Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 16/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

HỌC THUYẾT MÁC – LÊNIN VẪN TRƯỜNG TỒN PHÁT TRIỂN VÀ LÀ NGỌN ĐÈN SOI SÁNG CHO NHÂN LOẠI Ở THẾ KỶ 21

1. Nguyên nhân sai lầm về sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu

Học thuyết Mác, sau này là học thuyết Mác – Lênin, từ khi ra đời đến nay đã bị kẻ thù của giai cấp công nhân và bè lũ phản động quốc tế liên tục công kích. Lúc cao trào thì chúng tạm thời im hơi lặng tiếng vì việc làm của chúng chưa có sức thuyết phục nhân dân các nước. Lúc phong trào của những người cộng sản gặp khó khăn hoặc thoái trào, thì chúng lại dở những trò cũ rích để tập trung tấn công. Bởi vì học thuyết Mác – Lênin tuyên bố với nhân dân thế giới rằng “Chủ nghĩa Tư bản không phải là chế độ Vĩnh hằng” mà sau nó còn có một hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ và văn minh hơn thay thế chúng, đó là “Chủ nghĩa Cộng sản”. Trong những năm gần đây, sau sự kiện sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ và bè lũ phản động quốc tế, một lần nữa lại huênh hoang công kích CNXH và phủ định những giá trị khoa học của học thuyết Mác – Lênin. Chúng ra sức đề cao CNTB, coi CNTB là đỉnh cao của văn minh thế giới, không có một xã hội nào thay thế được. Chúng lại coi CNXH là sản phẩm chủ quan, ảo tưởng của những người cộng sản, là những ước mơ hão huyền, không bao giờ vươn tới.

Để có đủ lý lẽ đấu tranh với bọn đế quốc và bè lũ phản động, khôi phục lòng tin đối với những người cộng sản và nhân dân thế giới, chúng ta cần làm rõ sai lầm của mô hình CNXH theo kiểu cũ. Nguyên nhân từ đâu? Do những người cộng sản vận dụng sai học thuyết hay học thuyết Mác – Lênin đã lỗi thời gây ra, để định hướng công cuộc đổi mới, cải tổ của các nước XHCN và phong trào cộng sản thế giới ở thế kỷ 21 này. Như chúng ta đã biết, học thuyết Mác – Lênin về CNXH khoa học gồm nhiều nội dung, nhưng về cơ bản có 2 phần tổng thể sau đây:

+ Một là: Phác thảo một xã hội tương lai để thay thế CNTB khi chúng đã hết vai trò lịch sử, đó là “Chủ nghĩa cộng sản” về cơ bản đã thể hiện trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mà Mác và Anghen đã viết vào tháng Chạp năm 1847 đến tháng Giêng năm 1948. Ở thời điểm này các ông quan niệm CNCS như một xã hội hậu tư bản, xuất hiện ngay sau khi lật đổ chính quyền tư sản và giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị và chưa có ý tưởng về  giai đoạn quá độ từ CNTB lên CNCS, vì chưa có thực tiễn để hình thành nhận thức.

+ Hai là: Sau quá trình tiếp cận với thực tiễn Công xã Pari và hàng loạt phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong nhiều nước TBCN ở Châu Âu và các Châu lục khác trên thế giới, Mác, Anghen đã hình thành hệ thống các quan điểm về giai đoạn trung gian quá độ từ CNTB lên CNCS, các ông cho rằng:

Để xây dựng CNCS cần phải trải qua một giai đoạn trung gian quá độ, ở đấy một xã hội mà trong một thời gian dài có cơ cấu vẫn mang trên mình dấu ấn rõ nét của một xã hội cũ. Ở đó còn nhà nước chuyên chính vô sản, nền sản xuất hàng hóa trao đổi ngang giá, còn tiền tệ, còn tồn nền kinh tế đa dạng hình thức sở hữu, chế độ phân phối theo lao động, còn sự phát triển không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, sự khác biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay,…

Những năm đầu sau Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Lênin đã áp dụng hệ thống các quan điểm trong tuyên ngôn Đảng Cộng sản để xây dựng CNCS hậu tư bản, sau này đã phát hiện không phù hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ và Người cho rằng mô hình trên chỉ phù hợp với chiến tranh Ái Quốc gọi là “Cộng sản thời chiến”. Mô hình này cũng đã góp phần vào thắng lợi cho cuộc chiến tranh Ái Quốc ở Nga, Liên Xô và Việt Nam trước đây.

Từ thực tiễn xây dựng XHCN ở nước Nga lúc bấy giờ, Lênin đã phát triển sáng tạo hệ thống các quan điểm của Mác, Anghen về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS. Lênin cho rằng CNCS mà ở đó nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu. Trong đó sở hữu nhà nước hình thức chiếm ưu thế nhất trong nền kinh tế quốc dân, có khả năng cạnh tranh với những hình thức khác kể cả sở hữu tư nhân. Một xã hội vẫn còn tồn tại nền sản xuất hàng hóa, còn giai cấp, quy luật giá trị còn chỗ đứng, trả lương theo kết quả lao động. Ở đó, còn tồn tại một nhà nước với bộ máy công chức dưới sự kiểm soát của nhân dân. Nhân dân lao động được tham gia quản lý thông qua hệ thống của các Xô Viết và các tổ chức xã hội. Đó là giai đoạn quá độ từ CNTB lên CNCS, là giai đoạn thấp của CNCS tức là CNXH. Đó chưa phải là giai đoạn xã hội phát triển đầy đủ sự hoàn hảo, hoàn thiện, thành thục của nó với tư cách là một xã hội mới. Đó là thời kỳ lịch sử lâu dài để cải biến triệt để xã hội cũ và xây dựng thành công xã hội mới trên mọi phương diện,…

Sau khi Lênin qua đời, kế tiếp là nội chiến và thế chiến thứ hai, buộc Đảng Cộng sản Nga và sau này là Đảng Cộng sản Liên Xô, tiếp tục áp dụng loại hình cộng sản thời chiến, đã trở thành tiền thức, tập quán, tư duy và hành động khó thay đổi. Những năm sau này, Đảng Cộng sản Liên Xô còn áp dụng mô hình này để rút ngắn giai đoạn lịch sử nhằm đuổi kịp Mỹ và các nước Tây Âu về tốc độ, quy mô và phát triển nền sản xuất đại công nghiệp và nền kinh tế hiện đại. Trong vòng ba, bốn thập kỷ, nước Nga từ một nước tư bản kém phát triển, sau này, Liên Xô đứng hàng thứ hai sau Mỹ, có một số ngành như công nghiệp vũ trụ, hạt nhân,… vượt Mỹ và các nước Tây Âu, nhưng về năng suất lao động thì đã thua xa Mỹ và các nước Tây Âu. Trong thập kỷ 80, năng suất công nghiệp chỉ bằng xấp xỉ 50% và sản xuất nông nghiệp chỉ bằng 35% của Mỹ. Do vi phạm hàng loạt quy luật, làm cho nền kinh tế ngày càng suy thoái nghiêm trọng, tiến hành cải tổ lại mất phương hướng, xa rời hệ thống các nguyên lý CNXH dẫn đến sụp đổ.

Như chúng ta đã biết, mọi sự vật xảy ra đều có rất nhiều nguyên nhân, nào là nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan,… Nhưng nguyên nhân cơ bản mới là nguyên nhân thể hiện bản chất của sự vật. Sai lầm về CNXH cũng vậy, nếu chúng ta xác định đúng nguyên nhân cơ bản thì chính nguyên nhân ấy cho ta cơ sở xây dựng nội dung và phương hướng đổi mới, cải tổ phù hợp, khắc phục được sự suy thoái và phát triển. Ngược lại sẽ mất phương hướng và dẫn đến sụp đổ. Qua nội dung phân tích diễn dẫn ở phần trên, chúng ta có thể khẳng định nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai lầm là do những người cộng sản thế hệ sau Mác, Anghen và Lênin thiết kế và xây dựng mô hình CNXH không phù hợp với học thuyết Mác – Lênin, phần nói về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS, tuyệt nhiên không phải do học thuyết phi khoa học hoặc đã lỗi thời gây ra như bè lũ đế quốc và phản động quốc tế đã xuyên tạc, có nghĩa những người cộng sản đã áp dụng ngay CNCS hậu tư bản khi chính Đảng của giai cấp vô sản lên nắm chính quyền, bỏ qua giai đoạn lịch sử quá độ khi chưa đủ tiền đề cần thiết và phù hợp. Thời gian qua cũng có ý kiến cho rằng sai lầm mô hình CNXH hiện vật là do duy chí giáo điều gây ra, kết luận này không sai nhưng chưa được chính xác vì duy chí giáo điều là hệ quả của nguyên nhân cơ bản, chưa đưa ra được định hướng làm cơ sở cho việc đổi mới cải tổ phù hợp và đúng hướng. Ngay trong quá trình đổi mới, những người cộng sản tiếp tục mắc bệnh duy ý chí giáo điều nếu không nhận thức đúng lý luận và xa rời thực tiễn. Ngoài nguyên nhân cơ bản nêu trên, chúng ta cũng cần phân biệt nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ CNXH Liên Xô và các nước Đông Âu, bao gồm các yếu tố sau: “Sai lầm về xây dựng mô hình CNXH + sự phản bội CNXH và phản Đảng của những phần tử cơ hội + hành động âm mưu diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc và bè lũ phản động quốc tế”. Nếu giả thiết CNXH không mắc sai lầm thì không có mảnh đất dành cho các phần tử cơ hội và bè lũ phản động quốc tế thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, hoặc có sai lầm nhưng kịp thời phát hiện và xác định được nguyên nhân cơ bản, đề ra giải pháp phù hợp sẽ ngăn chặn được sự sụp đổ CNXH vẫn trụ vững và phát triển, như các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Lào đã làm và đang làm.

 

2. Những thành quả đổi mới của Chủ nghĩa xã hội

Sau sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu (năm 1991), các Đảng Cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Lào, đã tìm tòi và định hướng công cuộc cải tổ, đổi mới phù hợp với hệ thống các quan điểm của học thuyết Mác – Lênin về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS và phù hợp với đặc điểm lịch sử và thực tiễn của từng nước. Cụ thể là chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp (không phù hợp với lực lượng sản xuất ở giai đoạn lịch sử quá độ này) sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường. Áp dụng có hiệu quả quy luật giá trị, cung – cầu và nhiều quy luật khác của nền kinh tế thị trường, để điều tiết nền kinh tế xã hội theo quỹ đạo và mục tiêu của CNXH mà các Đảng Cộng sản đề ra. Xây dựng nền kinh tế đa dạng hóa các hình thức sở hữu, thay hình thức độc nhất sở hữu CHXH (sở hữu nhà nước và tập thể) để huy động tổng nguồn lực của nhân dân vào việc xây dựng XHCN, trong đó hình thức sở hữu nhà nước chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân, làm vai trò chủ đạo dẫn dắt các thành phần kinh tế khác vào quỹ đạo XHCN. Chuyển từ hình thức phân phối bao cấp bình quân (không tạo ra động lực, làm mất khả năng sáng tạo của người lao động) sang hình thức phân phối theo kết quả lao động và các hình thức phân phối khác để tạo ra sự quan tâm đối với mọi thành viên trong xã hội, hoạt động hiệu quả năng suất lao động cao hơn,… Để phù hợp với thời đại, các Đảng Cộng sản cầm quyền còn có chủ trương mở cửa hội nhập khu vực và thế giới, để tăng tốc rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước phát triển.

Ở Việt Nam, Đại hội VI (tháng 12/1986) là Đại hội đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới đất nước và mô hình CNXH. Định hướng giai đoạn này là đổi mới phương pháp, hình thức và bước đi trên cơ sở giữ vững mục tiêu của CNXH. Có nghĩa đổi mới là phải giữ vững hệ thống các nguyên lý của XHCN, đồng thời xây dựng các hình thức, phương pháp phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh của Việt Nam, ý tưởng đó của Đảng ta là hoàn toàn chính xác. Mười năm qua, các Đại hội tiếp theo là Đại hội VII, Đại hội VIII, vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua công cuộc đổi mới từng bước làm rõ hơn về cấu trúc mô hình CNXH kiểu mới, phù hợp với học thuyết Mác – Lênin về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS và phù hợp với đặc điểm lịch sử của Việt Nam, nhờ vậy và trụ vững và phát triển.

Từ khi chuyển sang mô hình mới này, Việt Nam các nước trên chẳng những đã khắc phục được hậu quả suy thoái của mô hình cũ, mà còn đang trên đà phát triển và khẳng định sức sống của CNXH, tốc độ tăng trưởng của các nước CNXH nêu trên đều đạt cao.

Trung quốc tăng trưởng GDP hơn 8%, Việt Nam đạt từ 5-8%, từ một nước nhập khẩu gạp, nay là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới, nhiều năm đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Cuba năm 2000 tăng 5%, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tăng 6,2%, Lào tăng 5,7%, năm 2000 đạt 400kg lương thực bình quân trên đầu người, có đủ dự trữ và xuất khẩu. Đây là niềm tin và chỗ dựa cho phong trào Cộng sản và nhân dân thế giới. Hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã có hai lần Hội thảo CNXH để đúc kết từ thực tiễn công cuộc đổi mới của hai nước, nhằm hoàn thiện dần hệ thống các quan điểm về việc vận dụng học thuyết Mác – Lênin để xây dựng CNXH trong tình hình mới, được nhiều Đảng Cộng sản thế giới quan tâm. Đồng chí Cúpxốp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Bang Nga đặt vấn đề với Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học giữa hai Đảng về nguyên nhân của sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô, rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử và triển vọng của CNXH trong thế kỷ 21.

 

3. Những chuyển động mới của phong trào cộng sản và công nhân thế giới

Sau cú sốc khủng hoảng do sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, các Đảng Cộng sản và công nhân cánh tả trên thế giới đã tổ chức thành công các Đại hội, đã có nhiều đoàn đại biểu các Đảng anh em và phong trào công nhân tham dự. Nhìn chung các Đảng đã tăng cường được vị thế của mình trên chính trường, Đảng Cộng sản Mông Cổ và một số Đảng trong khối SNG Đông Âu đã giành nhiều ưu thế trong Quốc hội (Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ giành được 72/76 ghế trong bầu cử Quốc hội, Đảng Cộng sản Liên Bang Nga giành được 33% số ghế trong Quốc hội,…). Các Đảng vẫn kiên trì mục tiêu CNXH, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh về dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhiều Đảng Cộng sản đã kết nạp Đảng viên mới để trẻ hóa Đảng, như Đảng Cộng sản Liên Bang Nga những năm qua đã kết nạp trên 180.000 đảng viên mới, chiếm 1/3 so với tổng số đảng viên trong toàn đảng hiện nay. Tuổi đời của đảng viên từ 20-40 chiếm 40%, tuổi bình quân của đảng viên là 49. Hiện nay các Đảng Cộng sản trên thế giới có 75/88 triệu đảng viên so với trước thời điểm sụp đổ Liên Xô (giảm 13 triệu), trong đó một tỷ lệ đáng kể là đảng viên trẻ mới được bổ sung vào hàng ngũ của các Đảng trên thế giới. Triển vọng trong thời gian tới sẽ bù đắp và vượt con số 88 triệu đảng viên trước đây.

Phong trào cộng sản Châu Mỹ La Tinh đã tổ chức diễn đàn SaoPaol ở khu vực Đông bán cầu và tổ chức diễn đàn Tây bán cầu hàng năm, có trên 60 Đảng Cộng sản tham gia, gặp gỡ, trao đổi về phong trào khu vực và thế giới. Đảng ta tham gia cả hai diễn đàn trên. Một năm ra ba kỳ tờ tin nhanh làm diễn đàn chung cho phong trào châu Mỹ La Tinh. Nhiều Đảng cộng sản và công nhân thế giới đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam phải đứng ra thay thế vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây, để làm vai trò hạt nhân cho phong trào cộng sản và công nhân thế giới.

Thực tiễn, công cuộc đổi mới ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và phong trào cộng sản trên thế giới sau sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu hơn 10 năm qua cho thấy đã trụ vững và phát triển, làm thất bại ý đồ của chủ nghĩa đế quốc và bè lũ phản động quốc tế nhằm xóa bỏ CNXH và CNCS ra khỏi đời sống nhân loại trước khi kết thúc thế kỷ 20, khẳng định giá trị khoa học của học thuyết Mác – Lênin bằng sự kiện bình chọn C.Mác là nhà tư tưởng số 1 của thiên niên kỷ (do đài BBC tiến hành trên Internet được công bố ngày 02 tháng 10 năm 1999).

Nhìn ngược dòng thời gian hơn 10 năm qua (1991 – 2002) từ thực tiễn các sự kiện và phong trào cộng sản thế giới cho phép những người cộng sản có thể khẳng định “Học thuyết Mác – Leenin” chẳng những không chết hoặc đã lỗi thời như chủ nghĩa đế quốc và bè lũ phản động quốc tế tuyên truyền, xuyên tạc, mà vẫn trường tồn phát triển, là kim chỉ nam và là ngọn đèn soi sáng cho nhân loại ở thế kỷ 21, để vươn tới một xã hội tương lại tươi đẹp và văn minh hơn.

(Đăng trên Thông tin tham khảo Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng TP. Hồ Chí Minh ngày 15/06/2002).

 

Nguyễn Kim Đĩnh

Nguyên CVCC Ban Tổ chức Trung ương

Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển