Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 6-1947, Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền họp tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và chọn ngày 27-7 là Ngày “Thương binh toàn quốc”. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 8-5-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 223/CT-TW, quyết định lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh-Liệt sĩ của cả nước.

Sinh thời, vào dịp 27-7, Bác Hồ đều gửi thư, gửi quà thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng. Bác thường căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

Ghi sâu lời Bác, trọn nghĩa tri ân
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở trại điều dưỡng Bắc Ninh. Ảnh tư liệu.

Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm chăm lo đến NCC; dành cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ những tình cảm, trách nhiệm tri ân cao nhất. Theo đó, phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng phát triển sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm tổ chức hành quân về nguồn, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NCC, người nghèo. Việc xác minh, hoàn thiện hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách đối với NCC được thực hiện đầy đủ, ít xảy ra sai sót, tồn đọng; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm liệt sĩ thường xuyên được các cấp ủy đảng, chính quyền, quần chúng nhân dân chăm lo... Thông qua hoạt động tri ân thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của mọi người dân Việt Nam đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và NCC cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. 

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách NCC ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, sâu rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Việc chỉ đạo xác lập hồ sơ xác nhận NCC, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sĩ diện tồn đọng ở một số nơi thực hiện chưa đúng quy trình, thiếu chặt chẽ; tiến độ xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ còn chậm...

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc NCC trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm NCC có mức sống trung bình trở lên”. Để đạt được mục tiêu này, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với NCC, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các chế độ, chính sách đối với NCC được chuyển tải đến tận cơ sở, đến từng người dân và đối tượng chính sách. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc NCC.

Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, lập nhiều chiến công hiển hách. Với tình nghĩa quân dân son sắt, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về thực hiện chính sách đối với NCC. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị toàn quân luôn đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân NCC thông qua các chương trình hoạt động, cách làm sáng tạo, thiết thực. Từ năm 2012 đến nay, toàn quân đã xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 473 tỷ đồng; xây tặng 8.757 nhà tình nghĩa; tặng 6.669 sổ tiết kiệm; tặng trang thiết bị cho các trung tâm điều dưỡng NCC, với số tiền hơn 84 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.867 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giải quyết việc làm cho 338 trường hợp là vợ, con liệt sĩ và con thương, bệnh binh... Thông qua các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với NCC, toàn quân tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân, tăng cường đoàn kết quân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội... góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong quân đội ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực.

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2020), các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở tổ chức tốt hoạt động tri ân các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình cảm sâu sắc, trách nhiệm cao, lòng biết ơn, sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.

 

Nguồn: qdnd.vn