Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Chủ nhật, 22/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Chuyên đề nghiên cứu

Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm

Ngành sư phạm đang đứng trước nguy cơ sụt giảm chất lượng vì ngày càng ít thí sinh giỏi dự thi. Đây là thực trạng báo động cho chất lượng giáo dục trong tương lai, bởi thiếu thầy giỏi thì khó lòng đào tạo ra những trò giỏi.
“Chuột chạy cùng sào” vẫn không vào sư phạm !

GS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐH Sư phạm Hà Nội, chua chát nói: “Vài ba năm nay thì tuyển sinh vào ngành sư phạm (SP) còn nặng nề hơn cả câu "chuột chạy cùng sào", nghĩa là đã phải tuyển nhóm "cùng sào" rồi mà cũng không đủ. Nếu cứ tiếp tục thế này sẽ là một vấn đề báo động cho chất lượng giáo dục phổ thông. Anh muốn nâng cao chất lượng nền giáo dục mà chất lượng đội ngũ giảng dạy không được cải thiện thì chỉ là nói suông”.

Tháng 3.2012, tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh Loan, Phó trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cùng cộng sự công bố nghiên cứu về xu hướng chọn ngành thi ĐH của thí sinh tại TP.HCM giai đoạn 2006 - 2010. Kết quả cho thấy nhóm ngành kinh tế, quản lý, tài chính luôn có lượng đăng ký rất cao. Trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ngành SP - quản lý giáo dục ngày càng giảm, nhất là các ngành: tiếng Pháp, Nga, năng khiếu, âm nhạc…

Năm 1998, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có hơn 22.000 thí sinh dự thi, đến năm 1999 có gần 30.000 và năm 2000 có đến hơn 40.000. Thế nhưng, trong 3 năm trở lại đây, lượng thí sinh thi vào trường khoảng từ 15.000 đến hơn 17.000. Số lượng thí sinh thi vào ngành SP ở các trường địa phương năm nay rất thấp. Tại ĐH Cần Thơ, ngành SP tiếng Pháp có 20 thí sinh, trong khi chỉ tiêu của ngành là 40… Đến nay, nhiều trường đã phải tuyên bố đóng cửa ngành SP vì không đủ sinh viên để mở ngành. Trường ĐH Quảng Nam tạm dừng tuyển sinh ngành SP mỹ thuật (bậc CĐ), Trường ĐH An Giang tạm dừng tuyển sinh ngành SP sinh học và SP tin học…

Mùa tuyển sinh năm 2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã nhận định thí sinh của tỉnh này dự thi vào SP thấp kỷ lục. Trong tổng số gần 80.000 hồ sơ thí sinh dự thi vào các trường, chỉ có hơn 386 vào ĐH SP Hà Nội, 29 vào SP Huế, 41 vào ĐH SP Hà Nội 2; 392 vào CĐ Sư phạm T.Ư. Ở Phú Thọ, số lượng cũng giảm đáng kể: 425 vào ĐH SP Hà Nội, 349 vào ĐH SP Hà Nội 2…

Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm
Những năm gần đây, các trường sư phạm không còn là điểm nóng tuyển sinh như trước đây - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Điểm chuẩn cũng thấp dần

Trong những năm khoảng từ 1999 đến 2003, SP là một trong ít ngành có điểm chuẩn cao thời bấy giờ. Chẳng hạn tại Trường ĐH SP TP.HCM, năm 1999 ngành SP toán lấy 20 điểm, năm 2000 là 31 (môn toán hệ số 2), vào năm 2002 lấy 22 và năm 2004 là 24. Khoảng thời gian này, thí sinh nào trúng tuyển vào SP được coi là danh giá và được bạn bè ngưỡng mộ…

Đông đảo thí sinh chọn ngành SP trong giai đoạn này vì học phí cho tất cả học sinh, sinh viên ngành SP được miễn. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn (lúc bấy giờ còn là CĐ Sư phạm TP.HCM), cho biết: “Thời điểm đó kinh tế khó khăn, việc học SP không phải đóng học phí, ra trường lại được bố trí việc làm ngay khiến phụ huynh và thí sinh rất mê. Chỉ những học sinh giỏi mới có khả năng trúng tuyển. Khá chưa chắc đã đậu”.

GS Đinh Quang Báo cho rằng thời kỳ hoàng kim trong tuyển sinh Trường ĐH SP Hà Nội là từ 1997 - 2003, hồi ấy phải đạt 27 điểm/3 môn mới đỗ vào khoa toán, 24 - 25 điểm vào khoa văn, các khoa khác cũng phải 22 điểm, tỷ lệ là 7 - 8 thí sinh “chọi” 1, thậm chí mười mấy chọi 1. Sau năm 2003, chất lượng đầu vào trường SP đuối dần nhưng vẫn còn học sinh giỏi để tuyển, chỉ có điều những thí sinh xuất sắc nhất (đoạt giải quốc gia, quốc tế) thì không vào SP nữa.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, điểm chuẩn những trường ĐH có đào tạo ngành SP thường khá thấp.

Ba năm gần đây, điểm chuẩn nhiều ngành tại trường ĐH SP TP.HCM chỉ ngang điểm sàn (khoảng 13 - 14 điểm) như: SP giáo dục chính trị, SP sử - giáo dục quốc phòng, SP giáo dục đặc biệt… Nhiều ngành như: SP tin học, SP tiếng Pháp phải xét tuyển. Đa số ngành SP ở các trường ĐH An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp cũng chỉ tương đương điểm sàn. Tại Trường ĐH Sài Gòn, các ngành SP cơ bản như: toán, lý, văn, sử… cũng có điểm chuẩn thấp so với các ngành khác, dao động từ 16 - 17,5 điểm.

Năm nay, ngành SP tiếng Pháp của ĐH Cần Thơ chỉ có 12/20 thí sinh dự thi đạt điểm từ 13 trở lên. Ngành SP ngữ văn của Trường ĐH Trà Vinh có 24/105 đạt 13 điểm. Đặc biệt, ngành SP toán Trường ĐH Đồng Tháp chỉ có 10 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên ở 2 khối A và A1, ngành SP tin học có 13 thí sinh và điểm cao nhất chỉ 11 điểm, SP vật lý có 27 thí sinh nhưng chỉ 1 đạt 14,5 điểm…

Tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP.HCM, thừa nhận: “Đúng là thí sinh giỏi ngày nay không chọn học SP. Thực tế, nhiều em đạt điểm cao ở trường (từ 27 điểm trở lên) nếu đỗ thêm một trường khác nữa thì họ sẵn sàng chọn học trường đó. Những năm trở lại đây, chính vì SP không còn sức hút nên các trường SP phải đào tạo thêm nhiều ngành ngoài SP để tuyển dễ hơn”.

 

Thấy mà buồn !

Những năm gần đây, không nhiều học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.HCM chọn thi SP. Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), cho biết: “Trong năm học vừa qua, trường có 500 học sinh lớp 12 nhưng số lượng đăng ký thi ngành SP chiếm chưa đến 1%”. Tương tự, theo lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) năm vừa rồi, lượng HS chọn thi SP cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Đức cho rằng: “Những năm 1990, điểm chuẩn của ngành SP rất cao, các ngành khối A không thua các ngành thuộc Trường ĐH Bách khoa. Những năm gần đây, điểm đầu vào các trường SP giảm sút đáng kể, thấy mà buồn”.

Minh Luân

theo thanhnien.com.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển