Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 08/05/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

"HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG" THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

- Thủ tướng đặt hàng ngành nông nghiệp lọt Top 15 thế giới trong 10 năm tới 

- Nông nghiệp Việt Nam làm gì để lọt vào Top 15 thế giới

Bài 1: Thủ tướng đặt hàng ngành nông nghiệp lọt tốp 15 thế giới trong 10 năm tới

Sáng 30/7, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới.
“Hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia về nhiều vấn đề, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp, một lực lượng được xác định có vai trò trụ cột thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. 
Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị hôm nay, sự kiện được xem như “Hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp bày tỏ một số băn khoăn, vướng mắc và nêu kiến nghị, đề xuất. Ý kiến các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có chính sách về thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất chân chính, vấn đề quỹ đất làm nông nghiệp... 
Trao đổi với các doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ khẳng định cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Theo Thủ tướng, việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp. 
Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn tồn tại, bất cập khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8%, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Còn một số hiện tượng như phá rừng làm cây công nghiệp, mua đi bán lại dự án nông nghiệp. Khâu chế biến sâu còn nhiều vấn đề. 
Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích mọi người ăn nhiều rau hơn, nhiều chất xơ hơn để phòng chống bệnh tật và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường nội địa rất lớn, gần 100 triệu dân. Thủ tướng cũng lưu ý, thị trường tiêu thụ là vấn đề lớn khi tình trạng dư thừa bắt đầu xuất hiện; đồng thời yêu cầu lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi bơm hóa chất, làm “nông sản bẩn”.
Đưa Việt Nam vươn lên tốp hàng đầu thế giới về nông sản
Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên tốp hàng đầu thế giới về nông sản. 
“Tại Hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 của các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistic của thương mại nông sản toàn cầu”, Thủ tướng nói.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018. 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các doanh nghiệp có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 
Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu. 
Khắc phục lãng phí sau thu hoạch khi mà hiện nay tỷ lệ tổn thất lên tới 20 - 30%. Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến mở rộng thị trường, “trước khi gieo hạt giống cần nghĩ tới thị trường tiêu thụ ở đâu”.
Bên cạnh đó cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực làm tài sản bảo đảm…Thủ tướng nêu rõ, cần tuyên chiến với nạn tín dụng đen ở nông thôn. Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 
Đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, Nhà nước trao quyền cho thị trường nhiều hơn; Chính phủ chỉ đóng vai trò kiến tạo, tức là tạo điều kiện và hỗ trợ chứ không làm thay vai trò thị trường. 
Các tỉnh, sở, ngành phải làm người dân thấy sự khác biệt về hiệu quả giữa 2 mô hình nông nghiệp truyền thống và hiện đại. Từng công chức, viên chức phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; nghiêm túc thực hiện theo tinh thần ủng hộ, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả và thành công. 
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; say mê hơn nữa với nghề để thúc đẩy thành công. 
“Tất cả chúng ta nỗ lực, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn”, Thủ tướng bày tỏ.
Trước đó, chiều 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của Công ty Phong Thúy tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông sản an toàn là hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị cao và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nam Thành

Bài 2: Nông nghiệp Việt Nam Làm gì để lọt vào Top 15 thế giới?

Tại hội nghị “Thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải lọt vào top 15 quốc gia phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào top 10.

Làm thế nào để từng bước hiện thực hóa được mục tiêu trên, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn-Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) xung quanh những giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi
Để lọt vào top 15 quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển nhất, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông?
- Nói đến mục tiêu lọt vào top 15 thế giới ngụ ý đề cập tới năng lực xuất khẩu nông sản. Hiểu đơn giản là nếu quy mô sản lượng nông nghiệp của một quốc gia nào đó lớn, nhưng chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước, hoặc thậm chí phải nhập khẩu thêm, thì không thể nói là quốc gia đó có năng lực sản xuất nông nghiệp tốt.
Việt Nam hiện đã tham gia chuỗi giá trị nông sản thế giới và hiện đứng thứ 16; tại khu vực Đông Nam Á, chúng ta xếp thứ hai (chỉ sau Thái Lan). Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm qua tăng trưởng khá nhanh. Với hai điều kiện trên, không ít người lạc quan cho rằng, việc Việt Nam lọt vào top 15 là điều đơn giản và sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan, trong khi Việt Nam nỗ lực gia tăng giá trị ngành nông nghiệp thì tại các quốc gia phát triển khác cũng đang diễn ra một cuộc chạy đua tăng trưởng rất mạnh mẽ. Thêm nữa, Việt Nam có một điểm thua rất đáng đề cập là nhiều quốc gia đang có ngành chế biến vượt khá xa chúng ta.
Điều này đồng nghĩa, mục tiêu lọt vào top 15 quốc gia dẫn đầu về nông nghiệp là điều không dễ dàng, thưa ông?
- Lọt vào top 15 về xuất khẩu nông sản là câu chuyện không dễ dàng; vào được top 10 về chế biến nông sản lại càng khó hơn, nhưng không phải là không thể đạt được. Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, Việt Nam sẽ phải có mức tăng trưởng xuất khẩu cao gấp đôi so với các quốc gia cạnh tranh xung quanh trên bảng xếp hạng. Theo đó, đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam phải đạt khoảng 60 - 65 tỷ USD. Nếu các quốc gia cạnh tranh làm tốt, thì kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thậm chí phải đạt trên 90 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên trong bối cảnh tài nguyên có hạn, chỉ có cách là Việt Nam cần hướng tới các nông sản có giá trị cao hơn, có chất lượng và thương hiệu tốt hơn; đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng thông qua chế biến nông sản.

Ba giải pháp đột phá 
Ông có thể “định vị” vị trí của ngành chế biến nông sản Việt Nam hiện nay?
- Việt Nam hiện có khoảng 12.000 DN tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản. Giá trị ngành chế biến nông sản cũng mới chỉ bằng khoảng 20% so với giá trị sản phẩm nông nghiệp thô. Rất đáng suy ngẫm nếu nhìn sang các nước xếp trên chúng ta trong lĩnh vực chế biến. Đơn cử như Thái Lan, hiện nay, giá trị ngành chế biến nông sản bằng khoảng 90% giá trị sản phẩm nông nghiệp thô. Đây là lý do giúp kim ngạch xuất khẩu của nước bạn trong năm 2017 đạt giá trị gấp 1,4 lần so với Việt Nam. Thậm chí, một số quốc gia như Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tạo ra giá trị gấp đôi cho sản phẩm nông nghiệp thô. Bài toán đặt ra là song song với tiếp tục đà tăng trưởng ngành nông nghiệp như hiện nay, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngành chế biến.
Để tiếp tục gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ ngành chế biến nông sản, giải pháp đặt ra là gì, thưa ông?
- Để gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, có thể tính tới 3 giải pháp. Thứ nhất là chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng gia tăng các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn. Ví dụ, chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản… đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. 
Thứ hai là tập trung khai thác các sản phẩm đặc sản, quy mô nhỏ nhưng có giá trị cao, gắn với phát triển thương hiệu. Đối với nhiệm vụ này, Chính phủ đã tạo tiền đề rất thuận lợi bằng việc thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả, cần phải tổ chức cộng đồng tốt. Đào tạo kỹ năng sản xuất, quản trị, kinh doanh cho người dân bản địa, gắn với việc xây dựng và phát triển thương hiệu các đặc sản vùng miền. 
Và thứ ba là thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chế biến. Đối với giải pháp này, các DN đóng vai trò cốt lõi. Tôi cũng cho rằng, đây là giải pháp có tính đột phá nhất đối với mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Một minh chứng rõ nét cho điều này là cà phê thông qua chế biến để thành cà phê hòa tan hiện có giá bán cao gấp 5 - 6 lần so với khi xuất khẩu cà phê thô. 
Có vai trò rất lớn, tuy nhiên thực tế hiện nay, số DN tham gia vào nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan, mới chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Theo ông, rào cản hiện nay là gì và làm thế nào để chúng ta thu hút được nhiều hơn nữa những nhà đầu tư vào nông nghiệp?
- Hiện nay, các DN tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản nói riêng chiếm khoảng 24% so với tổng số DN đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế. Hầu hết các DN chế biến đều gặp một số khó khăn căn bản như: Không có vùng nguyên liệu, thiếu hạ tầng kết nối, nguồn vốn đầu tư eo hẹp, nguồn nhân lực chất lượng thấp, công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có hạ tầng logistics phụ trợ... 
Sở dĩ các DN đối mặt với bài toán vùng nguyên liệu là bởi quy mô sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ, manh mún, trong khi DN lại thiếu kết nối với người nông dân. Đây là nơi mà vai trò “bà đỡ” của các địa phương phải được phát huy nhiều hơn nữa trong việc tạo dựng những vùng nguyên liệu lớn, qua đó, thu hút các DN chế biến về đầu tư. Đối với bài toán hạ tầng kết nối và tiêu thụ nông sản, cần có chương trình đầu tư bài bản để phát triển và nâng cấp hạ tầng giao thông, kho bãi, cầu cảng… giúp kết nối vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến ở khu vực nông thôn tới thị trường tiêu thụ. Nếu không, các DN chế biến có lẽ sẽ chỉ tìm đường để đầu tư vào những thị trường tiêu thụ lớn, hoặc có bến cảng xuất khẩu như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, qua đó, đã góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các DN hiện vẫn cần một thứ nữa, đó là nguồn vốn. Theo đó, cần có cơ chế cho vay trong trung và dài hạn, bởi nếu nguồn vốn vay ngắn hạn, sẽ rất khó để DN triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các quy định cho vay cũng cần cởi mở và thông thoáng hơn. Tôi cho rằng, hai yếu tố này còn quan trọng hơn so với ưu đãi về lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ công cần tiếp tục phối hợp và hỗ trợ các DN trong tiếp cận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kiểm soát chất lượng và tiếp cận thị trường, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện nay.
Xin cảm ơn ông!

Trọng Tùng

Nguồn: kinhtedothi.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển