Đường lớn đã mở! Cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ hướng tới một tương lai hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn từ bản hiệp định được kỳ vọng rất lớn này.
"Đường cao tốc quy mô lớn"
Được ví như “đường cao tốc quy mô lớn” kết nối giữa nền kinh tế Việt Nam và EU, EVFTA được cả Việt Nam và EU kỳ vọng rất nhiều. Đó không chỉ là sự kỳ vọng về những ích lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư, mà còn là sự kỳ vọng về sự hợp tác phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương. Bởi thế, hai bên đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết vào hiệp định này.
Tháng 10-2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán EVFTA. Từ đó đến nay, trải qua 10 năm, hai bên đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện hiệp định. Đã có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, nhất là rào cản từ sự phản ứng của những lực lượng chưa hiểu hết về tình hình thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, bằng sự chân thành, cởi mở, thiện chí, hai bên đã bền bỉ vượt qua tất cả.
Cũng phải nói thêm rằng, để có được một EVFTA như ngày hôm nay, không chỉ nhờ công sức của các đoàn đàm phán EVFTA các cấp của Việt Nam và EU, mà còn nhờ sức mạnh tổng hợp từ tất cả các kênh quan hệ, hợp tác giữa hai bên, bao gồm các kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước, nghị viện và nhân dân. Thông qua các kênh ngoại giao này, hai bên đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến EVFTA một cách toàn diện, sâu sắc, giúp hai bên hiểu nhau hơn và cùng thúc đẩy tiến trình hoàn thiện EVFTA nhanh chóng hơn.
|
Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cảng Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng. Ảnh: ĐỨC QUANG
|
Trong ngoại giao nhân dân, những tiếng nói mạnh mẽ, tích cực từ các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hai bên đã góp phần rất tích cực thúc đẩy hoàn thiện tiến trình pháp lý để EVFTA sớm có hiệu lực. Ngay khi Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn EVFTA, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ra thông cáo báo chí về sự kiện này, trong đó dẫn lời của Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier: “EuroCham là một trong những tổ chức ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Hiệp định EVFTA ngay từ khi các cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra. Thỏa thuận này thể hiện lợi ích đôi bên cùng có lợi thực sự, không chỉ dành cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam; mà còn cho công dân của cả hai phía”.
Cùng hướng tới tương lai
Theo các nội dung cơ bản của EVFTA, ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Như vậy, EVFTA sẽ thúc đẩy gia tăng mạnh mẽ hơn kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU. Hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội cao hơn để chinh phục thị trường châu Âu đầy tiềm năng nhưng cũng rất khó tính, giải quyết rất nhiều thách thức về đầu ra cho hàng hóa Việt Nam. Ngược lại, hàng hóa châu Âu cũng có cơ hội xâm nhập thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, giảm giá bán hàng hóa để tiêu thụ được nhiều hàng hơn. Đồng thời, các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ của châu Âu cũng sẽ tiến sâu hơn vào thị trường ASEAN rộng lớn thông qua Việt Nam.
Với những thuận lợi mà EVFTA mang lại, các nhà đầu tư từ châu Âu cũng sẽ thu được nhiều lợi ích hơn khi đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ được đón dòng vốn đầu tư từ EU nhiều hơn.
“Hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và EU phần lớn là hàng hóa bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh đối kháng. Do vậy, đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam xây dựng và phát triển những ngành hàng là thế mạnh nội tại của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hải sản, dệt may, giày da, chế biến đồ gỗ theo hướng tạo chuỗi cung ứng khép kín trong cả nước”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường nói.
Bắt đầu cuộc đua, chưa bắt đầu bữa tiệc
Tuy cơ hội mang lại rất nhiều, nhưng thách thức mà EVFTA mang lại cũng không ít. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta mới bắt đầu cuộc đua chứ chưa bắt đầu bữa tiệc.
Đúng là chúng ta đang bắt đầu một cuộc đua lớn. Tất nhiên, phần lớn hàng hóa của hai bên có tính bổ sung, nhưng cũng có những mặt hàng sẽ có tính cạnh tranh mạnh mẽ, cả trực tiếp và gián tiếp. Chẳng hạn, khi trái cây nhập khẩu châu Âu có giá rẻ hơn, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiêu dùng nhiều hơn, từ đó giảm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng trái cây khác. Vì vậy, dù trái cây nhập khẩu từ châu Âu chủ yếu là táo, nho, những mặt hàng Việt Nam không sản xuất được hoặc sản xuất được rất ít theo mùa vụ (nho Ninh Thuận), nhưng cũng vẫn tạo ra sự cạnh tranh gián tiếp với các mặt hàng hoa quả khác của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu nhiều thách thức về rào cản kỹ thuật; cạnh tranh hàng hóa; các biện pháp phòng vệ thương mại; cạnh tranh nguồn lao động; sự thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng xuất nhập khẩu hàng hóa với EU; nguồn vốn dành cho sản xuất, kinh doanh. Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thì nhấn mạnh, EVFTA có hiệu lực mới chỉ là sự “thông xe cho đường cao tốc”. Muốn thực hiện hiệp định có hiệu quả thì cần “thiết kế những đường gom, lối mở để doanh nghiệp có thể lên đường cao tốc, đó chính là những luật, nghị định, thông tư để nội luật hóa cam kết hoặc hướng dẫn cách thức thực hiện cam kết cho doanh nghiệp”.
Đường cao tốc mở ra không phải phục vụ cho mọi loại phương tiện giao thông, mà chỉ những phương tiện đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới có thể tham gia giao thông trên đó. Bởi thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của thị trường EU.
“Đường lớn đã mở/ Đi tới tương lai/ Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, ca từ đầy hình ảnh trong bài “Hát về cây lúa hôm nay” của nhạc sĩ Hoàng Vân có vẻ rất thích hợp với sự kiện lớn Việt Nam và EU hoàn thiện tiến trình pháp lý để EVFTA có hiệu lực. “Đường cao tốc quy mô lớn” nối liền Việt Nam và EU đã mở ra để cả người dân, doanh nghiệp hai bên cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn. EVFTA được hai bên dốc lòng, dốc sức xây dựng sẽ là sự bắt đầu không thể tốt hơn cho một tiến trình mới, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn trong quan hệ giữa Việt Nam và EU. Hy vọng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội để chinh phục thị trường châu Âu.
CHIẾN THẮNG
Nguồn: qdnd.vn