Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết, nhà trường đã chuẩn bị nền tảng công nghệ học tập trực tuyến có tên là Office 365. Đây là phần mềm có thể quản lý việc dạy học gián tiếp, giao bài tập, đặc biệt là kiểm soát việc tự học của học sinh, cũng như có phần mềm chấm điểm và thông tin kết quả.
“Khi thầy cô giáo thiết kế bài giảng online cho học sinh sẽ đồng thời phải thiết kế hệ thống bài tập để học sinh tự làm bài tập về nhà. Trước giờ học online tiếp theo, học sinh phải làm bài kiểm tra để xem học sinh đã nắm được bao nhiêu đơn vị kiến thức, cha mẹ học sinh sẽ được thông báo kết quả học tập của con. Dựa vào kết quả kiểm tra của học sinh cũng sẽ giúp giáo viên điều chỉnh bài giảng cho phù hợp”, nữ hiệu trưởng cho hay.
Chia sẻ về việc kết quả kiểm tra có được chấp nhận, bà Nguyễn Thị Thu Anh cho biết kết quả học online được công nhận như học tại lớp. Trong hoàn cảnh hiện tại các trường nên linh hoạt và đổi mới cách kiểm tra đánh giá. Việc kiểm tra có thể thực hiện thường xuyên và bằng nhiều hình thức.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết nhà trường đang áp dụng hệ thống học trực tuyến có tên là LMS. Thông qua hệ thống này, giảng viên cung cấp clip bài giảng, tài liệu học tập, câu hỏi để sinh viên tự ôn luyện. Việc kiểm tra, đánh giá quá trình học tập cũng được thực hiện online và hình thức này hoàn toàn được công nhận như học trên lớp bình thường.
Tương tự, kể từ hôm nay (10.2), hơn 25.000 học sinh Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng sẽ học online bằng phương pháp học Blended Learning. Theo đại diện nhà trường, ngoài việc tạo môi trường trao đổi kiến thức, bài giảng, Blended Learning cũng sẽ có phương thức để tổng kết đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Cô giáo Nguyễn Trang - giáo viên một trường THPT ở quận Thủ Đức, TPHCM cho biết: Hình thức học và kiểm tra trực tuyến nếu được áp dụng thường xuyên thực sự tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc soạn bài giảng, soạn đề và chấm điểm bài làm cho giáo viên. Học sinh cũng hứng thú vì kết quả làm bài sẽ hiển thị ngay sau khi trả lời tất cả câu hỏi. Thực tế, hình thức thi và kiểm tra trực tuyến đã được nhiều trường phổ thông tại TPHCM áp dụng như Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3)...
Tuy vậy, để nhân rộng hình thức này theo cô giáo Trang còn khá khó bởi thực tế việc kiểm tra, đánh giá qua hình thức học trực tuyến còn khá mới mẻ với bậc phổ thông. Việc này yêu cầu về chính sách của Bộ, Sở phải rõ ràng, các giáo viên cũng cần nâng cao về trình độ công nghệ thông tin. Trường phổ thông đòi hỏi cần phối hợp với một đơn vị triển khai phần mềm khảo thí trực tuyến - phần mềm có các chức năng như giao bài tập về nhà cho học sinh, chấm điểm tự động ngay khi các em hoàn thành bài tập, quản lý ngân hàng đề thi riêng, tạo ma trận đề thi, trộn đề thi trắc nghiệm thành nhiều nhóm mã đề thi khác nhau…
Bộ Giáo dục khuyến khích hình thức học online
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao việc các trường tổ chức dạy và học online thể hiện sự chủ động việc hướng dẫn học sinh tự học trong thời điểm phòng dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học bù và hướng dẫn việc ôn tập cho học sinh phù hợp điều kiện thực tiễn; bảo đảm quy định thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thống nhất cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
“Trên thực tế, nhiều trường đã sử dụng hình thức này để tổ chức các hoạt động học tập, luyện tập, vận dụng kiến thức cho học sinh thực hiện ngoài giờ học trên lớp. Đây là những giải pháp được Bộ khuyến khích sử dụng để ứng phó với dịch bệnh và duy trì việc dạy học” - ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định.
Đổi mới phương thức thi, kiểm tra đánh giá với sự ứng dụng công nghệ thông tin là chủ trương lớn của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự kiến từ năm 2021 - 2023 có thể tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính một số lần/năm ở những vùng miền thuận lợi trước, hình thành dần các test site (vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia) để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính. Chính vì thế, việc các trường chủ động áp dụng hình thức học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả online cũng sẽ là một bước đệm tốt với xu hướng này.