Trước đây, khi nói đến sự nghèo thường chỉ quan niệm đơn thuần là thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu những điều kiện sống tối thiểu. Phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều này không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Từ đó, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều ra đời đã bao quát đầy đủ, chính xác hơn về sự nghèo. Các tiêu chí nghèo đa chiều ở Việt Nam hiện nay bao gồm: Mức thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống (nước sạch và vệ sinh), tiếp cận thông tin.   

Ai cũng biết rằng, con người muốn tồn tại trước hết phải bảo đảm những nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, sức khỏe, vì vậy mục tiêu giảm nghèo cũng phải hướng đến giải quyết những nhu cầu căn bản đó. Nhưng đối với bộ phận cư dân nghèo hiện nay, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phải làm sao lý giải cho họ căn nguyên của “cái nghèo luẩn quẩn” mới là điều đáng quan tâm. Nếu những người dân nghèo được “khơi thông” tư tưởng là không dựa dẫm, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chủ động vượt khó, dám nghĩ, dám làm, biết làm và quyết chí đi lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình thì nhất định họ sẽ từng bước làm chủ được cuộc sống của mình. Muốn vậy, phải tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để góp phần thúc giục những người dân nghèo bớt… nghèo.