Tổng thống Bush đã vấp phải một thất bại bất ngờ khi Hạ viện dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa đã không chấp thuận dự luật thiết lập quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam. Diễn biến này xảy ra vào lúc tổng thống chuẩn bị đi châu Á, nơi ông sẽ tham dự cuộc họp cấp cao về hợp tác kinh tế tại Hà Nội.
Mặc dầu đã được sự ủng hộ của 228 đại biểu Hạ viện, so với 168 đại biểu chống đối, dự luật về thương mại với Việt Nam vẫn không đạt được 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định của Hạ viện để thông qua những dự luật được coi là “không gây tranh cãi.”
Điều này có nghĩa là phe Cộng hòa, hiện còn đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện cho đến khi phe Dân chủ chiếm thế đa số vào tháng giêng năm tới, sẽ phải định lại ngày đưa dự luật ra cứu xét theo các quy định thông thường chỉ đòi hỏi số phiếu đa số tương đối, hay quá bán.
Cuộc biểu quyết cuối cùng cho thấy 66 đại biểu của đảng Cộng hòa đã cùng với 94 đại biểu của đảng Dân chủ và 1 đại biểu độc lập chống lại dự luật, trong khi 90 đại biểu Dân chủ cùng với 138 đại biểu Cộng hòa ủng hộ dự luật. Dành cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn đã được đưa lên gần như hàng đầu trong nghị trình thương mại của Tổng thống ít lâu nay, nhưng đã bị đình lại vì những mối quan ngại của Quốc hội đối với thành tích nhân quyền của Việt Nam và những điều khoản có liên quan đến hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã mở những cuộc thương lượng sâu rộng về thỏa thuận này, mà nếu được thông qua sẽ bình thường hóa các quan hệ thương mại, hơn một thập niên sau khi hai nước thiết lập bang giao vào năm 1995. Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một hiệp định thương mại song phương vào năm 2001.Việt Nam trông đợi thỏa thuận này sẽ mở cửa cho Việt Nam tận dụng các lợi ích của việc chung cuộc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới, dự kiến vào cuối năm nay.
Trong khi Hạ viện cứu xét dự luật về thương mại với Việt Nam, dân biểu Bill Thomas của đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang California, đã giải thích lý do cần phải sửa đổi dự luật.
“Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong công nghiệp dệt may. Điều mà chúng tôi lo ngại là quân bình những mối quan tâm của những người trong khu vực bán lẻ và những người trong khu vực sản xuất.”
Dân biểu Thomas khẳng định rằng dự luật được tu chính đã tiến một bước xa hướng tới việc giải quyết những mối quan ngại do công nghiệp dệt may Hoa Kỳ và các nhà lập pháp của các tiểu bang sản xuất đã nêu lên. Những người ủng hộ dự luật vạch rõ sự tăng vọt trong thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt tới khoảng 8 tỷ đôla trong năm 2008, và những thuận lợi của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa sản xuất tại Hoa Kỳ và các mặt hàng nông nghiệp.
Nhưng phe Dân chủ nói rằng dự luật không cung cấp các biện pháp an toàn để bảo vệ thị trường dệt may Hoa kỳ trước hiện tượng hàng nhập ồ ạt và bán phá giá từ Việt Nam. Dân biểu Jim McDermott là một đảng viên Dân chủ đại diện tiểu bang Washington lên tiếng: “Đây là một viễn kiến quan trọng. Các nền kinh tế phi thị trường không đáp lại những tín hiệu thị truờng bình thường về cung cầu và vì thế họ thường tạo ra tình trạng thặng dư số cung có thể dẫn đến tình trạng hàng nhập ồ ạt vào thị trường Hoa Kỳ.”
Dân biểu Dennis Kucinich, thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Ohio, lập luận rằng thỏa thuận có thể góp phần vào tình trạng mất công ăn việc làm ở Hoa Kỳ: “Vì các nhà sản xuất Trung quốc tiến về phía nam đến Việt Nam để đi tìm lao động rẻ hơn nữa, cho nên càng ngày càng có thêm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, và càng ngày càng mất đi công ăn việc làm ở Hoa Kỳ.”
Mặc dầu dự luật được sự ủng hộ rộng rãi tại Hạ viện, cuộc tranh luận đã đem lại cơ hội cho các nhà lập pháp khơi ra những mối quan ngại về thành tích nhân quyền của Việt Nam. Dân biểu Earl Blumenauer của đảng Dân chủ đại diện tiểu bang Oregon nêu nhận định: “Thành tích của Việt Nam về tự do tôn giáo và nhân quyền tiếp tục là một trở ngại cho sự thăng hoa đầy đủ của quan hệ đối tác với Hoa Kỳ. Thành tích này làm giảm sút tính cách hợp pháp của chính phủ Việt Nam dưới con mắt của chính phủ Mỹ và dân chúng trên khắp thế giới.”
Tuy nhiên, đa số tin rằng việc bình thường hóa mậu dịch với Việt Nam sẽ có những hậu quả phụ đem lại những thay đổi đưa đến sự khai phóng và cải cách nhân quyền.Dân biểu Jim Kolbe của Đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Arizona là chủ tịch tiểu ban công tác nước ngoài của Hạ viện nêu ý kiến như sau: “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn sẽ thúc đẩy các cải cách trong nước tại Việt Nam. Qua việc gia tăng tính minh bạch trong các hoạt động thương mại ở Việt Nam, dự luật này sẽ góp phần đem lại nhiều minh bạch hơn nữa trong tất cả mọi lãnh vực của chính phủ Việt Nam.”
Việc dự luật về Việt Nam không được Hạ viện thông qua là một cú choc cho hầu hết các quan sát viên theo dõi diễn tiến của dự luật, mà theo dự kiến sẽ được chấp thuận dễ dàng.
Các nhà lãnh đạo Hạ viện của đảng Cộng hòa đã từng nói rằng họ muốn dự luật được thông qua cả tại Hạ viện lẫn Thượng viện kịp thời để Tổng thống Bush ký thành luật, trước khi ông lên đường đi dự hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội.
Nguồn: VOANews