Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 24/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG VÀ "GIẤC MƠ" TIẾN SĨ

HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG VÀ "GIẤC MƠ" TIẾN SĨ

 
 
 


Giờ thực hành của nghiên cứu sinh tại một trường đại học (ảnh có tính minh họa). Ảnh: THANH GIANG

Từ năm 2000 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) được giao chủ trì thực hiện nhiều đề án có kinh phí từ hàng trăm tỷ đồng đến hơn 10 nghìn tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, có những đề án nguồn kinh phí rất lớn, nhưng quá trình thực hiện đã không đạt mục tiêu đề ra; chất lượng đào tạo tiến sĩ còn nhiều bất cập.

Mới đây, Bộ GD và ĐT xây dựng dự thảo đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) sư phạm, giai đoạn từ năm 2018 đến 2025 và tầm nhìn 2030, đặt mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ với nguồn kinh phí 12 nghìn tỷ đồng khiến dư luận băn khoăn.

Bài 1 : Mục tiêu lớn, kinh phí nhiều, kết quả thấp

Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 911) có tổng kinh phí lớn nhất 14 nghìn tỷ đồng với mục tiêu đào tạo 23 nghìn tiến sĩ. Tuy nhiên, đề án triển khai đến hết năm 2016 đã bộc lộ hàng loạt hạn chế, không đạt mục tiêu đề ra, Bộ GD và ĐT đã dừng tuyển sinh từ năm nay.

Mười năm và mục tiêu 23 nghìn tiến sĩ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chương trình, đề án có thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đào tạo học bổng dạng hiệp định; lồng ghép đào tạo tiến sĩ trong đề án đào tạo nhân lực nói chung; đề án đào tạo riêng về tiến sĩ...; điển hình như các học bổng dạng hiệp định đào tạo ở nước ngoài tại LB Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hung-ga-ri... Đề án Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, theo Quyết định số 322/2000/QĐ-TTg (Đề án 322). Năm 2005, đề án nêu trên được đổi tên thành Đề án Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định 356/2005/QĐ-TTg (Đề án 356).

Đáng chú ý, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 911 chỉ dành riêng đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ, giao Bộ GD và ĐT chủ trì. Đề án có mục tiêu là trong giai đoạn 2010-2020 đào tạo khoảng 10 nghìn tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới (từ năm 2010 đến 2013, mỗi năm tuyển chọn từ 800 đến 1.200 và từ năm 2014 trở đi, bình quân mỗi năm tuyển chọn từ 1.300 đến 1.500 nghiên cứu sinh); đào tạo khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH trong nước và trường ĐH nước ngoài; đào tạo khoảng 10 nghìn tiến sĩ ở trong nước (từ năm 2010 đến 2015, mỗi năm tuyển chọn 1.200 đến 1.500 và từ năm 2016 bình quân mỗi năm tuyển chọn 1.500 nghiên cứu sinh)...

Đối tượng tuyển chọn của đề án là giảng viên các trường ĐH, CĐ; nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu khoa học; sinh viên mới tốt nghiệp ĐH hoặc thạc sĩ đạt từ loại khá trở lên; những người có năng lực và trình độ chuyên môn giỏi đang làm việc tại các đơn vị ngoài nhà trường, có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên ĐH, CĐ sau khi được đào tạo (không quá 45 tuổi). Trong đó, ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ đối với giảng viên các trường ĐH, nhất là các trường trọng điểm, xuất sắc... Tổng kinh phí thực hiện Đề án 911 dự kiến là 14 nghìn tỷ đồng; trong đó, đào tạo toàn phần ở nước ngoài chiếm khoảng 64%, đào tạo phối hợp chiếm khoảng 14%; đào tạo trong nước chiếm khoảng 20%, đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng khác ở trong nước chiếm khoảng 2%. Nguồn kinh phí thực hiện đề án gồm: Ngân sách nhà nước (94%); từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa (5%); các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các nhà trường (1%).

Đề án 911 ra đời với kỳ vọng tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ cả về quy mô và chất lượng, nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy và quản lý ĐH tiên tiến của đội ngũ giảng viên; nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, tranh thủ và phát huy hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước ta.

Kết quả thấp so với mục tiêu

Mặc dù Nhà nước tạo nhiều điều kiện, cấp tổng kinh phí lớn cho đào tạo tiến sĩ nhưng thực tế quá trình triển khai có nhiều hạn chế, kết quả còn xa so với kỳ vọng. Đến năm 2012, Bộ GD và ĐT mới có quyết định về tuyển sinh và ban hành thông tư đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911. Bộ GD và ĐT cũng xác định, từ năm 2012 đến 2016 tổng chỉ tiêu đào tạo của đề án là 12.800 tiến sĩ (gồm 5.700 chỉ tiêu đào tạo trong nước, 5.800 chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài và 1.300 chỉ tiêu đào tạo phối hợp). Tuy nhiên, kết quả đạt được tính đến hết năm 2016 khá thấp. Cụ thể, giai đoạn 2012-2016, mới tuyển được 2.062 nghiên cứu sinh (NCS) đào tạo trong nước, đạt 36% chỉ tiêu. Trong đó, có 703 NCS đến thời hạn kết thúc thời gian nghiên cứu nhưng mới chỉ có 165 NCS hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công luận án đúng thời hạn (đạt tỷ lệ hơn 23%); còn lại, có tới 538 NCS (gần 77%) bảo vệ luận án chậm hoặc chưa bảo vệ luận án. Trong số NCS được tuyển có 143 người bỏ học hoặc chuyển sang nghiên cứu đại trà.

Đối với công tác đào tạo phối hợp, chỉ có một NCS đang học tập nghiên cứu tại Pháp, trong số 1.300 chỉ tiêu của giai đoạn 2012-2016. Trong khi đó, từ năm 2012 đến hết năm 2016, có 2.926 người trúng tuyển đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ có 1.961 người (đạt gần 34% chỉ tiêu) được làm thủ tục đi học. Điều đáng nói, số tuyển sinh đào tạo ở nước ngoài nêu trên không phải hoàn toàn do Đề án 911 thực hiện, mà có 655 người thuộc danh sách do Đề án 356 tuyển vượt chỉ tiêu theo quy định chuyển sang. Vì vậy, kết quả tuyển sinh đào tạo ở nước ngoài của Đề án 911 thực chất chỉ có 1.306 NCS (gần 23% so với chỉ tiêu). Trong đó, có 549 NCS hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công luận án (tốt nghiệp đúng thời hạn là 387 người, còn lại tốt nghiệp chậm từ một đến hai năm); 186 NCS hết thời hạn nghiên cứu nhưng chưa tốt nghiệp. Ngoài ra, có 45 NCS ở nước ngoài bỏ học.

Vấn đề sử dụng kinh phí triển khai Đề án 911 cũng có nhiều hạn chế. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước ban hành tháng 11 vừa qua cho thấy, tổng kinh phí đề nghị quyết toán của Đề án 911 giai đoạn 2012-2016 là hơn 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, kinh phí phân bổ qua các năm chưa phù hợp với nhiệm vụ chi, phải hủy dự toán hoặc phải chuyển năm sau để chi, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí.

Bộ GD và ĐT chưa ban hành văn bản riêng, cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí đề án. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD và ĐT, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gồm: Học phí của NCS tại Cục Hợp tác quốc tế (từ năm 2012 đến 30-7-2017) hơn 50 tỷ đồng; các khoản chi sai chế độ, không đúng quy định hơn 424 triệu đồng; thu hồi kinh phí do NCS bỏ học hơn 207 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ GD và ĐT phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỷ đồng và giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng. Đối với các bộ, ngành kiểm tra đối chiếu tổng số xử lý tài chính là hơn 6,3 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân khiến Đề án 911 không đạt mục tiêu đề ra được xác định là do các cơ chế, chính sách bất cập chậm được tháo gỡ, mức kinh phí hỗ trợ của đề án thấp, các nội dung chi và điều kiện để hỗ trợ kinh phí nhiều vướng mắc, trong khi yêu cầu trách nhiệm ràng buộc của NCS cao. Định mức hỗ trợ cho NCS thấp và có thêm quy định lưu học sinh phải nộp học phí khóa học 52 triệu đồng là điều bất cập. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình đào tạo tiến sĩ của Đề án 911 chưa có sự khác biệt so với các chương trình đào tạo đại trà (về giáo trình và thời gian thực tập tại nước ngoài, hình thức đào tạo, bằng tốt nghiệp). Đề án xây dựng không sát thực tế dẫn đến không thực hiện được mục tiêu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quá trình triển khai Đề án 911 có sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt, đặt ra tiêu chuẩn chưa phù hợp; những người thực hiện không tâm huyết, trách nhiệm với việc tìm kiếm lựa chọn người giỏi để tuyển sinh cho nên không đạt kết quả. “Cùng là đào tạo tiến sĩ nhưng có sự khập khiễng bởi tiêu chí xét tuyển của các đề án quá cao, trong khi đào tạo đại trà còn nhiều hạn chế, thậm chí có cả “tiến sĩ giấy”, dẫn đến các đề án chưa thật sự thu hút nhiều người theo học” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã nhìn nhận.
 

 


Điều kiện bảo đảm chất lượng hạn chế nhưng Học viện Khoa học xã hội vẫn đào tạo số lượng lớn tiến sĩ.

Bài 2: Đề án mới có thật sự mới?

Trong khi chưa có những đánh giá cụ thể về những hạn chế của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) giai đoạn 2010-2020 (Đề án 911), cũng như công tác đào tạo tiến sĩ nói chung, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tiếp tục xây dựng dự thảo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12 nghìn tỷ đồng khiến nhiều người băn khoăn.

Dấu hỏi lớn về chất lượng

Có thể nói, lực lượng tiến sĩ đã và đang có nhiều đóng góp vào phát triển giáo dục, nghiên cứu khoa học cùng nhiều lĩnh vực khác trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ GD và ĐT, kết thúc năm học 2016-2017, các trường ĐH, học viện trên cả nước có quy mô đào tạo 13.587 nghiên cứu sinh (NCS), tăng 25% so với năm học trước. Ngoài ra, các viện nghiên cứu khoa học, thời điểm tháng 6-2017 có quy mô đào tạo 1.501 NCS.

Tuy nhiên, không phải tất cả cơ sở đào tạo hoặc tất cả các tiến sĩ đều bảo đảm chất lượng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 1-2014 đến hết tháng 4-2015, Bộ GD và ĐT đã thẩm định 185 luận án tiến sĩ và 288 hồ sơ NCS đã bảo vệ cho thấy, có 21% số hồ sơ thẩm định còn thiếu sót; có năm luận án bị đánh giá không đạt yêu cầu phải tổ chức hội đồng để thẩm định chất lượng.

Một số cơ sở đào tạo tiến sĩ thực hiện không đúng các quy định dẫn đến chưa bảo đảm chất lượng. Điển hình như tại Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có nhiều sai phạm trong đào tạo tiến sĩ. Kết luận thanh tra của Bộ GD và ĐT giữa năm 2017 chỉ rõ: Chương trình đào tạo tiến sĩ của học viện không bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu; việc quản lý hồ sơ đào tạo còn nhiều sai sót, chưa lưu giữ đầy đủ hồ sơ của những nhà khoa học ở ngoài cơ sở đào tạo tham gia hướng dẫn và tham gia hội đồng đánh giá luận án... Năm 2017, Học viện đã tự xác định chỉ tiêu vượt năng lực đối với trình độ tiến sĩ khối ngành I và VII (nếu chỉ tính đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định thì Học viện không còn năng lực tuyển sinh trình độ tiến sĩ và thạc sĩ khối ngành I). Học viện phân công người hướng dẫn không cùng ngành, chuyên ngành với NCS; một người hướng dẫn số NCS tại một thời điểm vượt quá số lượng quy định. Đáng chú ý, dù năng lực hạn chế, nhưng số lượng NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hằng năm của Học viện Khoa học Xã hội lại khá nhiều; năm 2015 là 281 luận án, năm 2016 là 265 luận án, năm 2017 (tính đến tháng 4) là 46 luận án.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện nay, cơ quan quản lý giáo dục chưa có thống kê cụ thể về sự nghiêm túc và chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, có thể ước lượng khoảng 80% số tiến sĩ được đào tạo nghiêm túc, còn lại khoảng 20% đào tạo không nghiêm túc. Thừa nhận những hạn chế, Bộ GD và ĐT cho biết, cả nước hiện có tổng số khoảng 24.500 tiến sĩ, trong đó có 16.514 tiến sĩ đang giảng dạy trong các trường ĐH. Tuy nhiên, những năm qua, do nguồn lực đầu tư thấp, thiếu điều kiện nghiên cứu khoa học khiến luận án tiến sĩ kém chất lượng, chưa được xã hội và người sử dụng nhân lực tin cậy. Tỷ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn cao, Bộ chưa kiểm soát được số lượng cùng một thời điểm mỗi người hướng dẫn bao nhiêu NCS. Số lượng công bố khoa học quốc tế ở Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới. Nhiều cán bộ, giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, cho nên chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn là dấu hỏi lớn.

Để không “lặp lại vết xe đổ”

Như phân tích ở trên, dù các đề án không đạt mục tiêu nhưng mới đây, Bộ GD và ĐT tiếp tục xây dựng dự thảo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trình Chính phủ phê duyệt. Giải thích lý do xây dựng dự thảo đề án mới, Bộ GD và ĐT cho biết, những năm qua, việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực tại các cơ sở giáo dục ĐH đã diễn ra mạnh mẽ, nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi nhiều đề án, dự án trọng điểm được triển khai nhưng chưa tạo ra kết quả đột phá trong nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm dẫn đến hạn chế năng lực và chưa đáp ứng được yêu cầu chủ trương đổi mới và hội nhập hiện nay.

Đề án nếu được phê duyệt dự kiến triển khai từ năm 2018 đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 có mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ với tổng kinh phí 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu cụ thể là đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài (mỗi năm tuyển chọn từ 600 đến 700 NCS); đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài (mỗi năm tuyển chọn khoảng 60 đến 70 NCS); đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định ở trong nước; thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương: Nhu cầu đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH là rất lớn, cho nên việc có đề án hỗ trợ là cần thiết, phù hợp thực tiễn yêu cầu đổi mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có cách làm hiệu quả, thiết thực. Đề án 911 bản chất là rất tốt nhưng mục tiêu, tiêu chí, quá trình thực hiện lại chưa tốt. Vì vậy, cần thay đổi phương pháp, cách thức triển khai; bảo đảm hỗ trợ hợp lý giữa ứng viên đi học trong nước và nước ngoài. Đồng thời, các cơ sở đào tạo phải đưa ra được chương trình đào tạo tốt, nghiêm túc về chuẩn đầu ra. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã cho rằng, khi triển khai đề án cần bảo đảm tuyển chọn ứng viên đủ tiêu chuẩn, thật sự có trình độ, năng lực, tránh trường hợp xuê xoa, dễ để nảy sinh tiêu cực. Nếu chi 12 nghìn tỷ đồng mà có được 9.000 tiến sĩ “thật” thì không phải là con số lớn, nhưng nếu không bảo đảm chất lượng thì khó chấp nhận. Vì vậy, trước khi triển khai đồng loạt, Bộ GD và ĐT cần thí điểm ở số lượng ít để đưa ra được những phương pháp đào tạo, cách thức triển khai phù hợp, bảo đảm chất lượng, từ đó triển khai diện rộng. Theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, Giám đốc Viện ĐH Mở Hà Nội, thực tế hiện nay giữa các nhóm ngành đào tạo tiến sĩ có sự khác nhau. Có nhóm ngành dễ dãi nhưng cũng có nhóm ngành khá khó như kỹ thuật công nghệ (có cơ sở đào tạo 60% số NCS không hoàn thành được luận án). Để triển khai được đề án mới, cần tính toán phù hợp giữa các nhóm ngành và không chỉ tập trung vào NCS mà cần tổ chức bồi dưỡng “nâng cấp” đội ngũ giảng viên hướng dẫn luận án thông qua các công trình nghiên cứu khoa học, hội nhập khu vực, quốc tế…

Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc xây dựng dự thảo như trên thực chất không phải là đề án hoàn toàn mới mà là chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án 911. Trong đó, tập trung thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài; tạo cơ chế, chính sách để các tiến sĩ làm việc tốt. Kinh phí của đề án không đưa về địa phương, cơ sở đào tạo nào mà đưa trực tiếp cho người đạt được học bổng. Việc đổi mới cơ chế quản lý đào tạo tiến sĩ khác với cách làm truyền thống, không nhất thiết phải dùng hết tiền được duyệt mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không bảo đảm thì trả lại Nhà nước. Đề án mới cũng chú trọng đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người học, Bộ GD và ĐT chủ yếu đưa ra cơ chế chính sách đề xuất định mức và có điều chỉnh kinh phí của suất đào tạo trong nước và nước ngoài hay các vùng miền cho phù hợp. Khuyến khích các cơ sở trong nước liên kết với nước ngoài để cùng đào tạo, hướng dẫn NCS chứ không nhất thiết phải gửi tất cả ra nước ngoài đào tạo. Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ mới với yêu cầu cao hơn (phải có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế…) và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, có một đề án đào tạo tiến sĩ là điều cần thiết trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay. Nhu cầu nhân lực là tiến sĩ rất lớn nhưng phải gắn với chất lượng thật sự chứ không phải tiến sĩ “giấy”. Do đó, Bộ GD và ĐT cần đánh giá khách quan, minh bạch, Đề án 911 để xem xét nên dừng hay tiếp tục triển khai; trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan như thế nào; từ đó lý giải rõ vì sao không tiếp tục và vì sao phải có một đề án mới; phương pháp thực hiện đề án mới cụ thể thế nào và chất lượng đội ngũ được đào tạo tiến sĩ của đề án mới sẽ ra sao. Bên cạnh đó, cần có đánh giá một cách toàn diện vấn đề đào tạo tiến sĩ nói chung ở nước ta để nhận diện bất cập, hạn chế và đưa ra giải pháp phù hợp.

GIANG SƠN

Nguồn: nhandan.com.vn
 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển