ngoài vào Việt Nam lao động thông qua một số doanh nghiệp “nội” để xin thị thực nhập cảnh với mục đích thương mại (không nêu rõ xin vào lao động) nên được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xét cấp thị thực 3 đến 6 tháng. Hết thời hạn tạm trú nêu trên, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở các địa phương không gia hạn vì chưa xin giấy phép lao động thì họ đối phó bằng cách xuất cảnh, sau đó xin lại thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Nữ Bộ trưởng khái quát, ý thức chấp hành pháp luật của cả người lao động và người sử dụng lao động, thấp hoặc cố tình không thực hiện các điều kiện sử dụng lao động nước ngoài, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động.
Bất cập trong quản lý còn ở chỗ, pháp luật hiện hành về đấu thầu mới quy định về mời thầu, dự thầu, chấm thầu, chưa có quy định về tổ chức thực hiện và giám sát quá trình thực hiện các gói thầu hoặc dự án đã trúng thầu; cơ chế xử lý đối với nhà thầu không thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam về lao động nước ngoài khi tham gia đấu thầu, chấm thầu.
Trong khí đó, chế tài xử lý, xử phạt chưa đủ để răn đe và buộc người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện; các biện pháp cưỡng chế chưa kiên quyết; chưa có nhiều biện pháp xử lý triệt để đối với các doanh nghiệp, nhà thầu hay cá nhân lao động nước ngoài cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam...
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề ra hướng khắc phục là tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài ngay từ khi chuẩn bị dự án và trong quá trình triển khai thực hiện dự án ở các địa phương. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
theo dantri.com