- Bài 1: Không có hiền tài, không thể hưng thịnh
- Bài 2: Mời người tài phải tới gõ cửa, đừng "ban phát"
- Bài 3: Chuyên gia: Phải giữ chân người tài trước khi hút người tài về nước
- Bài 4: Trọng dụng nhân tài
Không có hiền tài, không thể hưng thịnh!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài đức dốc lòng vì nước. Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài phát huy kiến thức, kinh nghiệm.
“Không nắm bắt thì sẽ tiếp tục tụt hậu”
Sáng ngày 19/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ghi nhận và cảm ơn tâm huyết của các tri thức trẻ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tầng lớp trí thức và cho biết, trong các chuyến công tác ở nước ngoài, ông đều gặp gỡ trí thức người Việt Nam và rất cảm động khi thấy không chỉ những người lớn tuổi mà cả những người trẻ tuổi đều thể hiện tâm huyết với đất nước.
Cho rằng không có khoa học công nghệ thì đất nước không thể phát triển, sẽ thất bại, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, coi cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó cốt lõi là dữ liệu lớn, nền tảng mở, trí tuệ nhân tạo, robot … là cơ hội lớn mà “nếu không nắm bắt thì sẽ bị tiếp tục tụt hậu”. “Chủ trương của Chính phủ là tranh thủ tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để giúp chúng ta nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa quy mô nền kinh tế cao hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh. Không có đổi mới sáng tạo thì không thể phát triển được. Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 với tinh thần chủ động, quyết liệt để sánh vai với các cường quốc về công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy việc hình thành trung tâm sáng tạo tại các khu công nghệ của Việt Nam, trước hết là khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố kết nối Mạng lưới sáng tạo Việt Nam năm 2018 . Ảnh: N.H - TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ đã xác định rõ việc xây dựng nguồn nhân lực 4.0, hệ sinh thái 4.0 và quan tâm cả văn hóa 4.0, một vấn đề lớn đang đặt ra khi mà “mỗi đứa trẻ ôm một cái máy tính bảng, mỗi thành viên gia đình ngồi một góc, vào mạng, mà trên mạng có mặt tốt và cả mặt không tốt”. Không chỉ có cơ hội, môi trường công nghiệp 4.0 có các thách thức lớn về mặt xã hội, như giải quyết việc làm thế nào, bảo vệ trẻ em, bảo mật thông tin, an ninh mạng…
Tạo mọi điều kiện cho người Việt ở nước ngoài
Nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kiến thức, kinh nghiệm phát triển đất nước, làm sao kết hợp được trí thức ngoài nước và trong nước. Vì thế, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo, không chỉ trong ngày hôm nay, trong tuần này mà tổ chức thường xuyên hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu trẻ tại Chương trình kết nối mạng lưới sáng tạo Việt Nam năm 2018. Ảnh: Nhật Minh.
Nhắc tới tên tuổi nhiều nhà khoa học tận hiến cuộc đời cho Tổ quốc, được Tổ quốc ghi công, lịch sử ghi danh như GS. Trần Đại Nghĩa, nhà bác học Lương Đình Của, bác sĩ Đặng Văn Ngữ…, Thủ tướng cho rằng, lịch sử cho thấy, đất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài đức dốc lòng vì nước, dám xả thân vì nghĩa lớn. Đất nước không có người hiền tài thì không thể hưng thịnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần nhiều trung tâm, cần nhiều mạng lưới tri thức đổi mới sáng tạo để làm nền tảng thúc đẩy giá trị và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam quan tâm đến hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực với các nhà khoa học, các cơ sở khoa học công nghệ trong nước và tiếp tục xây dựng sáng kiến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kể cả khung pháp lý cho mô hình kinh tế số, đặc biệt là giải pháp phát triển trung tâm sáng tạo sắp hình thành tại một số khu công nghệ cao để “các bạn có thể thể hiện được, đóng góp được tài năng, sức lực, trí tuệ cho đất nước”.
Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, trí thức tiếp tục đóng góp xây dựng thành công Chính phủ điện tử để chỉ đạo, điều hành của Chính phủ có hiệu quả hơn. Đề nghị các Bộ trưởng lắng nghe ý kiến của các trí thức, Thủ tướng khẳng định, tạo mọi điều kiện để các trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình khoa học công nghệ.
“Chính phủ Việt Nam quan tâm đến hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực với các nhà khoa học, các cơ sở khoa học công nghệ trong nước và tiếp tục xây dựng sáng kiến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kể cả khung pháp lý cho mô hình kinh tế số, đặc biệt là giải pháp phát triển trung tâm sáng tạo sắp hình thành tại một số khu công nghệ cao để “các bạn có thể thể hiện được, đóng góp được tài năng, sức lực, trí tuệ cho đất nước”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
VĂN KIÊN
Mời người tài phải tới gõ cửa, đừng 'ban phát'!
Bên cạnh chế độ đãi ngộ, nhiều ý kiến cho rằng muốn thu hút người tài thì "Cách mời" rất quan trọng.
Nghệ sĩ Quyền Linh phản biện tại hội nghị
TRUNG HIẾU
Chiều 5.9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022.
Trước khi các đại biểu phản biện, với vai trò bên xây dựng đề án, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP, cho hay rất khó để nêu được định nghĩa, khái niệm ai là người tài, ai là người có tài năng đặc biệt. Tuy nhiên, dự thảo đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt mà Sở Nội vụ xây dựng có những điểm đáng chú ý là người tài được thu hút có thể có học hàm, học vị hoặc không có những bằng cấp trên nhưng được xã hội công nhận; lĩnh vực thu hút là văn hóa, xã hội, khoa học, thể dục thể thao… Bên cạnh đó, việc thu hút người có tài năng đặc biệt không ràng buộc vào bộ máy nhà nước, có thể hợp tác với TP ở một lĩnh vực nào đó chứ không nhất thiết “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, ngày làm 8 tiếng…
Tránh chủ trương “rải thảm”, bên dưới “rải đinh”
GS-TS Phạm Văn Biên, Hội Sinh học TP.HCM, cho rằng đề án không mới nhưng nói được tính thời sự vì TP đang thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, TP cần làm thực chất, tránh tình trạng như một vài nơi chủ trương thì “rải thảm” nhưng bên dưới “rải đinh”.
|
|
|
Tìm kiếm nhân tài không phải cách làm thi tuyển mà phải đến từng nhà gõ cửa, mời gọi. Việc mời gọi phải thật trân quý chứ gửi bằng văn bản nhân tài sẽ không đến đâu”
|
|
|
NS Quyền Linh
|
|
|
Ông Biên nêu TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng từng chi hàng ngàn tỉ đồng để mời người tài về làm việc nhưng kết quả thu hút không như kỳ vọng. Thậm chí ở Đà Nẵng nhiều người thuộc diện tài năng đi học về sẵn sàng trả lại chi phí đào tạo để không tham gia dự án.
Còn TP giai đoạn 2014 - 2017 mời gọi người tài, thu hút được 15 chuyên gia (2 người VN, 5 người nước ngoài và 8 Việt kiều) nhưng đến nay chỉ còn 10 người và quá trình làm việc cũng không suôn sẻ. Một ví dụ khác, trong năm 2015 - 2016 TP mở “ngân hàng ý tưởng” kêu gọi Việt kiều đóng góp ý tưởng để xây dựng, phát triển TP. Đã có 47 ý tưởng gửi đến nhưng 2 năm qua chưa có ý tưởng nào được hiện thực hóa, một số ý tưởng cứ chuyển từ “ngăn kéo này sang ngăn kéo khác”.
“Ngoài ra, do từng lĩnh vực có đặc thù khác nhau nên cần phải có từng dự án tách riêng ra, chứ không nên nhập chung. Đọc đề án này không thấy bóng dáng nghệ sĩ (NS) Kim Cương đâu”, ông Biên nói và chỉ tay về phía NS Kim Cương đang ngồi dưới hội trường.
Phải đến từng nhà mời gọi
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP, nhắc lại sau năm 1975 một số lãnh đạo TP đến gõ cửa từng nhà khoa học với mong muốn họ đóng góp cho đất nước. Thu hút người tài không nên quan trọng vào bằng cấp mà quan trọng là người tài đó có công trình có ứng dụng thực tế với đời sống, góp phần xây dựng đất nước hay không.
Khi được mời góp ý, NS Quyền Linh (Hội Điện ảnh TP) chỉ vào NS xiếc Quốc Cơ ngồi cạnh và khẳng định đây là người có tài năng đặc biệt. Từ đó, NS Quyền Linh khẳng định rất dễ nhận ra người có tài năng đặc biệt, dù nhóm người này rất ít. Anh cũng cho rằng: “Tìm kiếm nhân tài không phải cách làm thi tuyển mà phải đến từng nhà gõ cửa, mời gọi. Việc mời gọi phải thật trân quý chứ gửi bằng văn bản nhân tài sẽ không đến đâu”.
Ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP, băn khoăn thời gian thu hút nhân tài đến năm 2020 có quá ngắn và theo tư duy nhiệm kỳ? Ông cũng nhấn mạnh đối với người tài đặc biệt thì phải đi tìm, mời gọi. “Đi tìm, mời gọi chưa chắc đã được chứ nói gì thi tuyển. Tôi thấy dự thảo có vẻ rất nặng nề vấn đề này”, ông Tỷ đánh giá.
Mức thưởng tối đa 1 tỉ đồng/người
Dự thảo đề án nhằm thu hút người tài năng đặc biệt vào các lĩnh vực: khoa học công nghệ, hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị, dịch vụ công, văn hóa nghệ thuật và TDTT... Theo đó, ngoài chính sách tiền lương, mức hỗ trợ ban đầu... TP quy định chính sách tiền thưởng để khuyến khích phát huy tài năng được phân chia theo các nhóm đặc thù. Cụ thể, mức thưởng khi thực hiện sản phẩm, công trình cụ thể không thấp hơn 50 triệu đồng/người và tối đa 1 tỉ đồng/công trình. Với nhóm nhiều thành viên, thưởng không thấp hơn 30 triệu đồng/người và tối đa 1,5 tỉ đồng/công trình. Các vị trí còn lại mức thưởng đối đa 1 tỉ đồng/người... Người tài năng đặc biệt cũng được xem xét cho hưởng lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm, được bố trí nhà công vụ hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà không vượt quá 7 triệu đồng/tháng...
Mức thưởng tối đa 1 tỉ đồng cũng được quy định tại chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP có nhu cầu trong giai đoạn 2018 - 2022, được UBND TP.HCM ban hành hôm qua. Cụ thể, khi có thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyên gia, nhà khoa học sẽ được thưởng 1 tỉ đồng/người/công trình, 1,5 tỉ đồng/tổ nghiên cứu/công trình. (Trung Hiếu - Đình Phú)
|
Trung Hiếu, Hà Ánh
Chuyên gia: Phải giữ chân người tài trước khi hút người tài về nước
"Chừng nào chúng ta chưa tận dụng hết trí tuệ, sự sáng tạo của người Việt trong nước thì “đừng hy vọng nhiều vào việc tìm kiếm sự đóng góp của những người đang ở ngoài Việt Nam” - TS. Nguyễn Đình Cung.
Tại Hội thảo Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 diễn ra chiều 5/09 tại Hà Nội, một trong những giải pháp (ngoài ổn định kinh tế vĩ mô) để tạo động lực tăng trưởng được TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Quản lý Trung ương - CIEM) cho rằng cần phải hoàn thành chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, vừa chuyển đổi sang nền kinh tế số, tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang lại.
Theo đó, cần hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ sử dụng nguồn lực hiệu quả;
TS. Cung đặc biệt nhấn mạnh cần đổi mới vai trò và cách thức quản lý nhà nước, trong đó, có đổi mới và thực hiện phân bố nguồn lực nhà nước theo cơ chế, nguyên tắc thị trường;
Về phát triển hạ tầng, bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông, cơ cấu lại nguồn điện, năng lượng và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, cần xây dựng hạ tầng kinh tế số.
“Việc kìm hãm sự tự do của thị trường sẽ không tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế hiện nay cần hai dòng chuyển động mạnh mẽ, đó là chuyển động của nền kinh tế thị trường và chuyển động của nền kinh tế số của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Có như vậy chúng ta mới hy vọng bắt kịp với thế giới”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Viện trưởng Viện CIEM cho rằng với CMCN 4.0 cần suy nghĩ, hành động hơn là các tuyên bố khẩu hiệu, và cũng phải bắt đầu bằng tư duy, thể chế, hạ tầng và các kế hoạch hành động cụ thể.
“Nếu cứ tư duy theo kiểu 1.0 hay 2.0 như hiện nay mà áp dụng vào 4.0 thì tôi nghĩ là chúng ta đẩy 4.0 đi chứ không phải kéo 4.0 lại với chúng ta.” ông Cung nói.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng để tái cơ cấu nền kinh tế thành công, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, chúng ta phải thay đổi tư duy, nói phải đi đôi với làm, phải đổi mới pháp luật,…
Đặc biệt, ông Bá cho rằng dứt khoát cần phải có nhà nước kiến tạo. Hơn nữa, để tạo động lực cho tăng trưởng cần phải có vốn và lao động. Cần phải sử dụng vốn một cách có hiệu quả, đồng thời dứt khoát phải có lao động tay nghề có kỹ năng.
Nói đến nền kinh tế số, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng trước hết cần tạo môi trường kinh doanh thật tốt để khuyến khích, tận dụng tối đa trí tuệ của người Việt trong nước. Điều này quan trọng không kém và là việc cần làm ngay trước khi chúng ta hô hào, kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài về nước đóng góp xây dựng quê hương.
Theo ông Cung, "chừng nào chúng ta chưa tận dụng hết trí tuệ, sự sáng tạo của người Việt trong nước thì đừng hy vọng nhiều vào việc tìm kiếm sự đóng góp của những người đang ở ngoài Việt Nam”.
“Chừng nào chúng ta có chính sách giữ người tài ở lại Việt Nam thì lúc đó mới có khả năng kéo những người khác về Việt Nam. Còn nếu không, người tài của Việt Nam vẫn tiếp tục ra đi, các Start-up của Việt Nam vẫn còn ra đi thì tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ kéo được người Việt trở về đóng góp xây dựng đất nước.”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ quan điểm.
Trọng dụng nhân tài
Chẳng dễ chịu chút nào khi nghe một con số nghịch tai như chỉ có 2/17 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” quay về VN sống và làm việc.
Tự dưng là những chuyện tương tự như thế ập về trong suy nghĩ. Như chuyện đã từng xảy ra với Đà Nẵng, là các ứng viên của chương trình học bổng du học ưu đãi cho nhân tài chấp nhận bị kiện, bị bồi thường mà không quay về phục vụ quê hương.
Muốn trách nhân tài thì cũng có thể trách, nhưng có lẽ chúng ta nên nghĩ lại một chút về khái niệm “phục vụ quê hương”. Chúng ta muốn nhân tài học xong phải quay về phục vụ quê hương ngay lập tức, bằng cách định vị mình ở đâu đó trong một cơ quan nhà nước, hoặc chí ít là cũng quay về làm việc trên đất Việt Nam, và đóng góp những ngày công làm việc cụ thể? Hay chúng ta sẽ mở ra một tầm nhìn khác hơn, sẵn sàng dõi theo từng bước lập thân lập nghiệp phát triển của nhân tài đất Việt ở nước ngoài để trở nên chín muồi, trở nên vượt bậc, đến khi có thể đem về cho quê hương những giá trị đóng góp lớn lao hơn, có ý nghĩa hơn so với những ngày công thuần túy của họ.
Chúng ta thử ngẫm nghĩ về thành công của trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu để nhận ra kịch bản đó. Bối cảnh của một xã hội hội nhập quốc tế sâu sắc như hiện nay buộc chúng ta phải làm quen với cách nghĩ, người Việt không nhất thiết phải quay trở về quê nhà ngay lập tức để thể hiện sự đóng góp. Họ có thể định vị giá trị VN ở đâu đó trong cộng đồng quốc tế.
Rồi chúng ta cũng phải tự vấn. Câu hỏi tự vấn dẫu có chua xót thì cũng vẫn phải đặt ra. Rằng chúng ta thiếu điều gì để nhân tài có thể trở nên có ích hơn khi quay về phụng sự đất nước. Chúng ta có thiếu không những ưu đãi vật chất hấp dẫn với nhân tài? Thoạt nghĩ là có, vì lương bổng thu nhập trong nước còn bất cập quá nên chưa chắc đã thu hút và giữ chân nhân tài. Nhưng rồi, một số trường hợp địa phương mạnh dạn đưa chính sách khuyến dụ nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, cấp tiền, trao nhà, giao chức, tăng lương cho các nhân tài. Thậm chí có nơi chẳng ngại thực hiện chính sách “mua” nhân tài. Nhưng rồi không chắc đã thu hút được, đã giữ chân được nhân tài.
Đem chính sách tiền bạc, vật chất để đãi ngộ người tài cho thấy một sự quan tâm rất thực tế và coi trọng người tài. Nhưng có lẽ người tài cần một điều khác hơn, là sự trọng dụng thực sự. Là tạo môi trường làm việc để họ đóng góp ý tưởng mà không phải vượt qua quá nhiều rào cản vô lý của tư duy cũ kỹ, của môi trường làm việc thiếu sự sáng tạo và không dám chấp nhận sự thay đổi.
Nhân tài cần được soi mình vào công việc và hiệu quả thực tế để thấy mình có ích và có giá trị, chứ không hẳn chỉ thích đo đếm tài năng của mình bằng số tiền “phúc lợi chính sách” như một đặc quyền đối xử dành cho họ.
Huỳnh Văn Thông
Nguồn: www.tienphong.vn; thanhnien.vn