Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Sự kiện

Giải thưởng lớn phải ngang tầm

Cuộc bình chọn để vinh danh văn nghệ sỹ có công với nền văn hóa dân tộc, nên phải thật công tâm và nhạy cảm để phát hiện, đề xuất…
Xem qua danh sách các tác giả được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) trình hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước tôi vừa mừng, vừa băn khoăn. Mừng vì có nhiều nhà văn, nhạc sỹ, nghệ sỹ mình yêu thích, mến mộ có tên trong danh sách như nhà nghiên cứu phê bình Hà Minh Đức, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Phạm Tiến Duật…
 
Tôi băn khoăn bởi có nhiều tác giả lạ quá, cả tên và tác phẩm. Sợ mình “ếch ngồi đáy giếng” tôi liền gọi cho một số nhà văn, nhà báo quen biết để thẩm tra lại thì các vị ấy đều ngỡ ngàng không kém gì tôi. Họ bảo chắc là ở địa phương trình lên nên Hội không biết. Tôi liền nghĩ đã là giải thưởng lớn của Quốc gia thì phải ngang tầm chứ không kể trung ương hay địa phương.
 
Có một tác giả tôi biết là phụ trách một cơ quan truyền thông ở địa phương, mấy năm qua ra một vài tập văn, thơ, chưa phải là hay nhưng thấy xếp ngang hàng với các tác giả trong danh sách đề nghị Giải thưởng Nhà nước. Nếu danh sách này mà được xét duyệt, công bố vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tới thì thật không ổn. Nhiều tác giả, tác phẩm không xứng tầm và có nhiều tác giả xứng đáng lại bị bỏ sót.
 
Tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) từ năm 1958 và công tác ở đây từ năm 1970 cho đến ngày nghỉ hưu. Tôi biết và yêu quý hai tác giả là nhạc sỹ Phạm Tuyên và Hoàng Hà. Tôi nghĩ các anh ấy xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng tiếc thay, các anh không có tên trong danh sách. Hỏi ra, tôi được biết, cả hai anh trục trặc vì do thủ tục. Tất nhiên có thể còn những lý do khác mà tôi không thể biết được.
 
Nhạc sỹ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Hà Nội cho hay rằng đã có công văn gửi cho Bộ VHTTDL đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sỹ Phạm Tuyên, nhưng người phụ trách Vụ Thi đua của Bộ thì bảo là phải có hồ sơ xin xét duyệt mới đúng thủ tục. Nếu thực sự trách nhiệm và chăm chút công việc thì Vụ Thi đua khi nhận được công văn, thông báo ngay cho cơ quan và tác giả, hướng dẫn trình tự thủ tục xét duyệt thì chắc không xảy ra điều đáng tiếc.
 
Đọc được điều này chắc các vị ở Vụ Thi đua sẽ đưa hai tay lên trời mà kêu rằng: “Trời ơi, cả trăm, ngàn hồ sơ thì chúng tôi làm sao nổi?” Xin thưa rằng, cuộc tuyển chọn, thẩm định nào cũng có bộ phận tiếp nhận hồ sơ đầu tiên và cũng là người đầu tiên phát hiện đúng sai quy cách. Hơn thế nữa đây là cuộc bình chọn để vinh danh văn nghệ sỹ có công với nền văn hóa dân tộc. Phải thật công tâm và nhạy cảm để phát hiện, đề xuất, tôn vinh những nhân tài của đất nước.
 
Tôi nhớ năm 1987, thời bão giá, bao cấp nghiệt ngã, nhạc sỹ Phạm Tuyên, nhà báo Trần Sinh (nay đã mất), nhà báo Hồng Mão và tôi, mỗi người mỗi lĩnh vực khác nhau, nhưng cơ quan quá chật nên được ngồi làm việc chung một phòng vẻn vẹn chục mét vuông. Nhạc sỹ Phạm Tuyên có lần nói đại ý: thiếu thốn quá, xin nhau chiếc áo may ô, khăn mặt, săm lốp xe đạp thì được, nhưng người có chút lòng tự trọng thì không bao giờ ngửa tay xin phần thưởng tinh thần. Những tác giả càng lớn thì lòng tự trọng càng cao. Người làm công việc bếp núc cho sự tôn vinh cao quý này càng khiêm nhường, tận tâm, càng nể trọng.
 
Nếu tôi nhớ không nhầm thì chính nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo là người đầu tiên đề xuất tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng và nghĩa cử cao đẹp đó đã thành hiện thực. Không ai hơn công chúng và đồng nghiệp hiểu biết, ngưỡng mộ tài năng, tôn vinh những người ngang tầm với Giải thưởng lớn của Quốc gia.
 
Tôi băn khoăn quá, khi được nghe Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên, thành viên Hội đồng xét tặng nói với phóng viên Văn nghệ VTV rằng: chúng ta làm việc tù mù quá. Tôi xin mạo muội thêm rằng: chúng ta đang làm công việc sáng tựa sao Khuê thì không thể tù mù được(!). Tôi chợt nghĩ, tại sao hai lần xét thưởng trước đó êm xuôi mà lần này nhiều đơn thư khiếu nại đến vậy? Phải chăng cần có độ lùi cần thiết mới thấy rõ hơn những tác giả, tác phẩm xứng tầm.
 
Nhân đây tôi xin có ba kiến nghị:
 
Một là, cần thiết thăm dò, thu nhận ý kiến của công chúng đánh giá, nhận xét, bình chọn tác giả, tác phẩm.
 
Hai là, chúng ta chưa có Viện Hàn lâm như nhiều nước trên thế giới thì phải có một cơ quan của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tổ chức thẩm định tác phẩm.
 
Ba là, nên lùi thời gian công bố Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước vào cuối năm để có thời gian rà soát lại, và bổ sung những tác giả xứng tầm với giải thưởng lớn của Quốc gia./.
 
Theo VOV.
 
Số lượt đọc: 54787 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển