Phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm
Đại hội đồng AIPA 42 diễn ra trong thời điểm đặc biệt, ASEAN đang đứng trước rất nhiều thách thức và khó khăn vô cùng lớn, đó là: Sự bùng nổ làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, tình hình phức tạp ở Biển Đông và Myanmar. Bối cảnh đặc biệt càng đòi hỏi AIPA đồng hành với ASEAN trong duy trì vai trò trung tâm trong ứng phó với các thách thức chung và xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí trước thềm Đại hội đồng AIPA 42, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, song song với kiểm soát đại dịch, ASEAN đang đẩy mạnh các biện pháp theo Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Trong đó, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới mô hình phát triển được xem là đòn bẩy để sớm khôi phục đà tăng trưởng bền vững của ASEAN. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, AIPA cần đồng hành, sát cánh với ASEAN thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến về: Quỹ ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, lập Quy trình chuẩn, ứng phó dịch bệnh, đặc biệt là việc triển khai Kế hoạch chung của ASEAN mua vaccine hỗ trợ người dân và thúc đẩy năng lực tự cường về vaccine ở khu vực; tiếp tục cùng các nước ASEAN tích cực phối hợp chặt chẽ, nâng cao khả năng chủ động ứng phó của từng quốc gia, hỗ trợ lẫn nhau từng bước đẩy lùi đại dịch.
Theo Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân, chủ đề của Đại hội đồng AIPA 42 thể hiện cam kết ủng hộ Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số của ASEAN cho đến năm 2025 (ADM2025) được Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất thông qua ngày 22.1.2021; đồng thời, phản ánh những ưu tiên xây dựng Cộng đồng ASEAN được thúc đẩy trong năm Chủ tịch ASEAN của Brunei với chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng”.
Nhằm thúc đẩy ADM 2025, các nước ASEAN cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành trong nhiều lĩnh vực, nhằm bảo đảm tính phù hợp và khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển khu vực thành khối kinh tế kỹ thuật số, đối phó với những thách thức xuyên biên giới, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh không gian mạng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia ở tầm khu vực. Tổng Thư ký AIPA nhấn mạnh, các nghị sĩ ASEAN có vai trò quan trọng trong sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số ASEAN nhằm đưa các nước thành viên vượt qua khó khăn, thử thách do dịch bệnh gây ra, trong đó có thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực thông qua các dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số.
Điểm đặc biệt của bối cảnh lần này là tình hình phức tạp tại Myanmar. Các nước thành viên ASEAN đã quyết tâm triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm của các nhà lãnh đạo, trong đó có việc cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN - Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei tới Myanmar. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng quyết định sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo, quản lý thiên tai của ASEAN. Lần đầu tiên kể từ khi Quy chế AIPA có thêm quy định về vấn đề bổ sung khẩn cấp, Đoàn Indonesia đã đề xuất bổ sung chủ đề hỗ trợ của nghị viện về tình hình Myanmar vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA - 42. Nội dung này đã được Ban Chấp hành thông qua và sẽ được thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Chính trị.
Quốc hội Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong AIPA
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn sẽ tham gia các hoạt động chính trong chương trình nghị sự Đại hội đồng AIPA 42, gồm: tham dự Lễ khai mạc, phiên toàn thể thứ nhất, họp Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA, họp các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức của AIPA, phiên họp toàn thể thứ hai, ký Thông cáo chung và Lễ bế mạc.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể lần thứ nhất, trong đó, nêu cao vai trò của hợp tác đa phương và sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN, khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và quan điểm của Việt Nam về hợp tác vaccine cũng như nêu những khuyến nghị nhằm tăng cường vai trò, chức năng của nghị viện nhằm thúc đẩy các Chính phủ ASEAN triển khai các chương trình, kế hoạch bảo đảm kỹ thuật số bao trùm.
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ gửi Thông điệp chào mừng Đại hội đồng AIPA 42, hoan nghênh quan hệ hợp tác nghị viện AIPA cũng như sự đồng hành và ủng hộ Chính phủ các nước thành viên ASEAN phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, phối hợp cùng Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN củng cố và duy trì môi trường hòa bình, an ninh; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thu hẹp khoảng cách và bất bình đẳng số trong ASEAN.
Tại cuộc họp của Ủy ban Chính trị AIPA, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 4 dự thảo nghị quyết, phát biểu một số nội dung về hợp tác an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu ở Việt Nam và trong ASEAN, thúc đẩy an ninh con người, thúc đẩy ngoại giao nghị viện và nêu một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA - ASEAN trong lĩnh vực này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, trước đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến an ninh con người, các nghị viện AIPA cần thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống dịch bệnh cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong đó, chia sẻ dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này cũng góp phần bảo đảm an ninh con người. Vì thế, Việt Nam dự định chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ công tác truy vết, quản lý giãn cách, quản lý tiêm chủng… Với dự thảo Nghị quyết Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia ý kiến, đề cao vai trò của các nghị viện trong nội luật hóa các cam kết quốc tế của các nước thành viên ở cả quy mô khu vực và toàn cầu; tăng cường giám sát thực hiện nghĩa vụ và cam kết trong các khuôn khổ điều ước quốc tế.
Tại Ủy ban Kinh tế, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo nghị quyết trong chương trình nghị sự; đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong thời kỳ Covid-19, chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển MSMEs, hỗ trợ số hóa đối với các doanh nghiệp này; hỗ trợ hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch trong ASEAN và một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA trong lĩnh vực này.
Tại Ủy ban Xã hội, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào 3 dự thảo nghị quyết về tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia và dự thảo Nghị quyết về vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn.
Tại Ủy ban Tổ chức, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung thảo luận tại phiên họp gồm các nội dung báo cáo tài chính, dự toán ngân sách của Ban Thư ký AIPA; hướng dẫn Quy trình thủ tục đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA; Quy chế tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA; cơ chế Đối thoại Nghị viện châu Âu - AIPA; sự đóng góp của Chủ tịch AIPA; trao giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA; sử dụng Quỹ đặc biệt để chi trả chi phí thuê trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA; hướng dẫn tổ chức đối thoại AIPA - ASEAN và kết nạp Quan sát viên của AIPA. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, việc thảo luận để thông qua Quy chế tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA là một bước cụ thể hóa sáng kiến của Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA 41 tổ chức tại Việt Nam năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các nghị sĩ trẻ trong các hoạt động của AIPA.
Tham gia cuộc họp của Nữ nghị sĩ AIPA, Đoàn Việt Nam sẽ đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết về thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sự tham gia có trách nhiệm, tích cực, chủ động của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA 42 nhằm thực hiện chiến lược đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng; đồng thời, tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt những nỗ lực chung để AIPA bổ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, trước mắt là vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. "Với tinh thần đồng thuận và nỗ lực chung, AIPA sẽ tiếp tục khẳng định và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hành động kịp thời, nhạy bén, chung tay ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và không ngừng tiến lên phía trước, vì hạnh phúc của Nhân dân các nước trong khu vực", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng.
Nhật An
Nguồn: daibieunhandan.vn