Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

GIẢI PHÁP TỔNG THỂ; CẦN CÓ TƯ DUY MỚI....

Giải pháp tổng thể

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, bắt đầu từ ngày mai (26-9) tại Cần Thơ sẽ diễn ra hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những năm qua, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới khu vực này là rất rõ rệt và có xu hướng tăng nhanh. Vì thế, việc tìm giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết.

 

 


Kênh phục vụ tưới tiêu xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang bị nhiễm mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam; đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Đây là nơi gạo trắng nước trong, là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), dẫn tới ruộng đồng nhiều nơi khô hạn, triều cường, ngập mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, tấn công cả vào các đô thị. Trong đó lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặp bất lợi nhất.

Ngay từ năm 2010, các chuyên gia khí tượng thủy văn đã mạnh mẽ cảnh báo: Theo kịch bản BĐKH, khoảng 35% dân số của vùng, tương đương gần 6,3 triệu dân ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp. 15/161 đô thị tại đây có khả năng ngập úng do lũ, triều cường và mưa lớn. Đặc biệt, dưới tác động của triều cường, mưa lũ thay đổi cực đoan, mực nước biển dâng khiến tình trạng ngập lụt ở ĐBSCL trong đó có các đô thị diễn ra ngày càng gay gắt. Theo PGS.TS Lưu Đức Cường (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng), dự báo mực nước biển trung bình vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 23cm đến 27cm vào năm 2050 và tăng 59cm đến 75cm vào năm 2100. Lúc đó diện tích đất ĐBSCL bị ngập trên 0,5m là hơn 3 triệu ha. Khi đó các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Hà Tiên... sẽ bị ngập trên 1m. Từ đó, người ta đã tính đến chuyện phát triển mô hình đô thị nông nghiệp để thích ứng với BĐKH tại đây.

Tuy nhiên, vấn đề đô thị vùng ĐBSCL bị ngập úng vẫn chưa đáng ngại bằng việc đồng ruộng khi ngập, khi hạn, độ mặn ngày một tăng cao khiến không chủ động được trong trồng trọt, chăn nuôi và làm cho năng suất, sản lượng vật nuôi cây trồng sụt giảm. Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, số bà con nông dân khu vực này bán ruộng, cho thuê ruộng, bỏ làng, bỏ ruộng tới các thành phố, các khu công nghiệp để kiếm việc làm diễn ra khá phổ biến. Nhất là với giới trẻ, lực lượng lao động chính thì một bộ phận lớn đã thoát li khỏi ruộng vườn. Số người nghèo tại ĐBSCL có xu hướng tăng lên, cũng như phát sinh những vấn đề xã hội gay gắt.

Giải pháp tổng thể để ĐBSCL ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng sự chuyển động tới nay vẫn không rõ rệt. Chung sống với BĐKH hay là bỏ xứ ra đi vẫn là điều day dứt của nhiều người, nhất là với người nghèo.

GS Nguyễn Tất Đắc (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng), trước tác động rất lớn từ BĐKH, vấn đề của ĐBSCL không còn là việc kiểm soát lũ mà còn là chuyện chống hạn, thay đổi dòng chảy, sạt lở đất, xâm nhập mặn, mất nguồn lợi từ lũ. Do đó phải kiểm soát được lũ để người dân “sống chung với lũ, chuyển từ thế bất lợi sang chủ động khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại.

Theo ông Đắc, cũng cần phải tính đến chuyện để lũ vào đồng tự do và cả trong trường hợp không có lũ để có các quy hoạch mang tính tổng thể từ vùng trồng lúa, nuôi trồng thủy sản đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Còn GS.TS Tăng Đức Thắng (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) thì cho rằng, các kịch bản kiểm soát lũ ĐBSCL cần tính tới việc chỉnh trị dòng chảy cũng như xây dựng các khu vực chứa nước ngọt nhằm cung cấp nước cho các vùng ở hạ lưu cũng như đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo mọi nhu cầu về sống chung với lũ một cách an toàn của người dân. 

Gần đây, tại ĐBSCL, người ta còn chứng kiến nhiều vụ sạt lở đất, mà theo các chuyên gia thì không hẳn chỉ do việc khai thác cát trên các dòng sông. Rất có thể nó còn có những nguyên nhân sâu xa khác cần phải tính đến. Tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang và cả TP Cần Thơ cũng có những vụ sạt lở đất. Đặc biệt, tại các khu vực hai bên sông, nạn lở đất khiến cho nhiều người dân hoang mang, phải di chuyển chỗ ở.

Những biểu hiện và tác động xấu từ BĐKH ở vùng ĐBSCL đã đến lúc phải có những giải pháp giải quyết rõ ràng, theo giới chuyên gia thì cần phải có một cuộc chuyển đổi lớn. Điều này được GS Trần Thục (Hội đồng Tư vấn Ủy ban quốc gia về BĐKH) nhấn mạnh tại Hội nghị khu vực phía Nam triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris do Bộ TNMT tổ chức cách đây chưa lâu tại TP HCM.

Theo ông Thục, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn, trong đó vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay và trong những năm tới là sự suy giảm lượng phù sa từ thượng nguồn. Ông Thục cũng nhìn nhận, ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập… Nhưng các quy hoạch này lại không có sự gắn kết đồng bộ nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán.

Ông Thục dẫn chứng Dự án hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No tiêu tốn 300 triệu USD để bảo vệ 43.000ha lúa. Chưa rõ diện tích lúa này mỗi năm tạo ra lợi nhuận có tương xứng với khoảng đầu tư nói trên hay không, nhưng đã đẩy ngập sang TP Cần Thơ, cho thấy cái giá của nó là quá lớn. “Nước biển dâng có xu hướng không thể đảo ngược, những tác động của nó là không thể tránh khỏi, do đó trong điều kiện khả năng chống chịu có hạn thì giải pháp tốt nhất cho ĐBSCL là phải thực hiện một cuộc chuyển đổi quy mô lớn về sản xuất và sử dụng đất”- GS Trần Thục nói. Nhưng ông Thục cũng cho rằng, việc chuyển đổi- ví dụ như từ trồng lúa sang nuôi tôm; từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, vì phải đạt được tính bền vững chứ không chỉ là giải pháp tình thế.

ĐBSCL đã đóng góp nhiều cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Lúa, trái cây, thủy sản... là mặt mạnh truyền thống của vùng này. Vì vậy, khi mà ĐBSCL chịu sự tác động tiêu cực từ BĐKH thì nghĩa vụ của cả nước là phải chung tay góp sức. Đã nhiều cảnh báo được đưa ra, nhiều hội thảo được tổ chức nhưng tình hình chưa biến chuyển. Hy vọng rằng với Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới đây sẽ có được những quyết sách đúng đắn, tổng thể và mạnh mẽ, để ĐBSCL sẽ trở lại là vùng đất phì nhiêu, giàu có của đất nước. Một giải pháp tổng thể chứ không chỉ là giải pháp tình thế.  

 Nam Việt

Nguồn: daidoanket.vn

Đồng Bằng Sông Cửu Long Cần có tư duy mới để sống chung với biến đổi khí hậu

Để sống chung với biến đổi khí hậu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần có tư duy mới: tìm hướng đi thích hợp và phải dựa vào nội lực của chính mình liên kết vùng một cách chặt chẽ, cùng nhau biến thách thức thành cơ hội, giải quyết kịp thời thảm họa thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực,...

Ngập lụt nghiêm trọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Trong nhiều năm qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông đã nhận định đánh giá về Đồng bằng sông Cửu Long: được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nước ngọt quanh năm, có ưu thế tuyệt đối trong sản xuất nông nghiệp,... có lợi thế về tài nguyên đất, tài nguyên nước để phát triển nông nghiệp; nguồn lao động dồi dào,... Song qua thực tế do biến đổi khí hậu thời tiết diễn ra thất thường trong thời gian gần đây: hạn hán xâm nhập mặn xảy ra khốc liệt đồng khô lúa cháy, mưa lũ triền miên,phù sa cạn kiệt,sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Sạt lở đất nghiêm trọng tại An Giang
Các nhà khoa học đã dự báo trong thời gian tới, ở Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán, bão lũ nhiều hơn, mùa khô sẽ thiếu nước ngọt trầm trọng, mùa mưa thì ngập lụt, 60% diện tích đồng bằng sẽ khát nước ngọt. Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ ở Việt Nam sẽ tăng từ 2-3 độ, mực nước biển sẽ dâng khoảng 75cm. Từ năm 2020 sẽ có 20 triệu dân ở đồng bằng ven biển bị ảnh hưởng trong đó có Đồng bằng Sông Cửu Long nếu như không có những biện pháp tích cực,...

Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam là một trong năm quốc gia sẽ phải đối mặt với an ninh lương thực và là nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới.


Mặt khác dòng chảy và lượng phù sa ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào dòng chảy của lưu vực sông Mê Kông, trong tương lai sẽ có 120 hồ chứa thủy nông trên khu vực ở thượng nguồn sông Mê Kông với dung tích 100 tỷ m3 nước sẽ làm giảm dòng chảy từ 15-20%, các đập thủy điện sẽ làm giảm khoảng 60% phù sa hàng năm. Nếu hồ chứa thủy nông và thủy điện hoạt động thì tổng lượng phù sa của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm đến 90%, dẫn đến phù sa gần như bị suy kiệt,...

Từ sự phân tích trên cho thấy những nhận định về Đồng bằng sông Cửu Long không còn phù hợp với thực tế hiện nay trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cùng với sự khô kiệt của vùng hạ lưu sông Mê Kông đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các địa phương và nhân dân phải thay đổi tư duy, phải dựa vào nội lực của chính mình, huy động sức mạnh của cộng đồng biến thách thức thành cơ hội để Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa, vựa cá, vựa rau quả của Việt Nam. Muốn làm được điều đó phải:

Tập trung mọi nguồn lực để quản lý nguồn nước có hiệu quả, khẩn trương điều tra tổng thể tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm nước bề mặt, nước mưa, nước ngầm, nước từ nguồn sông Mê Kông,... Từ đó có quy hoạch, kế hoạch trong việc xây dựng hệ thống đê biển ngăn mặn, giữ ngọt, hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước, trữ nước trong mùa mưa để cấp nước trong mùa khô. Nguồn nước ngầm có vai trò quan trọng, đòi hỏi phải điều tra, quy hoạch cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long để sử dụng hợp lý, khắc phục tình trạng hiện nay khai thác tự phát, làm gia tăng quá trình ô nhiễm trên bề mặt nhiễm mặn, sụt, lún nền đất (đây là vùng đất mới được bồi đắp). Ngoài hệ thống kênh rạch hiện có, cần quy hoạch, xây dựng mới kênh mương gắn liền với các nhánh sông đến các khu vực ven biển để cấp nước cho nông nghiệp, ngăn mặn xâm nhập, cung cấp nước ngọt cho cư dân và khu công nghiệp. Đồng thời vận động nhân dân trữ nước mưa, tiết kiệm nước, dùng máy lọc nước mặn thành nước ngọt ở nơi cần thiết; áp dụng công nghệ mới “tưới nhỏ giọt” trong canh tác; tái tạo nguồn nước, chấm dứt tình trạng sử dụng nước có 1 lần...


Cùng với đảm bảo nguồn nước cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng sống chung với biến đổi khí hậu và hạn mặn,... Tùy theo điều kiện từng vùng có điều chỉnh bố trí lại thời vụ cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn; đối với vùng nhiễm mặn nên nuôi các loại hải sản; vùng ven biển thường bị mặn xâm nhập sản xuất theo mô hình: nuôi hải sản trong vùng ngập mặn, nuôi tôm trong ruộng lúa; vùng đất pha cát thì trồng màu, cây ăn quả, vùng đất phù sa ven sông, kênh rạch bảo đảm có nước ngọt quanh năm thì trồng lúa năng suất cao...


Đồng thời tập trung mọi nguồn lực để nghiên cứu lai tạo các loại cây trồng vật nuôi chịu ngập, chịu mặn, chịu hạn, chịu nóng, phát triển được trên đất phèn, có năng suất cao, trong đó có giống lúa siêu chịu mặn, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với thời tiết cực đoan...

Ứng dụng khoa học công nghệ viễn thám phục vụ cho dự báo thiên tai, hạn hán, bão lụt...; áp dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước có hiệu quả. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin trong xả lũ và điều tiết nước, cùng tuân thủ điều luật, thông lệ quốc tế với các nước có cùng chung nguồn nước ở sông Mê Kông. Huy động nguồn lực của thế giới, khu vực để hỗ trợ đầu tư vào hệ thống đê biển, trồng rừng ngập mặn và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các hậu quả của biến đổi khí hậu...

Mặt khác các địa phương cần xây dựng các lực lượng chuyên nghiệp trong phòng chống thiên tai, hạn hán, bão lũ, sống chung với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Đồng thời phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là nhiệm vụ hết sức cấp bách của cả khu vực. Hiện nay lực lượng lao động của Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10,5 triệu người (tính từ 15 tuổi trở lên), trong đó mới có 11% qua đào tạo, số còn lại có xu hướng dịch chuyển đến làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ...



Qua thực tế hạn hán xâm nhập mặn lũ lụt sạt lở đất ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã cho thấy liên kết vùng để phát triển là một yêu cầu tất yếu, là yếu tố sống còn của cả khu vực để sống chung với biến đổi khí hậu, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của cư dân trên từng địa bàn. Muốn tồn tại và phát triển không có con đường nào khác phải phát huy nội lực của chính mình; phải liên kết vùng chặt chẽ để tạo ra sức mạnh cùng nhau sử dụng nguồn tài nguyên, nguồn nước, nguồn nhân lực, tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cùng nhau giải quyết kịp thời những bất cập của thảm họa thiên tai... để Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa, vựa cá, vựa rau quả của Việt Nam, góp phần an ninh lương thực cho thế giới./.


 

TS. Hồ Văn Hoành

Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển

nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam

Bài đã đăng : tuyengiao.vn

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển