(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”, có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm. Vấn đề đặt ra là chúng ta tận dụng cơ hội này như thế nào?
|
Ảnh minh họa |
Thách thức lớn đối với nước ta hiện nay là còn khoảng 70% lao động chưa được đào tạo nghề và có khoảng 70% dân số ở nông thôn, nông dân hiện nay mới sử dụng 40% thời gian cho sản xuất nông nghiệp, còn lại 60% thời gian là nông nhàn.
Thu nhập thấp, thiếu việc làm, chất lượng sống và chất lượng dân số chưa cao, tốc độ già hóa nhanh, tuổi thọ bình quân của nam giới là 73 tuổi, nữ giới là 74 tuổi, chi phí an sinh xã hội lớn, người cao tuổi cả nước chiếm hơn 10% dân số. Lực lượng trẻ ở nông thôn ra thành phố tìm việc làm chủ yếu là lao động giản đơn. Giáo dục đào tạo đang còn yếu kém…. Để khắc phục những thách thức trên, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tập trung rà soát để bổ sung cho phù hợp với tình hình mới đối với nhóm chính sách có ý nghĩa quyết định để kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” đó là: Giáo dục đào tạo; lao động, việc làm, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; chính sách xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; chính sách về thị trường lao động và chuyển dịch lao động; dân số và y tế; chính sách an sinh xã hội;...
Hai là, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương khẩn trương triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo mà Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra. Theo đó, kết quả cuối cùng của đào tạo là mỗi người được đào tạo ở bất cứ môi trường nào đều phải có một nghề, có ngoại ngữ, có kỹ năng sống, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thị trường lao động trong nước và ngoài nước. Đồng thời có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, có chương trình và sách giáo khoa tiên tiến ở tất cả các cấp học.
Ba là, nước ta có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp, nên cần giải quyết việc làm cho nông dân trong thời gian nông nhàn, bao gồm đa dạng hóa các ngành nghề, dạy nghề tại chỗ theo phương châm cầm tay chỉ việc, phát triển kinh tế rừng, vườn đồi, thủy sản, chế biến nông sản, sản xuất thủ công mỹ nghệ…
Dân số nước ta là 90 triệu người, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 14 thế giới. Có hơn 60 triệu người đang ở độ tuổi lao động. Hằng năm sinh thêm gần 1 triệu người và có khoảng 1 triệu người bước vào tuổi lao động.
Nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, có nghĩa là cứ 2 người trong tuổi lao động (từ tuổi 15-64) chỉ phải nuôi 1 người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi).
|
Bốn là, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số ở nước ta diễn ra cùng một lúc nên Nhà nước cần có những chính sách nhằm tận dụng ở mức cao nhất đối với bộ phận dân số là người cao tuổi để tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với độ tuổi từ 55-75 còn có sức khỏe, đặc biệt đối với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, nghệ nhân, bác sỹ, những người sau khi nghỉ hưu vẫn còn khả năng lao động tham gia vào các lĩnh vực mà xã hội đang có nhu cầu để họ có thể tiếp tục đóng góp công sức phát triển kinh tế. Đồng thời chuẩn bị tốt nhất các chính sách an sinh xã hội cho dân số già trong tương lai không xa.
Năm là, có biện pháp thiết thực để biến cả nước thành một xã hội học tập. Mục đích xã hội học tập là phải nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra việc làm có thu nhập cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ ở nông thôn, xã, phường. Xây dựng được những mô hình xã hội học tập phù hợp cho từng đối tượng như người cao tuổi, công nhân, nông dân sản xuất nông nghiệp, thanh niên, phụ nữ, cán bộ, nhân viên, lãnh đạo các cấp... Xác định được đầu ra của các mô hình đó là mọi người đều có việc làm, xóa đói giảm nghèo và xây dựng thành công nông thôn mới...
Sáu là, phải xây dựng chế độ học tập suốt đời, đòi hỏi mọi công nhân, viên chức, người lao động đảm bảo sẽ nhận được các nguồn thông tin liên quan đến việc tham gia học tập, huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tìm kiếm sự hỗ trợ thiết thực từ việc làm ổn định thông qua các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm nghề nghiệp…
Cơ hội dân số “vàng” ở nước ta chỉ phát huy tác dụng khi có nguồn nhân lực “vàng”. Không chỉ đòi hỏi những người trẻ trong độ tuổi lao động khỏe về thể chất, tinh thần, mạnh về trí lực mà còn bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo, công nhân, nông dân, những người cao tuổi ở các vùng miền của tổ quốc đều phải không ngừng học tập, học tập suốt đời, cả nước phải trở thành xã hội học tập. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, kéo dài thời kỳ dân số “vàng”, phát huy nguồn lực của 90 triệu người dân Việt Nam.
TS. Hồ Văn Hoành
(Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học Phát triển
nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam)
Theo www.chinhphu.vn